Sunday, July 25, 2010

NẾU NGƯỜI LỚN TRỞ LẠI LÀ TRẺ CON ... (Song Chi)

Nếu người lớn trở lại là trẻ con...

Song Chi

http://www.rfavietnam.com/node/250

Một quốc gia được đánh giá là phát triển không phải chỉ ở con số tăng trưởng bao nhiêu phần trăm mỗi năm, cũng không phải chỉ ở GDP tính trên đầu người hay dự trữ ngoại tệ của quốc gia đó mà quan trọng hơn là chất lượng cuộc sống của người dân như thế nào. Và khi nói đến chất lượng cuộc sống, thì trước hết cần phải nhìn xem trong xã hội đó, trẻ em và người già được quan tâm, chăm sóc ra sao.

Việt Nam từ lâu đã tham gia vào các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trong các điều luật của nhà nước từ lâu đã có những điều luật về bảo vệ trẻ em, trên các biểu ngữ, banrole chăng đầy đường phố vào những ngày quốc tế thiếu nhi, ngày Tết Trung thu…luôn luôn có những câu khẩu hiệu rất đẹp rằng trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước, xã hội phải quan tâm đến các em v.v… Nhưng trong thực tế, chính quyền và xã hội đã làm được gì và trẻ em VN sống ra sao? Nếu cha mẹ, thầy cô, cho đến các vị lãnh đạo đất nước - tất cả những người đã từng có thời là trẻ con nhưng lại quên trẻ con thường nghĩ gì, mong muốn khát khao điều gì - có thể quay ngược lại làm trẻ con một ngày… để hiểu ra rằng các em có thực sự sung sướng không…

.

GIÁO DỤC YẾU KÉM, BẤT CẬP - VIỆC HỌC TRỞ THÀNH NẶNG NỀ, KHỔ SỞ

Đã có quá nhiều những bài báo, bản tham luận, công trình nghiên cứu chỉ ra những yếu kém, bất cập của nền giáo dục VN, sự sa sút về chất lượng và sự xuống cấp về nhiều mặt trong môi trường đạo đức lẫn tư cách người thầy và học trò ở VN hiện nay. Bài viết này chỉ nêu ra một vấn đề nhỏ, đó là trẻ em ở VN hiện nay có cảm thấy vui sướng khi đi học hay việc học nhiều khi đã trở thành một cực hình đối với các em?

Nếu so sánh với việc học hành của trẻ em ở các nước phương Tây, mới thấy trẻ em VN sao mà khổ quá. Có nước nào mà ở các thành phố lớn, phần đông trẻ phải đi học thêm từ trước khi…vào lớp một như ở VN? Đó là vì các bậc phụ huynh cứ muốn cho con mình giỏi để xin vào các trường điểm, trường chọn… ngay từ bậc tiểu học nên cho con đi học thêm, học cả tiếng Anh từ trước khi vào lớp một. Các em khổ, cha mẹ cũng khổ, ở các thành phố lớn của VN, cha mẹ đã phải chạy đôn chạy đáo xin cho con vào các trường tiểu học có tiếng! Bắt đầu từ bậc tiểu học, những đứa trẻ với thân hình bé bỏng còm nhom đã phải ngày ngày vác cái cặp to đùng, nặng trĩu vì nhiều môn học, mỗi môn lại có sách, vở riêng, thậm chí có môn hai ba cuốn sách, hai ba cuốn vở, chưa kể bi-đông nước uống, gói thức ăn cha mẹ nhét thêm cho con lót dạ! Chả trách gì ở các thành phố, tỷ lệ trẻ em VN bị các bệnh học đường như cận thị, vẹo cột sống rất cao!

.

Bài “Tỷ lệ học sinh bị bệnh học đường đang gia tăng” đăng ngày 18.1.2010 trên vietnamplus.vn cho biết:

“Phó giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Dần cho biết, hai bệnh phổ biến nhất ở học đường hiện nay là bệnh cận thị và bệnh cong vẹo cột sống. Nhiều tác giả nghiên cứu cũng đưa ra kết quả bệnh cận thị học đường có xu hướng ngày càng nhiều.

Theo một báo cáo mới nhất trong năm 2009, tại thành phố Hà Nội tỷ lệ học sinh Hà Nội bị cận thị chiếm khoảng gần 37% và một báo cáo nghiên cứu tại Hải Phòng thì số học sinh bị cận thị chiếm 36%. Đó là hai nghiên cứu khác nhau nhưng lại cho một “mẫu chung” về tỷ lệ học sinh cận thị - ông Dần nhấn mạnh.

Nguyên nhân là do thời gian học sinh sử dụng con mắt quá nhiều do học thêm, học tối, sử dụng vi tính,… khiến mắt làm việc nhiều, thị lực giảm.

Tỷ lệ học sinh Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ từ 15 đến 25%. Nguyên nhân là kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh, tư thế ngồi và một số yếu tố khác như ánh sáng thiếu, mang vác nặng.

Hiện học sinh tiểu học phải mang quá nhiều sách. Trong khi quy định với 40 cân trọng lượng cơ thể, thì chỉ nên mang tương đương 1/10, thì nhiều học sinh tiểu học nặng vẻn vẹn 25kg phải đeo cặp tới 4kg…”

.

Còn trong bài “Học sinh bị cận thị, vẹo cột sống tăng mạnh” đăng trên báo Tuổi trẻ online ngày 8.10.2009 thì:

“…tỷ lệ học sinh tiểu học bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị) tăng từ 3,1% năm 2000 lên 3,51% năm 2007; tỷ lệ tương ứng ở nhóm học sinh THCS là 7,35% năm 2000 và 11,57% năm 2007. Ở lứa tuổi THPT, năm 2000 có 10,96% học sinh bị tật khúc xạ, năm 2007 là 26,1%.
Tình trạng cong vẹo cột sống gia tăng và hiện đang chiếm tỷ lệ 22,2% học sinh THCS.

Về điều kiện học tập của học sinh, theo điều tra của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường năm 2002 tại Hải Phòng, Thái Nguyên và TP.HCM về quy hoạch, thiết kế xây dựng trường học, có 25-75% cơ sở không đạt yêu cầu về vị trí xây dựng trường lớp, diện tích trường, diện tích cây xanh; 70% số phòng học có tỷ lệ diện tích cửa sổ/diện tích lớp không đạt yêu cầu về chiếu sáng; 100% lớp học có bảng không đạt yêu cầu về kích thước; 92% học sinh ngồi học ở bàn ghế có kích thước không phù hợp. Đây là nguyên nhân dẫn đến 2 bệnh cận thị và cong vẹo cột sống…”

.

Ngay từ bậc tiểu học, trẻ em VN-trừ gia đình nghèo không có tiền, phần lớn đều đi học thêm ngoài những giờ học chính thức ở trường. Chuyện học thêm là một vấn nạn mà báo chí, xã hội đã nói đến rất nhiều từ lâu nay nhưng tình hình cũng chẳng thay đổi gì. Một phần do giáo viên và cả nhà trường vì muốn kiếm thêm thu nhập nên mở ra những lớp học kèm tại nhà, cho đến những khóa học ngoài giờ tại các trung tâm, các trường… Đã có tình trạng trong lớp những em đi học thêm thầy giáo được thầy nâng đỡ cách này cách khác hoặc những em không đi học bị thầy “đì” v.v… Một phần cũng do chính phụ huynh làm khổ các em, người thì thấy con người ta học thêm cũng ép con mình đi học, người thì cứ muốn con trở thành…thiên tài, ngoài việc học chữ còn ép học ngoại ngữ, học đàn, học múa ba lê, học đủ thứ! Thế là các em cứ việc chạy từ trường này qua lớp khác, ngày này qua ngày khác, thứ bảy chủ nhật cũng không có giờ nghỉ! Tôi đã từng chứng kiến những cảnh tượng như ông bố bà mẹ đón con ở cổng trường nhét cho con miếng gì đó để ăn lót lòng trong lúc chở con chạy qua một trung tâm học thêm, đứa trẻ ngồi đằng sau vừa trệu trạo nhai, nuốt vừa tranh thủ…nhắm mắt gà gật vì…mệt quá!

Chạy cho con vào lớp một trường chuyên trường chọn, rồi chạy cho con vào lớp sáu trường chuyên, lớp 10 trường chuyên trường điểm… Ngay trong sự “chạy trường” này đã bộc lộ một sự cạnh tranh bất bình đẳng của người lớn nhân danh những đứa trẻ, và không thiếu những trường hợp cậy quyền, cậy thế… để giành giật một chỗ học tốt hơn cho con mình…

Tâm lý trọng trường chuyên, trọng cái danh hão là sự mở đầu cho việc coi trọng bằng cấp của cả một xã hội, đẻ ra vô số việc chạy bằng, mua bằng, tiến sĩ giả, tiến sĩ dỏm mà công luận đã lên tiếng bao lâu nay!

Còn đối với những đứa trẻ, càng lên lớp thì bài vở càng nặng, nhất là nếu học trường chuyên! Về nhà lại phải bù đầu vào làm bài học bài, chả còn thì giờ đâu mà giải trí, vui chơi. Chả trách gì phần lớn học sinh VN học xong trung học, ngoài mớ kiến thức học ở trường, chả có thì giờ đâu đọc sách văn học, hay tìm hiểu thêm về âm nhạc cổ điển, hội họa, cho đến kiến thức chính trị xã hội! Mà kiến thức ở các bậc tiểu học và trung học ở VN thì phải nói thẳng vừa thừa vừa thiếu, vửa lệch vừa hạn hẹp… Ví dụ như quá nặng về những môn khoa học tự nhiên nhưng lại mỏng về khoa học xã hội, các môn văn sử địa thì chương trình kém hấp dẫn, nặng tính tuyên truyền, bên cạnh đó lại không dạy cho em cách tư duy độc lập, trình bày vấn đề, diễn thuyết trước đám đông, các kỹ năng sống v.v…

Cuối cùng suốt những năm học trung học với học sinh VN chỉ là học và học, không có tuổi thơ, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, không có mùa hè vì màu hè cũng đi học thễm. Việc học trở thành một nghĩa vụ nặng nề, không còn là niềm hạnh phúc. Cha mẹ và nhà trường cũng góp phần vào việc làm cho cái sự học trở thành nặng nề hơn đối với các em khi quá coi trọng thành tích, chạy theo thành tích, coi trọng điểm số v.v… Chưa kể chương trình và sách giáo khoa thường xuyên bị thay đổi, cải cách, sửa chữa. Có ai rảnh ngồi tính lại xem chỉ riêng từ năm 1975 đến nay ngành giáo dục VN đã có bao nhiêu lần cải cách, thay đổi từ chương trình cho đến sách giáo khoa mà có thấy khá hơn không? Và bao nhiêu thế hệ trẻ em đã là những con chuột bạch cho những thử nghiệm, cải cách, sửa tới sửa lui này?

.

TỪ HIẾM SÁCH, NHẠC, PHIM CHO THIẾU NHI ĐẾN THIẾU KHU VUI CHƠI, GIẢI TRÍ DÀNH CHO TRẺ EM

Nếu dạo qua những cửa hàng sách lớn nhất của Sài Gòn, Hà Nội-hai thành phố lớn nhất VN, sẽ thấy sách dành riêng cho thiếu nhi, thiếu niên dưới 18 tuổi chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn so với sách dành cho người lớn!

Trong bài “Sách cho thiếu nhi: Thiếu! Viết cho thiếu nhi: Khó!” đăng trên trang tin 247.com, bà Lê Phương Liên (Trưởng ban văn học thiếu nhi Hội nhà văn VN) cho biết mỗi năm chỉ có khoảng trên 20 tác phẩm viết cho thiếu nhi, bà Quách Thu Nguyệt (Giám đốc NXB Trẻ) thì thừa nhận: “Lớp tuổi tiểu học là thiếu sách nhất. Bạn bè của tôi lựa sách cho con tìm đỏ mắt mà không thấy. Bây giờ thực ra mình khai thác sách thiếu nhi nhiều vẫn là sách kiến thức chứ sách văn học thì quá hiếm hoi.” Còn ông Nguyễn Huy Thắng (PGĐ NXB Kim Đồng) thì bảo hiện nay chúng ta đang thiếu sách cho “tuổi mới lớn”.

Tình trạng tương tự như vậy trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh…chả trách gì các em phải đọc truyện người lớn, nghêu ngao những bài hát “não tình” về đôi lứa… Còn khu vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em? Báo chí cũng đã lên tiếng về tình trạng khan hiếm khu vui chơi cho trẻ em từ nhiều năm nay. Đừng nói đến những tỉnh nhỏ hay vùng sâu vùng xa, ngay ở các thành phố lớn của VN, các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em cũng ít so với người lớn có hàng bao nhiêu phòng trà ca nhạc, quán bar, vũ trường, sân khấu kịch, tấu hài, quán nhậu…xa ngoài phạm vi thành phố thì bao nhiêu sân gôn, khu du lịch… Đã thiếu, những nơi như các nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, quận, huyện… lại còn bị dành bớt đất để mở những dịch vụ khác cho người lớn, hay làm quán café, quán ăn…, những khu trò chơi dành cho trẻ thì đơn điệu, nghèo nàn, quanh đi quẩn lại chỉ mấy trò ngựa gỗ, nhà banh, nhà phao… Trẻ đâm chán, lại đòi cha mẹ dẫn vào những khu trò chơi điện tử, chơi game…rồi ngồi lì ở đó hàng giờ, vừa hại mắt, mụ mẫm đầu óc, chả bổ ích gì!

.

TRẺ TỪ THÀNH THỊ ĐẾN NÔNG THÔN-CÒN LAM LŨ, CỰC NHỌC NHIỀU

Bên cạnh những đứa trẻ cậu ấm cô chiêu, đi học có xe hơi đưa đón ở những trường tiểu học quốc tế mà cha mẹ phải đóng từ 200 USD-600,700 USD/tháng chưa kể phí sinh hoạt hàng ngày, phí xe đưa đón; sống trong những ngôi biệt thự đẹp đẽ, có bảo mẫu, người hầu riêng; mùa hè đi du lịch tệ nhất cũng phải là Singgapore hoặc châu Âu, sinh nhật được tổ chức trong những nhà hàng bốn sao, năm sao của Hà Nội, Sài Gòn; điện thoại di động đời mới, iPod, MP3, máy chụp hình kỹ thuật số đời mới… xài ba bữa chán lại vứt, lại thay…là những đứa trẻ có đời sống khác hẳn. Có thể nhìn thấy trên khắp các nẻo đường của các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần thơ… những đứa trẻ vóc dáng còm cõi, quần áo mặt mũi bẩn thỉu, có đứa còn cắp thêm em nhỏ bên hông, lê la đi xin ăn ở chỗ này chỗ kia. Hoặc lang thang suốt từ sáng đến tối với xấp vé số trên tay hay những mâm, gánh hàng rong…kiếm chút tiền phụ giúp gia đình, hoặc cắm mặt trên những bãi rác khổng lồ để mưu sinh, hoặc đi làm thuê trong những quán ăn, cửa tiệm, công trường xây dựng…Ở nông thôn hay vùng sâu vùng xa thì những đứa trẻ con nhà nông từ bé đã phải một nắng hai sương cùng với bố mẹ ngoài đồng, trên rẫy, trong vườn…

.

Thử đọc qua một vài thông tin: Theo Radio Chân trời mới ngày 19.2.1010 về “Bản thống kê của Unicef về tình trạng trẻ em VN không được tới trường”:

“Học sinh tại Việt Nam bỏ học vì hoàn cảnh nhà nghèo vẫn ở mức báo động. Tại đất nước VN, nơi có 86 triệu dân, Bộ Giáo Dục cho biết là có 138,000 trẻ em và học sinh trung học rời bỏ nhà trường trong niên khóa 2007-2008. Con số này từ đó đã tăng tới 147,000 em, theo Bộ Giáo Dục.

Bản thống kê UNICEF của LHQ nói là hiện có 7.6 triệu trẻ em VN không có nơi cư ngụ thích hợp, 5 triệu em thiếu phương tiện vệ sinh, 2.4 triệu em không có nước sạch để uống, 3.4 triệu em không tiếp cận được thông tin, 2 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, và 3 triệu em không đươc tới trường…”

.

Về tình trạng trẻ em VN phải lao động mưu sinh: Bài báo “Lao động trẻ em: những con số giật mình” đăng ngày 22.6.2010 trên VNEconomy:

“Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2008, cả nước có 26.027 trẻ em phải tham gia vào các hình thức lao động. Nếu thống kê từ năm 2006 thì đã có khoảng 930.000 lao động trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế.

Một báo cáo chi tiết về tình trạng sử dụng lao động trẻ em được khảo sát tại 8 tỉnh, thành và 3 làng nghề vừa được Viện Khoa học lao động và xã hội công bố cũng đã khiến nhiều người phải giật mình.
Kết quả khảo sát cho thấy gần 45% trẻ em phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo về nhiệt độ, ánh sáng; gần 40% phải làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao ảnh hưởng đến sức khoẻ và trên 27% bị ảnh hưởng của hoá chất độc, ô nhiễm không khí, hơi, khí độc hại nơi làm việc.

Theo báo cáo này, lao động trẻ em thường ở độ tuổi từ 10-14 tuổi, chiếm 72,6% tổng số trẻ em đang tham gia lao động được khảo sát. Tiếp đến là nhóm tuổi từ 15-17 tuổi (chiếm 17%) và nhóm 6-9 tuổi (chiếm khoảng 10%).

Khảo sát cũng cho thấy lao động trẻ em đang làm việc chiếm tỷ trọng cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và thấp nhất là trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.”

.

TRẺ EM-NHỮNG NẠN NHÂN CỦA NẠN BẠO HÀNH

Trong tháng 4, tháng 5 vừa qua, báo chí liên tục đưa tin, bài về cậu bé Nguyễn Hào Anh ở Cà Mau bị vợ chồng nhà chủ hành hạ dã man như thời Trung Cổ gây thương tích tỷ lệ 66,83%, dư luận vô cùng phẫn nộ, và nhờ sự phẫn nộ đó số phận của cậu bé đã được thay đổi. Sau khi được điều trị những vết thương và phục hồi sức khỏe, cậu bé được đưa vào sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, số tiền do những người hảo tâm gửi tặng thì được bỏ vào sổ tiết kiệm cho cậu bé, còn những kẻ hành hạ cậu thì đã phải lãnh bản án xứng đáng: 23 năm tù cho mỗi người. Trường hợp Hào Anh làm người ta nhớ đến vụ em Nguyễn thị Bình tại Hà Nội cũng bị nhà chủ dùng nhục hình hành hạ suốt 10 năm và cũng được báo chí, dư luận lôi ra ánh sáng vào năm 2007.

Nhưng còn bao nhiêu đứa trẻ như Hào Anh, như Bình…vẫn đang bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, do người chủ sử dụng lao động hay thậm chí do chính cha mẹ, người thân gây ra?

Chỉ cần vào google gõ “trẻ em bị bạo hành” là sẽ ra hàng loạt kết quả. Cũng đã có nhiều bài báo, buổi tọa đàm về vấn đề này với sự tham gia của các ban, ngành liên quan, các chuyên viên tâm lý, luật sư…nhưng vấn đề này có vẻ như không giảm đi mà đang có chiều hướng gia tăng hàng năm.

Không chỉ có những trường hợp bạo hành về thể xác do ba mẹ, người thân kém hiểu biết, lòng dạ hẹp hòi, độc ác…gây nên, có những ông bố bà mẹ thương con nhưng vẫn đang “bạo hành” con hàng ngày vể mặt tinh thần mà không biết. Trong một đất nước mà sự tự do cá nhân cũng như cá tính của trẻ em chưa thật sự được người lớn tôn trọng thì việc bố mẹ tự cho mình quyền quyết định, quyền can thiệp vào mọi mặt đời sống tinh thần của con cái cũng là một hình thức bạo hành. Ngay trong chuyện học hành đã nói ở trên, trong một xã hội mà bằng cấp, địa vị vẫn còn được đặt nặng thì việc bố mẹ ép con phải vào cho được trường chuyên trường điểm dù con học không nổi, ép con phải đi học thêm lu bù không có thời gian giải trí nghỉ ngơi, ép con phải thi đậu vào những ngành mà theo xã hội là sáng giá như y khoa, kinh tế, quản trị kinh doanh… dù thiên hướng của con nằm ở lĩnh vực khác v.v…tất cả đều là những hình thức khác nhau của bạo hành về tinh thần. Vể mặt này thì trẻ em các nước phương Tây hạnh phúc hơn trẻ em VN nhiều lắm khi suốt những năm học phổ thông chúng chẳng bị áp lực về điểm, về thành tích, chỉ tiêu của nhà trường, vừa học vửa giải trí, hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao…và khi chúng 18 tuổi thì bố mẹ chả có quyền ép được chúng trong bất cứ điều gì!

Nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam thường hay suy nghĩ theo kiểu: bọn trẻ bây giờ còn là sướng chán nếu so với thế hệ chúng tôi hay ông bà chúng ngày xưa, (nhất là lại so sánh với thời miền Bắc trước năm 1975 hay thời bao cấp), hoặc chỉ cần lo làm giàu, chu cấp cho con đủ thứ tiện nghi vật chất mà chúng đòi hỏi là được, còn muốn gì hơn nữa? Nhưng thực tế trẻ em thời bây giờ có những nỗi khổ khác mà thời bố mẹ chúng lại không có-khi mà xã hội nháo nhào chạy theo đồng tiền, chạy theo những giá trị dỏm, giá trị ảo, đạo đức xuống cấp, những điều học được ở trường lại thường mâu thuẫn, tréo ngoe với thực tế đang diễn ra ngoài xã hội khiến các em chẳng còn biết tin vào ai, tin vào cái gì…Và hỡi người lớn, hãy trở lại làm trẻ con một ngày để xem các em có thực sự vui sướng, hạnh phúc chưa?

.

HỌC ĐI ĐỂ TRẢ NỢ CHO CÁC THẾ HỆ CHA ANH HÔM NAY

Trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam ước tính ban đầu tốn 56 tỷ của chính phủ mà quốc hội VN vừa mới bác bỏ vào tháng 6 vừa qua, chủ yếu do sức ép từ dư luận xã hội, có một vị đại biểu là ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của quốc hội khi được hỏi về vấn đề trả nợ cho số tiền vay để thực hiện dự án này, đã nói “một câu để đời” như sau: "Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay". Cứ vay nợ, cứ làm, lỗ lời gì thì sau này con cháu gánh chịu, mấy mươi năm nữa lúc đó các bác các chú có còn sống đâu mà lo!

Không chỉ có dự án này, trong nhiều năm qua, những người đứng đầu chính phủ VN đã chứng tỏ sự lãng phí, tính phô trương, thói vô trách nhiệm với tương lai của đất nước và dân tộc khi thường xuyên phung phí vô tội vạ tài nguyên của đất nước, tiền thuế của nhân dân và cả tiền đi vay nợ từ nước ngoài để thực hiện vô số chính sách sai lầm vể kinh tế, vô số dự án tốn kém và chưa thật cần thiết…

Gánh nợ ấy rồi sẽ đổ lên đầu các thế hệ con em VN! Cái gia tài đất mẹ VN được chắt chiu, gìn giữ suốt bao nhiêu đời, chỉ qua mấy chục năm cầm quyền của nhà nước cộng sản VN đã bị mất mát một phần biển, đảo, đất liền vào tay nước láng giềng phương Bắc, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi vô tội vạ, tiền đi vay bị tiêu xài một cách tham lam, ngu dốt, vô trách nhiệm để còn lại gì cho tương lai ngoài những gánh nặng nợ nần?

Thật ra ở những quốc gia còn nghèo thì trẻ em đều có những thiệt thòi, không chỉ riêng Việt Nam. Nhưng chuyện học như một nghĩa vụ nặng nề, học chạy theo thành tích hay chuyện học để mai sau trả nợ cho sự ngu dốt, thói tham lam của các thế hệ lãnh đạo hôm nay thì hình như nó lại là sản phẩm của những nước tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, là “ngàn lần tốt đẹp hơn các nước tư bản chủ nghĩa”, ví dụ như nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ôi VN, “Trẻ thơ ơi trẻ thơ ơi tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…” (Trịnh Công Sơn).

Song Chi

.

.

.

No comments: