Thursday, September 16, 2010

ĐẤT NƯỚC CỦA AI ? (Trần Khải)

Đất Nước Của Ai?

TRẦN KHẢI

Việt Báo Thứ Tư, 9/15/2010, 12:00:00 AM

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=164143

Đất nước mình bây giờ là của ai? Một câu hỏi tuy đơn giản, nhưng không trả lời kiểu a, b, c khoanh nổi. Bởi vì trả lời câu “của ai,” thì lựa chọn lại phải dựa vào “tùy người đối diện.”
Thí dụ, Hoàng Sa và Lão Sơn là của Việt Nam, nhưng bây giờ thuộc quyền sở hữu của đàn anh Trung Quốc. Lão Sơn thì mất hẳn rồi, vì hiệp định biên giới đã công nhận như thế. Hoàng Sa còn tranh chấp, nhưng với Việt Nam chỉ còn là một quá khứ buồn thảm, vì quan hệ “hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài...” Tuy nói là “ổn định,” nhưng ngư dân Việt ra Biển Đông là thấy mất ổn định rồi.
Thí dụ, phim bộ truyền hình là tài sản văn hóa của Việt Nam. Nhưng khi làm bộ phim về Vua Lý Công Uẩn mà cứ y chang như kiểu Tàu, thì tác phẩm nghệ thuật phi vật thể này dưới mắt quốc tế sẽ chỉ là một bản sao chép kém cõi từ các thể phim Ngọa Hổ Tàng Long.
Như thế, khi tài sản vật thể (núi và biển) đã thuộc về Trung Quốc, và khi tài sản tinh thần cũng dâng hiến cho phương Bắc, và khi ông Hồ Chí Minh trong giờ hấp hối chỉ muốn nghe một điệu nhạc dân gian Miền Hoa Nam Trung Quốc qua giọng cô nữ y tế người Hoa (theo báo Quân Đội Nhân Dân của Hà Nội), thì câu hỏi đất nước của ai hiển nhiên là thắc mắc dư thừa.

.
Một cách cụ thể, cách quản trị kinh tế cũng là điều cần xét lại. Vì nếu là công thổ (biển đảo, núi, phim bộ TV đàì trung ương), chính phủ Hà Nội có thể tự tiện dâng hiến cho Phương Bắc, nhưng từng mảnh đất nhỏ lại gắn liền với đời sống cư dân hằng ngaỳ, và là nỗi đau đớn cụ thể của từng người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, qua bài viết nhan đề:

“Công thổ quốc gia” hay sự “sáng tạo” kì quặc về sở hữu? trên báo Tuần Việt Nam hôm Thứ Ba đã phân tích về nỗi đau của dân và cũng là trở ngại cho sức tiến của đất nước, trích:
“...Quyền sở hữu toàn dân là một khái niệm kỳ quặc trong số những vương vấn như vậy. Đó là một sự "sáng tạo" chết người của những người được dân ủy thác. Không có cái gọi là sở hữu toàn dân. Đó chỉ là một từ được "sáng tạo" ra để duy trì "quyền sở hữu thực" của một nhóm cá nhân. Xét thực tế đó cũng chẳng khác gì quyền của vua chúa xưa kia, nhưng chí ít vua còn công khai tuyên bố rằng là của ông ta và có quyền ban, phát cho các cận thần.
Rất đáng tiếc, chúng ta đã sao chép hay cũng góp phần "sáng tạo" ra những cái như thế và đã thực hành về cơ bản cũng chẳng khác mấy các vua ngày xưa (ngày nay còn có quá nhiều vua dưới một vua "tập thể")...”(
hết trích)
Đó là ngôn ngữ cụ thể của nhà kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã chẩn bệnh, chỉ đúng bệnh, dò ra con vi trùng những “vua chúa kiểu mới” đang hút máu dân mình.

.
Trong cách nhìn và quan tâm khác, tác giả Lê Phú Khải trong bài viết nhan đề “
Nước Việt của ai?
” đăng trên mạng Boxitvn.net đã ghi nhận:
“...Cơ quan công an còn trưng khẩu hiệu
Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình
” thì sự trắng trợn đã lên đến tột đỉnh! Đảng đã thành vua, dân là đầy tớ cho Đảng! Đất nước lại suy vi! Sau năm 1975, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi! Đất nước đứng bên bờ vực thẳm. Công cuộc đổi mới, mở cửa để Đảng tự cứu lấy mình đó, mở đầu bằng cải cách kinh tế. Đất nước như người bệnh được hồi sức. Nhưng kinh tế thị trường định hướng XHCN đã dẫn đất nước đến tình trạng tiền maphia. Đất nước không còn là của nhân dân nữa. Đất nước bây giờ là của các nhóm lợi ích, của Tập đoàn Than và Khoáng sản để dẫn người Tàu vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, của Tập đoàn Vinashin ném hàng núi tiền của dân xuống biển, của dự án đường sắt cao tốc toan bắt dân khoác lấy cả một hàng núi nợ nần… Trong lúc các bệnh viện hai, ba cháu thiếu nhi phải nằm một giường, các bà mẹ phải nằm dưới đất mà ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khoa tay, lớn tiếng trên diễn đàn Quốc hội rằng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc” thì nhân dân biết rõ, đất nước này không phải là của mình nữa rồi. Vì thế, mạnh ai người ấy sống, mọi chính sách của Nhà nước họ bỏ ngoài tai. Vì thế người người trốn thuế, nhà nhà trốn thuế. Đến nỗi nhà xã hội học Nguyễn Trần Bạt phải đau xót thốt lên rằng, trốn thuế là “sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam!”. Ở các nước văn minh, trốn thuế là một tội rất lớn, cầm chắc ra tòa và ngồi tù. Ở nước ta, lần đầu tiên có một người phải ra tòa vì tội trốn thuế là anh Điếu Cày! Khi xử anh, công an gác bốn bề, khiến nhiều người rất ngạc nhiên! Vì tội chính của anh là “tội” biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa! Vì tội chính của anh là “tội” yêu nước Việt Nam của mình! Lịch sử Việt Nam bây giờ lại có “tội danh yêu nước”!..
... Đau xót quá! Chính vì biết rõ đất nước không phải của mình nên nhân dân lao động lầm lũi đi tìm con đường sống cho mình ở khắp nơi, kể cả đi lấy chồng, đi làm ô-sin ở ngoại quốc. Chỉ vì biết đất nước không phải của mình nên một số người tìm cách luồn lách, tìm một chỗ yên thân, thậm chí đi định cư ở nước ngoài...
...Đất nước ta hiện nay lại đang đứng trước nạn ngoại xâm biển đảo, nạn thâm nhập đất liền, mà nhân dân lại thấy đất nước càng ngày càng không phải là của mình thì hiểm nguy cho dân tộc khôn lường!
Chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước, nhân dân hiểu đất nước là của mình, tiền đóng thuế của dân không phải để rót vào con thuyền không bến Vinashin, không phải để làm đường sắt cao tốc cho ông Nguyễn Sinh Hùng và phe nhóm ông, không phải để mở rộng Thủ đô một cách vô lý và láo xược… thì nhân dân và nhà cầm quyền mới thành một khối, lòng yêu nước của nhân dân sẽ thăng hoa trở lại và không một kẻ thù nào có thể “đến nhà” chúng ta được....”(
hết trích)

.
Trong khi giới trí thức quan tâm như thế, ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao, đã có bài viết nhan đề “
Thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ mới
đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân hôm Thứ Hai 13-9-2010, trong đó xác minh quan hệ hai nước, trích:
“...Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu tháng 2 năm 1999, lãnh đạo cấp cao hai nước xác định phương châm 16 chữ định hướng phát triển quan hệ hai nước hướng tới thế kỷ XXI là: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Tháng 11 năm 2005, một lần nữa, lãnh đạo cấp cao hai nước làm phong phú thêm nội hàm quan hệ hai nước theo tinh thần 4 tốt: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tháng 5 năm 2008, trên cơ sở phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, lãnh đạo hai bên nhất trí xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc...
...Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch,... giữa hai nước đã có bước phát triển sâu rộng. Hơn 60 hiệp định và thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ đã được Việt Nam và Trung Quốc ký kết...
...Số lượng lưu học sinh của mỗi bên tại nước bên kia không ngừng tăng nhanh. Hiện nay, Việt Nam có gần 12.000 học sinh đang học tập tại các trường đại học của Trung Quốc và Trung Quốc có khoảng 2.000 học sinh đang học tập tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, hằng năm có từ 600.000 đến 700.000 lượt du khách Trung Quốc vào Việt Nam.
... Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, nhất là về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, xung đột sắc tộc, tôn giáo,... đang đặt ra những thách thức to lớn đối với từng nước, từng khu vực và toàn nhân loại. Trước tình hình đó, vì lợi ích của mỗi nước và vì sự ổn định, phát triển của khu vực, Việt Nam và Trung Quốc cần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, đẩy mạnh giao lưu và tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ song phương; tăng cường trao đổi, giao lưu giữa hai đảng, nhất là trao đổi về lý luận và kinh nghiệm xây dựng đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, quản lý nhà nước, hợp tác bồi dưỡng cán bộ. Việc hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương, nhất là các địa phương ở hai bên biên giới cũng cần được hai bên thúc đẩy hơn nữa, đi vào thực chất hơn nữa nhằm góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước...”
(hết trích)
Đặc biệt chú ý là đoạn cuối dẫn trên... trao đổi về lý luận và kinh nghiệm xây dựng đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội...
Nghĩa là một khẳng định, sẽ không có thay đổi gì về căn bản trong chính sách nội bộ của VN: vẫn phải là chủ nghĩa xã hội, và sẽ sao chép, sẽ copy đúng mô hình Trung Quốc. Ông Khiêm nói như thế, copy... không giấu giếm ý đồ này.

.

Với tâm thức như thế, một biểu hiện lộ ra là phim ảnh. Không chỉ copy kiểu phim TQ, mà còn đưa sang TQ cho đàn anh thầu luôn, dàn dựng, đóng gần như trọn bộ.
Trên báo Pháp Luật hôm 14-9-2010, bản tin nhan đề “
Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long: "Phim Trung nói tiếng Việt”! đã ghi nhận:
“...Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết đề cập đến việc hoãn phát sóng phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long do 19 tập của bộ phim này mang đầy yếu tố Trung Hoa. Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã yêu cầu đoàn làm phim phải lược bỏ bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa này và chỉ được phát sóng sau khi đã sửa chữa xong theo yêu cầu.
Sau khi báo đăng, Pháp Luật TP.HCM nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc cũng như ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu. Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc.
TS NGUYỄN NHÃ:
Nhận thức của nhà làm phim quá kém!
Nhận thức và ý thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam của những nhà làm phim quá kém. Trong thời điểm khi quan hệ biển Đông và các vấn đề ngoại giao Việt-Trung đang còn nhiều thách thức mà lại dựng phim về lịch sử Việt Nam với bối cảnh, nhân vật, phục trang giống phim Trung Quốc thì nguy cơ mất gốc văn hóa và mất nước khi nào không hay.
Nhận thức của người làm phim đi ngược lại lịch sử của ông cha. Trong thời điểm hiện nay, mỗi người đều phải kiên quyết không chấp nhận cho một bộ phim như vậy được công chiếu.
Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN:
Không thể xúc phạm tiền nhân
Tôi không phải là người cực đoan để phủ nhận toàn bộ nền điện ảnh Trung Quốc. Tôi từng giới thiệu đến bạn bè những bộ phim hay của Trung Quốc như Aftershock (Dư chấn) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương… Nhưng tôi không ngại gay gắt phê phán việc dựng một bộ phim lịch sử Việt Nam mà lại nhuốm màu sắc Trung Hoa. Trung Hoa từ đạo diễn, diễn viên, bối cảnh… Nên chăng chúng ta hỏi nhà sản xuất sao lại yêu Trung Hoa đến thế?
Tôi nói rằng Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt” hoặc “phim Trung Quốc không cần phụ đề”. Dù là phim tư nhân bỏ tiền đầu tư vẫn không thể cho phép xúc phạm tiền nhân như vậy!
TS NGUYỄN HỒNG KIÊN:
Không thể làm phim lịch sử bằng bối cảnh nước khác
(...) Nguy hiểm nhất là những sự bịa đặt, vay mượn trang phục và kiến trúc Tàu này sẽ được các thế hệ sau coi là bản sắc dân tộc Việt.
Đau đớn là việc “tự chuyển hóa” này đang được thực hiện một cách chủ động...”(
hết trích)

.

Tiền bơm cho bộ phim naỳ là từ đâu? Có phải là tiền tư nhân, hay là tiền của Bộ Chính Trị CSVN?
Trang blog Dân Làm Báo hôm Thứ Ba đưa ra một khám phá, rằng đó là tiền nhà nước. Bản tin nhan đề “Bộ phim lai căng “
Đường đến thành Thăng Long” – Đài truyền hình VN góp vốn 10 tỷ đồng ? cho biết:
“...Dân Làm Báo nhận được thông tin từ một bạn tỏ ra khá am hiểu chuyện nội bộ ở Đài Truyền hình VN, bạn đọc có nick “Dân VTV nói” cho biết: Trong dự án phim Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long, đài truyền hình VN có góp vốn 10 tỷ đồng từ tiền ngân sách nhà nước...
...Khi dự án phim này mới chỉ trong ý tưởng, Công ty CP truyền thông Trường Thành có đề nghị chào VTV mua. Mặc dù có ý kiến trong ban TGĐ Đài truyền hình Việt Nam là hãy thận trọng vì phim rất dễ có “Những yếu tố ảnh hưởng, tác động của Trung Quốc”, nhưng ông Nguyễn Thành Lương- lức đó là Giám đốc Trung tâm dịch vụ quảng cáo truyền hình- nay là Phó TGĐ VTV, đã quyết định góp vốn bằng tiền ngân sách nhà nước của VTV vào phim này. Ông Lương làm được việc này là nhờ có ông Vũ Văn Hiến- TGĐ VTV bật đèn xanh đồng ý...”(
hết trích)

.
Từ tài sản vật thể -- như biển đảo, núi, sông... – cho tới tài sản tinh thần như phim bộ TV đều có dấu hiệu cống nạp cho đàn anh TQ, vậy thì đất nước này bao giờ sẽ bị lặng lẽ đồng hóa, và rồi sẽ sáp nhập toàn triệt?
Ông Phạm Gia Khiêm đã nói cụ thể ở trên rồi, rằng phải nương tựa Trung Quốc để “hợp tác bồi dưỡng cán bộ...” Than ôi, Hán hóa cán bộ CSVN là chuyện dễ hiểu, nhưng sao lại cho Hán hóa cả vua Lý Công Uẩn? Thấy rõ, đất nước phương Nam này cũng không còn là của Vua Lý nữa rồi...

.

.

.

No comments: