Wednesday, July 14, 2010

SỰ GIỚI HẠN VỀ HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ TẠI VIỆT NAM

Sự gii hn v hot đng chính tr ti Vit Nam

Bill Hayton

Nguồn: East Asia Forum

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

14.07.2010

http://www.x-cafevn.org/node/651

Người từng được học bổng Fulbright và luật sư nổi tiếng - Lê Công Định vẫn còn nằm trong nhà tù ở Việt Nam. Vừa qua, Toà Phúc thẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã giữ nguyên bản án 5 năm tù của ông vì tội "tìm cách lật đổ chính quyền", trả ông và hai người cùng bị buộc tội trở về phòng giam của mình. Số phận của người đàn ông này - đã từng nổi tiếng khi bảo vệ những nhà nuôi trồng cá basa trong nước chống lại những giới hạn thương mại của Hoa Kỳ; từng là phó chủ tịch của Hội Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; từng cố vấn cho các phái đoàn quốc tế; có vợ là cựu Hoa hậu Việt Nam - giờ đây rõ ràng đang là thước đo về mức độ hoạt động chính trị mà Đảng Cộng sản đang cầm quyền có thể chấp nhận.

.

Đảng đã sẵn sàng tảng lờ Định một thời gian dài để ông trở thành một tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi thay đổi luật pháp. Việc ông vượt qua giới hạn chính là những hợp tác của ông với các tổ chức chống cộng tại Hoa Kỳ cũng như việc ông là thành viên của một đảng đối lập. Không cần biết những yêu sách của Định vẫn không được thay đổi kể từ khi ông còn là một nhà chỉ trích trung thành - công thức thường thấy của những người ủng hộ dân chủ là: tự do ngôn luận và chính trị đa nguyên - việc ông hợp tác với những người mà Hà Nội vẫn thường qui chụp là "lực lượng thù địch" đã niêm phong số phận của ông.

.

Câu chuyện về Định và 15 người khác đã bị bắt giam vì những tội danh tương tự trong những tháng vừa qua đã củng cố một khuôn khổ được thiết lập từ năm 2007 khi lực lượng an ninh Việt Nam phá huỷ mạng lưới chống đối mang tên Khối 8406 (đặt tên theo ngày tổ chức này thành lập: 8.04.2006). Từ đó cho đến nay, Bộ Công an đã lựa chọn mục tiêu của mình rất chính xác. Trong khi khoảng vài trăm người đã ký tên hưởng ứng lời kêu gọi của Khối 8406, cơ quan này chỉ đưa ra toà những người lãnh đạo có quan hệ chặt chẽ với những tổ chức hải ngoại. Họ có thể chấp nhận lời nói suông về dân chủ, nhưng cấm tổ chức hoạt động chống lại sự cầm quyền độc đảng.

.

Đây chính là trọng điểm không gì lay chuyển được của hệ thống chính trị Việt Nam, như đã được trân trọng ghi trong Điều 4 của Hiến pháp: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."

.

Rất dễ để nghĩ rằng trong một quốc gia đang thụ hưởng những lợi lộc từ nguồn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài cũng như việc giải phóng kinh tế, rằng những ngôn ngữ trên chỉ đơn giản là di sản của quá khứ. Không phải như vậy. Trong tâm điểm, hệ thống chính trị Việt Nam vẫn giữ nguyên đặc tính Leninist. Tranh luận trong nội bộ Đảng là một chuyện; tranh luận chống lại Đảng thì rõ ràng là một chuyện khác.

.

Đúng là mọi việc cũng đã thay đổi trong những năm vừa qua. Phạm vi về những đề nghị mà Đảng sẵn sàng lắng nghe rõ ràng đã được nới rộng. Quốc hội đã trở thành nơi để tranh luận, một hình thức xã hội dân sự đã xuất hiện và ngành kỹ nghệ truyền thông đang bùng nổ. Hàng triệu Mỹ kim và Euro đã được các nhà tài trợ quốc tế sử dụng để phát huy việc cải cách luật pháp, chính trị đa nguyên và một nền báo chí tốt hơn. Nhưng xuyên suốt quá trình cải cách, Đảng Cộng sản vẫn đi vài bước trước các nhà tài trợ.

Đảng đã cảm kích đón nhận những đồng tiền tài trợ - và ra vẻ thực thi những mục tiêu được đề ra về "chính quyền tốt" - nhưng rồi sửa đổi chúng theo những hướng nhằm củng cố sự thống trị độc đảng.

Vài ví dụ:

.

Trong khi việc "xây dựng pháp lý" đã chú trọng vào việc thay đổi bộ máy lập pháp để phù hợp với những yêu cầu của một nền kinh tế hoà nhập với quốc tế, việc "đổi mới ngành toà án" vẫn chịu sự kiểm soát của các cơ cấu nội bộ của đảng và không có những góp ý quan trọng nào từ nước ngoài. Đảng rất công khai về thực tế là "các cơ quan dân bầu" - được hiểu là "các cơ quan do Đảng kiểm soát" - vẫn sẽ tiếp tục quản lý hệ thống toà án. Các chánh án vẫn phải được chi bộ Đảng địa phương thông qua và phải có "Trình độ Lý luận Chính trị" - một khái niệm được ghi trong giấy chứng nhận cấp bởi trường đào tạo của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

.

Trong suốt hơn một thập niên, các nhà tài trợ quốc tế đã thúc đẩy một phương hướng mới nhằm quản lý hàng nghìn tổ chức ra đời để cung cấp các cơ sở thể thao, giải trí, dịch vụ xã hội và phụ trợ những cộng đồng địa phương cũng như những nhóm lợi ích cấp quốc gia. Nhưng "Qui định Thành lập Hội đoàn" đã không bao giờ được đưa vào bộ luật. Tất cả các tổ chức "xã hội dân sự" vẫn phải đăng ký với các cơ quan do Đảng kiểm soát.

.

Chính quyền Việt Nam vừa qua đã thông báo rằng họ sẽ từ bỏ việc sửa đổi Luật Báo chí, bất chấp những nỗ lực trong nhiều năm cũng như hàng chục khoá huấn luyện và các chuyến tham quan nghiên cứu bằng tiền tài trợ. Ngành truyền thông vẫn bị quản lý theo những đường lối Leninist. Mỗi thứ Ba hàng tuần, khoảng 100 tổng biên tập trong cả nước phải tham gia một buổi họp tại Bộ Thông tin và Truyền thông để biết được những gì họ có thể hoặc không thể viết. Không có một bộ phận truyền thông độc lập và hợp pháp nào tại Việt Nam. Mọi cơ quan truyền thông đều trực thuộc vào một bộ phận của chính quyền hoặc Đảng Cộng sản.

.

Nhưng đây không phải là toàn bộ câu chuyện - vì nếu thế, tính năng động sẽ không có tại Việt Nam, và như chúng ta đã biết, quốc gia này là một trong những xã hội năng động và khát vọng nhất trên hành tinh. Việc này có được là nhờ mối cân bằng kỳ lạ giữa sự kiểm soát và thiếu kiểm soát của Đảng, được thể hiện qua hiện tượng "phá rào". Hãy lấy vài ví dụ trong những phạm vi mà tôi đã nói ở trên:

.

Trong khi hệ thống pháp lý vẫn năm dưới sự kiểm soát của Đảng, vẫn có đủ những uyển chuyển và kẻ hở bên trong để cho phép làm bất kỳ điều gì. Ngay cả với những điều luật "khó khăn", việc thực hiện chúng có thể được đình lại hoặc điều chỉnh qua sự giúp đỡ của những mối quan hệ quen biết và đặc ân. Kết quả: một nền kinh tế năng động và sự tham nhũng có hệ thống.

.

Từ "lobby" tiếng Anh giờ đây đã xuất hiện trong tiếng Việt. Chìa khoá dùng để "lobby" là tìm ra khu vực nào của chính phủ chịu ủng hộ kế hoạch của bạn và tìm cách vượt qua nó. Bằng cách này, mọi hoạt động "chính trị" đều có vẻ hoàn toàn mang tính trung thành và không đe doạ chính quyền. Một loạt các tổ chức, chính thức lẫn không chính thức, hiện đang vận động ở nhiều cấp khác nhau của chính quyền để thúc đẩy sự thay đổi.

.

Kỹ nghệ truyền thông Việt Nam hiện đang làm ra rất nhiều tiền và từ đó, kèm theo ảnh hưởng. Có vô số những hoạt động lậu hoặc bán hợp pháp tại đỉnh cao của lĩnh vực này - một số cơ quan truyền thông hầu như hoàn toàn do tư nhân sở hữu bất chấp những chỉ thị của chính phủ; những cơ quan khác chỉ đơn giản hành xử như tư nhân. Miễn là họ không đối đầu với Đảng hoặc đào quá sâu vào những vụ tham nhũng của giới cao cấp thì các tổng biên tập và giới phóng viên có thể chung sống hoà bình.

.

Trong tất cả những trường hợp này, tính năng động đã được giải thoát qua hiện tượng bán-bất hợp pháp hiếm hoi được biết đến là phá rào. Như kinh tế gia người Anh Adam Fforde đã cho thấy, hiện tượng này đã cho phép đất nước thoát khỏi sự sụp đổ kinh tế trong những năm cuối 1980s và tạo nền tảng cho nhịp độ tăng trưởng nhanh chóng của ngày nay. Phá rào đã trở nên quan trọng trong chính trị và xã hội.

.

Cuối những năm 1990s, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị giới trẻ thiếu tin tưởng trầm trọng: chỉ có 7 nghìn sinh viên gia nhập. Để đáp lại, đảng đã chấn chỉnh lại những gì họ đã cung cấp cho giới trẻ, từ bỏ việc tuyên bố rằng nó sẽ đáp ứng đầy đủ mọi hy vọng cách mạng của thanh niên và thay vì thế, cung cấp cho họ con đường tiến thân. Các đảng viên trẻ thường được kết nạp với hứa hẹn rằng "nếu muốn thăng tiến thì phải gia nhập đảng." Thay vì chôn chặt những động cơ ích kỷ dưới lớp vỏ vị tha và tinh thần cao cả của việc tham gia xây dựng đất nước, giờ đây một đảng viên mới có thể khoe với bạn bè rằng họ tham gia là vì lợi ích cá nhân. Đúng thế, thật xấu hổ khi thừa nhận rằng mình muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa hoặc bảo vệ thành quả cách mạng. Điều này dường như đã thành công. Đảng cho biết rằng 60 phần trăm của tổng số 170 nghìn người gia nhập trong năm 2005 có độ tuổi từ 18 đến 30.

.

Tuy nhiên, việc số lượng đảng viên tăng cao cũng đã không thay đổi cái nhìn của Đảng về mình. Nó vẫn kiên quyết giữ nguyên "vai trò lãnh đạo" tự phong với xã hội. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức thông minh. Nó luôn nghĩ đến tương lai và bằng cách nào để giữ nguyên vị trí của mình tại đỉnh cao của xã hội trong khi mọi vật ở dưới đều đang thay đổi. Vị thế của nó đủ mạnh để có thể chịu đựng được nhiều thứ - ngay cả việc xuất hiện của tạp chí Cosmopolitan bằng tiếng Việt trong tháng trước - miễn là chúng không được thách thức vai trò lãnh đạo của nó.

.

Lê Công Định và những đồng sự của mình đã nhận ra được điều này qua một bài học đắt giá. Viện trợ và đầu tư quốc tế đã không mang lại nền dân chủ đa đảng cho Việt Nam; thay vì thế nó đã làm cho chế độ độc đảng thêm hiệu quả và đầy ảnh hưởng. Đó là con đường mà Đảng ưa chuộng. Cuộc sống đã trở nên khá hơn nhiều đối với đại đa số người dân Việt Nam và nếu điều này còn tiếp diễn, thì mọi việc đều sẽ giữ nguyên như thế.

.

Bill Hayton là tác giả cuốn Việt Nam: Con Rồng Đang Lên, vừa do Yale University Press xuất bản. Ông từng là phóng viên của đài BBC tại Hà Nội từ 2006 - 2007.

.

.

.

No comments: