Saturday, September 4, 2010

ĐẢNG CSVN và NGUYỄN CHÍ VỊNH MẤT TÍNH CHÍNH DANH

ĐCSVN và Nguyễn Chí Vịnh mất tính chính danh và tinh thần chính đại quang minh?

Nguyễn Ngọc Già

Thứ Bảy, 04/09/2010

http://danluan.org/node/6298

I. Tính chính danh và tinh thần quang minh chính đại:

Trước tiên chúng ta cùng xem lại định nghĩa CHÍNH DANH là gì?

Theo Cao Đài Từ Điển, ta có thể thấy:

Chính danh là cái tên gọi phải đúng theo cái nghĩa của nó.

Ðó là một nguyên tắc về chánh trị có mục đích ổn định trật tự xã hội, làm cho đời loạn trở nên đời bình trị.

Chính danh, ví như gọi là vua thì phải làm đúng bổn phận của một ông vua, gọi là quan thì phải làm đúng bổn phận của một ông quan, nghĩa là làm đúng theo ý nghĩa của tên gọi; trái lại, như làm quan Hàn Lâm mà không biết chữ, làm Thừa phái mà không biết việc, như vậy là bất chính danh.

"Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành." Nghĩa là: Danh không chánh thì lời nói không xuôi, lời nói không xuôi thì việc không kết quả. Cho nên, người quân tử danh có chánh thì khá nói được, nói được thì ắt làm được. Bởi vậy người quân tử không bao giờ dám cẩu thả lời nói.

Theo tratu.vn động từ "Chính danh" nghĩa là làm cho đúng với danh nghĩa, cư xử, hành động đúng với cương vị mỗi người trong xã hội.

Nói tóm lại, "chính danh" là căn bản trong việc chánh trị của người xưa và nó vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa của người làm chính trị ngày nay, nhất là người đang mang nhiệm vụ quan trọng đối với quốc gia.

Tiếp đó, liên quan đến "chính danh", một từ nữa cũng rất gần gũi và làm đậm đà ý nghĩa cho "chính danh" đó là "Chính đại quang minh", theo đó, đây là đức tánh căn bản của người tu, mọi việc đều phải sáng tỏ, không làm điều gì mờ ám hay khuất lấp, trái đạo lý. Xin hãy hiểu chữ "người tu" ở đây không chỉ là một nhà sư, một vị linh mục v.v... mà hiểu rộng ra, "người tu" ở đây là người tự dạy dỗ bản thân mình trước rồi hãy làm những công việc theo trách nhiệm của mình, theo ý nghĩa "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" (xin tham khảo thêm về nghĩa "tu"(1) và "tu thân" (2).

Ở đây, người viết không có ý định đi sâu vào ý nghĩa của các khái niệm từ ngữ học thuật của Khổng Tử và người xưa nói chung, mà chỉ mượn những ý nghĩa của các từ ngữ này để nói về tính "chính danh" và tinh thần "quang minh chính đại" của ĐCSVN nói chung và Nguyễn Chí Vịnh cùng các vị trong Bộ Chính trị ĐCSVN nói riêng. Người viết cho rằng 2 tính chất này rất quan trọng để khẳng định vai trò lịch sử của ĐCSVN phải chăng đã đến lúc cáo chung khi tính "chính danh" và tinh thần "quang minh chính đại" đã mất hẳn sau "sự kiện Nguyễn Chí Vịnh"???

.

II. Không có tính chính danh và tinh thần quang minh chính đại làm sao trị nước!:

Sự kiện kéo dài nhiều năm có liên quan đến ông Trung Tướng - Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng - Nguyễn Chí Vịnh là sự kiện nhiều nhân vật cao cấp tố cáo ông ta với nhiều tên gọi, bắt đầu từ vụ án siêu nghiệm trọng cho đến 38 vị lão thành cách mạng viết thư tố cáo và đòi xử ông Vịnh cùng những người liên quan đến Nguyễn Chí Vịnh.

Trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng như vậy mà ĐCSVN vẫn im lặng, điềm nhiên, coi như không có gì về mặt công luận mà bằng chứng là người dân không hề tìm thấy bất kỳ một thông tin lớn nhỏ (trên các trang báo được phép hoạt động tại Việt Nam) về ông Vịnh cùng những gì có liên quan mang tính chất vi phạm pháp luật của ông ta trong nhiều năm qua, từ khi "vụ án siêu nghiêm trọng" được xới lên. Đó là sự không "chính danh" và không "chính đại quang minh" của ĐCSVN - một chính đảng, mà chính đảng này lại đang "hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật" được quy định tại điều 4 Hiến pháp(?!). Bắt đầu từ ý nghĩa này, người dân tự hỏi: tại sao?!.

Với những thông tin từ các danh tướng lẫy lừng như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Nam Khánh... cho đến Nguyễn Trọng Vĩnh, Vũ Minh Trí... không lẽ nào là những thông tin đơm đặt, bóp méo hay mạ lị, vu khống?. Giả sử đây là những thông tin bôi xấu lại càng không tài nào có thể chấp nhận được, hoàn toàn không thể nào chấp nhận được đối với Nguyễn Chí Vịnh - Trung Tướng - Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, lại càng không bao giờ có thể dung thứ được đối với ĐCSVN! Không! không thể nào chấp nhận một sự kiện quá lớn, quá nghiêm trọng đến thế mà sự việc vẫn cứ buông trôi như bèo nước!

Phải chăng vì thế chiếu theo định nghĩa trên, muốn đạt được tính chinh danh phải đảm bảo 2 mục đích:

1. Ổn định trật tự xã hội,

2. làm cho đời loạn trở nên đời bình trị.

Theo đó, qua "sự kiện Nguyễn Chí Vịnh", ĐCSVN mất hẳn tính chính danh, vì:

- Không làm cho trật tự xã hội được ổn định (dân tình hoang mang, quân đội, công an, các tổ chức khác bối rối, tướng tá, sĩ quan, binh lính cả nước nghi ngờ...),

- Không làm cho đời loạn trở nên đời bình trị (hiện nay xã hội VN chỉ ổn định giả tạo). Các biểu hiện đời loạn như: an ninh quốc phòng đang bị đe dọa, dân tình oan khuất trên cả nước cùng các sự việc bất ổn khác đều đầy rẫy trên các mặt báo trong và ngoài nước, tưởng không cần thiết để dẫn giải chi tiết.

Bên cạnh đó, ĐCSVN cũng đã mất tinh thần "chính đại quang minh", theo dẫn luận trên:

"Thuộc tính này là đức tánh căn bản, theo đó mọi việc đều phải sáng tỏ, không làm điều gì mờ ám hay khuất lấp, trái đạo lý".

Để minh chứng cho thuộc tính này, thiết tưởng cần đặt ra câu hỏi:

- Tại sao ĐCSVN không hề có một động thái nào để giải quyết "sự kiện Nguyễn Chí Vịnh"?

- Tại sao ĐCSVN không hề có ý định trả lời trước công luận về những lá thư của danh tướng Võ Nguyên Giáp cho đến 38 vị lão thành cách mạng?

Vậy, có chăng ĐCSVN có ý định "làm sáng tỏ" vụ việc Nguyễn Chí Vịnh, cũng như không để bất cứ điều gì mờ ám hay khuất lấp, trái đạo lý tồn tại trong dân chúng??? Nếu có thì động thái gì để biểu lộ và bao giờ? Sự im lặng kéo dài nhiều năm qua cùng những hành vi ứng xử với ông Trung Tá Vũ Minh Trí phải chăng là câu trả lời - KHÔNG?!

Dường như bất chấp hết tất cả những hình ảnh, những hoạt động tuyên truyền, ngợi ca về tính "chính danh" và tinh thần "chính đại quang minh" đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông đại chúng đang diễn ra hàng ngày, ĐCSVN có vẻ đang đi ngược lại với những tuyên bố tưởng chừng RẤT "chính danh" và KHÁ "quang minh chính đại" của mình (???)

Theo đó, ở góc độ cá nhân, Nguyễn Chí Vịnh cũng không tài nào đạt nổi hai tính chất quan trọng này, đó là điều rất đáng xấu hổ cho một vị Tướng đang "gánh vác trên vai công việc đất nước" (!). Xấu hổ vì không một người dân nào là không hồ nghi những hành động, những phát ngôn của ông Vịnh (và cũng là của ĐCSVN) trước dư luận trong và ngoài nước (3). Tại sao người dân e dè và nghị ngại trước khi đặt lòng tin vào những tuyên bố hùng hồn và có phần "khéo léo" của Nguyễn Chí Vịnh trước thế giới, trước các cuộc họp báo trong và ngoài nước với những nhà báo "sừng sỏ" từ BBC, RFA cho đến VOA, RFI, CNN... lại đến các nhà báo trong nước từ Vietnamnet cho đến Tuổi Trẻ hay Thanh Niên...? Người dân không tin tưởng bởi lẽ:

Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành

Quả vậy, Danh không chánh thì lời nói không xuôi, lời nói không xuôi thì việc không kết quả.

Bản thân ông Vịnh còn không bảo vệ được danh tiếng cho chính bản thân ông thì ông còn bảo vệ được cho ai?!

Âu cũng là hữu lý khi người dân thì hoang mang, tướng tá binh sĩ thì nghi ngờ, các nhà quan sát, bình luận trong nước và trên thế giới cũng hồ nghi không kém trước những "ngôn" có vẻ "thuận" mà "danh" thì không "chính" cùng với tính "chính đại" lại thiếu hẳn tinh thần "quang minh".

Nguyễn Chí Vịnh với tư cách một Trung Tướng - Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng, tại sao có thể im lặng dài lâu trước việc cá nhân mình bị "xúc phạm" nghiêm trọng đến như vậy ??? Lẽ ra ông Vịnh phải quyết liệt đòi hỏi mọi việc "vu khống, xúc phạm" đó cần được làm sáng tỏ tất cả để đạt được tính "chính danh" và tinh thần "quang minh chính đại", bởi vì:

+ Ông Vịnh lên tiếng không chỉ cho cá nhân mà cho lẽ công bằng phải được trả lại cho một người trong sạch và người đó, nên nhớ là một ông Tướng. Đối với cá nhân một ông Tướng, ông Vịnh cần phải có đủ tiếng nói mạnh mẽ, uy vũ trước "ba quân tướng sĩ" dưới quyền của mình.

+ Ông Vịnh lên tiếng đòi hỏi để cho cá nhân và cũng để cho Quân đội nhân dân Việt Nam, cho ĐCSVN hoàn toàn thanh khiết trong mắt người dân và thế giới.

+ Ông Vịnh lên tiếng đòi hỏi để cho nhân dân Việt Nam hiểu rằng, một ông Tướng chính danh, quang minh đang điều khiển đại sự cho tồn vong của Tổ quốc.

Tại sao ông ta không lên tiếng? Tại sao? Nếu tôi là một vị tướng, tôi sẽ không cho phép bất kỳ một ai có quyền xúc phạm, bôi xấu tôi, việc này không những cho danh dự cá nhân tôi, cho cha tôi (cũng là một danh tướng lẫy lừng) mà trên hết cho dân tộc tôi, cho Tổ quốc tôi.

.

III. Kết:

Tổ quốc Việt Nam không bao giờ dung chứa những gì ảnh hưởng tai hại đến tồn vong của dân tộc, an nguy của Tổ quốc, nhưng dân tộc Việt Nam lại là một trong những dân tộc độ lượng.

Ông Nguyễn Chí Vịnh nói riêng và ĐCSVN nói chung cần phải lên tiếng trước toàn dân thì mới mong lấy lại tính "chính danh" và tinh thần "quang minh chính đại". Thiếu 2 thuộc tính này thì đừng mong duy trì xã hội ổn định và đạt được quốc thái dân an.

Nguyễn Ngọc Già.

(1) http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:FV5pC6PFs_sJ:vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx%3Ftid%3D2qtqv3m3237n3n3n1n3n31n343tq83a3q3m3237nvn+%22tu+th%C3%A2n%22&cd=11&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

(2) http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:43TxbokbVeUJ:www.vietlyso.com/forums/showthread.php%3Ft%3D810+%22tu+th%C3%A2n+l%C3%A0+g%C3%AC%22&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

(3) http://www.voanews.com/vietnamese/search/?c=n

.

.

.

No comments: