Đại diện Đại sứ quán Mỹ đến Cồn Dầu tìm hiểu cái chết của giáo dân
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-09-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Con-dau-updated-development-GMinh-09062010133609.html
Tình hình người dân tại giáo xứ Cồn Dầu, ở thành phố Đà Nẵng tiếp tục có một số những diễn biến mới. Gia Minh trình bày những thông tin cập nhật đó.
Sau biến cố hồi ngày 4 tháng 5 với nhiều giáo dân xứ đạo Cồn Dần bị trấn áp, đánh đập bởi tham gia đưa tang cụ bà Hồ Nhu, nhũ danh Maria Đặng Thị Tân, đến tại nghĩa trang của giáo xứ theo yêu cầu người quá cố như chính con trai bà Hồ Nhu, là ông Hồ Tào nêu lên trong cáo phó của gia đình; thì nạn nhân đầu tiên thiệt mạng là ông Nguyễn Thành Năm, một thành viên trong đội trợ tang của Giáo xứ Cồn Dầu. Tuy nhiên, truyền thông trong nước trích thuật ý kiến của chính quyền thành phố Đà Nẵng cho rằng, cái chết của ông Nguyễn Thành Năm không phải do bị khủng bố,đánh đập, mà vì ‘đột quỵ’.
.
Kêu gọi LHQ điều tra
Trước cái chết đầy nghi vấn của một người đàn ông được cho là khỏe mạnh, gia đình không hề có tiền sử ‘đột quỵ’; một số người tại Cồn Dầu từng lên tiếng về cái chế đó. Hồi ngày 18 tháng 8 vừa qua, tại buổi điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos ở Quốc hội Hoa Kỳ, người anh trai của ông Nguyễn Thành Năm là ông Nguyễn Thành Tài cũng đã trình bày về cái chết oan ức của em trai ông. Năm dân biểu Hoa Kỳ tham dự buổi điều trân đều nhất trí kêu gọi Liên Hiệp Quốc cử đại diện đến Cồn Dầu điều tra về vụ việc bị cho là đàn áp đến nỗi đánh đập một người dân đến chết tại đó.
Trong tuần rồi, một đại diện của đại sứ quán Mỹ đã đến Cồn Dầu gặp bà Hồng Anh, vợ góa của ông Nguyễn Thành Năm để hỏi về cái chết của ông này. Bà Hồng Anh vào ngày 5 tháng 9 cho biết về thông tin này như sau:
“Anh Đức đó ở ngoài Hà Nội làm phiên dịch. Khi đến anh có nói là người liên lạc trên điện thoại và vào với một người Mỹ. Khi họ đến thì trước nhà có mấy người công an rồi, và có ba người công an cùng vào với họ. Trước đó, họ có cho số điện thoại nên tôi cũng đã trình bày hết sự việc của anh Năm rồi; họ đến để hỏi thông tin một cách trực tiếp cho rõ ràng. Có công an thì tôi cũng trả lời bình thường, và có nói với công an là tôi khai với công an thế nào thì cũng nói lại như vậy. Công an cũng không nói gì.”
.
Bà cũng cho biết việc chính quyền địa phương chất vấn các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Thành Năm về những thông tin liên quan được nêu ra trong các phương tiện truyền thông quốc tế:
“Trước khi anh Đức đó đến một ngày thì có người đến điều tra. Có thông tin cho hay nhà nào có máy vi tính để lên mạng sẽ bị kiểm tra; nhưng người cho biết tin nói nếu tối thì không mở cửa cho khám xét vì gia đình chỉ có phụ nữ. Sau đó có người công an đến điều tra hỏi nhà anh Tài có liên lạc không, và gia đình có liên lạc với ông Tài không. Tôi trả lời không, người công an đó nói tại sao ông Tài không biết mà sao lại đưa lên mạng những điều như thế. Tôi trả lời vì anh Năm là em ruột ông Tài chết nên ông ta xót xa, và nói gì là quyền của ông ta. Sáng đó ông có đem hình của anh Tài vào nhà của em anh Năm và cô em đó nhận đó là hình của anh Tài; sau đó họ mang vào nhà mẹ của anh Năm hỏi thì bà mẹ và người em nói không phải.”
.
Trước đó vào ngày 24 tháng 8, bà cũng trình bày cho biết về diễn biến đưa đến cái chết của chồng bà:
“Tại đám tang bà Nhu, anh Năm đã bị đánh vào đầu hai cây. Anh có nói và tôi nói anh đi bệnh viện nhưng anh nói tiền đâu mà đi. Sau đó công an có gọi lên bốn lần. Về anh có nói với tôi ‘lên đó không có họ đánh cho có; có họ đánh cho chừa’. Đến khi gọi lần thứ năm, anh hoảng sợ không lên quận và bỏ chạy. Tôi đi tìm từ chín giờ đến 11 giờ đêm, thấy anh tại một nhà cách đây chừng hơn 100 mét. Khi đó người ta còng tay anh đổ máu; người còng đó là ông Đề, dân phòng. Tôi có khóc xin, thả ra nhưng ông ta nói phải chờ công an tới mới thả vì có người báo anh Năm ăn trộm. Khi công an đến họ mới thả ra.
Về đến nhà, khi tắm cho anh Năm thấy người đầy bùn, máu lỗ tai đổ ra. Lúc đó có người em gái của anh Năm nữa, anh cho biết xuống đó họ đánh cây qua đầu mà chưa lủng qua. Tôi nghĩ anh hoảng sợ nói vậy thôi. Tôi cũng nói anh đi bệnh viện nhưng anh nói tiền bạc đâu mà đi bệnh viện. Sáng ra anh trối ‘bà ở lại để nuôi mấy đứa con, cuộc đời của anh có lẽ vậy thôi’. Đến 1 giờ trưa anh Năm chết, máu miệng đổ ra. Suốt hai mươi mấy năm sống với anh Năm, không hề thấy anh bệnh tim, bệnh hoạn nào phải đi bệnh viện. Công an đến đòi mổ tử thi, tôi không cho mổ. Họ nói nếu không cho mổ phải nói là đột quỵ, sau này không được nói ra nói vào. Gia đình anh Năm làm đơn chịu nói anh ‘đột quỵ’. Lúc đó tôi rất bối rối.”
.
Oan ức
Ngoài nạn nhân Nguyễn Thành Năm qua đời vào ngày 3 tháng 7 ,với nhiều nghi vấn sau biến cố ngày 4 tháng năm, còn có sáu người khác bị bắt giam từ đó đến đầu tháng chín vừa qua thân nhân mới được gặp mặt lần đầu.
Đài Á Châu Tự do đã gửi đến quí vị chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hải, mẹ của anh Lê Thanh Lâm và bà Nguyễn Thị Phương, vợ ông Nguyễn Hữu Minh về lần gặp đầu tiên thân nhân của họ kể từ khi bị bắt. Vào chiều ngày 5 tháng 9, bà Trần thị Quang, vợ của ông Nguyễn Hữu Liêm, một trong sáu người dân Cồn Dầu đang bị giam chờ ngày đưa ra xét xử, cũng cho biết về cuộc đi thăm chồng lần đầu tiên đó:
“Ai cũng chỉ được gặp qua hai lần cửa kính. Nhưng tôi bị nặng tai lâu nay, nên đứa con xin cho gặp tại chỗ cửa giao đồ cho phạm nhân. Hai vợ chồng gặp nói cố gắng giữ gìn sức khỏe. Ông nói ‘không biết ngày nào sẽ về, chắc bị qui tội lâu lắm, nhớ giữ gìn sức khỏe mà lo cho con’. Sao mà oan ức cho chồng tôi quá, không biết kêu ai.”
Ông Nguyễn Hữu Liêm là anh của ông Nguyễn Hữu Minh. Theo lời bà Trần Thị Quang thì hiện người cha già 99 tuổi của hai ông này vì bệnh tật vẫn chưa biết hai người con của ông bị bắt giam.
Bà Trần Thị Quang cũng cho biết việc liên lạc với luật sư tại Đà Nẵng để nhờ bào chữa cho người thân của bà:
“Nhờ luật sư, luật sư cũng sợ. Luật sư nói giờ nằm trong vòng tay của ‘ổng’ nên cũng khó; tuy nhiên luật sư cũng cố gắng hết sức mình để giúp đỡ. Kiểu luật sư nói cho thấy ‘bị ông này áp chế’ nên cũng sợ. Giờ nói đến ‘ổng’; dân ở đâu ai cũng sợ, ai cũng run.”
Như lời của bà Trần Thị Quang nhân vật khiến hầu hết người dân như bà và cả những luật sư mà bà đến cậy nhờ tỏ ra khiếp sợ đó là ông bí thư thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh.
.
Theo dòng thời sự:
Công an ngăn cấm người dân Cồn Dầu kể lại sự thật với phái đoàn nước ngoài
Tấm lòng người Việt ở Đài Loan dành cho Cồn Dầu
VN phản đối LHQ cấp quy chế tỵ nạn cho giáo dân Cồn Dầu
Gia đình các giáo dân Cồn Dầu tị nạn gặp khó khăn với công an
Video: Những gì đã xảy ra ở Cồn Dầu
Video: Công an Đà Nẵng đánh chết một giáo dân Cồn Dầu
Video: Giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan tị nạn
Video: Tình cảnh các giáo dân Cồn Dầu ở Thái Lan
Kêu gọi LHQ điều tra vụ công an đánh chết người tại Cồn Dầu
Copyright © 1998-2010 Radio Free
.
.
.
No comments:
Post a Comment