Sunday, July 11, 2010

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST AMERICAN WORLD)

Một Thế giới Hậu-Hoa Kỳ - The Post-American World

Lê Quốc Tuấn

Friday, July 9, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/07/mot-gioi-hau-hoa-ky-post-american-world.html

Sau thảm họa 9/11 tiếp theo đó, là những chi phí an ninh cực lớn cho an toàn nội địa và quốc phòng cho cuộc chiến sa lầy của Mỹ ở các chiến trường Trung Đông; và gần đây nhất là cuộc suy thoái kinh tế vô tiền khoáng hậu khởi đi từ chính Hoa kỳ rồi lan rộng ra toàn cầu, đã khiến không ít người Mỹ phải bừng tỉnh, suy nghĩ lại về đất nước, nền văn minh và sức mạnh của đất nước mình.

Trong những dòng suy nghĩ đó không ít thức giả gồm các chuyên viên, nhà nghiên cứu, sử gia, chiến lược gia ... đã lên tiếng về sự xuất hiện của những sức mạnh kinh tế khác, trong đó, nổi bật nhất là Trung quốc - như một đe dọa mới, thách thức đến vị trí của Hoa kỳ trên toàn cầu.

Fareed Zakaria không nằm trong dòng suy nghĩ đó. Qua tác phẩm "Một thế giới hậu Hoa Kỳ", ông đã vẽ nên một bức tranh đầy hy vọng về vai trò lạc quan của Hoa Kỳ trong một nền trật tự thế giới mới. Bằng những phân tích, dẫn chứng lịch sử, ông đã giới thiệu sự nổi dậy của những cường quốc mới nổi, quốc gia mới nổi - mà ông gọi là cuộc nổi dậy của thành phần còn lại. Qua đó, ông đã đi sâu phân tích về Hoa Kỳ, Trung quốc và Ấn độ để dứt khoát chỉ ra rằng, Hoa Kỳ vẫn là siêu quyền lực lý tưởng và duy nhất trên thế giới đã từng theo đuổi, áp dụng những chính sách xã hội, chính trị, văn hóa, khoa học hợp lý, có giá trị mà các nước khác trên thế giới vẫn còn phải học hỏi. Trước sự nổi dậy của những thành phần còn lại, thay vì sợ hãi, Hoa kỳ nên chấp nhận sự thật đó. Sự thật là các quốc gia khác như Trung quốc, Ấn độ, Nga, Brazil, Nam Phi và Indonesia đang chiếm giữ phần bánh lớn hơn của nên kinh tế thế giới. Đặc biệt, Zakaria còn nhấn mạnh, sự thật ấy còn là kết quả đáng tự hào của Hoa kỳ. Bởi vì sự thành công của các nước còn lại chính là nhờ họ đã học được bài học của Hoa kỳ. Trong 60 năm, các nhà ngoại giao, các chính khách Hoa Kỳ đã đi khắp nơi trên thế giới để thúc đẩy các quốc gia mở cửa thị trường của mình ra, tự do nền chính trị của mình để ôm lấy giao thương và khoa học. Chúng ta đã kêu nài dân chúng ở những nơi xa xôi tham dự vào các thử thách của kinh tế toàn cầu, bỏ tiền ra để mà phát triển kỹ nghệ. Chúng ta cố vấn họ học hỏi những bí mật thành công của chúng ta và đừng sợ sự thay đổi. Và những điều ấy đã có kết quả (1). Cuộc chuyển dịch lớn lao của nền trật tự toàn cầu này đang chứng tỏ Hoa kỳ đã thắng trong cuộc chiến tranh về tư tưởng.

Đúng như khẳng định của ông ngay từ những dòng mở đầu: Đây không phải là một cuốn sách viết về sự xuống dốc của Mỹ mà đúng hơn là một cuốn sách viết về sự nổi lên của tất cả mọi người khác. Là cuốn sách về một chuyển biến vĩ đại đang xảy ra khắp nơi trên thế giới, một cuộc chuyển biến mà, cho dù đã thường được bàn bạc đến, nhưng vẫn còn bị am hiểu một cách nghèo nàn. (2)
Một Thế giới Hậu-Hoa Kỳ đúng là một tác phẩm lạc quan và quan trọng về nước Mỹ và tương lai của đất nước này. Trong khi xu hướng hiện nay thường mô tả sự ảm đạm về tương lai chính trị kinh tế của Hoa kỳ và thích nói đến sức mạnh mới của Trung quốc và các nước khác. Zakaria đã mang lại sự quân bình qua các phân tích của ông và cho rằng tình thế không phải đến nỗi tuyệt vọng như nhiều người đang thường nghĩ.

Trên bình diện thế giới, dù các đe dọa về khủng bố, chiến tranh hạt nhân vẫn lơ lửng treo, Zakaria mô tả thế giới trong một cái nhìn trầm tĩnh, đúng mức hơn, trên tổng thể, thế giới đã tận hưởng được sự ổn định và hòa bình hơn là đã từng có trong suốt thế kỷ. (3). Tuy nhiên về tổng thể, thế giới này đang dịch chuyển đến một nền trật tự toàn cầu mới. Ở đó, những quyền lực kinh tế mới, đang tích cực mạnh mẽ vươn lên, là những thực thể mới khiến làm thay đổi đến căn bản các suy nghĩ, quan điểm, chiến lược của mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Hoa kỳ.


Chủ đề chính của tác phẩm là lời khẳng định về một thành phần mới mang tên "thành phần còn lại" (the rest) đang đi lên, nhưng thành phần hiện hữu, cụ thể là Hoa kỳ, không đi xuống. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đến một nhu cầu cần kíp trong chính sách lãnh đạo của Hoa kỳ. Mặc dù Trung quốc - đối thủ nặng cân nhất của Hoa kỳ - thì thận trọng và khá chừng mực - nhưng Hoa Kỳ cần thay đổi đường lối chính trị yếu kém, thiếu cân đối và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giới truyền thông, tài phiệt và các đặc lợi khác.

Zakaria nhấn mạnh rằng những thay đổi từng diễn ra trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ chưa theo kịp được với các nhu cầu, tham vọng và mục đích nhằm trở nên một đất nước dẫn đạo thế giới trong khuôn khổ một nền trật tự toàn cầu mới. Hoa Kỳ vẫn còn dư sức mạnh, năng lực để tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới chung quanh nhưng Hoa Kỳ cần phải điều chỉnh lại hệ thống chính trị mất chức năng của mình đồng thời hướng chính sách của Hoa kỳ đến một thế giới mới mà các giá trị mới ấy phải đước xác định từ những quốc gia đang lên.

Hãy đọc tác phẩm này nếu ai đó đang lo sợ rằng Trung Quốc và Ấn độ đang sắp nuốt hết phần bánh của thế giới. Bởi vì Zakaria đã nhắn nhủ rằng mọi chuyện sẽ ổn thoả thôi. Và lời nhắn nhủ này có sức mạnh và tính thuyết phục bởi vì Zakaria đã gói ghém trong đó những thông tin, dữ liệu về lịch sử, kinh tế, văn hóa khách quan có giá trị.

Như Claude Lewis trong tờ Philadelphia đã viết :
“Hiếm khi có được một người viết, một nhà báo trẻ tuổi xuất hiện trong một phong thái chuyên ngihệp sáng chói, trong sáng gần như hoàn hảo phối hợp cùng sự hùng biện đầy lôi cuốn để thông báo cho người đọc những gì sắp xảy đến trong khung cảnh quốc tế. Người trẻ tuồi ấy là Fareed Zakaria... Qua việc trước tác cuốn sách này, Zakaria đã thực hiện một điều ích lợi lớn lao cho nước Mỹ và cả phần còn lại của Thế giới. Một Thế giới Hậu-Hoa Kỳ là tấm gương phản ánh giúp cho chúng ta khảo sát lại vai trò của Hoa Kỳ và một số các quốc gia khác trong sự lương thiện và vô tư. Người đọc sẽ hưởng được phần thưởng có giá trị và sự sáng tỏ lớn lao từ kiến thức nhạy bén của Zakaria về các vấn đề quan hệ quốc tế, chính trị toàn cầu và phát triển kinh tế.”

Đôi dòng về tác giả:

Fareed Zakaria, người được tạp chí Esquire chọn là "một trong hai mươi mốt nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ hai mươi mốt" vào tháng 11 năm 1999, được Forbes bình chọn là một trong 25 nhân vật truyền thông có ảnh hưởng nhất Hoa kỳ vào tháng 1/2009, sinh tại Mumbai, Maharatra, Ấn độ, ngày 20 tháng Một năm 1964 trong một gia đình Hồi giáo. Cha là một chính khách, một học giả Hồi giáo, mẹ là một nhà báo. Ông theo học tại Đại học Yale, sau đó tốt nghiệp Ph.D về chính trị học tại Đại học Harvard dưới sự hướng dẫn của Samuel .P Huntington và Samuel Hoffmann.

Zakaria đã từng được xem như một con người có nhiều tính cách khác biệt, vừa tự do, bảo thủ lại vừa là một con người ôn hoà. Ông đã từng ủng hộ cựu tổng thống Ronald Reagan trong những năm 1980, sau đó lại thiên về dân chủ trong những năm 1990. Ông từng ủng hộ Obama ngay trong thời kỳ tranh cử sơ bộ, nhưng sau đó lại quay sang ủng hộ cho McCain. Tuy nhiên, ông tự nhận mình là một người trung lập. Ông từng khẳng định không ủng hộ, không thiên về tư tưởng, đảng phái chính trị nào, ông từng nói "đấy là một phần công việc của tôi... nghĩa là không chọn đứng về một phe phái nào để có thể giải thích được những gì xảy ra."

Zakaria là tác giả của các tác phẩm chính luận phân tích chính trị, kinh tế nổi tiếng : From Wealth to Power: The Unusual Origins of America's World Role (Princeton, 1998), The Future of Freedom (Norton, 2003), and The Post-American World (2008); ông cũng cùng viết chung với các tac giả khác trong The American Encounter: The United States and the Making of the Modern World (Basic Books).

Về truyền thông, ông từng là Managing Director của tạp chí Foreign Affairs, năm 2002 ông được chỉ định là editor của tờ Newsweek International. Ông cũng viết thường kỳ trên các tập san, báo chí quan trọng như The New York Times, the Wall Street Journal, the New Yorker. Ông hiện còn là người hướng dẫn (host) chương trình hàng tuần mỗi chiều chủ nhật mang tên Fareed Zakaria GPS (Global Public Square) trên hệ thống truyền hình CNN.

Toronto, tháng 12 năm 2009
Lê Quốc Tuấn
-------------------------------------

Lời Tòa Soạn DÐTK: Sau bài giới thiệu này, Diễn Ðàn Thế Kỷ sẽ bắt đầu đăng từng kỳ bản dịch cuốn The Post-American World của dịch giả Lê Quốc Tuấn. Kính mời quý độc giả đón xem.

.

.

.

No comments: