Tháng Bảy 16, 2010
http://giacmoxanh.wordpress.com/2010/07/16/trau-%c6%a1i-ta-b%e1%ba%a3o-trau-nay/
.
Vừa nghe ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu hùng hồn sau trận mưa lụt: “Ở Hà Nội, khi có mưa một chút là trở thành loạn, mọi người không ai nghe ai, ai cũng tranh đi trước, tự chúng ta tạo hỗn loạn“.
À ra thế. Đúng là mưa mới có một chút mà cả thành phố như một con sông, nước dâng trắng xoá mọi con đường. Xe máy và ô tô đều không đi được, người dân phải dắt bộ, lội bì bõm trong nước. Nếu ai đi qua hầm Kim Liên- hầm được coi là hiện đại nhất ở Việt Nam- thì phải vừa đi vừa bơi, khi lên tới miệng hầm mới hú vía, thấy mình thật may mắn vì vẫn chưa bị chết đuối. Cứ theo lời ông Chủ tịch Uỷ ban nói thì người Hà Nội chẳng biết điều tí nào. Đáng lẽ khi trời mưa, người dân phải ngồi nhà hết mới phải chứ? Ra đường làm gì cho loạn? Nếu ở nhà mà ngộ nhỡ có bị điện giật chết vì nước tràn vào thì cũng còn hơn là ra đường “tạo hỗn loạn” nhỉ?
Thế Thảo ôi là Thế Thảo ôi! Trước kia ông đang ở Bắc Ninh, sao ông không làm lãnh đạo luôn ở đó, còn ra Hà Nội làm gì cho khổ dân Hà Nội chúng tôi?
.
Còn nhớ trận lụt kinh hoàng cuối năm 2008, dân Hà Nội như sống trong thời tiền sử của loài người. Nhiều nơi nước ngập ngang lưng, người dân phải đóng thuyền, đóng bè, mảng để đi lại trong hơn một tuần. Nhịn đói vì không đi mua được thức ăn, nhịn khát vì không có nước sạch uống, nhịn luôn cả đi vệ sinh vì nước cống xung quanh dềnh lên hôi thối. Phụ nữ, người già, trẻ em phải leo lên chỗ cao nhất trong nhà, ngồi thu lu chờ nước rút. Còn nam giới thì chống gậy, cố bơi ra ngoài tìm mua đồ ăn với giá cắt cổ. Mấy chục người chết đuối vì bị nước cuốn. Gần như cả thành phố bị cắt điện, người dân chẳng còn biết làm gì, đành ngồi nhìn nhau và nhìn lũ chuột bọ cũng bị nước dồn vào góc nhà. Một số gia đình may mắn thì được bà con, họ hàng thuê thuyền hoặc xe ngựa đến đón để đi sơ tán ở nơi khác.
.
Vậy mà ngài Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị còn lớn tiếng nói người dân Hà Nội “không có ý thức tự lực cánh sinh”, lại cứ “ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Chính quyền”! Ô hay, không trông chờ vào sự giúp đỡ của Chính quyền thì từ trước đến nay dân đóng thuế cho ai, hy sinh xương máu cho ai hở trời?
Mấy hôm nay chat với chị bạn, chị ấy phàn nàn là ở Hà Nội giờ khổ quá. Điện thường xuyên bị cắt, nước sạch cũng bị cắt. Trời nắng cũng bị cắt, trời mưa cũng bị cắt. Đường sá ngập lụt và tắc nghẽn gần như bất cứ lúc nào. Khí hậu càng ngày càng nóng hơn vì mật độ xây dựng chen chúc. Giá cả sinh hoạt thì đắt đỏ, tệ nạn xã hội khắp nơi. Chị ấy kể: “Hà Nội mình sắp một nghìn năm mà như cái ổ chuột em ạ. Dân đang đói khổ bỏ xừ, mấy ông to lại còn định xây cổng chào mấy chục tỷ. Chị đang tìm cách mua đất chỗ khác, có lẽ sẽ không sống ở Hà Nội nữa”. Than ôi, một Hà Nội thơ mộng, lãng mạn và hào hoa có lẽ chỉ còn nằm trong tâm trí của những người hoài cổ mà thôi.
.
Có thời gian người ta còn định bắt người dân Thủ đô chỉ được đi xe máy biển lẻ vào ngày lẻ, biển chẵn vào ngày chẵn. Ông Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Bí thư Thành ủy còn lên tivi dương dương tự đắc rằng sáng kiến đó sẽ ngăn ngừa hiệu quả nạn tắc đường. Cho đến khi giới luật gia lên tiếng phản đối dự luật đó vì vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại theo Hiến pháp, ông ta mới thôi, không đưa dự luật đó ra thành luật chính thức. Cái dự luật này làm tôi nghĩ đến hình ảnh con trâu trên đồng ruộng Việt Nam. Nhẫn nhục làm thân kéo cày, suốt ngày dầm mình trong bùn đất, con trâu tội nghiệp lúc nào cũng bị buộc một sợi dây thừng qua mũi để anh nông dân điều khiển. Hễ muốn cho nó đi sang phải hay sang trái là chỉ cần kéo cái thừng theo phía đó, muốn nó dừng lại thì cứ “họ” một tiếng và giật mạnh dây thừng. Cái dự luật cấm xe máy của ông Nguyễn Phú Trọng chẳng khác nào sợi dây thừng đó. Dân ta vốn cam chịu, hiểu rằng “Đảng bảo đi là đi, Đảng bảo đến là đến” từ thời chiến tranh mà!
.
Hôm nọ, lại thấy Truyền hình Trung ương VTV1 đưa tin, anh Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lên giọng nhắc nhở chị em phụ nữ “không nên lấy chồng người nước ngoài khi không có tình yêu”. Úi giời, đúng là Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có khác, nói hay tệ! Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, người ta dạy tôi trong môn Triết học Mác- Lê nin rằng vật chất có trước, ý thức có sau. Vật chất luôn luôn quyết định ý thức. Không hiểu mấy cô gái quê mơ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nghĩ đến tình yêu làm sao được khi cả nhà cô ta không có đủ gạo ăn ngày mai? Bao nhiêu kẻ sống dư thừa, thác loạn, quyền cao chức trọng, chắc gì cả đời đã biết đến tình yêu, sao còn đi trách mấy cô gái nông thôn nghèo, chân lấm tay bùn vậy Triết ơi?
.
Tôi có một chị bạn, mỗi lần đi nước ngoài về, chị ấy liền gọi điện cho tôi, giọng ấm ức: “Này, em có biết thế nào là shock văn hoá ngược không? Chị cứ đặt chân xuống sân bay Nội Bài là có ngay cảm giác mình là con gì chứ không phải con người nữa”.
Hình như không có nhiều nơi trên thế giới mà con người bị đối xử chẳng giống con người như ở Việt Nam. À ơi, trâu ơi ta bảo trâu này…
Nước Mỹ, ngày…tháng…năm…
.
Phát biểu của Nguyễn Thế Thảo: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/07/3BA1E1C0/
.
.
.
No comments:
Post a Comment