Cá nhân nhưng lại không phải là cá nhân
doithoaionline.net
06.09.10
http://www.doithoaionline.net/gocnhinhangtuan/gocnhinhangtuan_184.php
Vụ thất thoát hơn 4 tỷ USD tại Vinashin đang trở thành một vấn đề chính trị lớn đối với nhiều cá nhân chóp bu trong Đảng Cộng sản Việt nam (ĐCS VN) ngay trước thềm Đại hội XI sắp tới. Mặc dù đã có nhiều nhân vật lãnh đạo của Vinashin đã, đang và sẽ tiếp tục bị bắt nhưng nhiều lão thành cộng sản Việt nam đã lên tiếng qui trách cá nhân cho cấp cao hơn Vinashin, đó là cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (1).
.
Đối với một tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin thì trách nhiệm cuối cùng phải thuộc người đứng đầu cơ quan hành pháp là đúng đắn. Như vậy các lão thành cộng sản Việt nam đòi hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải chịu trách nhiệm (chính trị (?)) trong vấn đề Vinashin là hoàn toàn chính xác và là một tiến bộ vượt bậc so với các vụ việc tương tự trong quá khứ. Song, việc qui trách vụ Vinashin cho cá nhân Nguyễn Tấn Dũng là chưa đủ và có thể còn tạo cớ cho các đối thủ của Nguyễn Tấn Dũng trục lợi trong cuộc đua tranh chức quyền đang quyết liệt trong ĐCS VN.
.
Vấn đề của Vinashin không chỉ nằm ở cơ chế quản lý của một tập đoàn kinh tế hay cách điều hành của ông thủ tướng. Vinashin chính là một hậu quả của một hệ thống quyền lực công không được người dân kiểm soát. Nói một cách khác, Vinashin là hệ quả tất yếu của chế độ độc đảng, phi dân chủ.
.
Trước khi Vinashin hay các tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập đã có ý kiến phản đối của nhiều chuyên gia quản lý kinh tế, đã có nhiều cảnh báo về hậu quả đang xảy ra như ngày hôm nay nhưng Vinashin và nhiều tập đoàn kinh tế như Vinashin vẫn được các lãnh đạo của ĐCS VN đồng ý và tiếp sức, tiếp vốn cho ra đời. Và khi đã được ra đời một cách phi kinh tế rồi thì các cơ chế kiểm soát nội bộ và kiểm soát từ bên ngoài đối với Vinashin (cũng như các tập đoàn kinh tế khác) đều không được vận hành đúng đắn (chỉ có tính chiếu lệ, đối phó dư luận hoặc bất chấp kiểm soát).
.
ĐCS VN có cả một hệ thống đồ sộ các cơ quan quản lý từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ cho đến các cơ quan tố tụng như Viện kiểm sát Nhân dân, Cơ quan Điều tra cho tới các chi bộ đảng (cũng có quyền chất vấn, kiểm soát lãnh đạo công ty) đều có ở mỗi công ty con của Vinashin. Trong khi tất cả các lãnh đạo của Vinashin đều là đảng viên ĐCS. Thế nhưng dư luận chỉ biết khi Vinashin đã làm mất tới hơn 4 tỷ USD.
.
Trong nền kinh tế thị trường, sự ra đời hay phá sản của một công ty hay một đại công ty là chuyện tự nhiên của qui luật thị trường cạnh tranh nhưng một tổ chức kinh tế nhà nước (dùng tiền của dân để kinh doanh) lại bất chấp dư luận chuyên môn và coi thường các biện pháp kiểm soát để đi đến sự phá sản (hoặc gây thất thoát lớn) thì không phải là chuyện tự nhiên của kinh tế thị trường. Đó là vấn đề chính trị.
.
Những kẻ cầm quyền đã can thiệp, đã dung túng, hợp tác hay tiếp tay cho các cá nhân đục khoét ngân quĩ, tài nguyên của đất nước. Và trách nhiệm không thể chỉ qui cho cơ quan hành pháp khi hệ thống chính trị đó từ chối nguyên tắc tam quyền phân lập. Việc bắt giữ, truy tố thậm chí xử tử các lãnh đạo công ty hoặc thậm chí xử tử cả thủ tướng, có thể làm cho nhiều người hả dạ, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục có những « Nguyễn Tấn Dũng » khác và nhiều « Vinashin » khác tiếp tục được sinh ra nếu cái hệ thống chính trị vẫn giữ nguyên cấu trúc độc đảng, độc quyền cho một nhóm người. Và ai dám đảm bảo những vụ bắt giữ các lãnh đạo của Vinashin đang diễn ra không phải là trò đấu đá quyền lực giữa những kẻ đang trành giành quyền lực hoặc là một cơ hội làm tiền lớn cho các cơ quan tố tụng (điều tra, viện kiểm sát, tòa án) ?
.
Do đó, qui trách tới các cá nhân trong vụ Vinashin là điều cần thiết và đúng đắn nhưng sẽ công bằng và đầy đủ hơn nếu qui trách cho cả hệ thống chính trị độc đảng, phi dân chủ của Việt nam hiện nay.
.
(1) http://doithoaionline.net/baimoitrongthang/2010/0910
Đối Thoại
.
.
.
No comments:
Post a Comment