Friday, September 17, 2010

GIỚI TRẺ VIỆT NAM ĐI VÀO CHÍNH TRƯỜNG MỸ

Giới trẻ VN đi vào chính trường Mỹ
Trần Phong Vũ

17-09-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7787

.

Cuộc Bầu Cử Giữa Nhiệm Kỳ TT 02-11-2010: cơ may cho giới trẻ VN đi vào chính trường Mỹ

I. Ba mươi lăm năm, một thoáng nhìn lại

Thoắt chốc, đã hơn 35 năm kể từ cái ngày oan khốc 30-04-1975. Lần lượt, kẻ trước người sau, khoảng 4 triệu đồng bào (1) đã bị đẩy ra khỏi quê hương Việt Nam, tán lạc khắp bốn phương trời hải ngoại. Chưa kể hàng trăm ngàn bà con đã bỏ thây trong rừng già Thái Lan, Căm Bốt hoặc trở thành nạn nhân của hải tặc hay làm mồi cho cá biển giữa lòng đại dương. (Vì không thuộc phạm vi bài viết này, chúng tôi không nói tới tình cảnh bi đát của cả triệu quân dân cán chính miền Nam và đại khối dân tộc sau ngày Sàigòn đổi chủ.)

Trong một bài viết nhiều năm trước nói về khía cạnh “màu hồng” trong cuộc tị nạn 75, giáo sư Sử Học Phạm Cao Dương đã nhấn mạnh tới những thành công vượt bực của người Việt qua các lãnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ và đặc biệt giới trẻ trong phạm trù học vấn. Đấy là một sự thật hiển nhiên không cần tranh cãi. Qua báo chí và các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta thấy người Việt ở khắp nơi, từ Âu châu, Úc châu qua Mỹ châu đã ghi được những thành tích sáng chói trong hầu hết các ngành nghề khác nhau, đã đóng góp tích cực vào sự phồn thịnh nơi các quốc gia họ đang sinh sống. Riêng giới trẻ cũng đã tỏ ra xuất sắc ở mọi cấp, từ tiểu học, trung học cho tới những trường đại học danh tiếng, kể cả các trường đào tạo những cấp chỉ huy ưu tú cho các quân binh chủng trong quân lực của các quốc gia tiên tiến.

Trên bình diện quốc tế, người ta nói tới trường hợp một trí thức gốc Việt hiện đang nắm giữ chức vụ Tổng Trưởng Y Tế trong chính quyền liên bang Đức và một phụ nữ Việt tị nạn khác hiện là Dân Biểu trong Quốc Hội Canada (*).

Trong bài này, người viết muốn nói tới những cơ may đang mở ra cho giới trẻ Việt Nam bước vào chính trường Hoa Kỳ nhân mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng Thống ngày 02-11-2010.

II. Cộng đồng Việt Nam tại Mỹ

Theo ước tính, hiện có khoảng trên hai triệu người Việt tị nạn định cư tại Mỹ. So với những sắc dân gốc Phi Châu, Latinô, con số này quả thật không đáng kể. Nhưng nếu so với các sắc dân Châu Á (gồm Trung Hoa, Thái, Lào, Căm Bốt, Phi Luật Tân có lối 4 triệu 4), kể cả Do Thái (2), thì con số người Việt ở Mỹ không phải là quá nhỏ. Thế mà cho đến nay, tổng số 4 triệu 400 ngàn các sắc dân Á Châu khác cư ngự ở Hoa Kỳ chiếm được 8 ghế Dân Biểu và riêng Việt Nam mới chỉ có một mình Dân Biểu Cao Quang Ánh tại Hạ Viện liên bang. Trong khi ấy, số DB của người gốc Phi Châu là 42, Do Thái: 31 và Latinô: 27.

Đây là những con số đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Để những người trẻ Việt Nam có thể chen chân vào các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của Mỹ, cho dẫu chỉ ở cấp thấp nhất là thành phố, điều kiện ắt có và đủ là phải có một số cử tri nòng cốt dồn phiếu bầu cho họ trong các cuộc đầu phiếu định kỳ. Điều này chúng ta không thể chờ đợi ở người địa phương, ít nữa là trong bước đầu. Do đó cần có những cộng đồng người Việt sinh sống gần gũi, thân cận, gắn bó với nhau, luôn ghi tâm khắc cốt là khác với những khối người nhập cư trước, chúng ta đến xứ này với tư cách là những người tị nạn chính trị

Trước khi có được những địa phương quy tụ đông đảo người Việt như ngày nay, điển hình như hai miền nam bắc California (quận Cam và vùng Thung Lũng Hoa Vàng); Houston, Dallas thuộc bang Texas, ngay từ những ngày đầu của cao trào tị nạn, người Việt được chuyển đi sinh sống rải rác khắp nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ban đầu người viết những giòng này nghĩ đấy là chuyện ngẫu nhiên. Nhưng sau này, nhớ lại những kinh nghiệm bản thân trong những ngày chân ướt chân ráo tới xứ sở này phối hợp với sự kiện: tiếp theo những cuộc kiểm tra dân số định kỳ 10 năm, nhà cầm quyền lại tái phân ranh giới các đơn vị bầu cử (từ thị xã, tới tiểu bang, liên bang), chúng tôi không khỏi đặt nghi vấn về một chủ trương chia mỏng bà con tị nạn đi khắp các tiểu bang ngay từ những ngày đầu chúng ta vừa bước vào lục địa HK. Người viết không nhắc tới sự kiện này để chê bai hay trách cứ. Vì những lợi ích hoặc những tính toán theo cách nhìn chủ quan của những người cầm cân nảy mực ở Hoa Thịnh Đốn, họ có quyền làm như vậy. Còn nhớ trong thời gian sống tạm trong các doanh trại ở đảo Guam cũng như mấy tháng sau được chuyển vào nội địa Hoa Kỳ, tạm cự trong Indiantown Gap ở Pennsylvania, khi trả lời các đợt phỏng vấn, gia đình chúng tôi đều mong muốn được đi định cư ở California. Nhưng cuối cùng đã phải miễn cưỡng nhận về sống ở bang Missouri.

Cũng may, Hoa Kỳ là một quốc gia tôn trọng tự do, trong đó có quyền tự do chọn lựa nơi cư trú. Nhờ thế, sau những năm đầu sống chen lẫn, chung đụng với người bản xứ, dần dà bà con ta sinh sống tại những vùng xa xôi hẻo lánh, vì nhu cầu sinh kế hoặc vì nhu cầu tình cảm muốn gần gũi thân nhân, bằng hữu, đã tự động tìm về bên nhau để tạo nên những cộng đồng chặt chẽ, đông đặc, sầm uất, phồn thịnh như hiện nay. Theo chân bà con, sau ba năm sống ở miền Trung Tây nước Mỹ, cuối năm 1978, gia đình chúng tôi đã dọn về định cư hẳn ở Nam California.

Dù không thể xâm phạm quyền tư do chọn lựa chỗ ở, nhưng nhà cầm quyền vẫn có những định chế luật pháp riêng để xé lẻ tập thể cử tri thiểu số, trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt khi họ tập trung quá đông tại một thành phố, một quận hạt nào đó. Mục tiêu sâu xa nhằm giới hạn cơ may của các sắc dân này muốn chen chân vào sinh hoạt giòng chính. Nhìn vào những nơi quy tụ đông đảo người Việt ta thấy: sau những dợt kiểm tra dân số theo chu kỳ 10 năm, người ta lại tìm cách phân định lại ranh giới các đơn vị bầu cử nhằm hạ thấp tỉ lệ cử tri gốc Việt trong các đơn vị bầu cử. Cho đến nay vì sự hiện diện của người Mỹ gốc Việt trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của Hoa Kỳ còn quá khiêm tốn nên hầu như chúng ta đã không có tiếng nói trong những quyết định phân chia ranh giới này. (3) Dĩ nhiên đây là một thiệt thòi lớn cho chúng ta.


III. Đâu là cơ may trong cuộc bầu cử ngày 02-11-2010?

Sau 35 năm sống tại Mỹ, tập thể người Việt Nam chúng ta đã thu gom được khá nhiều kinh nghiệm quý báu trong các cuộc bầu cử tại xứ sở này. Do thói quen lâu đời, phần đông dân địa phương thường ít quan tâm tới những cuộc bầu cử, nói chung, đặc biệt là những cuộc bầu cử diễn ra vào giữa nhiệm kỳ Tổng Thống. Vì thế, con số cử tri người da trắng và những sắc dân đến trước chúng ta (như người da đen, người Mễ Tây Cơ), bỏ công tới các phòng phiếu để thi hành nghĩa vụ công dân thường rất thấp so với những cuộc bầu cử để chọn người lãnh đạo tối cao của đất nước được tổ chức bốn năm một lần vốn cũng đã không cao.

Sự kiện này nếu là một thiệt thòi lớn đối với những ứng cử viên người địa phương, bao gồm các sắc dân có mặt tại đất nước này trước chúng ta, thì nó lại tạo nên những cơ may cho những ứng cử viên Mỹ gốc Việt. Giản dị vì tuyệt đại đa số người Việt Nam chúng ta vốn rất nhiệt thành và chăm chỉ trong việc sử dụng quyền công dân trong các cuộc bầu cử, dù là những cuộc bầu cử sơ bộ chọn người đại diện cho đảng hay các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng Thống. Đây là thứ “võ khí” tốt nhất, hữu hiệu nhất cho những nhóm cử tri thiểu số, giúp nâng cao tỉ lệ số phiếu bầu cho người đại diện của mình.

Đấy là cơ may thứ nhất, cơ may đương nhiên trong những cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ TT.

Riêng cuộc bầu cử ngày 02-11 tới đây, những ứng cử viên gốc Việt quyết định chen chân vào guồng máy chính trị Hoa Kỳ trong mọi cấp, còn thủ đắc thêm những cơ may khác.

* Tâm lý xét lại của cử trị Mỹ Quần chúng Mỹ,
nói chung, thường có thói quen không muốn thấy một đảng thủ đắc quá nhiều quyền hạn trong guồng máy chính trị, đặc biệt nơi những cơ cấu quyền lực tối cao ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Đây quả là một nét tiến bộ được coi là đặc thù trong sinh hoạt chính trị của người dân Hiệp Chủng Quốc.

Như mọi người đã biết, cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2008 đã đem lại cho đảng Dân Chủ những thắng lợi to lớn. Trước hết họ đã lập được kỳ tích là đưa vào Bạch Cung một Tổng Thống đầu tiên gốc Phi Châu. Thứ đến là tạo được một đa số áp đảo tại cả hai viện Quốc Hội. Trong điều kiện bình thường, sự kiện này đã tạo nên tâm lý cần xét lại của đa số cử tri Hoa Kỳ. Huống chi cơ cấu chính quyền mới trong cả hai bộ phận hành pháp và lập pháp họ vừa góp phần xây dựng lại đang nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng.

* Những bất cập của chính quyền Barack Obama và lưỡng viện Quốc Hội do đảng Dân Chủ chiếm đa số Trong những tháng gần đây, hầu hết các cuộc
thăm dò mức tín nhiệm của quần chúng do các tờ báo lớn và các tổ hợp uy tín thực hiện đều đưa ra những con số không mấy khích lệ cho đảng Dân Chủ. Từ tỷ lệ trên 60% trong những tháng đầu, số người còn đặt tin tưởng vào tài điều hành việc nước của TT Obama đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 40%. Đây là con số quá thấp dành cho vị nguyên thủ quốc gia trong vài năm đầu nhiệm kỳ thứ nhất. Trong khi ấy hy vọng tái đắc cử của các Thống Đốc cùng các Dân Biểu, Thượng Nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ trong cuộc đầu phiếu ngày 02-11 tới đây cũng hết sức mong manh.

Chiếc ghế tại Thượng Viện do cố Thượng Nghị Sĩ Kennedy nắm giữ trong mấy chục năm liên tiếp bị rớt vào tay TNS Scott Brown thuộc đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử bổ túc tại bang Massachusetts là một chỉ dấu đầu tiên báo trước sự thất thế khó tránh của đảng Dân Chủ trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng Thống tới đây. Để có thêm bằng chứng, chỉ cần quan sát những pha ngoạn mục trong cuộc tranh chức Thống Đốc bang California giữa nguyên Thống Đốc Jerry Brown thuộc đảng Dân Chủ và bà Meg Whitman, ứng viên Cộng Hòa và những cuộc thăm dò với kết quả sát nút liên tiếp mấy tháng qua trong cuộc tranh giành chiếc ghế Nghị Sĩ liên bang giữa bà Barbara Baxer, con gà nòi của đảng đương quyền và nữ ứng viên Carly Fiorina của Đảng Cộng Hòa là đủ rõ. Điều cần nhớ là hai tiểu bang MassachusettsCalifornia từ bao nhiêu thập niên qua lúc nào cũng là cứ địa, là quê hương của Đảng Dân Chủ.

Căn do nào đưa tới những hiện tượng thay bậc đổi ngôi ấy? Trước hết vì sau niềm vui đưa được một nhân vật gốc da đen vào Tòa Nhà Trắng với hi vọng về một cuộc đổi thay toàn diện như lời hứa hẹn của ông Obama, tuyệt đại đa số cử tri Dân Chủ và một phần cử tri Cộng Hòa đã thất vọng ê chế trước tình trạng ì ạch về kinh tế trong khi tỷ lệ số người thất nghiệp tăng lên tới con số 11%, vốn là hai lãnh vực quan tâm hàng đầu của dân Mỹ. Ngoài ra mối hoài nghi về nguồn gốc Hồi giáo và chủ trương nghiêng về xã hội chủ nghĩa của ông Obama cũng là những vấn nạn đang đè nặng tâm trí người dân Hiệp Chủng Quốc hiện nay.


IV. Trường hợp Dân Biểu Cao Quang Ánh

Sự thắng cử với tỷ lệ khít khao (4) của Dân Biểu gốc Việt Joseph Cao Quang Ánh tại Lousianna ngót hai năm trước là một bất ngờ không những cho mọi người mà ngay cả cho chính đương sự. Hai món quà từ trời rơi xuống giúp ông Ánh bước vào Hạ Viện Mỹ trong nhiệm kỳ đầu: (i) việc phanh phui đúng lúc hành vi tham nhũng của đối thủ ông là William Jefferson vốn là một Dân Biểu kỳ cựu gốc da đen của đảng Dân Chủ, người từng giữ 9 nhiệm kỳ liên tiếp tại Hạ Viện Mỹ; (ii) trận bão bất ngờ xảy ra ở địa phương khiến cuộc bầu cử phải dời lại mấy tuần sau, giữa lúc đa số cử tri còn tán lạc khắp nơi.

Trong điều kiện ấy, ngay những ngày đầu sau khi dắc cử, dư luận đã cho rằng ông Joseph Cao sẽ khó thoát khỏi thân phận của một Dân Biểu một nhiệm kỳ! Trước hết vì 70% cử tri tại đơn vị này thuộc đảng Dân Chủ, chỉ có khoảng 30% ghi danh đảng Cộng Hòa và thứ đến là số cử tri gốc Việt tại đơn vị này quá ít, coi như không đáng kể.

Nhưng, qua những cuộc thăm dò gần đây, có nhiều khả năng cho thấy một lần nữa phép lạ lại đến với Dân Biểu họ Cao. Được biết, cuộc thăm dò do công ty Market Research Insight thực hiện đầu tháng 6 vừa qua đã đưa tới một kết quả khiến nhiều người kinh ngạc: DB Ánh đã dẫn trước ứng viên sáng giá nhất trong 4 ứng viên của đảng Dân Chủ là ông Cedric Richmond (DB tiểu bang) với một tỷ lệ rất cao là 25 điểm . Kết quả thăm dò cũng cho thấy DB Cao Quang Ánh được 54% cử tri trong hạt tín nhiệm về cung cách phục vụ trong khi chỉ có 9% không hài lòng.

Trường hợp Dân Biểu Joseph Cao Quang Ánh giúp chúng ta rút ra được nhiều bài học quý giá, thúc đẩy những người trẻ mạnh dạn hơn trong quyết định dấn thân vào sinh hoạt chính trị nước Mỹ. Thứ nhất là tinh thần khoáng đạt, không kỳ thị, không quá lệ thuộc vào đảng tính của cử tri địa phương, Thứ hai, sự kiện này cũng góp phần củng cố thêm cho nhận định về khuynh hướng xét lại của đa số cử tri trong cuộc bầu cử ngày 02-11-2010. Thứ ba, nó chứng tỏ sự hữu hiệu và tính thực tiễn của các nhà lập quốc Hoa Kỳ khi ấn định nhiệm kỳ Dân Biểu chỉ có hai năm để cột chặt họ với cử tri. Điều này có nghĩa là sau khi đắc cử, người Dân Biểu bắt buộc phải gắn bó mật thiết với khối cử tri đã tín nhiệm mình, nếu không muốn sau hai năm bị họ cho về vườn không thương tiếc.

V. Cử tri gốc Việt nghĩ gì và phải làm gì?

* Không lãng quên căn cước tị nạn chính trị Ngoại trừ người Do Thái, các sắc dân Phi
Châu, Latinô và đa số dân Châu Á đều đến lập cư trên xứ sở này vì lý do kinh tế, vì nhu cầu thăng tiến bản thân. Họ trở thành công dân Mỹ nhưng vẫn còn có một nơi chốn để yên ổn đi về và có thể còn hãnh diện về đất nước và quê hương của họ. Riêng mấy triệu người Việt chúng ta thì khác hẳn. Nếu dân Do Thái vì mối hiềm khích lâu đời với khối Ả Rập phải phân tán đi khắp các phương trời để tìm kế sống, lo chuyện phục quốc thì tháng tư năm 1975, tập đoàn cộng sản đã cướp trắng miền nam Việt Nam, xô đẩy chúng ta phải liều chết tìm đường vượt biên, vượt biển đi tìm tự do. Hoa Kỳ và thế giới tự do đã mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận chúng ta với tư cách những người tị nạn chính trị.

Đấy là một sự thật không ai có thể phủ nhận. Những nỗ lực không ngừng trong việc xây đắp những cộng đồng Việt Nam vững mạnh tại Hoa Kỳ, tại Âu châu và Úc châu hiện nay cùng với tấm lòng thiết tha, gắn bó luôn hướng vọng về quê hương, tiếp trợ những cao trào đấu tranh cho dân chủ, tự do nhằm giải thể chế độ độc tài độc đảng cộng sản, tự nó đã là một bằng chứng xác định căn cước tị nạn của tập thể người việt ở hải ngoại.

* Dấn thân vào giòng chính: phương cách tốt nhất để cứu nước và xây dựng cộng đồng Sự thành công vượt bực về phương diện kinh tế, cung cấp
dịch vụ, đặc biệt trong lãnh vực học vấn của tập thể Việt tại Mỹ quả là một niềm hãnh diện chung cho chúng ta. Nhưng nếu muốn cho sự thành công ấy tiến xa và tiến vững chắc hơn, chúng ta phải đi theo con đường người Do Thái đã đi. Đó là bằng mọi giá, cộng đồng Việt tại đây cần thúc đẩy và tạo phương thế cho những người trẻ trí thức, con em chúng ta đi vào giòng chính của xứ sớ này: mạnh dạn ứng cử vào các cơ quan lập pháp từ địa phương tới trung ương cũng như tham gia vào guồng máy hành chánh các cấp. Ý thức được điều này, trong vòng vài thập niên trở lại đây, con số những những người trẻ Việt Nam có mặt trong các Hội Đồng tỉnh thị đã lên tới con số chục. Ngoài ra cũng đã có hai đại diện trong cơ quan lập pháp cấp tiểu bang và một tại Hạ Viện liên bang. Chúng tôi muốn nói tới ông Hubert Võ, DB tiểu bang Texsas, luật sư Trần thái Văn, DB tiểu bang California và DB Hạ Viện liên bang Hoa Kỳ Cao Quang Ánh.

Chúng ta không thể phân bì với dân tộc Do thái với số dân chỉ khoảng hai lần hơn dân Việt ở Mỹ mà họ có tới 31 Dân Biểu Liên Bang chưa kể số TNS. Nhưng với dân số xấp xỉ trên hai triệu mà cho đến nay chúng ta mới chỉ có một DB Liên Bang thì quả thật còn quá thấp. Đối chiếu với dân số Hoa Kỳ, số người Việt chúng ta chiếm khoảng 1%. Tại Hạ Viện liên bang có 435 Dân Biểu. Như thế tính theo tỷ lệ chúng ta có quyền có 4 thành viên trong cơ cấu lập pháp này.

* Cần loại bỏ thái độ tự ti, vọng ngoại
Với thái độ tự ti, vọng ngoại, đã có luận cứ cho rằng người Việt Nam không có khả năng tranh thắng với người dân bản địa trong các chức vụ dân cử cấp liên bang. Do đó, chi bằng cử tri Việt nên dồn phiếu cho những ứng viên tuy khác chủng tộc nhưng đã có thành tích bênh đỡ cộng đồng chúng ta, nhất là tiếp tay chúng ta trong những nỗ lực giải thể chế độ cộng sản trên quê hương. Tuyệt đại đa số cử tri Việt Nam tỏ ra không tán thành thái độ tự ti mặc cảm và quan điểm sống loài tầm gửi, vọng ngoại này. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu lên vài điểm then chốt. Nếu người Do Thái, các sắc dân Phi châu và Latinô cũng nghĩ như thế thì liệu họ có được số đại diện lớn lao tại tòa nhà lập pháp Hoa Kỳ như hiện nay không? Một tà áo dài, một tấm khăn đóng chưa đủ để làm nên hình ảnh người mẹ hiền, người vợ đảm Việt Nam. Một vài hành vi tượng trưng, một vài câu tuyên bố môi mép bề ngoài chưa có khả năng đụng chạm tới lông chân kẻ thù ác hiểm trên quê hương khốn khổ của chúng ta. Cần xác tín: không ai thương người Việt Nam, đất nước Việt Nam bằng chính con em những thế hệ Việt Nam từng góp máu xương, ý chí và nghị lực xây đắp hai nền đệ nhất và đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa trước tháng tư năm 1975.

Cùng với Dân Biểu Cao Quang Ánh, nếu trong cuộc bầu cử ngày 02-11 tới đây, tập thể người Việt ở Mỹ có thêm được một Dân Biểu nữa tại Quốc Hội HK thì đấy quả là môt tin vui. Những cánh chim đầu đàn này sẽ mở đường cho thế hệ con em chúng ta hăng say và tin tưởng bước tới trong những cuộc bầu cử tương lai.

* Cần học nằm lòng bài học “xét lại” của cử tri bản xứ
Như trong một đoạn trước chúng tôi đã đề cập: kết quả cuộc thăm dò do công ty Market Research Insight thực hiện đầu tháng 6 vừa qua cho hay DB Cao Quang Ánh đang dẫn trước ứng viên của đảng Dân Chủ là ông Cedric Richmond (DB tiểu bang) 25 điểm. Được biết 70% cử tri tại đơn vị 2 bang Lousianna thuộc đảng Dân Chủ, trong khi danh số cử tri đảng Cộng Hòa chỉ có 30%, thế mà kết quả cuộc thăm dò trên đây cho biết DB Cao đạt được 51% so với đối thủ chỉ thu được 26%. Điều này chỉ có thể lý giải là một tỷ lệ rất đông cử tri thuộc đảng Dân Chủ đã manh nha ý tưởng “xét lại” để sẽ dồn phiếu cho DB Cao trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ TT năm nay. Đây là một bài học quý, đáng cho cử tri gốc Việt suy nghĩ để đem ra thực hành.

“Góp gió thành bão”, “Hợp quần gây sức mạnh” và “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nếu tất cả mọi người chúng ta, trăm người như một, biết mạnh dạn tháo gỡ mọi tư hiềm, tư kiến, một lòng nghĩ tới lý tưởng quốc gia, dân tộc và tương lai cộng đồng thì lo gì chúng ta không làm nên đại sự.

Cùng với bài học “xét lại”, cử tri Mỹ gốc Việt cần nhắc nhở nhau tham gia thật đông đủ trong cuộc bầu cử ngày 01-11. Những bà con vì lý do sức khoẻ, tuổi tác hoặc bận công việc làm ăn không thể đến phòng phiếu trong ngày bầu cử đừng quên điền mẫu bỏ phiếu khiếm diện theo đúng luật pháp và lịch trình đã định.

Có thể xác quyết mà không sợ sai lầm rằng: quyết tâm của bà con chúng ta bằng cách đi bầu thật đông để dồn lá phiếu cho ứng cử viên mình yêu mến chính là vũ khí tuyệt vời giúp cho những cộng đồng thiểu số dành được ưu thế trong mọi cuộc bầu cử.
Một cơ may bằng vàng, có thể nói là cơ may “ngàn năm một thuở” đang chờ đợi cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong ngày 02-11-2010.

Nam California ngày 08-9-2010

© DCVOnline

------------------------

DCVOnline: (*) Philipp Rösler sinh tại Khánh Hưng, Ba Xuyên được một gia đình người Đức nhận làm con nuôi từ một cô nhi viện ở Sài Gòn khi ông còn là trẻ thơ chưa đầy 1 tuổi. Sang Đức từ khi mới 9 tháng. Ngày sinh chính thức không rõ nhưng trên giấy tờ ghi Philipp Rösler sinh ngày 24/2/1973. Ève-Mary Thai Thi Lac, sinh năm 1972 được một gia đình nông gia Quebec nhận làm con nuôi năm hai tuổi. Bà Ève-Mary là dân biểu gốc Việt duy nhất tại Quốc hội Canada. Đắc cử từ 2007, bà Thái Thị Lạc trở thành dân biểu dù đã bị kỳ thị khi mới tranh cử, nhưng đã thuyết phục được cử tri mình là người nông dân địa phương và là ứng cử viên duy nhất biết thiến heo. Dân biểu Ève-Mary Thai Thi Lac Không phải là người Việt tị nạn.

Chú thích của tác giả
: (1) Cho đến này, chưa có một thống kê chính xác về số người Việt bỏ nước ra đi sau ngày 30-04-1975. Vì thế đây chỉ là con số phỏng đoán.
(2) Có tài liệu cho biết dân Do Thái sinh sống tại Mỹ là 2 triệu 800 ngàn. Nhưng cũng có tài liệu cho biết số người Do Thái định cư tại đây đông gấp đôi tức khoảng trên dưới 6 triệu (?)
(3) Chỉ cần nhìn vào sự thay đổi trong các lằn ranh phân chia khu vực các đơn vị bầu cử trong mọi cấp độ ở vùng Little Sàigòn, nam California và khu vực San Jose, bắc tiểu bang này là đủ rõ.
(4) Ông Cao giành được 49,6% trong khi ông William Jefferson (DC) người liên tiếp phục vụ tại Hạ Viện liên bang trong 9 nhiệm kỳ giành được 46,8%, tức là chỉ hơn kém nhau không đầy 3%, (5) Kết quả thăm dò cho biết, DB Ánh được 51% trong khi đối thủ của ông chỉ đạt được 26%, trong số này, tỉ lệ cử tri da trắng là: 67%/13% và cử tri da đen là 39%/37%.

.

.

.

No comments: