Friday, September 10, 2010

BỊ BẮT CÓ Ở NƯỚC NGOÀI - TRỞ THÀNH TÙ CHÍNH TRỊ TẠI VIỆT NAM

Bị bắt cóc ở nước ngoài – trở thành tù chính trị tại Việt Nam

Trân Văn, thông tín viên RFA

2010-09-09

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Kidnapped-from-overseas-brought-to-VN-to-become-political-prisoner-TrVan%20-09092010204214.html

Sáng ngày 9/9, ông Huỳnh Bửu Châu, một người tù chính trị bị giam giữ tại trại giam Z30A, tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, đã được trả tự do sau khi đã thi hành xong bản án 11 năm tù, do bị cáo buộc là “khủng bố”.

.

Ông Huỳnh Bửu Châu và Vợ sau khi Ông Châu bước ra khỏi trại Z30A. Hình do Ông cung cấp

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Kidnapped-from-overseas-brought-to-VN-to-become-political-prisoner-TrVan%20-09092010204214.html/IMG_0276-305.jpg

.

Điểm đáng chú ý là ông Châu bị bắt khi ông đang cư trú tại Campuchia và đã xin tị nạn chính trị.

Ông Châu không phải là trường hợp cá biệt. Cũng vì vậy, Trân Văn đã phỏng vấn ông Châu như một nhân chứng về chuyện bị bắt cóc ở nước ngoài rồi trở thành tù chính trị tại Việt Nam. Mời qúy vị cùng nghe cuộc trò chuyện này…

.

Chính an ninh tổ chức bắt cóc

Trân Văn: Trước hết xin anh cho biết một số thông tin về cá nhân anh.

Huỳnh Bửu Châu: Tôi là Huỳnh Bửu Châu. Sinh năm 1953. Nguyên quán ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tôi bị bắt tại thành phố Phnom Pênh, Campuchia, ngày 8 tháng 5 năm 1999. Năm 2001 bị đưa ra xử tại Tòa án TP.HCM.

Trân Văn: Ở phiên xử đó thì anh bị kết án bao nhiêu năm?

Huỳnh Bửu Châu: 12 năm.

Trân Văn: Đến hôm nay thì anh mãn hạn tù?

Huỳnh Bửu Châu: Đúng.

Trân Văn: Thưa anh Châu, anh rời Việt Nam đến Campuchia vào năm nào?

Huỳnh Bửu Châu: Năm 1994.

Trân Văn: Như thế là anh ở tại Campuchia 5 năm?

Huỳnh Bửu Châu: Đúng! Năm năm.

Trân Văn: Trong 5 năm đó anh có liên lạc với Cao ủy Tị nạn của Liên hiệp quốc để xin hưởng Quy chế Tị nạn chính trị không?

Huỳnh Bửu Châu: Có! Khoảng tháng 5 năm 1995, 1996 gì đó, tôi nhớ không rõ lắm tại vì thời gian cũng khá dài, trong khoảng đó tôi có đến Cao ủy xin Tị nạn chính trị ở nước thứ ba.

Trân Văn: Bởi vì anh bị bắt tại Campuchia nên mong anh cho thính giả của chúng tôi biết chi tiết hơn về việc bắt giữ…

Huỳnh Bửu Châu: Việc bắt giữ thì rõ ràng là một hình thức bắt cóc.

Trân Văn: Vì sao anh cho là bị bắt cóc?

Huỳnh Bửu Châu: Bởi vì không xác định được cơ quan nào hoặc là lực lượng nào bắt tôi. Bắt theo cái kiểu là mặc đồ dân sự, xe cũng là dân sự. Có khoảng 4 người trấn áp tôi, còng tôi rồi chở đến một building hoàn toàn là bí mật, không biết đó là cơ quan hay văn phòng nào của phía Campuchia.

Trân Văn: Anh bị giữ trong building đó bao lâu?

Huỳnh Bửu Châu: Khoảng 36 tiếng.

Trân Văn: Trong 36 tiếng đó có người Campuchia nào làm việc với anh không?

Huỳnh Bửu Châu: Có… nhưng mà họ nói tiếng Campuchia quá nhiều. Tôi không rành tiếng Campuchia.

Trân Văn: Những người Campuchia đó có biết nói tiếng Việt không?

Huỳnh Bửu Châu: Sau khi mà tôi trả lời là tôi không rành tiếng Campuchia thì họ nói tiếng Việt với tôi.

Trân Văn: Họ dùng tiếng Việt có như anh dùng tiếng Việt không?

Huỳnh Bửu Châu: Giọng của họ là giọng Bắc.

Trân Văn: Họ dùng tiếng Việt có lưu loát như anh dùng tiếng Việt không?

Huỳnh Bửu Châu: Lưu loát. Họ nói giọng Bắc rất lưu loát.

Trân Văn: Như vậy có thể nói rằng những người bắt anh và những người ở tại building đó đó, nói thông thạo cả tiếng Campuchia lẫn tiếng Việt.

Huỳnh Bửu Châu: Đúng! Theo tôi biết là như vậy! Như tôi đã trình bày, lúc đầu họ nói tiếng Campuchia, khi tôi nói là tôi không rành tiếng Campuchia thì họ dùng tiếng Việt, nói rất thông thạo và nói giọng Bắc.

Trân Văn: Thưa anh Châu là sau 36 tiếng thì anh bị đưa khỏi Campuchia?

Huỳnh Bửu Châu: Đúng, rời khỏi Campuchia.

Trân Văn: Và khi mà họ đưa anh rời khỏi Campuchia thì họ dùng công xa của Campuchia hay dùng xe loại bình thường?

Huỳnh Bửu Châu: Lúc đó là công xa của Campuchia. Gồm có ba xe. Một xe có còi hụ. Kế đến là xe chở tôi thì có hai người mặc thường phục và một người mặc đồng phục cảnh sát của Campuchia, một tài xế. Phía sau là một xe gồm 12 người có súng đạn, còn mũ nón, quần áo là của cảnh sát Campuchia.

Trân Văn: Xe đi thẳng qua biên giới?

Huỳnh Bửu Châu: Không! Khi đến biên giới thì lực lượng an ninh của Viẹt Nam và Công an của huyện Bến Cầu đã chực sẵn ở đồn biên giới của Campuchia. Xe của Cục An ninh điều tra ở phía Nam đưa tôi về trại giam B34.

.

Đã từng bắt cóc nhiều người

Trân Văn: Trở lại chuyện anh bị bắt, vào thời điểm bắt anh, những người bắt anh nói tiếng Việt hay tiếng Campuchia?

Huỳnh Bửu Châu: Khi họ bắt họ không nói gì hết… Khi đó tôi đang đi xe gắn máy, họ dùng xe du lịch ép tôi vào lề, tôi ngã xe và họ nhào ra, họ quăng lên xe rồi họ chở đi thôi…

Khi họ đưa về tới địa điểm mà tôi đã nói đó thì họ mới bắt đầu hỏi.

Thực ra thì hơn 11 năm qua tôi rất là bực tức về vấn đề này. Tôi cũng mong rằng tôi có điều kiện để tường thuật lại chuyện đó và nếu cần thiết, tôi sẽ đối chất với chính quyền Việt Nam và Campuchia tại vì họ bắt tôi không có chứng cứ gì hết. Khi cho là dẫn độ tôi về Việt Nam thì cũng không có bằng chứng nào là tôi phạm tội hết.

Theo tôi biết, thí dụ tôi có hoạt động chính trị tại Campuchia thì cũng không có ảnh hưởng gì đến vấn đề Việt Nam… Cho nên sẵn dịp này tôi cũng trình bày để anh hiểu và tới đây tôi cũng sẽ có giải pháp để đấu tranh với chính quyền Việt Nam cũng như Campuchia. Đó là sự bực dọc của tôi trong mười mấy năm qua…

Trân Văn: Thưa anh Châu, trong hơn 11 năm bị giam, anh có gặp ai mà họ cũng bị bắt theo kiều như anh ở Campuchia hoặc những quốc gia khác rồi đưa về Việt Nam không?

Huỳnh Bửu Châu: Điển hình là trường hợp Nguyễn Minh Mẫn, tức là Lý Thara, bây giờ cũng còn đang chấp hành án tại trại giam Z30A. Và ông Đỗ Văn Nhàn cũng bị bắt với hình thức như tôi. Cũng đang thi hành án tại trại Z30A. Ông Nhàn ở chung với tôi, sáng nay tôi mới chia tay với ổng để về.

Trân Văn: Như vậy là anh biết hai trường hợp giống như anh?

Huỳnh Bửu Châu: Đúng. Có hai trường hợp đó.

Trân Văn: Ở tại Z30A?

Huỳnh Bửu Châu: Đúng. Hiện bây giờ còn đang thi hành án ở tại đó.

Trân Văn: Anh có biết những trường hợp khác ở những trại giam khác không?

Huỳnh Bửu Châu: “Không! Thật lòng mà nói là sau quá trình mà họ giam tôi ở trại B34 rồi đi thẳng về trại Z30A thì tôi không biết gì thêm về trường hợp nào khác.

.

Luật pháp chỉ là mớ giấy lộn?

Việc bắt giữ ai đó đang cư trú trên lãnh thổ của quốc gia này để giải giao cho quốc gia khác, nhằm hỗ trợ việc truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc buộc thi hành bản án đã tuyên là một tiến trình hết sức phức tạp và mất thời gian, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa các quốc gia, bởi điều đó liên quan tới hàng loạt nguyên tắc trong bang giao quốc tế.

Chẳng hạn, các quốc gia luôn phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, rồi đề nghị bắt giữ – giải giao chỉ có thể được chấp nhận nếu lý do phù hợp với hiến pháp, luật pháp của quốc gia được đề nghị, cũng như các điều ước quốc tế…

Cuối năm 2007, Việt Nam mô tả khá cặn kẽ về trình tự, thủ tục bắt giữ, giải giao ai đó theo yêu cầu của các quốc gia khác trong Luật Tương trợ Tư pháp. Theo đó thì trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, hoặc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của Việt Nam cũng không khác lắm so với các quốc gia khác. Mặt khác, theo báo chí Việt Nam thì cho đến cuối năm 2009, Việt Nam và Campuchia vẫn còn đang bàn bạc về Hiệp định dẫn độ tội phạm, đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào về việc ký kết hiẹp định này.

Thế thì tại sao năm 1999, ông Huỳnh Bửu Châu lại có thể bị bắt tại thủ đô của Campuchia và chuyển về Việt Nam chỉ trong vòng 36 tiếng?

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: