Wednesday, July 14, 2010

NGƯỜI KHỔNG LỒ TRÊN ĐÔI CHÂN ĐÁT SÉT

Người khổng lồ trên đôi chân đất sét

Đào Tuấn

Đăng ngày: 12:43 14-07-2010

http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=2888

Vừa qua một đợt nắng nóng với nhiệt độ lên đến 48oC. Ngay lập tức cả Thủ đô chìm trong biển nước sau một cơn mưa "be bé và ngăn ngắn" vào sáng 13-7.

Gần 100 điểm ngập trong đó có 35 điểm ngập nặng. Giao thông hoàn toàn tê liệt. Số điểm ùn tắc thì ngay cả lực lượng CSGT cũng không tính đếm nổi. Tất cả các con đường đã biến thành sông. Hàng ngàn ô tô, xe máy hoặc chết máy nằm la liệt ngổn ngang trên đường, hoặc hỗn loạn do không thể bơi như thuyền. Lực lượng CSGT chỉ đành khoanh tay đứng nhìn các phương tiện đường bộ chết đuối "trên sông". Hoạt động tại các công sở gần như đình đốn. Hàng chục ngàn người dân kẹt cứng trên đường, dầm mình dưới mưa suốt nhiều giờ đồng hồ. Hàng không bị chậm các chuyến bay đi Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. 3 thường dân đã chết. Hầm đường bộ 400 tỷ Kim Liên trở thành một khúc sông, một cái bẫy với những tài xế liều mạng. 48 cây xanh gẫy đổ. Cả thành phố sau mưa hỗn loạn và ngổn ngang như vừa bị vỡ đê. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giải thích tại HĐND TP "Phải chấp nhận ngập cục bộ vì mưa quá lớn". Giám đốc Công ty thoát nước thì than vãn: "Có giao cho chúng tôi 1.000- 2.000 tỷ bảo làm thế nào để nội đô khỏi ngập mỗi khi mưa lớn thì chúng tôi cũng chịu".

Có người nói nhìn vào cơn mưa, chỉ thấy sự bất lực. Người dân bất lực chôn chân hàng tiếng đồng hồ dưới trời mưa. Mạng lưới thoát nước đủ các giai đoạn với tổng vốn đầu tư 550 triệu bất lực trong việc rút nước. Và lãnh đạo TP cũng bất lực, thậm chí không dám trả lời dân xem đến khi nào thì Hà Nội sẽ hết ngập.

Nói cơn mưa "be bé và ngăn ngắn" là bởi cơn mưa chỉ kéo dài chưa tới 3h đồng hồ, lượng mưa cũng không cao như các vị lãnh đạo thành phố tưởng. Vào cuối tháng 10-2008, Hà Nội đã có một trận lụt lịch sử khi lượng mưa bình quân đạt trên 475 mm kéo dài suốt 4 ngày, thậm chí có nơi như Thanh Oai lượng mưa đạt mức kỷ lục suốt 100 năm, tới 917 mm. Cơn mưa hôm 13-7, cả về độ dài, cường độ, và lượng mưa so với lượng mưa năm 2008 là rất nhỏ. Lượng mưa bình quân chỉ ở mức 130 mm. Nơi cao nhất cũng chỉ 154-160 mm như ở Hồ Tây, Vân Hồ. Mưa. Không phải là nhỏ. Nhưng không to đến mức trở thành nguyên nhân cho sự bất lực của các vị quan chức thành phố và bất cập trong quy hoạch thủ đô, bởi trên lý thuyết, với 550 triệu USD cho dự án thoát nước hai giai đoạn thì năng lực tiêu úng của Hà Nội phải đủ để chịu những cơn mưa 172 mm trong nhiều giờ.

Công ty thoát nước đổ tại hệ thống thoát nước của họ bị chèn lấn, bị các công trình 1000 năm lấn chiếm. Cụ thể kênh dẫn nước Yên Sở bị co thắt đến 80%; Kênh Thụy Khuê bị lấp gần hết và bị gấp gãy dòng chảy; Mương Phan Kế Bính ngổn ngang đủ các loại công trường...

Tức nguyên nhân vẫn là do mưa to và do hệ thống thoát nước nhỏ. Cả nguyên nhân và cách giải thích đều quá cũ. Còn nhớ sau trận lụt tháng 11-2008 với 21 người chết và thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi lãnh đạo Hà Nội chỉ nhìn thấy vấn đề là do thiên tai và dân ỷ lại thì một số chuyên gia trong ngành xây dựng và quy hoạch đã khẳng định "nhân tai" mới là nguyên nhân chính. Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hùng, bấy giờ phân tích: "Quy hoạch của Hà Nội đang thiếu hẳn tầm nhìn, làm theo kiểu "rách đâu vá đấy". Vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa, các hồ điều hòa bị thu hẹp" và "Tôi tin rằng các chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo rồi nhưng có lẽ tầm nhìn, sự tiếp nhận, khả năng giải quyết... ở lãnh đạo Hà Nội thì chưa có, hoặc là nhiều khi chỉ nhìn gần mà không nhìn xa nên đã dẫn đến tình trạng như bây giờ".

Các công trình cao tầng càng mọc nhiều, các hồ điều hòa, tiêu úng càng biến mất. Thậm chí trong cả chục công trình 1000 năm, không có lấy nổi một công trình tiêu úng đúng nghĩa dù dự án cải tạo hồ Bảy Mẫu, sau cơn mưa, đã được khoác thêm cho nhiệm vụ tiêu úng, kèm thêm điều kiện là "vẫn phải xây thêm một trạm bơm để thoát nước ra sông Kim Ngưu. Hà Nội, đặc biệt sau khi sáp nhập, đã ngày càng phình to, trong khi quy hoạch hệ thống thoát nước vẫn là những số liệu của năm 1995. Hệ thống tiêu thoát sông Nhuệ giờ vẫn ở giai đoạn nghiên cứu xây dựng. Và, ngay cả khi thêm 7.800 tỷ đồng tiếp tục đổ xuống mương, xuống cống, cũng không ai dám quả quyết Hà Nội sẽ hết ngập mỗi khi có mưa. Có người đã ví không ngoa rằng: Sự phình to, cả về dân cư lẫn quy hoạch đô thị của Hà Nội như một gã khổng lồ to xác đi trên đôi chân đất sét của hệ thống thoát nước bé con, manh mún và liên tục bị phá vỡ bởi chính cái thân xác khổng lồ.

Ngập đâu chống đấy. Ngập lúc nào chống lúc đấy. Và mỗi khi có mưa, Công ty thoát nước chả có cách nào khác ngoài chiến thuật "biển người": Huy động cả ngàn công nhân lăm lăm những chiếc "muỗng" ra khơi thông dòng chảy quanh quanh miệng mấy cái hố ga. Huy động cả ngàn cảnh sát giao thông bộ để hướng dẫn giao thông trên những con phố đã trở thành sông. Nhưng mà khơi đi đâu khi các con sông thoát nước của thành phố chưa mưa đã tràn? Nhưng mà hướng đi đâu khi tất cả các con đường cùng tắc nghẽn? Cách thức chống ngập kiểu giật gấu vá vai và năng lực tiêu úng trên giấy như vậy cho nên chỉ với một trận mưa 130 mm ngay đầu mùa mưa bão, những bất cập lại một lần nữa lặp lại. Nếu Hà Nội lại xảy ra một trận mưa 400-500 mm kéo dài nhiều ngày, hoặc tệ hơn, xảy ra một trận lụt như trận lụt lịch sử năm 1971 thì liệu Thủ đô sẽ tê liệt hoàn toàn? Và con số những thường dân chết oan sẽ là 3, 21, hay 3000?

.

.

.

Hà Nội… sông!

14/07/2010

http://boxitvn.blogspot.com/2010/07/ha-noi-song.html

Tai nạn chết người, nhà cửa, đường sá Hà Nội buổi sáng bỗng chốc thành sông vì một cơn mưa lớn, theo báo cáo của khí tượng thủy văn là 136mm. Kiểu “mưa lớn thì phải ngập” thì cần gì phải chờ đến vị lãnh đạo Xây dựng Hà Nội trả lời! Đó là cách trả lời đã thành “mốt” của các ngài quan chức nước ta, riêng trường hợp này nghe sao quen quen, hình như là một dạng thức “chế biến” từ câu nói của ngài Bí thư Thành ủy năm nào.

Thiên tai hẳn là một phần, nhưng rõ ràng đâu phải Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh chỉ mới bị mưa lớn gần đây thôi. Bao nhiêu năm rồi trời vẫn mưa theo quy luật tự nhiên, năm này bù năm khác, chứ có phải suốt từ mươi năm trở về trước thì lượng mưa giảm bớt hơn ngày nay đâu, thế nhưng vì sao chỉ trong mươi năm trở lại đây hai thành phố lớn nhất nước mới bị biến thành sông như vậy? Đành rằng dự báo của thế giới về biến đổi thất thường của trái đất là cần xét tới, song đâu có thể đột ngột tính bằng tháng bằng năm được, và cũng đâu có dành riêng cho một nước mình trong khi các nước khác chưa hề hấn gì. Hẳn phải có yếu tố “nhân tai” trong đó.

"Tôi tin rằng các chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo rồi nhưng có lẽ tầm nhìn, sự tiếp nhận, khả năng giải quyết... ở lãnh đạo Hà Nội thì chưa có, hoặc là nhiều khi chỉ nhìn gần mà không nhìn xa nên đã dẫn đến tình trạng như bây giờ", đó là lời của TS Nguyễn Văn Hùng , Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà nội.

BVN rất tán thành một lời nói thẳng và nghĩ thêm rằng, nếu như trong 100 tỷ đô la Mỹ vay nước ngoài để thực hiện dự án mở rộng và quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 có xem xét đến 2050 – một con số chỉ nghe đã thấy sợ – nếu như một vị lãnh đạo Hà Nội không “ti hí mắt lươn” cứ thích vẽ rồng vẽ phượng để tiêu tiền mà hễ đưa ra cái nào là bị dân chúng la ó rầm trời cái đó, cứ dứt khoát trích lấy một phần ba thôi và dùng để cải tạo hệ thống cống ngầm của Hà Nội cho nó bằng một phần mười hệ thống cống ngầm Paris (mà Victor Hugo đã mô tả tỉ mỉ trong Những người khốn khổ), như một vị cố Phó Chủ tịch Hà Nội từng nhắc đến hồi giữa những năm 60 trong một cuộc họp tại Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật mà kẻ hèn này có được dự, thì đến nay chắc chắn Hà Nội đã khô ráo đường hoàng, không đến nỗi đứng trước nguy cơ bơi thuyền đón đại lễ 1.000 năm như tình cảnh hiện tại.


Bauxite Việt Nam

XEM BÀI & HÌNH TẠI ĐÂY : http://boxitvn.blogspot.com/2010/07/ha-noi-song.html

.

.

.

No comments: