Sunday, July 11, 2010

TRUNG QUỐC BÁ CHỦ TOÀN CẦU ?

Trung Quốc, Bá Chủ Toàn Cầu?

Saturday, July 10, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/07/trung-quoc-ba-chu-toan-cau-i.html

.

Hay khủng hoảng sẽ đẻ ra một siêu cường mới : Chimerica ? (1)

Trung Quốc, bá chủ hoàn cầu? Tại sao không? Nhưng cũng không phải là đơn giản. Chúng ta thử xét những điểm thuận lợi và không thuận lợi của giả thuyết này.
Trung Quốc có ưu điểm là thặng dư ngân sách với dự trữ tiền tệ dồi dào trong lúc đối thủ Hoa Kỳ chìm trong thất thu, ngân sách thâm thủng nặng nề với những món nợ kếch sù, không biết bao giờ mới trả nổi. Ngân quỹ dồi dào khiến Trung Quốc có thể đầu tư mạnh mẽ vào nhiều lãnh vực then chốt, như xây dựng và tân tiến hóa các cấu trúc viễn thông, chuyên chở, đào tạo, nghiên cứu v.v… chưa kể các đầu tư quân sự, ngoại giao, tình báo… Điều này gắn liền với khả năng quản trị quốc gia và sự trong sạch của guồng máy lãnh đạo (2).
Thật ra sự thặng dư ngân sách ấy tùy thuộc vào sức khoẻ kinh tế của con nợ chính yếu của Trung Quốc là Hoa Kỳ. Một thí dụ: nếu Trung Quốc không đài thọ nổi sự thâm thủng của Hoa Kỳ, thì đồng Mỹ Kim sẽ tụt dốc, Trung Quốc sẽ bị "móc túi" một phần tài sản của mình, các ngân hàng Trung Quốc giao dịch bằng Đô La sẽ suy sụp, kéo theo sự khủng hoảng tài chánh của toàn vùng Đông Á, rồi của vùng Euro (3), và toàn thế giới. Phải chăng đó là một lý do để Trung Quốc hiện ra sức vận động cho sự hình thành một đồng tiền chuẩn mực khác cho kinh tế thế giới, thay thế đồng Mỹ Kim ?

Trung Quốc cũng có một thị trường nội địa vô cùng rộng lớn, có khả năng hấp thụ một phần đáng kể của sự sản xuất vẫn đang trên đà tăng trưởng. Thật vậy, thị trường là ưu tư hàng đầu của những nước đang phát triển. Sự tăng trưởng kinh tế của các nước này tùy thuộc phần lớn vào sự gia tăng sản xuất hàng hoá. Thêm vào đó, một thị trường nội địa mạnh mẽ không những có khả năng nâng đỡ lãnh vực sản xuất hàng hóa mà cũng giúp phát triển lãnh vực dịch vụ.
Tuy nhiên thị trường nội địa lại tùy thuộc vào mức thu nhập của người dân, hiện còn rất thấp. Dân đông, nhưng nghèo, sẽ không tiêu thụ được đúng mức. Có lẽ vì lý do đó mà Trung Quốc hiện có khuynh hướng gia tăng lợi tức cho người dân. Việc làm thuận lý này thực ra cũng có một ảnh hưởng đáng lưu ý là nhân công và hàng hóa Trung Quốc sẽ đắt hơn, mất đi một lợi thế trên đó Trung Quốc đã xây dựng sự tăng trưởng của mình.
Vẫn trong quan tâm về thị trường, người ta không khỏi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện tại sẽ khiến cho hàng hóa sản xuất bởi Trung Quốc sẽ khó tìm được người tiêu thụ trong thế giới Tây Phương. Điều này thật ra cũng có một hạn chế, vì người Tây Phương nghèo đi sẽ cần tiêu thụ những mặt hàng rẻ tiền, một sở trường của nền sản xuất Trung Hoa (4).

Một trong những khó khăn lớn nhất đang chờ đợi Trung Quốc có thể sẽ là vấn đề nguyên liệu và năng lượng. Muốn tăng trưởng hay duy trì mức sản xuất hiện tại, Trung Quốc cần có những đảm bảo trên lãnh vực vô cùng bấp bênh này. Nỗ lực bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc không những trong vùng Đông Á, mà còn cả tại các lục địa Phi Châu và Nam Mỹ, đều không ngoài ưu tư này.
Nói đến ảnh hưởng cũng là phần nào nói đến sức mạnh quân sự. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc có đủ để bảo đảm quyền lợi cũng như ảnh hưởng của mình trên các vùng đất vừa nói hay không ? Chúng ta sẽ bàn đến điều này trong số sau.

(1) Chimerica là China cộng với America, nhưng “chimère” cũng là một con quái vật hung tợn trong huyền thoại Hy Lạp…(2) Nếu không thì người ta sẽ đầu tư bừa bãi hay chỉ đầu tư vào những lãnh vực có lợi cho gia đình, phe phái mình
(3) Các đồng tiền “mạnh” khác, như Euro, sẽ lên giá, khiến các nước liên hệ không xuất cảng được nữa, đưa đến thất nghiệp tăng vọt, tiêu thụ suy sụp.(4) Trong thực tế xuất cảng từ Trung Quốc sang Nhật giảm 30%, sang Hoa Kỳ giảm 20%.

Bắc Hàn chỉ là một công cụ của Trung Quốc

Trung Quốc đang có điều chi mà khó chịu đến thế?

Ngày 12 tháng 6, Hội Đồng Bảo An LHQ vừa thông qua một quyết nghị lên án Bắc Triều Tiên vì những hành động đe dọa hòa bình. Kết quả là nước này công khai xác nhận đang xúc tiến chương trình chế tạo bom hạt nhân, và hứa sẽ kiên trì tiếp tục “sự nghiệp” ấy…

Thật ra, tôi vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng Bắc Hàn chỉ là một công cụ của Trung Quốc trên bàn cờ thế giới. Thật vậy, phép lạ nào khiến cho một nửa quốc gia nghèo nàn, từ khi hiện hữu đã nép mình sát cạnh Trung Quốc, hưởng nhờ ơn « mưa móc » của Thiên Triều, tùy thuộc vào Trung Quốc trong mọi lãnh vực, lại có thể vượt thoát khỏi ảnh hưởng của "Đế Quốc không biên giới kết tụ Tinh Hoa trong Thiên Hạ" ? Với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có một phương tiện vô cùng hữu hiệu để làm áp lực trên bàn cờ quốc tế. Mỗi khi có một vấn đề « khó chịu », là y như rằng anh đàn em hung hăng này lại gây chuyện !

Bình Nhưỡng có thể nào trở thành một tên đệ tử ngỗ nghịch, đấm đá lung tung hay không ? Điều ấy nếu có cũng rất hạn chế. Các cơ sở nguyên tử của Bắc Hàn đều có thể bị Trung Quốc, hay một quốc gia khác với sự thỏa thuận của Trung Quốc, phá hủy dễ dàng. Thêm vào đó, sự gia tăng “cấm vận” sẽ khiến Bắc Hàn càng lệ thuộc Trung Hoa hơn.

Xin nhắc lại là Nghị quyết của LHQ trừng phạt Bắc Hàn từ năm 2006 đã không được Trung Quốc thi hành. Đầu tháng tư, khi Bắc Hàn thành công trong việc phóng một Hỏa Tiễn tầm xa (trên 3000 km), thì chỉ có Trung Quốc và Nga là kêu gọi cộng đồng thế giới nên chọn một “phản ứng ôn hòa”. Rồi hôm 25 và 27 tháng 5 vừa qua, cùng với những sửa soạn truyền ngôi cho cậu ấm Thái Tử Kim Chi Đỏ, mới tròn 26 tuổi, “lãnh tụ kính yêu” Kim Chính Nhật đã vừa cho thử một quả bom hạt nhân, vừa “đề nghị” sẵn dịp tấn công tiêu diệt Nam Hàn luôn cho tiện đường dư luận. Phản ứng của Trung Quốc không khác hồi năm 2006…

Điều cần thắc mắc là Trung Quốc đang có điều chi mà lại khó chịu đến thế? Có thể chúng ta sẽ bàn tiếp vấn đề này trong số tới.

Con Trời Với Con Chúa : Ai Thắng Ai ?
Những thay đổi trong tư thế quốc tế của Trung Quốc sau cuộc biến loạn Tân Cương …
Thế là thùng thuốc nổ Hồi Giáo miền Tây bắc Trung Hoa lại được châm ngòi, lần này có vẻ gây nhiều chú ý của dư luận hơn những lần trước. Từ cuối thập niên 80, nhiều cuộc nổi dậy của người Hồi Giáo Trung Hoa đã bị dập tắt bởi những chiến dịch đàn áp mạnh mẽ không kém lần vừa qua nhưng ít ai quan tâm đến. Năm 1990, có 60 người chết và 7900 người bị giam. Năm 1996, 10 ngàn người bị bắt giữ trong một chiến dịch chống ly khai. Năm 1997, 183 người chết và 5000 bị giam ...
Vào năm 2002, tổ chức Hồi Giáo Đông Turkestan bị Hoa Kỳ, rồi Liên Hiệp Quốc, liệt kê vào danh sách những tổ chức khủng bố. Bên cạnh đó, từ năm 2005, Nghị Hội Ouighour, một tổ chức Trung Hồi khác có trụ sở ở Munich, Đức Quốc, lại nhận được sự tài trợ của Hoa Kỳ. Đương nhiên là Trung Quốc lên án kịch liệt bàn tay của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương, cũng như Nhật Bản (*), trong việc yểm trợ các hoạt động ly khai của người Hồi Giáo Tân Cương.
Tuy nhiên, có một bàn tay khác không cần ai nhắc đến, là bàn tay của các nước Hồi Giáo trên toàn thế giới. Đây là một mối lo lớn của chính quyền Bắc Kinh. Nó ảnh hưởng đến yếu tố quan trọng nhất quy định sự phát triển của Trung Quốc, là dầu lửa. Các nước Hồi Giáo sản xuất dầu hỏa vốn vẫn được Trung Hoa thân thiện, đã phản ứng rất mạnh mẽ trước sự đàn áp cuộc nổi loạn vừa qua. Nếu họ chưa giúp đỡ được gì nhiều cho các anh em Hồi Giáo của họ ở Trung Hoa, thì biến cố này có thể nhắc nhở họ làm việc ấy. Việc này cũng tạo thêm nhiều rắc rối cho nền bang giao quốc tế : « quỷ dữ » Hoa Kỳ bỗng nhiên lại « tốt bụng » yểm trợ cho một phong trào Hồi Giáo, trong khi Trung Quốc, người anh em khổng lồ vẫn luôn ủng hộ « phe ta », nay lại biến thành một « kẻ thù của Thiên Chúa » ...

Ống dẫn dầu « Kazakh » băng qua Tân Cương
Tân Cương sản xuất dầu hỏa. Tân Cương cũng là một vùng đất qua đó Trung Quốc sẽ đón nhận dầu hỏa đến từ Nga và Kazakhstan qua một ống dẫn dầu dài 3000 km sẽ bắt đầu hoạt động năm 2011. Mặc dù vậy, biến cố Tân Cương tháng 7 - 2009 mang một ý nghĩa khác. Nó đánh dấu những vết rách đầu tiên trên « mạng lưới » bạn hữu nhiều dầu hỏa của Trung Quốc và cho thấy khía cạnh mong manh của tiến trình phát triển kinh tế của anh vô địch phát triển hạng « siêu nặng » này.
Với áp lực dân số và di dân, vai trò của người Hồi Giáo trên thế giới có nhiều cơ hội sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới. Trước mặt khối người này, là « thế giới Trung Hoa », cũng với một áp lực dân số và di dân mạnh mẽ.
Người ta chờ đợi một sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa. Biết đâu trong tương lai, sự đối đầu ấy lại chẳng bị thay thế bởi một sự đối đầu khác : sự đối đầu giữa các vị « Con Trời » với các ngài « Con Chúa » ?

(*) Rebiya Kadeer, Nữ Chủ Tịch Nghị Hội Ouighour vừa công du Nhật Bản. Người Nhật cùng nhóm chủng tộc Ouralo Altaïque với dân vùng Tân Cương.

Lãnh đạo Thế Giới : từ G-20 đến G-2 …
Duyệt qua sức mạnh quân sự của Trung Hoa
Sau màn mở rộng cơ chế điều hành kinh tế thế giới từ G-8 sang G-20, nhiều người nhận thấy hiệu quả của nhóm quốc gia ô hợp này sẽ rất hạn chế. Họ nghĩ cần tập trung vào những thành phần trụ cột, quan trọng nhất. Đó là Trung Quốc và Hoa Kỳ (1).
Thật vậy, trên phương diện tài chính, chúng ta có: một bên là anh chủ nợ « vĩ đại », nắm trọn một phần lớn tài sản của thế giới, bên kia là anh « ăn mày quốc tế » cũng vĩ đại không kém. Kinh tế toàn cầu tùy thuộc vào cặp « uyên ương » này. Dù nợ cách mấy, Hoa Kỳ cũng không thể ngừng tiêu thụ, và… mắc nợ ! Bên kia Thái Bình Dương, người chủ nợ Trung Hoa không thể ngừng bơm tiền cho Mỹ Quốc, để thị trường Mỹ có thể tiếp tục làm chạy guồng máy sản xuất và xuất cảng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở… Trung Hoa!
Trên phương diện môi sinh, Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là hai nước gây nhiều ô nhiễm nhất, tiêu xài nguyên liệu nhiều nhất, khiến cho bất cứ một kế hoạch bảo vệ môi sinh, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên nào cũng phải được thực thi bởi hai nước này, nếu không thì sẽ hoàn toàn vô dụng.
Trên phương diện quân sự, duy trì an ninh trật tự trên quả địa cầu, thì sao? Đơn giản : Hoa Kỳ là anh cảnh sát quốc tế, nhưng Trung Quốc là người trả lương. Không còn sự nâng đỡ tài chính của Trung Quốc, thì sự thiếu hụt phương tiện sẽ khiến Hoa Kỳ thu về ranh giới phòng thủ tối thiểu của mình (2). Những xáo trộn không thể tránh được sẽ tổn hại đến một số nguồn khai thác và chuyên chở nguyên liệu cũng như năng lượng và làm suy sụp mãi lực của nhiều khách hàng của Trung Quốc. Vì vậy, góp phần tài trợ cho thế lực quân sự của Hoa Kỳ cũng là một điều cần thiết đối với Trung Hoa.
Cho đến bao giờ ? Nói cách khác : bao giờ Trung Quốc mới nắm được vai trò lãnh đạo thế giới ? Câu trả lời nằm ở khả năng quân sự của Trung Hoa.
Trung Quốc Nhân Dân Giải Phóng Quân quy tụ 2 triệu 250 ngàn người, chưa kể 800 ngàn quân trừ bị, với ngân quỹ hàng năm trên 82 tỷ MK. Thật ra, các con số này không quan trọng. Tư thế của một siêu cường được quy định bởi Hải Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, tên lửa, và vũ khí hạt nhân.
Hải quân Trung Quốc đứng hàng thứ ba trên thế giới về trọng tải, nhưng chỉ có một hàng không mẫu hạm, chiếc Varyag, mua của Ukraine vào cuối thập niên 90, nói là để làm sòng bạc! Có thể nó sẽ chỉ dùng cho việc huấn luyện, trong khi chờ đợi hai hàng không mẫu hạm khác đang được đóng cho năm 2015 (hai chiếc khác cho 2020?). Trước thời điểm ấy, Trung Quốc còn phải trang bị một không đoàn hải chiến, nhiều hy vọng sẽ gồm các phi cơ Mig 29 hay Sukkhoi 27, và có thể oanh tạc cơ tầm xa Tu-2M “Backfire”, tùy “hảo tâm” của Liên Bang Nga!

Trung Quốc có hai Liên Đoàn Lực Lượng Đặc Biệt (mã số đệ lục và đệ ngũ), 12 đơn vị biệt kích độc lập khác, cộng với ba sư đoàn nhảy dù (12 ngàn quân), một lữ đoàn biệt kích thủy lục, các đơn vị mìn bẫy, biệt kích người nhái v.v… Tình báo Trung Quốc (đơn vị 8139) gồm hơn 10 ngàn nhân viên, có khả năng hoạt động ngoài nước. Các lực lượng này, có thể được yểm trợ bởi một lực lượng thiết giáp hùng hậu (12 ngàn chiến xa và xe bọc sắt), sẽ không can thiệp được ở những nơi xa trên thế giới, vì thiếu một hạm đội mạnh mẽ chung quanh một hay nhiều hàng không mẫu hạm.
Lực lượng tên lửa của Trung Quốc (thuộc đệ nhị pháo binh bộ đội) bao gồm 200 đến 600 đầu đạn hạch nhân, với sức nổ rất lớn để bù cho sự thiếu chính xác của các tên lửa. Trung Quốc còn có một tàu ngầm nguyên tử (loại 092, mã số 406), với đầu đạn hạch nhân tầm xa 3500 km. Gần đây, một tàu ngầm nguyên tử khác với tầm bắn 8000 km, đã bị phát hiện (loại 094, đến từ delta II của Nga). Có thể bốn chiếc khác đang được kiến tạo. Ngoài ra, khoảng 130 tên lửa được đặt trên đất liền, trong đó có 18 Đông Phong 5 bắn tới Hoa Kỳ và “chỉ” có 12 Đông Phong 4 được dành cho… Âu Châu (tử tế) ! Các tên lửa này ít hy vọng hiệu quả…

Tóm lại, chúng ta thấy là quyền lợi của Trung Quốc không nằm trong việc tranh giành tư thế lãnh đạo thế giới, với những trách nhiệm mà Trung Quốc không thể đảm đương nổi, và cũng không muốn đảm đương, vì chúng đi ngược lại đường lối ngoại giao đa phương của chính quyền Bắc Kinh. Để tiếp tục phát triển, Trung Quốc hoàn toàn có lợi hơn khi dựa vào một thế giới ổn định bởi xương máu của chiến sĩ Hoa Kỳ, với một phần phương tiện do chính mình tài trợ, để len lỏi khai thác những nguồn năng lượng và nguyên liệu, cũng như mở rộng thị trường xuất cảng…
Nhìn tốc độ bạc tóc của “bác” Obama, người ta hình dung được cơn ác mộng của việc lãnh đạo thế giới !

(1) Thật ra ý kiến một G-2 Mỹ - Hoa đã được Zbigniew Brzezinski đưa ra từ năm 2006
(2) Chủ thuyết Nixon 1969


Một rừng hai cọp
Chỗ đứng của Việt Nam sẽ khá… tế nhị !
Chuyến công du Á Châu của Tổng Thống Obama được kết thúc bởi một thông cáo chung với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, trong đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy rõ ràng sự chia sẻ vai trò quản trị thế giới. Hai siêu cường công bố quan điểm của họ về kinh tế, môi sinh, quân sự, v.v… trong mục tiêu « tăng cường hòa bình, ổn định và phú hữu trên toàn địa cầu » cũng như « giải quyết những vấn nạn chung của thế kỷ 21 ».
Hơn bao giờ hết, quyền lợi của Hoa Kỳ và Trung Quốc bị ràng buộc chặt chẽ với nhau. Nền kinh tế Hoa Kỳ sống phần lớn bằng tiền vay của Trung Quốc. Ngược lại, món nợ kếch sù ấy cho phép người dân Hoa Kỳ tiếp tục tiêu thụ và làm chạy guồng máy sản xuất của Trung Quốc, để Trung Quốc có thể tiếp tục làm ra tiền, và lại cho Hoa Kỳ vay tiếp...


Tuy nhiên, hai quốc gia cũng đối kháng nhau trên nhiều lãnh vực. Nỗ lực bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Phi Châu, Trung Á, Thái Bình Dương, và cả Nam Mỹ Châu… mang nhiều mâu thuẫn với vai trò truyền thống của Hoa Kỳ. Những liên hệ giữa Trung Quốc với Liên Bang Nga, Cộng Đồng Âu Châu, hay một vài nước Hồi Giáo, cũng có thể ẩn giấu những chủ ý không được thân thiện lắm đối với Hoa Kỳ. Ngay cả trên lãnh vực không gian, Trung Quốc cũng không còn bị đóng khung trong một tư thế thụ động nữa, từ khi một hỏa tiễn Trung Quốc thành công trong việc bắn tan một vệ tinh khí tượng vào năm 2007. Trên đại dương, Trung Quốc hiện hoàn chỉnh một hỏa tiễn loại Đông Phong 21, được hướng dẫn bởi vệ tinh, radar hay máy bay không người lái, với khả năng phá hủy một chiến hạm trong vòng 2000 cây số. Năm chiếc Hàng Không Mẫu Hạm của Hoa Kỳ vốn ngự trị trên Thái Bình Dương, từ đây, không còn an toàn nữa ! Trung Quốc cũng bắt đầu sản xuất máy bay dân sự (ARJ21), và xe hơi, đe dọa trong trung hạn các nền sản xuất tương tự của Hoa Kỳ.

Trên lãnh vực tài chính, Trung Quốc không khỏi lo sợ cho những món tiền khổng lồ phải cho Hoa Kỳ vay. Chúng hoàn toàn lệ thuộc vào chính sách lãi suất và tiền tệ của Hoa Kỳ. Đối lại, sự cố tình duy trì giá trị rất thấp của đồng Yuan gây nhiều khó khăn cho nền sản xuất của Hoa Kỳ, với những hậu quả quan trọng trên số người thất nghiệp.

Trong cuộc chơi vừa đối đầu vừa hợp tác ấy giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chỗ đứng của Việt Nam, vừa bị cám dỗ bởi Hoa Kỳ và Tây Phương, vừa lệ thuộc Trung Quốc trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là kinh tế và môi sinh, không khỏi trở thành … khá tế nhị !

TRUNG HOA LÀ MỘT ĐẾ QUỐC KHÔNG BIÊN GIỚI!
Biên giới, trong vùng văn hóa Trung Hoa, chỉ là sự thể hiện của một tương quan lực lượng. Mạnh lấn, yếu nhường. Đối với chính Trung Quốc, thì còn cần phải quan niệm biên giới thực thục và biên giới tâm lý.

Biên giới thực thụ đến từ các thỏa ước mà người Trung Hoa luôn xem như những văn kiện chỉ có giá trị giai đoạn, được ký kết tùy theo sự mạnh yếu nhất thời của họ. Sang một giai đoạn khác, với một tương quan lực lượng khác, các thỏa ước ấy nhanh chóng bị xét lại. Ngoài ra, còn một khía cạnh nữa mà các nhà ngoại giao Tây phương cũng đã mất nhiều thời gian để hiểu, là biên giới cũng thường được các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi như một công cụ để làm áp lực cho những mục tiêu hoàn toàn không liên hệ gì đến quan tâm về lãnh thổ. Một thí dụ rất rõ là tranh chấp quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc thường « hâm nóng » tranh chấp ấy mỗi khi có một vấn đề khác làm phiền họ, như vấn đề Campuchia, cách đây ít năm, các vấn đề Tây Tạng cũng như Đài Loan, khi chúng trở nên căng thẳng, và gần đây hơn, các tranh chấp về thương mại và mậu dịch. Khi đạt được các nhượng bộ mà họ cần, thì không khí nơi các quần đảo liền trở nên « mát mẻ » trở lại.

Mặt khác, biên giới tâm lý, đối với người Trung Hoa, hoàn toàn khác với biên giới thực thụ. Cần hiểu là trong tiềm thức của người Trung Hoa, Trung Quốc không có biên giới. Từ ngàn xưa, vị nguyên thủ của Trung Quốc luôn quan niệm trách nhiệm của mình được trải rộng khắp « Thiên Hạ », tức đến toàn thể những gì nằm dưới bầu trời ! Paris, Los Angeles, hay Melbourne, chỉ là những vùng đất phiên thuộc xa xôi của Thiên Triều, đang khao khát được đón nhận những ân huệ ngọt ngào của văn hóa Trung Hoa…

Các quan niệm về biên giới này giải thích vì sao Trung Quốc có 11 nước lân bang, và … 11 cuộc tranh chấp biên giới !

Còn phạm vi chủ quyền của Việt Nam nhìn từ phía Trung Quốc thì sao ?

Không cần bàn đến giai đoạn quân chủ, ngay khi nước Trung Hoa hiện đại hình thành, các nhà lãnh đạo của họ, từ đồng nghiệp Tôn Trung Sơn cho đến các chính quyền Cộng Sản gần đây (như từng được ghi trong sách giáo khoa của trẻ em Trung Quốc), đều coi miền Bắc và Bắc Trung Phần Việt Nam như lãnh thổ của họ, bị mất đi do các hiệp ước « không công bằng » mà họ đã buộc lòng phải ký kết với thực dân Tây Phương. Vì sao Nam Phần và Nam Trung Phần không bị coi là sở hữu trực tiếp của « Thiên Triều » ? Vì các lãnh thổ ấy đã do người Việt Nam đã đổ xương máu giành được, từ tay người Chàm và Chân Lạp. Quan điểm cố hữu của văn hóa Trung Hoa vẫn là : chính nghĩa của việc sở hữu một lãnh thổ được quy định bởi giá xương máu phải trả để chiếm đoạt lãnh thổ ấy.

Cần nói là những quy định về lãnh thổ này được người Trung Hoa « chấp hành nghiêm chỉnh » ngay cả khi nó bất lợi cho họ. Một thí dụ gần đây là trường hợp người Mãn Châu đã đổ xương máu chiếm toàn lãnh thổ của họ. Nói chung chung, họ đã chấp nhận sự cai trị ngoại lai này, với một mức độ quy thuận và trung thành tương đối tốt. Nhà Thanh, dù là một triều đại ngoại xâm, vẫn được coi như chính thống, thế thiên hành đạo, được quyền sở hữu nước Trung Hoa suốt gần ba thế kỷ, trải dài 13 đời vua. Cho đến lúc tương quan lực lượng đổi khác…

Trong bối cảnh của thế giới hiện đại, Trung Quốc buộc phải hội nhập vào cộng đồng quốc tế được lãnh đạo bởi những luật lệ do người Tây Phương đặt ra. Thật ra, người Trung Hoa chỉ tạm chấp nhận những luật lệ ấy trong điều kiện tương quan lực lượng hiện tại với các nước Tây Phương. Trong tâm thức, hay tiềm thức, của họ, thì những ước lệ về sở hữu lãnh thổ đến từ văn hóa truyền thống Trung Hoa, vẫn là điều được coi trọng hơn cả.
Với những quy định pháp lý được đặt ra bởi người Tây Phương thì, trên nguyên tắc, các quốc gia buộc phải cư xử “bình đẳng” và hợp pháp với nhau về biên giới. Tuy nhiên, mọi pháp lý đều phải được bảo đảm bởi một uy quyền, một sức mạnh, với đầy đủ khả năng ngăn chận và trừng phạt những vi phạm. Điều cần tự hỏi là : sức mạnh ấy từ đâu ra ? Ai bảo đảm việc chấp hành công pháp quốc tế ?
Mặt khác, lý tưởng của việc giải quyết các vấn đề biên giới là sự thỏa hiệp giữa các thành phần liên hệ như trường hợp thỏa ước biên giới Việt Hoa gần đây, được ký kết bởi hai chính quyền hợp pháp. Tuy nhiên điều ấy có đủ để bảo đảm một sự công bằng hay không ? Nếu không thì sức mạnh nào, uy quyền nào có khả năng tái lập sự công bằng ấy ?

Thật ra cần hiểu là ưu tiên sống còn của Trung Quốc hiện nay là tăng cường nhịp độ sản xuất. Điều ấy hoàn toàn mâu thuẫn với một chủ trương bá quyền. Chúng ta sẽ bàn trở lại vấn đề này trong số tới.

TRUNG QUỐC VÀ CHỦ THUYẾT BÁ QUYỀN
Trước hết chúng ta hãy nhìn lại một kinh nghiệm lịch sử : trường hợp đế quốc quân phiệt Nhật Bản. Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20, nhờ nỗ lực tân tiến hóa, đã trở nên giàu mạnh. Đồng thời cũng nảy sinh một tâm lý kiêu hùng. Họ suy nghĩ theo lý thuyết "không gian sinh tồn", và phát minh ra chủ trương "Đại Đông Á của người Á Đông" để phục vụ cho tham vọng bành trướng của họ. Bành trướng đối với họ là bành trướng lãnh thổ (đế quốc), và phương tiện được chọn là sức mạnh quân sự. Kết quả ra sao, chúng ta đã biết.
Sau thảm họa đệ nhị thế chiến, người Nhật không từ bỏ nỗ lực bành trướng. Nhưng bành trướng lãnh thổ đã trở thành bành trướng thị trường, và bá quyền dựa trên sức mạnh quân sự trở thành phát triển kinh tế. Họ xuất cảng công ăn việc làm đến toàn vùng Đông Á, tạo phú hữu cho nhiều quốc gia có thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của họ. Nam Hàn là một thí dụ rực rỡ.
Trung Hoa ngày nay cũng đã nhờ nỗ lực tân tiến hóa để trở nên giàu mạnh. Sức mạnh của Trung Hoa không dựa trên khả năng quân sự, mà dựa trên những ưu điểm về kinh tế. Chủ nghĩa đã đưa Trung Quốc lên địa vị cường quốc hiện tại là "chủ nghĩa con buôn" (mercantilism). Chính sách của Trung Hoa nhằm phục vụ cho chủ nghĩa ấy là chính sách hoà hoãn với mọi người để trục lợi. Người ta gọi đó chính sách ngoại giao « đa phương » (multilateralism).
Chủ nghĩa bá quyền chỉ đem lại những tai hại cho Trung Quốc. Thật vậy, hai yếu tố quan trọng nhất đối với Trung Quốc hiện nay là nguyên liệu và thị trường. Áp dụng một chính sách bá quyền bành trướng lãnh thổ đưa đến việc phải cáng đáng thêm một số nhà máy trên các lãnh thổ vừa chiếm đoạt. Khi nguyên liệu càng ngày càng thiếu hụt cho những nhà máy Trung Quốc hiện có, và đang cần kiến tạo thêm để cố giảm bớt nạn thất nghiệp, thì việc đèo thêm trách nhiệm chu cấp nguyên liệu cho một số nhà máy phụ trội trên những đất nước khác (*), là hoàn toàn bất lợi. Mặt khác, dùng sức mạnh quân sự để chiếm đoạt và duy trì sự thống trị của mình trên một quốc gia, dù là để chiếm đoạt nguyên liệu và tài nguyên của quốc gia ấy, sẽ đắt tiền hơn là giữ một liên hệ ngoại giao tốt đẹp để mua của quốc gia này số nguyên liệu và tài nguyên mà mình cần. Trên phương diện thị trường thì chiếm đóng một lãnh thổ để bóc lột người dân ở đó là làm mất đi một thị trường. Những người bị bóc lột, theo định nghĩa, sẽ nghèo đi, và không thể càng ngày càng mua thêm hàng hoá của Trung Quốc. Sức tiêu thụ của họ suy giảm có nghĩa là số hàng Trung Quốc bán được suy giảm, Trung Quốc phải nghèo đi, với số người thất nghiệp gia tăng … Ngược lại, Trung Quốc có lợi khi đem lại cơ hội phát triển cho các nước có nhiều liên hệ với mình, tạo nên những vùng thịnh vượng, tăng cường phú hữu cho những dân tộc sẽ trở thành khách hàng tốt của mình. Nhật Bản đã làm như thế, và đã thành công ! Đó là chưa kể đến ảnh hưởng tâm lý vô cùng xấu xa của một chủ nghĩa bá quyền trên phương diện thương mại. Không quốc gia nào hiện hữu cô lập trên thế giới. Như mọi con người, ai cũng có bè bạn, họ hàng… Vì thế, chỉ cần đụng đến một dân tộc là sẽ kéo theo một chuỗi phản ứng vô cùng bất lợi cho việc buôc bán, với những mất mát về lợi nhuận không thể lường được. Trung Quốc vốn hiểu điều ấy, nên cho đến ngày nay vẫn thực thi một chính sách ngoại giao « đa phương ». Tuy nhiên, có những dấu hiệu của một chủ nghĩa bá quyền đang muốn nổi lên. Mặc dù những tai hại rất dễ nhận ra. Vì sao ? Có lẽ vì không có lý luận hay hiểu biết nào thuyết phục nổi những người… đần độn !

(*) Việc Trung Quốc hiện áp dụng một thái độ « bá quyền nội địa » đối với Tây Tạng, Tân Cương… bên cạnh nhiều nguyên do khác, còn có một nguyên do kinh tế đơn giản: những vùng đất bao la ấy quá ít dân so với số lượng tài nguyên, nên đứng trên quan điểm của Trung Quốc, việc đưa thêm dân đến để khai thác chúng, hoàn toàn có lợi cho mục tiêu phát triển.

Tương quan với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ra sao đến chính trị nội bộ của Việt Nam?
Những vấn đề thường được nêu lên trong tương quan Việt Hoa suốt thời gian gần đây sẽ có những ảnh hưởng sâu xa đến chính trị nội bộ của Việt Nam nhiều hơn là trên bình diện bang giao quốc tế (xem bài Trung Quốc và chủ thuyết bá quyền - PNDĐ số tháng 4-2010). Chúng ta có thể hình dung ba loại ảnh hưởng chính :
- Thứ nhất là sự lớn mạnh của dân tộc chủ nghĩa, với nguy cơ trở thành cực đoan, quá khích, đe doạ hai đối tượng chủ yếu là người Công Giáo và người Việt gốc Hoa.
- Thứ hai là sự củng cố chế độ độc tài, xóa đi mọi ước vọng về một tiến trình dân chủ hóa.
- Thứ ba là một giai đoạn trì trệ, thậm chí tụt hậu, về kinh tế.

Sự lớn mạnh của dân tộc chủ nghĩa là một hiện tượng rất phổ biến trong thời hiện đại (1). Không bằng lòng với hiện tại, lo sợ trước tương lai, người ta quay về ẩn náu trong quá khứ, trong những truyền thống dân tộc và tôn giáo. Khi có những tranh chấp bên ngoài, hay những mâu thuẫn với các thành phần không được coi như “dân tộc”, thì phản ứng tâm lý này lại càng được khuếch đại, trở thành cực đoan, quá khích.

Các chế độ độc tài thường bắt rễ trên vũng bùn tâm lý này. Vì thế, dân tộc chủ nghĩa cực đoan, tinh thần tôn giáo cuồng tín, là những yếu tố rất hay được khích động bởi độc tài (2).
Lịch sử cũng cho thấy các nhà độc tài rất thường dựa trên yếu tố “thù trong, giặc ngoài” để củng cố quyền hành của họ. Hitler, Staline, Mao, đều đã áp dụng “công thức” này. Tổ quốc luôn lâm nguy, kẻ thù luôn đe dọa, bên ngoài lẫn bên trong, cho phép những biện pháp phi nhân, sắt máu nhất. Khi không bịa đặt ra những nguy cơ giả tạo hay được phóng đại, thì chính thể độc tài không ngần ngại gây nên những cuộc chinh chiến gian nguy, để đoàn ngũ hóa người dân, biến người dân thành một tập thể kỷ luật, sẵn sàng chấp hành mọi mệnh lệnh, nhân danh sự sống còn của quốc gia, dân tộc.
Nước Đại Nam ta hiện được cai trị bởi một tập thể bao gồm nhiều khuynh hướng, nhưng cùng chia sẻ những quyền lợi chung, đồng thời bị đặt trước những đe dọa chung. Một tập thể cai trị kiểu này có ưu thế quan trọng là dễ dàng thay da đổi áo, để nhanh chóng thích nghi với những nhu cầu quyền lợi hay đối phó với các hiểm nguy. Phương pháp độc tài “đa nguyên” này cho phép vừa nhũn nhặn bên ngoài, vừa khích động căm thù bên trong, sửa soạn cho việc đoàn ngũ hóa người dân, chặn đứng mọi tiến trình cởi mở. Khi áp lực của thời cuộc đòi hỏi, tập thể cầm quyền sẽ hoán chuyển vị trí. Những người “nhũn nhặn” lùi vào hậu trường (đi làm kinh tế !), nhường chỗ cho một nhóm “hăng tiết canh” anh dũng đứng lên “cứu nguy dân tộc”. Một số quần chúng sẽ hồ hởi tham gia những phong trào “dân quân tự vệ”, trừng phạt và đe dọa đám “phản quốc”, những “kẻ thù bên trong” nối giáo cho bọn bá quyền bên ngoài…
Kinh tế đương nhiên là sẽ trì trệ, khủng hoảng. Rồi sau đó ? Cụ Mác chẳng từng dạy rằng cách mạng sẽ nổi lên từ điều kiện kinh tế hay sao ? Sau một cuộc khủng hoảng kinh tế đủ trầm trọng, cách mạng sẽ hình thành. Theo trình tự được cụ Mác đề ra, đó nhất định sẽ là... cách mạng tư sản, với dân chủ nghị trường ! Lý do, theo cụ Mác, rất đơn giản : Việt Nam chưa từng thực sự phát động cuộc cách mạng ấy.
Tóm lại, chúng ta đang đứng trước một tương lai rực rỡ!

(1) Nguyên do của hiện tượng này là một tiến trình tân tiến hóa quá nhanh chóng, một áp lực toàn cầu hóa quá nặng nề và sự trì trệ về kinh tế của một phần lớn nhân dân trong xã hội. Người ta bám víu vào những giá trị của quá khứ khi không nắm bắt kịp những thay đổi siêu tốc của đời sống, khi hốt hoảng nhìn những tập quán thân quen tan loãng trong một nền văn hóa Âu Mỹ bao trùm thế giới, và khi phải sống trong một hiện tại đầy thiếu thốn, đồng thời lo sợ trước một tương lai đầy bất trắc.
(2) Các chế độ độc tài gọi là Cộng Sản cũng không ra ngoài thông lệ ấy, cũng khích động tinh thần dân tộc, đồng thời dựng nên một “tôn giáo” mới với những lãnh tụ thần thánh và niềm tin vào sự cứu độ của một chủ thuyết tập trung mọi chân lý…

.

.

.

No comments: