ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố Ứng xử ở Biển Đông
Thứ tư 21 Tháng Bẩy 2010
Hôm qua (20/7), sau cuộc họp cấp ngoại trưởng lần thứ 43 tại Hà Nội, Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã ra bản tuyên bố chung. Vấn đề Biển Đông đã được các ngoại trưởng ASEAN đặc biệt chú ý và dành hẳn một phần riêng cho hồ sơ này trong thông cáo chung.
.
Trong đoạn thứ 28 của thông cáo chung, các ngoại trưởng ASEAN, xin trích : « khẳng định lại tầm quan trọng của Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) với tư cách một văn kiện mang tính cột mốc giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau và bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực ». Tuyên bố này được thông qua năm 2002 nhưng không mang tính chất ràng buộc. Do vậy, các nước ASEAN « trông đợi việc hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử Khu vực tại biển Đông (COC) ».
.
Điều này có nghĩa là ASEAN mong muốn có một văn bản pháp lý ràng buộc các bên, đặc biệt là Trung Quốc. Để thúc đẩy công việc này, các ngoại trưởng « giao cho các quan chức cấp cao phối hợp chặt chẽ với các đồng nhiệm Trung Quốc để triệu tập lại Cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc về DOC vào thời gian sớm nhất có thể ». Phía Trung Quốc chưa có phản ứng về đề nghị này.
.
Điểm đáng chú ý khác là tại mục thứ 29 của bản Tuyên bố, ngoại trưởng ASEAN kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không tại vùng Biển Đông, xin trích: « Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không bên trên Biển Đông như đã được qui định trong các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế ». Đồng thời, ASEAN cũng kêu gọi giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông theo tinh thần Tuyên bố về ứng xử - DOC và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
.
Trước sự bành trướng ảnh hưởng và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc về lãnh hải ở vùng Biển Đông, có thể nói, đây là một thắng lợi về ngoại giao của ASEAN, tạo được đồng thuận chung giữa các nước thành viên nhằm đối phó với Bắc Kinh. Lập trường này của ASEAN phù hợp với quan điểm của Mỹ về quyền tự do hàng hải và hàng không tại vùng Biển Đông.
Trong khuôn khổ hoạt động ngoại giao của ASEAN tại Hà Nội, hôm nay, ngoại trưởng ASEAN họp với các đồng nhiệm Đông Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo Kyodo, ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã yêu cầu hội nghị ASEAN + 3 lên án vụ tấn công tàu Cheonan, thế nhưng văn bản cuối cùng chỉ dùng từ « lấy làm tiếc » về thảm họa này. Trong khi đó, ngoại trưởng Nhật Bản còn nêu vấn đề người Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc và tình trạng nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc, đồng minh của Bình Nhưỡng thì kêu gọi nối lại bàn đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Bên cạnh đó, ngoại trưởng 13 nước còn thảo luận vấn đề an ninh lương thực, trong đó có việc lập hệ thống dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN + 3 (APTERR) và hồ sơ biến đổi khí hậu, kinh tế trong khu vực v.v.
.
.
.
No comments:
Post a Comment