Thursday, September 9, 2010

Báo NGƯỜI VIỆT Phỏng Vấn TLS HOA KỲ Tại SÀI GÒN - LÊ THÀNH ÂN

Phỏng vấn Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn - Lê Thành Ân

Thực hiện: Tiffany Lê/Người Việt
Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt

Wednesday, September 08, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118741&z=1&utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+NguoiVietOnline+%28NG%C6%AF%E1%BB%9CI+VI%E1%BB%86T+Online+%28www.nguoi-viet.com%29%29

.

Chức vụ mới ở quê hương cũ, 'vừa vinh dự, vừa đặc ân'

.

Tổng Lãnh Sự Lê Thành Ân. (Hình: vietnamese.hochiminh.usconsulate.gov)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/118741-ConsulGeneralAnLe-300.jpg

.

Ông Lê Thành Ân, người gốc Gò Công, vừa trở thành tổng lãnh sự gốc Việt đầu tiên của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Ông Lê Thành Ân sinh năm 1955, sang Mỹ từ năm 1965, từng làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ trước khi chuyển sang ngành ngoại giao. Ông từng có nhiệm sở tại các thành phố Bắc Kinh, Tokyo, Kuala Lumpur, Singapore, Seoul, và Paris, trước khi đến Việt Nam. Trong bài phỏng vấn dưới đây, dành cho phóng viên Tiffany Lê của Người Việt, ông Ân nói rằng trở thành Tổng Lãnh Sự tại nơi chôn nhau cắt rốn, đối với ông, “vừa là một vinh dự, vừa là một đặc ân to lớn.”

.

Tiffany Lê (NV): Gia đình ông sẽ thích ứng với “quê hương mới” ra sao?

Tổng Lãnh Sự (TLS) Lê Thành Ân: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nhà của chúng tôi trong ba năm tới. Ðời sống ở Việt Nam mang lại nhiều thuận lợi về mặt văn hóa lẫn ngôn ngữ. Ðể đạt được đúng ý nghĩa là gia đình, chúng tôi sẽ phải hòa mình với quá khứ của quê cha đất tổ.

Việt Nam trở nên một sân chơi của khai phá và cả phiêu lưu. Mỹ Anh, 16 tuổi, đứa con gái nhỏ tuổi nhất của tôi, để thỏa mãn tính tò mò, cháu tham gia mọi lễ nghi, hội hè và truyền thống Việt Nam. Cháu nhận thấy nói tiếng Việt ở nhà là một chuyện, nhưng ra đường thì lại hoàn toàn khác. Ðối với những việc thông thường như gọi món ăn hay hỏi đường thì biết nói tiếng Việt đúng là điều cần thiết.

Từ lúc đặt chân đến thành phố này vài tuần trước, cho đến nay, chúng tôi khám phá được thành phố nhiều hơn. Thật sự chúng tôi bắt đầu thấy thích thú. Thành phố này rất sinh động. Con người, đủ mọi lứa tuổi, đều đi tản bộ. Thanh niên thì tụ tập đầy ở các quán cà-phê. Dù cần cẩu xây dựng vươn lên khắp nơi trong thành phố Hồ Chí Minh mới, nét Sài Gòn cũ vẫn chưa xóa nhòa. Bên dưới những thép và kiếng, các khu phố Tây tầng thấp vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi.

NV: Ông định thực hiện điều gì, trong 3 năm tới, trong tư cách một tổng lãnh sự?

TLS Lê Thành Ân: Về lại Việt Nam sau 45 năm, về lại nơi chôn nhau cắt rốn, về lại một thành phố nơi tôi từng sống 10 năm đầu của đời mình, và thực hiện những điều ấy với tư cách tổng lãnh sự của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại đây, quả là một vinh dự, lại vừa là đặc ân to lớn. Kỷ niệm thời thơ ấu của tôi ở Việt Nam chẳng có là bao, tuy nhiên tôi vẫn thấy như mình bị cuốn hút vào, vào văn hóa và con người của đất nước Việt Nam.

Việt Nam và Hoa Kỳ đang có một quan hệ thân hữu khắng khít, công việc của chúng tôi ngày nay không còn phải hun đúc một quan hệ mới, vì quan hệ này vẫn đang tiếp tục phát triển, và mở rộng hơn thêm.

Tôi đang cưu mang một vai trò cần phải thực hiện, tôi trông mong được nghe và cùng chia sẻ với cộng đồng nói chung, và với giới truyền thông nữa, về việc làm thế nào cổ động cho tình thân hữu được hoạt động mạnh mẽ nhất giữa hai quốc gia. Với thính giả, công cụ và phương pháp truyền thông mới, tôi tin là hình ảnh của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã cải thiện rất nhiều suốt 15 năm qua, và ngày nay, tinh thần Mỹ Quốc là đồng nghĩa với cởi mở và tiến bộ.

Sáng kiến đặc biệt tôi dự định nhắm đến gồm việc khuyến khích trao đổi mua bán và đầu tư của Hoa Kỳ khiến cho ở Mỹ tạo thêm được công việc làm, gia tăng cơ hội học vấn đối với sinh viên có đủ điều kiện, được sang Mỹ du học, cũng như tìm cách khuyến khích những ai tốt nghiệp nên trở về để xây dựng cho nền kinh tế Việt Nam.

Hòa giải với đồng bào ở hải ngoại dĩ nhiên là vấn đề cá nhân. Tôi hy vọng tìm hiểu về nhận thức của Việt Nam, lúc trước và bây giờ, dưới nhãn quan của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong tiến trình này, tôi hy vọng cải thiện được quan hệ ngoại giao giữa đôi bên.

Mục tiêu cá nhân của tôi gồm cả việc khuyến khích làm từ thiện, giúp đỡ các cô nhi viện, bệnh viện và trường học.

NV: Người ta nói, ông được nhận làm con nuôi từ hồi nhỏ?

TLS Lê Thành Ân: Nói theo nghĩa thông thường, thì không phải tôi được nhận làm con nuôi. Tôi là một trong chín anh chị em trong gia đình, và tôi thứ bảy. Tôi rời Việt Nam lúc còn bé và sống với bà dì và mẹ của dì. Dì tôi là người giám hộ hợp pháp nên tôi thường coi bà như là mẹ “nuôi” của tôi. Bà về hưu sau hơn 30 năm tận tụy phục vụ cho chính phủ Hoa Kỳ, trong cương vị chủ bút (editor) Việt ngữ và làm phát thanh cho Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

Về phần cha mẹ và anh chị em. Cha tôi mất năm 1972, mẹ và hai anh cùng hai chị tôi kẹt lại Việt Nam cho đến khi chúng tôi được đoàn tụ vào năm 1986 theo chương trình ODP. Ðồng thời, những người khác trong gia đình tôi hoặc đi Pháp hoặc sang Mỹ.

NV: Là di dân gốc Việt, ông thấy công việc và chức vụ mới ra sao? Ông có cảm thấy Việt Nam là “quê nhà” không?

TLS Lê Thành Ân: Công tác ở hải ngoại của tôi trong vai trò một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đưa tôi và gia đình đi khắp nơi, Bắc Kinh, Tokyo, Kuala Lumpur, Singapore, Seoul và Paris, trong suốt hai thập niên qua. Tiếp xúc với đủ sắc dân, ngôn ngữ và tín ngưỡng, mang lại cho tôi tài sản vô giá về khả năng nhận thức về chính sách quốc tế và quốc nội đương thời.

Ði chu du nhiều, các cộng sự của tôi cũng như những liên lạc viên địa phương đã giúp tôi đến với các định chuẩn, thực hành và ý tưởng quốc tế. Sự tương tác với những nền văn hóa dị biệt giúp tôi loại bỏ được thành kiến, và quen với sự tổng quát hóa.

Tôi thấy Việt Nam là “nhà” chỉ khi nào tôi ngoắc một chiếc taxi, nhờ người tài xế đưa tôi đến một địa chỉ khó tìm, rồi anh ta quay lại và nói: “Ông nói tiếng Việt giỏi quá!”

NV: Ông có gặp khó khăn khi di chuyển tại Việt Nam?

TLS Lê Thành Ân: Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với TP Hồ Chí Minh là hàng hàng lớp lớp xe đạp và xe gắn máy. Ðiều này gợi tôi nhớ đến Bắc Kinh vào thập niên 1990. Vì ít hệ thống đèn giao thông, việc băng qua đường là cả một chuyện lớn.

Trong dòng xe cộ, gồm xe con, xe buýt, xe đạp và xe gắn máy, khó lòng tìm được một khoảng trống để chen chân vào. Ðiều cần thiết là tư duy: bạn phải chấp nhận lối suy nghĩ rằng bạn phải qua được bên kia đường một cách an toàn. Hãy bước từ từ, và quan trọng nhất là chớ mà dừng lại, vì làm thế sẽ gây bối rối cho tài xế, lại còn gây nguy hiểm thêm cho bạn nữa. Ðiều đáng ngạc nhiên là dòng xe sẽ cuộn quanh bạn như nước chảy quanh một hòn đá.

Mẹo vặt của tôi dành cho khách du lịch là: cứ bước tới, trong khi mắt vẫn nhìn vào dòng xe đang tiến về phía mình.

NV: Ông thích món ăn Việt Nam nào nhất?

TLS Lê Thành Ân: Tôi thích nhiều món ăn Việt Nam, chẳng hạn chả giò, gỏi cuốn, chạo tôm, súp măng cua và bánh xèo. Nếu phải chọn món khoái khẩu nhất thì tôi chọn cơm tấm bì thịt nướng ăn với đồ chua. Chúng tôi sang Việt Nam đúng vào dịp Trung Thu, đi đâu cũng có thể mua được bánh Trung Thu.

NV: Ông thích nhạc sĩ Việt Nam nào nhất? Và ông thích thể loại nhạc nào nhất?

TLS Lê Thành Ân: Phải nói là Trịnh Công Sơn! Ông quá sức phổ thông trong quảng đại quần chúng, là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ tầm cỡ mà chính nữ ca sĩ Joan Baez còn mệnh danh ông là “Bob Dyland của Việt Nam.” Ông từng là mục tiêu để cả hai miền Nam và Bắc trấn áp. Ông sáng tác những tập nhạc chất chứa nỗi hy vọng cho hòa bình và bình yên.

Mới gần đây, vợ chồng tôi đến chơi ở một phòng trà địa phương, nay thu hút đông dân trong vùng lẫn “Việt Kiều” đến nghe nhạc Việt và do một số nghệ sĩ trẻ Việt Nam trình bày. Chúng tôi rất cảm kích tài năng của những người trẻ này.

Ðể thấy tôi “lão làng,” bạn có biết rằng tôi thích đi xem hát “Cải Lương.” Cải Lương là một hình thức kịch nghệ dân gian của Việt Nam, pha lẫn giữa dân ca Nam bộ với cổ nhạc. Cải Lương có thể so với một loại thoại kịch có thêm thắt phần Vọng Cổ. Vọng Cổ (diễn giải cho văn vẻ có nghĩa là “nghĩ tưởng đến quá khứ”) là một lối hát với nhạc nền thường phụ họa bằng đàn tranh. Cải Lương thường ca ngợi giá trị đạo đức. Vở kịch được biểu thị đặc biệt bằng y phục rực rỡ đầy màu sắc; những mái tóc đẹp điểm tô sặc sỡ, những bộ chiến bào và nón trận tinh vi nghệ thuật. Lớn lên ở Việt Nam từ bé, vở tuồng tôi ưa thích nhất là Lương Sơn Bá-Chúc Anh Ðài, được viết phỏng theo truyện Tàu, nói về đôi tình nhân ưa thích bắt bướm.

NV: Xin ông cho biết đôi nét về học vấn?

TLS Lê Thành Ân: Giáo dục chính thức của tôi ở Hoa Kỳ mang đến cho tôi nhiều thuận tiện lẫn cơ hội. Quanh tôi là vô số lãnh vực chuyên môn khiến tôi tha hồ chọn lựa. Tôi lấy xong bằng kỹ sư điện vào năm 1976, rồi bằng Cao Học về Khoa Học Quản Trị năm 1978, cả hai đều từ trường George Washington University ở Washington D.C.

Tôi gia nhập ngành ngoại giao vào năm 1991 sau khi làm công chức dân chính cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ được 15 năm. Theo thời gian, nhờ có kiến thức về ngành kỹ thuật, tôi có khả năng hiểu được sâu hơn và có thể bàn về những vấn đề liên quan đến lãnh vực kinh doanh nói chung.

NV: Xin cám ông đã dành thời gian cho chúng tôi.

.

-----------------------------------------

.

Tổng lãnh sự Mỹ Lê Thành Ân

Công dân của thế giới

Ngày 08.09.2010, 07:30 (GMT+7)

http://sgtt.vn/Thoi-su/129066/Cong-dan-cua-the-gioi.html

SGTT.VN - Cha mẹ sinh ra ở Việt Nam, các con sinh ra ở nước Mỹ, cả nhà đi khắp thế giới: “Chúng tôi là những công dân của thế giới”.

.

Năm 1965, cậu bé 10 tuổi Lê Thành Ân, người con thứ bảy trong một gia đình chín con ở Gò Công, được đưa sang học tại Mỹ sống với bà trẻ và người dì ở thủ đô Washington D.C. Đến Mỹ vào mùa đông lạnh giá, ông giữ lại trong ký ức hình ảnh những thân cây trơ trụi lá. “Ấn tượng đầu tiên của tôi là như vậy đó: đất nước giàu có này không đủ tiền để chặt những cái cây đã chết”, ông Ân kể. Cha mất năm 1972, khi ông Ân vẫn đang học ở Mỹ. Ông trưởng thành trong sự bao bọc của bà trẻ và dì, chứ hoàn toàn không phải là con nuôi của một vị đại sứ Mỹ như lời đồn đại. Khi Việt Nam thống nhất vào tháng 4.1975, ông Ân đang là sinh viên năm thứ ba ngành kỹ sư điện tử tại đại học George Washington. Gia đình ông đoàn tụ hơn 10 năm sau đó, khi mẹ ông được sang Mỹ theo chương trình định cư có trật tự.

.

Mối tình Việt trên đất Mỹ

Cũng nhờ sự kiện 1975, ông Ân gặp được cô gái trẻ Lâm Chí Tâm, người sau này trở thành vợ ông. Bà Tâm là con gái của một thống đốc ngân hàng quốc gia của chính quyền Miền Nam Việt Nam.

Khi người Việt đổ sang Mỹ sau 1975, ông Ân trở thành tình nguyện viên trong các hoạt động giúp đỡ cộng đồng người Việt định cư thông qua các tổ chức nhà thờ. Đồng thời, ông giúp dì và bà trẻ lập trung tâm Phật giáo cho người Việt ở Washington D.C, sau này xây dựng thành một ngôi chùa. Bà Tâm, khi đó mới 16 tuổi, cùng gia đình được mời tham gia. Cha bà đã “chọn mặt gửi vàng” ngay từ lúc đó nhưng mối tình của hai người vài năm sau mới nảy nở. “Hồi đó tôi chê anh Ân quá cao so với mình. Cha tôi bảo: “Con gái, đừng nhìn bề ngoài, vì cái đẹp thì ngày tháng cũng qua đi, nhưng tính tình tốt thì sẽ còn mãi. Anh ấy là người có học thức, có thể không giàu có nhưng sẽ luôn lo được cho gia đình”.

Họ kết hôn năm 1981 với một đám cưới truyền thống, cô dâu chú rể mặc áo dài, khăn đóng. Bà Tâm lui về làm nội trợ, trở thành hậu phương cho chồng theo đuổi sự nghiệp. Ông Ân làm việc trong Bộ Hải Quân Mỹ 15 năm, cho đến năm 1991 thì gia nhập Bộ Ngoại Giao và đưa gia đình sang Bắc Kinh. Đây là thời điểm ông bắt đầu cuộc sống của một nhân viên ngoại giao và đưa gia đình gốc Việt của ông trở thành “các công dân thế giới”, theo cách miêu tả của Mỹ Liên, con gái đầu lòng của ông Ân. Mỹ Liên năm nay 26 tuổi, vừa tốt nghiệp cao học ngành chính trị của trường American University ở Washington D.C. Con trai thứ hai của ông bà là Thành Nghiêm, 25 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc cho một công ty tin học tại Mỹ. Còn cô con gái út Mỹ Anh đã không ở lại học nốt trung học tại Pháp mà theo bố mẹ về Việt Nam. Quốc tịch Mỹ, nhưng sinh ở Hong Kong và chưa bao giờ thực sự ở Mỹ, Mỹ Anh coi việc theo bố mẹ về Việt Nam là cơ hội để học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hoá nguồn cội.

.

“Tôi không có chiếc đũa thần”

Ông Ân kể, ba năm ở Bắc Kinh là thời gian ông chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của Trung Quốc về kinh tế và xã hội: “Sức phát triển kinh tế của Trung Quốc lúc đó cũng giống như những gì chúng ta đang chứng kiến ở Việt Nam hiện nay, như một chai champagne đã bật tung nắp thì không thể nút lại được”. Trong suốt những năm sau đó, công việc của một viên chức ngoại giao đưa ông và gia đình đến nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc. Ông có nhiều dịp về Việt Nam, lúc thì với gia đình, lúc thì với công việc như lần tổ chức chuyến thăm của Tổng Thống Bill Clinton đến Việt Nam năm 2000.

.

Ông Ân coi việc trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức Tổng Lãnh Sự tại TP.HCM vừa là một lợi thế, vừa là thách thức. Những hiểu biết về văn hoá Việt Nam sẽ giúp ông trong việc quản lý, điều hành một cơ quan ngoại giao tại Việt Nam. Nhưng ông nhận thức rằng có những sức ép đến từ mong đợi cao ở một nhà ngoại giao Mỹ gốc Việt: “Tôi hiểu rằng có rất nhiều người, trong đó có cộng đồng Việt Kiều, có những trông đợi quá cao ở tôi. Nhưng tôi không có chiếc đũa thần để vung lên và mọi chuyện diễn ra theo ý mọi người. Công việc của tôi ở đây là công việc của một người đại diện cho Tổng thống Obama và thực hiện chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và hiểu biết giữa hai nước”.

.

Tân tổng lãnh sự cho biết, một trong những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ ở TP.HCM là tập trung phát triển hợp tác giáo dục, tìm cách giúp sinh viên Việt Nam có năng lực và đủ tiêu chuẩn nhận được cơ hội giáo dục ở Mỹ. “Cách đây tám năm, lần đầu tiên vợ chồng tôi đưa các con trở về. Chúng tôi đến thăm các nhà trẻ mồ côi, trường học, bệnh viện. Khi trở về, bọn trẻ hiểu và trân trọng cuộc sống của mình hơn. Gia đình tôi đã thoả thuận với nhau, rằng đến giáng sinh chúng tôi sẽ không tặng quà cho nhau nữa, mà dùng số tiền ấy để mua quà cho trẻ em ở Việt Nam. Sau đó, cứ mỗi giáng sinh, trừ giáng sinh năm ngoái, gia đình lại về và đi thăm, tặng đồ chơi cho các em nhỏ ở các nhà trẻ mồ côi và bệnh viện”, ông Ân kể.

Gia đình ông Ân vì thế cũng muốn tham gia vào các hoạt động từ thiện, gây quỹ… giúp đỡ trẻ em ở Việt Nam, trong thời gian ông tại nhiệm.

Lan Anh

.

.

.

No comments: