Wednesday, July 21, 2010

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG và DIỄN ĐÀN KHU VỰC ASEAN (ARF)

Vấn đề Biển Đông và Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF)

Nguyễn Trung Washington, DC

Thứ Hai, 19 tháng 7 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/south-china-sea-arf-98733924.html

Thưa quý vị, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton dự kiến sẽ tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội vào ngày 23/7. Liệu diễn đàn được thành lập mới mục đích thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh, chính trị trong khu vực cũng như xây dựng lòng tin, phát triển ngoại giao phòng ngừa có khả năng giải quyết những tranh chấp, nhất là về lãnh hải, trong đó có vấn đề biển Đông? Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyễn Trung với Giáo sư G V C Naidu từ Trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Jawharla Nehru ở New Delhi, Ấn Độ, trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Thưa ông, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đóng vai trò như thế nào đối với việc duy trì an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương?
Giáo sư G V C Naidu: Ngay từ lúc đầu, Diễn đàn này đóng một vai trò khá giới hạn. Tôi không nghĩ ARF sẽ mang lại bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào trong cấu trúc an ninh khu vực.

VOA: Trong các nghiên cứu của mình, ông nói rằng ARF đang đối mặt với một số vấn đề cũng như các tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các khó khăn này cụ thể là gì, thưa ông?
Giáo sư G V C Naidu: Vấn đề của ARF xuất hiện ngay từ khi nó ra đời. Diễn đàn này chưa từng nhận được sự ủng hộ cương quyết từ các cường quốc, mà đây lại là một tiền đề giúp một cơ chế đa phương khu vực thành công. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-98, ASEAN suy yếu đi nhiều, và điều đó đã thực sự cản trở tổ chức này chứng tỏ quyền lực và ảnh hưởng ở mức độ tương tự như trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.
Ngoài ra, thậm chí khi có cơ hội thể hiện như trong trường hợp của Đông Timor, ARF cũng không thấy xuất hiện. Có thể thấy rằng trong các vấn đề nổi cộm khác liên quan tới Bắc Triều Tiên, Đài Loan hoặc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển Đông, đóng góp của ARF gần như là con số 0.

VOA: Có ý kiến cho rằng số phận của ARF phụ thuộc nhiều vào thái độ và cách hành xử của Trung Quốc. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Giáo sư G V C Naidu: Đúng là xét về một khía cạnh nào đó, các vấn đề an ninh của Diễn đàn gắn với thái độ của Trung Quốc. Lấy ví dụ, vấn đề Đài Loan và biển Đông không thể giải quyết được nếu Trung Quốc không sẵn lòng hoàn toàn ủng hộ ARF tìm một giải pháp.
Ngay ban đầu, Trung Quốc luôn khẳng định rõ rằng nước này gia nhập ARF với điều kiện rằng tất cả các tranh chấp song phương (mà cơ bản là vấn đề lãnh thổ và lãnh hải) sẽ không được diễn đàn này mang ra xem xét. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không tán thành trước yêu cầu nước này cần phải minh bạch hơn về các chính sách phòng thủ cũng như chi tiêu quốc phòng.
Trung Quốc là một nhân tố tối quan trọng đối với an ninh của khu vực Đông Á vì hai lý do. Một là, nước này có lịch sử can thiệp và xen vào chuyện nội bộ của các nước láng giềng, và đã đối đầu với các nước láng giềng (Triều Tiên, Ấn Độ. Liên bang Xô Viết, Việt Nam) trong phần lớn các cuộc chiến ở khu vực. Hai là, nếu xét thái độ của Trung Quốc, sự trỗi dậy của nước này không được coi là ‘ôn hòa’, không đe dọa tới ai, như Bắc Kinh từng tuyên bố.

VOA: Ông từng nhận định, xin trích, ‘việc đóng cửa các căn cứ ở hải ngoại lớn nhất của Hoa Kỳ tại Philippines năm 1992 nêu lên những quan ngại mới về vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực’. Còn hiện giờ thì sao thưa ông, khi giới chức cấp cao của nước này tuyên bố Hoa Kỳ đã trở lại khu vực châu Á?

Giáo sư G V C Naidu: Người Hoa Kỳ từng tuyên bố họ là một phần của châu Á. Nếu họ tuyên bố họ trở lại châu Á thì họ từng ở đâu trong thời gian vừa qua? Vấn đề chính yếu ở đây là các nước trong khu vực nghi ngờ về các cam kết an ninh lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực, đặc biệt là về việc triển khai lực lượng của nước này. Đó là một trong các lý do khiến Nhật Bản đang ngày càng gần gũi hơn với Ấn Độ, cường quốc duy nhất có tiềm năng đọ được với Trung Quốc.
Bộ tứ mới nhiều khả năng sẽ bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam. Nhóm này không những sẽ tìm cách khống chế Trung Quốc mà còn bảo đảm rằng sẽ triệt để thay đổi trật tự khu vực bằng mọi giá.

VOA: Liên quan tới các tranh chấp ở biển Đông, Bắc Kinh vẫn luôn duy trì quan điểm từ cuộc họp của ARF đầu tiên năm 1994 rằng vấn đề này không thể nằm trong nghị trình của diễn đàn. Ông cũng từng nhận định rằng sự quả quyết của Trung Quốc về biển Đông sẽ tiếp tục là một điểm khó chịu đối với các thành viên khác của Diễn đàn Khu vực ASEAN. Liệu căng thẳng về lãnh hải có thể leo thang thành một cuộc xung đột như có người quan ngại không, thưa ông?
Giáo sư G V C Naidu: Cùng với sự gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế, kể từ giữa những năm 90, Trung Quốc đã ngày càng lớn tiếng tuyên bố chủ quyền. Chỉ vài tuần trước, Bắc Kinh một lần nữa khẳng định rằng biển Đông là một thành tố tối quan trọng trong chính sách an ninh hàng hải ở ‘chuỗi quần đảo đầu tiên’(First Island Chain - ở Hoàng Hải, Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa, tức biển Đông).
Chúng ta từng chứng kiến hai cuộc đụng độ nhỏ giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng như thế bế tắc chính trị với Philippines. Vậy nên, không thể loại trừ khả năng biển Đông trở thành một điểm xung đột.

VOA: Theo ông, các nước như Việt Nam được hưởng lợi những gì từ Diễn đàn Khu vực ASEAN?
Giáo sư G V C Naidu: Theo tôi, Việt Nam không được hưởng lợi nhiều, ngoại trừ cơ hội nêu lên mối quan ngại an ninh của mình với các quốc gia thành viên khác.

VOA: Xin chuyển sang câu hỏi cuối cùng về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Ông đánh giá như thế nào về mối bang giao quân sự giữa hai nước trong những năm qua?
Giáo sư G V C Naidu: Ấn Độ và Việt Nam là các đối tác chiến lược. Lịch sử cho thấy hai nước đã chứng kiến mối quan hệ tốt đẹp. Ấn Độ là nước không phải theo chủ nghĩa cộng sản duy nhất ủng hộ Việt Nam loại bỏ chế độ Pol Pot và công nhận ngoại giao đối với Campuchia cho dù nước này nằm dưới sự chiếm đóng của Việt Nam.
Họ cũng hợp tác tốt đẹp về lĩnh vực an ninh thông qua các đợt huấn luyện, đối thoại quốc phòng thường xuyên cũng như các chuyến thăm và trao đổi giới chức quân sự cấp cao, cho dù các vụ chuyển giao vũ khí vẫn còn rất giới hạn.

Cám ơn Giáo sư G V C Naidu. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các tin tức hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

.

.

.

No comments: