Wednesday, September 22, 2010

CHUYỆN HÀ SĨ PHU và MẤY CON ĐINH VÍT

Chuyện Hà Sĩ Phu & mấy con đinh vít

Tưởng Năng Tiến

23/09/2010 5:43 sáng

http://www.talawas.org/?p=24366

.

Ngay khi còn trẻ, Bùi Minh Quốc đã viết nhiều câu thơ nổi tiếng:

Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.

Lúc về già, ông (ngang xương) chuyển… hướng:

Tuổi sáu mươi khi nghĩa đời đã thấy
Thì gian nan biết mấy cũng lên phường.

Khi thì ông đi một mình. Lúc thì đi chung với một người bạn đồng hành, đồng tuế, và đồng cảnh: ông Nguyễn Xuân Tụ – bút danh Hà Sĩ Phu.

Vốn hảo rượu nên ra khỏi phường là Bùi Minh Quốc (thường) tắp ngay vào quán – nếu có tiền – ngồi uống vài ly, nghe thiên hạ thi nhau bốc phét để quên hèn.”

.

Nguyễn Xuân Tụ thì khác. Thằng chả không chịu nhậu, cũng không thiết mần thơ (nghe đâu, hình như, là một người thích mần khoa học) nên sau khi ở phường về, nhân vật này cũng luôn luôn tẩn mẩn ghi chép nội dung và số lần phải đi hỏi cung hay thẩm vấn. Theo Thư viện Hà Sĩ Phu, vừa được “giải mã độc” ngày 20 tháng 9 năm 2010, số lần đương sự bị triệu tập (tổng cộng) đã lên đến… bốn trăm!

Ý Trời, sao mà cứ lên phường hoài vậy – cha nội?

.

Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, một người bạn (thiết) của cả hai ông mà tôi đã có dịp cụng ly ở California, cho biết câu chuyện trên phường – đôi lúc – chỉ xoay quanh bài tiểu luận “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ” – được phổ biến (chui) từ tháng Hai năm 1993. Các anh công an dùng hết thời gian, cũng như tâm huyết, để khuyên răn ông Hà Sĩ Phu cứ yên tâm tiếp tục cắn răng dấn bước trên “con đường mà toàn dân và Bác kính yêu đã chọn.” Chớ có đi linh tinh, theo những biển chỉ đường vớ vẩn (khác) ca trí tuệ mà rách việc.

Con số bốn trăm lần (đi làm việc) quả là rất ấn tượng, nếu đem ra “khoe” với “bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới.” Chớ ở nước ta, nói nào ngay, mấy trăm lần lên phuờng chưa phải là… chuyện lớn!

.

Theo RFA, nghe được vào hôm 30 tháng 3 năm 2010 và 20 tháng 4 năm 2010 thì chỉ trong vòng vài tuần lễ mà một công dân Việt Nam khác – cô em Tạ Phong Tần – đã buộc phải lên Phường đâu cỡ… chục lần. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, con số kỷ lục của Hà Sĩ Phu (rất có thể) sẽ bị vượt qua, rất xa, trong tương lai… không xa lắm.

(Thiệt nghe mà muốn ứa nước mắt, và khiến ai cũng phải động lòng… thương hoa tiếc ngọc!)

.

Tuy thế, vấn đề cần xét không phải là số lượng mà là chất lượng cơ. Không hiểu ở Bắc Hàn, ở Trung Hoa, Cuba, và ở Nicaragua thì thế nào, chớ ở nước ta mà đã vô phường rồi thì (hỡi ơi) lôi thôi lâu và lôi thôi lắm. Lâu đến độ mà ông Bùi Minh Quốc có thể tranh thủ để viết được những câu “thơ vụt hiện trong phòng phỏng vấn”:

Tổ quốc hỡi tình chi đau đớn vậy
Con yêu người, ngục tối nuốt trời xanh
Ôi Tổ quốc vào tay quỉ dữ
Tiếng hát tự do uất nghẹn khắp thân mình

.

Nếu cứ tính gọn một lần đi làm việc trong phường chỉ mất nửa ngày thôi, riêng ông Hà Sĩ Phu đã lãng phí thời gian của (mỗi anh) công an đến bốn ngàn tám trăm giờ. Đã thế, nhân vật này – đôi khi – còn làm mất thì giờ qúi báu của qúi anh công an (một cách đột xuất) ở ngoài đường nữa.

Vào ngày 5 tháng 12 năm 1995, công an (giao thông) ở Hà Nội đã phải mất công dàn cảnh một vụ “tông xe – giật túi” để thu hồi những tài liệu xấu mà ông Hà Sĩ Phu đang lưu giữ. Sau đó, theo lời Hà Sĩ Phu, ông “vẫn bị mời lên làm việc nhiều lần, bị canh gác trước nhà mà không có lệnh chính thức nào cả, đi đâu có người bám theo, có khách đến nhà là CA theo vào ngồi bên cạnh.”

Cách Hà Sĩ Phu trình bầy vấn đề dễ gây ngộ nhận rằng ông ấy bị nhà nước Việt Nam kỳ thị, hay ngược đãi. Không dám đâu!

.

Tưởng gì chớ cái vụ “bị canh gác trước nhà” và “đi đâu có người bám theo” là tình trạng chung của cả nước mà. Ở đâu cũng vậy, và đối với ai cũng vậy thôi hà. Từ xứ Huế, có lần, ông Nguyễn Thanh Giang cũng đã càm ràm y như thế:

Sáng hôm sau, tôi rủ Đỗ Nam Hải và Nguyễn Chính Kết đi xem đua voi ở Hồ Thủy Tiên. Ra khỏi khách sạn, phía bên kia đường đã thấy năm sáu công an ngồi cạnh chúng tôi. Khi chúng tôi vào cửa hàng ăn sáng, ngoài một số đứng bên kia đường, một công an trẻ xông thẳng vào cửa hàng ngồi ém sát bàn chúng tôi. Lên đến Hồ Thủy Tiên họ vẫn vòng trong vòng ngoài và cử mấy người đi sát chúng tôi, đứng sát chúng tôi, ngồi sát chúng tôi.”

Nhà văn Hà Khánh Linh (tên thật là Nguyễn Khoa Như Ý, chị họ của Nguyễn Khoa Điềm) gọi mobai hẹn sau khi ở Hồ Thủy Tiên thì về ăn trưa tại nhà để có dịp thưởng thức tài mọn của một nữ sĩ xứ Huế. Bốn mươi phút sau chị gọi lại cho tôi, cáo lỗi: ‘Công an Văn hóa đến đầy cửa nhà em rồi anh ạ. Đành hẹn dịp khác anh nhé!’

Ba chúng tôi đành rủ nhau ra bờ Sông Hương ngồi nghỉ trưa. Công an lại vẫn vòng trong, vòng ngoài và hai cậu quen mặt vẫn áp sát bàn chúng tôi. Tôi khó chịu quá, thấy mình như một tên tù bị công an áp tải. Không nén nổi cơn giận dữ, tôi chỉ mặt hai cậu thét lên: ‘Các cậu là công an đi theo dõi thì phải ở xa kia chứ sao lúc nào cũng áp sát vào như một cái đuôi bẩn thỉu đối với tôi thế này. Các cậu có cút ra xa kia không! Đồ chó săn vô ý thức!’”

.

Nghe mà ớn chè đậu. Quí ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Chính Kết, Đỗ Nam Hải, và Nguyễn Thanh Giang – rõ ràng – đều rất oải chuyện… có đuôi, và (chắc) đều tưởng lầm rằng họ bị nhà nước Việt Nam chú ý… cách riêng.

Không có đâu!

Tưởng vậy là tưởng năng thối. (Don’t take it personally, men). Ở Việt Nam thì có đuôi là một “cơ hội đồng đều” (equal opportunity) cho tất cả mọi người. Không phân biệt sắc tộc, phái tính, tôn giáo hay thành phần xã hội.

.

Hãy nghe cô Nguyễn Thị Tuyết, một công nhân thuộc nhà máy làm bao bì (chủ Ðài Loan) cho biết về hoạt động của những cái đuôi nơi hãng xưởng:

Công đoàn là bộ phận an ninh của Đảng và an ninh nội bộ luôn bám sát chúng tôi. Bộ phận công đoàn sẵn sàng lợi dụng những người nhẹ dạ không biết thương nhau trong đám công nhân, để phát triển thành đoàn viên, là cánh tay hậu bị của Đảng làm công cụ cho công đoàn, sẵn sàng đàn áp chúng tôi bằng những tờ báo cáo mật hay chỉ trích một khi chúng tôi có sự đòi hỏi chính đáng.”

Tôi tin rằng cô Nguyễn Thị Tuyết – cũng như quí ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Chính Kết, Đỗ Nam Hải, và Nguyễn Thanh Giang… – sẽ cảm thấy thư giãn hơn (chút xíu) nếu biết rằng ngay cả ở nhà thờ, thánh thất, miếu đền hay chùa chiền… cũng đều có người rình rập y chang như thế. Hoà thượng Thích Quảng Độ đã có lần chép miệng: “Bên kia đường của Thanh Minh Thiền Viện có một quán cà fê và một toán công an ngồi canh chừng mỗi ngày.”

.

Sau khi mất đuôi, loài người sống dễ chịu hơn thấy rõ. Họ nằm ngồi thoải mái hơn, và đi đứng cũng nhanh nhẹn hơn. Nguời Việt, tiếc thay, không cùng chung qui trình tiến hoá như thế với đa phần nhân loại. Đến thế kỷ 21, dân tộc này vẫn loẵng ngoẵng có đuôi. Và đó là lý do khiến họ lạc hậu, hay nói theo ngôn ngữ đương đại là tụt hậu.

Họ tụt lại bao xa?

Blogger Nguyễn Văn Tuấn đánh giá như sau, vào ngày 12 tháng 6 năm 2010:

Nếu chúng ta thông minh thì tại sao nước Việt Nam bây giờ vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, chúng ta chẳng làm ra sản phẩm tri thức gì đáng kể (đến cái bù lon và cây kim còn phải nhập cảng), tại sao tình trạng khoa học của nước ta vẫn lẹt đẹt theo sau Thái Lan...”

Năm năm trước, vào ngày 7 tháng 10 năm 2005, trên Việt Báo Online, ký giả Quang Đông cũng đã bầy tỏ sự “bức xúc” tương tự: “Chúng ta chưa tự làm nổi chiếc đinh vít cho ra đinh vít!

.

Cả hai nhân vật thượng dẫn đều đã đặt vấn đề… rất trật. Hay nói cách khác là trật lất. Lý do chúng ta không sản xuất được “chiếc đinh vít cho ra đinh vít” vì thiếu thời gian và nhân sự chớ không phải là vì thiếu thông minh hay thiếu kỹ năng. Đây là chuyện nhỏ, nếu không muốn nói là… đồ bỏ. Chúng ta chưa làm vì bận, vì không có người, chứ không phải là không làm được.

.

Coi: sau mấy mươi năm nửa nước Việt Nam bị ép buộc phải chiến đấu chí tử để giải phóng nửa nước kia, sau đó thì gần nửa dân số phải ráo riết canh chừng (hay rình rập) nửa phần còn lại. Bộ phận dôi dư thì bận cài mã độc hay phòng mã độc. Còn ai có được chút tâm trí hay sức lực nào nữa để nghĩ đến những điều nhỏ nhặt, cỡ như chuyện làm mấy con đinh vít!

.

© 2010 Tưởng Năng Tiến

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: