Wednesday, July 21, 2010

TRUNG QUỐC LÀ YẾU TỐ THÚC ĐẨY HOA KỲ VÀ VIỆT NAM XÍCH LẠI NHAU ?

Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam gần lại nhau?
Shaun Tandon – Ti Đakao lược dịch

21-07-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7620

Từng bị phân hóa trong quyết định bình thường hóa mối quan hệ với Việt Nam, giờ Hoa Kỳ dang tay ôm lấy Việt Nam

Hoa Thạnh Đốn (Washington) - Mười lăm năm kể từ ngày có quyết định bình thường hóa mối quan hệ với Việt Nam, cái quyết định đã từng làm nước Mỹ bất hoà, giờ đây Hoa Kỳ lấy làm ngạc nhiên khi thấy một nước từng là cựu thù đã nhanh chóng trở nên một trong những đối tác ngày càng đậm đà của mình.

Cho dù cuộc Chiến tranh Việt Nam – đã cướp mất 58.000 sinh mạng người lính Mỹ và ba triệu người Việt Nam -- vẫn còn là một chủ đề gây nhiều nhức nhối tranh cãi, chẳng khác gì tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam, thế nhưng cả hai nước đã gia tăng đều đặn sự hợp tác trong nhiều lãnh vực khác nhau.

“Khi nhìn vào các nước bạn ở trong vùng Đông Nam Á châu, tôi nghĩ rằng chúng ta có những viễn cảnh tươi sáng trong tương lai với Việt Nam,” trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á Vụ ông Kurt Campbell nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ bà Hillary Clinton tuần này sẽ viếng thăm Hà Nội để tham dự một buổi họp trong vùng cũng như nói về mối quan hệ đang được xây dựng với Việt Nam. Các viên chức chính phủ Hoa Kỳ thấy có khả năng phát triển mối quan hệ này trong lãnh vực quốc phòng, bao gồm trao đổi quân sự.

Hà Nội hân hoan sau ngày chiến thắng Miền Nam vốn được Mỹ hậu thuẩn trong năm 1975. Nhưng Việt Nam cũng có mối căng thẳng mang tính lịch sử lâu dài cũng như tranh chấp lãnh hải với nước láng giềng Trung Quốc, một yếu tố mà các chuyên gia Hoa Kỳ cho rằng đó là động lực đàng sau mối giao hảo của Việt Nam hướng về Hoa Thạnh Đốn.

Khi cựu tổng thống Bill Clinton đi tiên phuông trong việc tái lập mối quan hệ với Việt Nam, ông đã đối diện với sự chống đối mãnh liệt từ một số nhà lập pháp, đa số là từ đảng đối thủ Cộng hòa, những người này nói rằng Hà Nội chưa hoàn toàn cộng tác tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Ông cựu tổng thống Clinton đã ca ngợi nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm hài cốt của những người lính Mỹ và ông nói rằng giờ đây ông ít khi nghe sự chỉ trích như thế kể từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa mối quan hệ.

“Đôi lúc tôi nghĩ điều duy nhất mà cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà tuồng như đồng ý với nhau là chúng ta đang có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, và đó là điều tốt,” ông nói ở một buổi tiếp tân kỷ niệm ngày tái thành lập mối quan hệ.
“Ở một thế giới mà con người rất dễ để trở thành hoài nghi hay nản lòng, mối quan hệ nở rộ của chúng ta, đi xa hơn nữa chứ không thuần là thương mãi,” ông nói.

.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà ông John McCain, người đã từng trải qua hơn năm năm tù như một tù binh chiến tranh, nhưng cũng là người ủng hộ sự bình thường hoá mối quan hệ, nói rằng ông không tưởng tượng nỗi Việt Nam sẽ trở thành “một trong những đối tác đầy hứa hẹn nhất, và quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong vùng Á châu – Thái Bình Dương.”
“Nó cho thấy nếu mình sống lâu đủ, điều gì cũng có thể xảy ra,” ông McCain nói.
Nhưng ông McCain cũng hy vọng sẽ có một ngày Việt Nam cho phép “những người bất đồng chính kiến ôn hoà” được phép cất lên tiếng nói của họ và “điều hành đất nước với sự đồng thuận chung của mọi người.”
“Có lẽ, niềm hy vọng lớn lao nhất của tôi dành cho mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam là như thế này: là mối quan hệ vì lợi ích chung của chúng ta hiện nay sẽ có lúc trở thành một mối quan hệ chia sẻ cùng nhau những giá trị chung,” ông McCain nói.

Mười chín dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ đã gởi cho bà Clinton một lá thư tuần rồi thúc giục bà hãy nắm thời cơ trong lúc Việt Nam đang mong mỏi mối quan hệ giữa hai nước ngày càng gia tăng, dùng điều này như bàn cân để đòi hỏi nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện.

Người Mỹ gốc Việt Nam, đa phần ủng hộ Miền Nam Việt Nam, thuộc thành phần năng nỗ nhất lên tiếng đòi hỏi Hoa Kỳ có thái độ rõ ràng trong vấn đề nhân quyền.

Ông Duy Hoàng, phát ngôn viên cho đảng Việt Tân, một tổ chức ủng hộ dân chủ cho Việt Nam bị nhà nước cộng sản Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật, nói rằng mặc dù nhà nước Việt Nam đã tách dần ra khỏi nền kinh tế tập trung, đảng cộng sản Việt Nam “vẫn khăng khăng độc quyền chính trị.”
“Đây là điều ích lợi nếu chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam tập chú tới lợi ích lâu dài cho cả hai nước – đó là một Việt Nam hiện đại và tự do,” ông Hoàng nói.

Ông Leonard, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, một tổ chức cố vấn, nói rằng Việt Nam chỉ cải thiện sự tôn trọng nhân quyền khi “hai chân đang đạp lửa.”
“Nhưng một khi Việt Nam, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới năm 2007, những người ủng hộ và thúc đẩy nhân quyền cũng như tự do ở trong nước đã trải qua những cơn bắt bớ,” ông Leo nói.

Ông Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Heritage Foundation cho rằng cùng lúc Hoa Kỳ có những mối quan tâm cho chính mình, tối thiểu, Việt Mam đã bày tỏ lòng mong muốn để hợp tác và cam kết.

Mười lăm năm sau ngày bình thường hoá mối quan hệ, chính Trung Quốc – chứ không phải là cuộc chiến -- mới chính là “trọng tâm của viễn cảnh chung mà chúng ta cùng chia sẻ,” theo ông Lohman.
“Chúng ta đã có một cuộc xung đột đẫm máu, gây chia rẽ và dài lâu, nhưng chúng ta có một sự nối kết mang tính đặc thù,” ông Lohman nói. “Tôi nghĩ chúng ta có thể có một mối quan hệ gần gũi, sâu đậm hơn vì chúng ta chia sẻ cùng nhau mối thảm họa chung.”

© DCVOnline

Nguồn:
(1) Once-divided US embraces Vietnam. AFP, by Shaun Tandon, 19 July 2010
(2) Tựa đề do DCVOnline đặt.

.

.

.

No comments: