Wednesday, July 14, 2010

RA MẮT SÁCH "NGÀY LONG TRỜI, ĐÊM LỞ ĐÂT" tại VIỆN VIỆT HỌC

‘Ngày Long Trời Đêm Lở Đất’ Viết Về Cải Cách Ruộng Đất

Việt Báo

Thứ Tư, 7/14/2010, 12:00:00 AM

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=5&nid=161636

‘Ngày Long Trời Đêm Lở Đất’ Viết về Cải Cách Ruộng Đất, Ra Mắt Tác Phẩm Về Sự Thật Sát Nhân Của Chế Độ CSVN

.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đang nói về tác phẩm “Ngày Long Trời, Đêm Lở Đất.”(Photo VB)

http://www.vietbao.com/Images/Upload/2010_7/VIET-HOC_Nguyen-Chi-Thien-4.jpg

.

WESTMINSTER (VB) -- Buổi ra mắt tác phẩm "Ngày Long Trời Đêm Lở Đất" đã thực hiện tại Viện Việt Học hôm Thứ Bảy 10-7-2010 với nhiều quan tâm từ giới hoạt động nhân quyền và sử học.
Giáó sư Nguyễn Ngọc Bích và nhà thơ Trương Anh Thụy -- đại diện cho Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ -- đã từ Virginia sang California để giới thiệu tác phẩm vừa mang tính cảm xúc và văn học cao, theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, vừa mang tính sự thật lịch sử, theo đánh giá của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Minh Cần (nguyên ở Khu Tư, nơi xảy ra các chuyện ghi trong tác phẩm).

.
Sau khi MC là cô Kim Ngân giới thiệu, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích kể rằng tác giả ở trong nước, nên cần bảo vệ an ninh, và do vậy người viết đã sử dụng bút hiệu Trần Thế Nhân chỉ có nghĩa là một người trần gian thôi, nhưng may mắn sống sót qua thời kỳ bạo ác của Cải Cách Ruộng Đất.
Giáo sư Bích kể rằng, bản thảo đưa cho ông Nguyễn Minh Cần đọc để xác minh, và vì ông Cần hoạt động chống Pháp tại Khu Tư (Thanh Hóa) trước khi ra Hà Nội giữ chức Phó Phó Chủ Tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Minh Cần đọc xong, trả lời rằng bản thảo nói rất thực, và ông Cần nhận ra tên của nhiều nhân vật trong sách cho dù đã được biến đổi ra tên khác.
GS Bích nói, có nhiều sự thật đã bị các sử gia nhìn lầm, hay đánh giá thấp hơn thực tế, thí dụ như số ngưoòi chết vì Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ). Theo thống kê của chính phủ Hà Nội, Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956 đã có 172,008 người chết, trong đó 70% là chết oan sai. Nhưng Bộ Canh Nông Mỹ đưa ra thống kế trong khoảng năm 1980s là CCRĐ của CSVN chỉ chết có 15,000 người. GS Bích nói, con số 172,000 ngườic hết vì CCRĐ là trong sách của kinh tế gia Đặng Phong in ở Hà Nội.
GS Bích cũng nói, thí dụ như tội diệt chủng, khi tra chữ genocide trong Tự Điển Bách Khoa Wikipedia, thì viết là Bắc VN không có diệt chủng, nhưng Nam VN có nạn diệt chủng làm 200,000 người chết, rõ ràng là nhiều sử gia đã thân cộng thấy rõ khi bênh CSVN và chụp mũ cho chế độ Sài Gòn.

.
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người ở tù CSVN tới 27 năm vì sáng tác thơ văn nêu lên thực tế Miền Bắc, được mời lên nói chuyện và đã giảỉ thích rằng nhan đề “Ngày lở trời đêm lở đất” thực ra là câu nói của Hồ Chí Minh trong CCRĐ, lúc đó đưa ra khẩu hiệu là thà giết nhầm 10 người còn hơn bỏ sót 1 người.
Nhà thơ NCT nói, con số 172,000 người chết là chưa đủ, chưa đúng, vì rất nhiều người chết trong khi bị giam ngoài vườn, ngoaì lều, chết vì đói, vì bệnh, vì bị tra tấn... và những cái chết này, cả trẻ em và người già, đều không được tính vào sổ của phong trào CCRĐ.
Nhà thơ NCT nói, chuyện mà ông Hồ nói sửa sai, thực ra không sửa sai gì, mà chỉ là ngưng thanh lý thôi, bởi vì, “Tôi ở tù các năm 1966, 1967 vẫn còn thấy nhiều địa chỉ bị giam, chưa được thả ra, và đã chết trong tù cả. Vì thực tế CCRĐ là chỉnh đốn tổ chức đảng, và để giải tán toàn bộ chi bộ xã.”
Nhà thơ NCT nói CCRĐ đã phá 90% tài sản văn hóa cổ VN, đốt di tích, chùa chiền, đốt kho văn tích Nguyễn Du, đập phá nhà cụ phan Bội Châu, làm tan nát tình người ở VN, hại nhất là xóa sổ chữ hiếu vì làm con đấu tố bố, vợ đấu tố chồng, con dâu tố bố chồng hiếp dâm, con cháu chỉ mặt bố, ông nội mà gọi là mày, và rồi bố phải gọi con là bà.
Nhà thơ NCT nói, mục đích CCRĐ là khủng bố toàn dân, làm từ đó tới giờ, cả nưả thế kỷ sau, người dân vẫn còn kinh sợ ông Hồ và Đảng CSVN.
Đặc biệt, nhà thơ nói, sách của Trần Thế Nhân còn nói về cô Nông Thị Xuân năm 1956 lên phục vụ ông Hồ và bị Trần Quốc Hoàn giết, để lại con rơi ông Hồ là cậu Nguyễn Tất Trung.
Nhà thơ NCT cũng nói, chuyện cô Xuân và cậu Trung cũng được Giáo Sư Nguyễn Đăng Mạnh ghi lại trong hồi ký, và làm các con ông Trần Quốc Hoàn nổi giận, đòi kiện GS Mạnh, nhưng thực tế là không ai dám đi kiện vì biết bao nhân chứng vẫn còn đó.
Nhà thơ NCT nói nhân chứng về CCRĐ đặc biệt còn có bà Nhu, vợ nhà thơ Hữu Loan, hiện đang sống ở Thanh Hóa, vì bố mẹ bà Nhu bị đấu tố, chôn sống để cho trâu kéo bừa tới cắt đứt đầu bố mẹ bà Nhu...

.
Nhà hoạt động Nguyễn Minh Cần trong bài đặt nơi đầu sách “Ngày Long Trởi, Đêm Lở Đất” của Trần Thế Nhân đã có bài viết từ trang XV có nhan đề:
Suy Ngẫm Khi Đọc “Ngày Long Trởi, Đêm Lở Đất.”
Bài viết của Nguyễn Minh Cần có các đoạn trích như sau:
“Cải cách Ruộng đất "long trời lở đất" như vậy, một sự kiện lịch sử lớn lao như vậy, thế mà đã trên nửa thế kỷ qua, chưa có một công trình nghiên cứu chân thật, khách quan nào của các nhà khoa học trong nước được công bố! Chưa có một tác phẩm nghệ thuật, văn chương nào của các nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nhà văn, nhà thơ… trong nước diễn tả lại tấn thảm kịch đầy đau thương của Dân Tộc! Chẳng phải vì giới trí thức sáng tạo nước ta thiếu người có tài, có tâm, mà chỉ vì ngay sau Cải cách Ruộng đất các "lãnh tụ" cộng sản đã coi đó là một trong những đề tài cấm kỵ không ai được đụng đến. Cái tabou khắc nghiệt này thì đám quan chức của chế độ cực quyền ngày đêm canh giữ nghiêm ngặt mãi cho đến ngày nay!

Hồi đầu cuộc "đổi mới", cuốn "Ác Mộng" của Ngô Ngọc Bội chỉ mới dám lướt nhẹ qua chuyện "cải cách"… Mãi đến gần đây, đầu thế kỷ 21, mới lác đác xuất hiện vài cuốn tiểu thuyết đề cập thẳng đến đề tài cấm kỵ đó. Cuốn "Ba Người Khác" của Tô Hoài, hoàn thành từ năm 1992 nhưng chật vật mãi đến năm 2006 mới được xuất bản. Cuốn "Nước Mắt Một Thời" của Nguyễn Khoa Đăng sắp xuất bản thì bị cấm ngay tức thì và cuốn "Thời Của Thánh Thần" của Hoàng Minh Tường vừa in xong, chưa kịp phát hành thì số sách in đã bị Đảng ra lệnh thu hồi để nghiền làm bột giấy!! Một hành động man rợ, phản văn hoá của bọn Tần Thuỷ Hoàng thời nay!
Người viết những dòng này đã phải sống suốt quãng thời gian "long trời lở đất" rất kinh hoàng, đầy bi thương, đầy máu lệ, đầy chết chóc, đầy tàn phá, đầy "lừa dối cuồng điên" … Đã nhiều lần dự hội nghị về Cải cách Ruộng đất, được nghe "Bác Hồ vĩ đại" và "Anh Cả Trường Chinh" huấn thị về "Cải cách Ruộng đất", "Chỉnh đốn Tổ chức", về "phóng tay phát động quần chúng"… Đã từng chứng kiến nhiều cuộc đấu "địa chủ cường hào ác bá" ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Đông. Cũng đã từng đi làm nửa đợt "cải cách" ở Thái Bình, giữa chừng thì Thành uỷ xin về Hà Nội để nhận trách nhiệm lãnh đạo công tác "sửa sai cải cách" ở Ngoại Thành Hà Nội. Cải cách Ruộng đất quả là một cú đẩy mạnh làm người viết thức tỉnh, đánh giá lại Đảng Cộng Sản và các "lãnh tụ" của Đảng, cũng như nhìn lại con đường mình đã đi… Đó là khởi đầu cho một quá trình đấu tranh, dằn vặt, đau đớn để có được một nhãn quan mới, tư duy mới, cuối cùng dẫn đến việc rời bỏ Đảng Cộng Sản. Chính vì thế, người viết biết rõ nỗi đau khổ của bà con nông dân, vô cùng thông cảm với các nạn nhân của Cải cách Ruộng đất và nóng lòng mong mỏi được thấy những tác phẩm văn học nghệ thuật chân thật mô tả về sự kiện lịch sử đau thương này... (...)

Còn tiểu thuyết sắp ra mắt người đọc nay mai, cuốn "Ngày Long Trời Đêm Lở Đất" của Trần Thế Nhân mà tôi vừa được xem bản thảo mới từ trong nước "vượt biên" ra ngoài thì chủ yếu tập trung phản ánh cuộc Cải cách Ruộng đất ở một vùng thuộc tỉnh Thanh Hoá. Nhưng qua những màn "cải cách", qua chuyện kể của các nhân vật, đôi lúc tác giả cũng nhẹ nhàng đụng đến những chuyện về sau, chuyện "hậu cải cách".
Tác giả là một người đã sống trong cuộc, cảm nhận sâu sắc nỗi đau của nhân dân và dũng cảm phơi bày sự thật kinh hoàng trên những trang viết. Tôi vốn là "dân" Khu Bốn, có dịp qua lại, quen biết vùng được mô tả trong truyện, biết rõ các "vị" mà dân địa phương coi là "hung thần cải cách", như Hồ Viết Thắng, Đặng Thí, Chu Văn Biên… Ngay cả vài nạn nhân trong truyện tôi cũng đã từng nghe tên, vì tác giả giữ tên thật. Còn một số nhân vật khác tôi hơi ngờ ngợ là mình đã nghe đâu đấy, có lẽ vì lý do tế nhị nào đó tác giả đã đổi tên chút ít chăng. Cho nên tôi rất xúc động khi đọc những trang viết đượm đầy nước mắt trong "Ngày Long Trời Đêm Lở Đất". Tôi có thể khẳng định rằng cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Trần Thế Nhân đã dựa trên "người thật việc thật" mô tả sự kiện kinh hoàng đúng như nó đã diễn ra, không chút dè dặt, e ngại, không chút gượng nhẹ. Có thể độc giả trẻ tuổi ngày nay khi đọc nhiều cảnh tượng hết sức lạ lùng, kỳ dị, quái đản, rùng rợn quá sức tưởng tượng, thì không thể nào hiểu nổi làm sao trong cuộc sống đã có thể diễn ra những điều như thế được, đâm ra nghi ngờ tính chân thật của truyện. Nhưng, than ôi, những chuyện quái đản như thế hồi đó thật sự đã diễn ra và diễn ra ở nhiều nơi!...”(hết trích)

.
Độc giả muốn tìm mua sách “Ngày Long Trời, Đêm Lở Đất”, xin email hay điện thoại cho sớm có hồi âm.

Ấn phí sách là 15 Mỹ Kim, ở xa xin gửi thêm bưu phí 3 Mỹ Kim, checks xin đề “CANHNAM PUBLISHERS” và gửi về:
Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ
2607 Military Rd.,
Arlington, VA 22207 - USA
Tel & Fax: (703) 525-4538
Email:
canhnam@dc.net.

.

.

.

GIỚI THIỆU SÁCH "NGÀY LONG TRỜI - ĐÊM LỞ ĐẤT"

ĐỌC SÁCH "NGÀY LONG TRỜI ĐÊM LỞ ĐẤT" (Trịnh Bình An)

ĐỌC SÁCH "NGÀY LONG TRỜI ĐÊM LỞ ĐẤT" (Nguyễn Minh Cần)

GIỚI THIỆU SÁCH "NGÀY LONG TRỜI - ĐÊM LỞ ĐẤT" (

GS NGUYỄN NGỌC BÍCH với "NGÀY LONG TRỜI, ĐÊM LỞ ĐẤT" (Người Việt)

.

.

.

No comments: