Friday, September 17, 2010

AI - ĐẢNG NÀO ?

AI - ĐẢNG NÀO?

Me. Nâ'm 's Blog

Sep 17, '10 2:22 AM

http://menam0.multiply.com/journal/item/328/328

Dạo một lượt các diễn đàn và blog, thấy mọi người xôn xao, bàn tán, và ném đá nhau chí chóe vụ Đảng Việt Tân công khai danh tính bốn đảng viên đang bị bắt.

- Người thông cảm, đồng cảm và chấp nhận : có.

- Kẻ dè bĩu, nghi ngờ và ném đá : không phải là ít.

Trong phạm vi hiểu biết mình của mình, mình có vài ý kiến thế này, ai nghe được thì nghe, không nghe được cũng phải chấp nhận (vì đã lỡ đọc :D), hiểu sao cũng được, đồng ý thì mình cám ơn, còn không đồng ý thì cứ ném đá, có điều, mình không hoan nghênh kiểu tranh luận nhập nhằng, sử dụng ngôn từ không phải của loài người, và xin phép miễn trừ các loại mũ được tặng.

Vậy đi nhá!

Trước hết, với kinh nghiệm của mình, bước đầu tiên trong các bước thẩm vấn, à quên dùng từ nhẹ nhàng là trao đổi ý kiến với đương sự (tức là những người có hành động không giống như những người bình thường khác - chữ của các anh tử thần thực tử, không phải của mình) như sau :

1. Ai - cá nhân hoặc tổ chức nào xúi giục đương sự làm điều đó?

2. Đương sự có biết anh A, chị B, anh C này không?

3. Đương sự có biết nhóm D, tổ chức E ... này không?

4. Đương sự có tham gia sinh hoạt nhóm - tổ chức nào không?

5. Đương sự có biết các nhóm - tổ chức đó có liên quan đến Việt Tân không?

..............................

Túm lại, mọi ngã đường đều dẫn đến cái đích Việt Tân. Tức là những người có các hành động phản kháng, không thể nào tự dưng ở không rảnh quá mà nghĩ ra được hành động phản kháng, phải có sự hiện diện của Việt Tân, bằng hình thức này hay hình thức khác.

Hồi mình bị bắt, cũng chẳng tránh khỏi cái vòng lẩn quẩn này, mình cũng nói mình có biết Việt Tân, vì trong blog mình có nhiều người công khai nhận mình là đảng viên Đảng Việt Tân, và mình có nói chuyện, có tranh luận với họ.

Không phải lúc nào họ cũng đồng ý với mọi quan điểm của mình, tuy nhiên, điều mà mình ghi nhận, là những người bạn này không hề mắc bệnh chụp mũ, cũng chẳng bao giờ sử dụng ngôn ngữ không phải của loài người để tranh luận với mình.

Mình tôn trọng và quý mến họ.

Mấy anh tử thần thực tử, có ghi lại điều này trong biên bản làm việc của mình.

Phải nói thêm rằng, với các tử thần thực tử, mọi ngã đường có liên quan đến Việt Tân (VT), tức là bao gồm cả đường thẳng, đường ngang, ngã rẽ, hẻm, đường vòng, đường tắt... Bên cạnh việc móc nối, gán ghép, gợi ý cho đương sự thấy mối liên quan đến VT, thì còn có chiêu vận động hành lang, tức tung tin đồn nhảm (nhưng hậu quả thì không hề nhảm chút nào) nữa.

Bạn Dũng - ba bạn Nấm - đã từng hoảng hồn, mặt mày xanh lè, xanh lét, tay chân rụng rời, khi nhận được tin một bạn tử thần thực tử Khánh Hòa là mình tham gia đảng VT - và mình bị bắt là đúng tội, bị nhốt là đáng đời. Bạn của bạn Dũng cũng có nghe tin này, và đã kính cẩn chia buồn với bạn Dũng, bởi trong suy nghĩ của nhiều người, dính đến VT thì chỉ có từ chết đến bị thương, dưới tay của tử thần thực tử.

Kết quả, là mình bị thương, nhưng chưa chết (số mình sống dai).

Mình, nhận được khá nhiều lời cảnh báo, khuyên can lẫn dọa dẫm, là không nên chơi với chị H., anh D., chị M.... vì họ là đảng viên của đảng VT.Có người mình biết là đúng, vì họ công khai, nhưng cũng có trường hợp là sai ben bét, vì đó là cái mũ chụp cho họ, để cách ly họ với đám đông - đặc biệt là những người mắc bệnh ngộ chữ vì đọc quá nhiều như mình (chữ này cũng mượn của tử thần thực tử luôn).

Rõ ràng là, nhiều người không ưa VT, và cũng rõ ràng là, nhiều người sợ VT.

Báo chí trong nước thì đầy người, đầy bài nhắc đến VT. Vậy sao phải sợ sự ảnh hưởng của VT như vậy? Bởi sự thật ngoài cái mác khủng bố mà báo chí gắn cho VT thì càng ngày nhiều người - trong đó có mình càng thấy chữ "khủng bố" thiệt là hài hước. Osama Binladen nếu được đọc bản dịch của báo QĐND hay báo CAND về hai chữ "khủng bố" - dám ổng thắt cổ tự tử để kiếp sau đầu thai tìm chiêu thức mới cho hợp tầm khủng bố lắm à.

Có quyền lực trong tay, làm gì cũng được, đó chân lý của kẻ mạnh. Nhưng việc sử dụng chiêu thức rung cây nhát khỉ hay ngăn sông cấm chợ, để ngăn cản người khác chạm vào nỗi sợ hãi của mình, là trò lố bịch và đáng thương hại.

Mình nói vậy, ai lố bịch, ai đáng thương hại, tự hiểu, soi xét blog mình hoài lâu lâu cũng phải để Ai-Quy (IQ) nó phát tiết một chút, IQ cao mà cứ phải giấu tiệt đi cũng phí của giời lắm.

Mình thấy mọi người lên án việc VT công khai đảng viên của họ, vì như thế là làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người bị bắt. Điểm này có thể đúng, vì xét lại ví dụ và lý do nêu trên, rõ ràng đã là đảng viên đảng VT thì không thể nào yên ổn được.

Tuy nhiên, như mình đã từng nói, không ai có thể sống thay cuộc đời của người khác, và những người đã tham gia vào con đường chính trị, nhận lấy một đảng phái làm phương hướng đấu tranh của mình, hẳn họ cũng đã tiên liệu được những khó khăn chông gai mình sẽ phải đi qua.

Không một tổ chức, đảng phái nào có thể dẫn dụ người khác tham gia, nếu tổ chức - đảng phái đó không để cho người tham gia thấy tâm hướng trong hoạt động của mình.

Hoạt động chính trị, nhất là ở những nước có chế độ độc đảng, rõ là nguy hiểm, vì thế, ngoài sự an toàn của bản thân, hẳn phải tính đến sự an nguy của gia đình. Người ở trong tù có cái nhìn và suy nghĩ khác người ở ngoài, vì thế việc đưa ra ý kiến - bình luận - hay trích dẫn gì đó giữa hai người trong hai phạm vi không gian khác nhau - là điều khó có thể hòa hợp.

Kinh nghiệm cá nhân mình cho thấy điều đó. Nếu mình bị bắt trong im lặng, không có sự lên tiếng của bạn bè và những người quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa, khai thác bauxite tại Việt Nam, dám giờ này mình đang nằm đếm nắng qua ô cửa ở trại giam nào đó chứ không thể thảnh thơi mà ngồi gõ những dòng này được.

Đảng mình (dùng chữ mình cho thân mật, mà đã thân mật chắc là sẽ tránh được tội phản động. Hehe), đã rất thành công khi tạo ra bóng ma VT khủng bố. Với sự hỗ trợ của hệ thống báo chí và ti vi, cứ nhắc đến VT, là nhắc đến phản động, là đi ngược lại với lợi ích của đảng, nhà nước, (không bao gồm lợi ích của dân tộc).

Túm lại, Đảng mình, tuy không công khai công bố, nhưng bằng cách này hay cách khác thì cũng nhắn nhủ rằng, không thể chấp nhận sự có mặt của bất kỳ đảng nào, không riêng gì VT.

Với sự công bố bắt giam Giáo sư Phạm Minh Hoàng công khai trên mặt báo, và sự tống giam thầm lặng ba người kia, thì cá nhân mình cho rằng, việc VT lên tiếng nhận cả bốn người là đảng viên của họ, là điều phải làm. Và có lẽ, VT có đủ lý do và nhu cầu để công khai chuyện này.

Thật là ấu trĩ và lố bịch khi cho rằng đây là màn đánh bóng danh tiếng của VT, bởi nếu tinh thần cách mạng - tình đồng chí thực sự có tồn tại, thì mình tin rằng, chẳng vui vẻ hay sướng ích gì khi thấy đồng đội của mình thất bại và bị bắt giam.

Chính trị không phải là trò chơi con trẻ, nên chắc chắn sẽ không có chỗ cho những màn lấy điểm như thế này. Chúng ta không phải là VT nên chắc chắn những gì chúng ta nghĩ về VT chưa hẳn đã đúng 100%, bạn đồng ý không?

Nếu suy nghĩ bằng đầu (tức là sử dụng phần ở bên trong đầu để phân tích), hẳn những người quan tâm theo dõi vụ việc này sẽ tìm ra nhiều lý do chính đáng hơn mình.

Bản thân mình thấy, có rất nhiều cá nhân - nhóm - tổ chức, luôn kêu gọi hành động vì sự tiến bộ và tự do của xã hội, đang để cái đầu của mình đi chệch hướng - một cách có chủ ý trong vụ này.

Đó là điều đáng buồn.

Ai - đảng nào? Điều đó không quan trọng bằng việc làm để thay đổi hiện thực xã hội, bởi dân tộc này có thể sản sinh ra nhiều đảng phái, chứ không có một đảng phái nào có thể thay thế cả dân tộc.

Và những người thực sự muốn thay đổi thì hoặc sẽ hành động công khai, hoặc sẽ thầm lặng cống hiến, chứ không im lặng thỏa hiệp hay phản bác, chửi rủa để quên đời.

Không thể nói những người tham gia đảng phái đối lập với đảng cộng sản là ngây thơ, là bị lợi dụng, bởi họ không phải là đứa trẻ lên 3.

Ai - đảng nào? Điều đó không quan trọng bằng việc họ dám làm, thay vì chỉ ngồi nói, ngồi chỉ trách, rồi thở dài vì mỏi mòn trong sự chờ đợi một sự thay đổi (nếu có) ở tương lai.

Ai - đảng nào? Điều đó không quan trọng bằng việc người ta đã dám sống, đã đặt cái tâm của mình vào trong hành động vì sự tiến bộ và tốt đẹp của xã hội.

.

.

.

No comments: