Monday, July 12, 2010

"DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN THÔNG THÁI"

Một ý kiến khi đọc bài “Dân giàu, dân mạnh, dân thông thái!” của ông Nguyễn Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguyễn Minh Trí

12/07/2010

http://boxitvn.blogspot.com/2010/07/mot-y-kien-khi-oc-bai-dan-giau-dan-manh.html

Tôi là một người dân thường, đã về hưu nhưng vốn từng dính líu khá mật thiết với Giáo dục. Mười năm làm giáo viên cấp 3 (hay tương đương) ở trong nước, 30 năm làm Giảng viên rồi Giáo sư của một trường đại học danh tiếng vào bậc nhất thế giới ở nước Mỹ. Nói như vậy để độc giả hiểu cho tôi cũng biết chút ít về vấn đề giáo dục.

.

Tôi thường rất quan tâm về vấn đề giáo dục ở trong nước. Tôi vẫn tự hỏi tại sao giáo dục ở trong nước ta lại nát bét như bây giờ, làm cho con người suy đồi về cả đạo đức lẫn khả năng. Tại sao và tại sao? Vì vậy hôm nay tôi thấy bài báo của một người đã ở bên trong hệ thống giáo dục (từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quan tâm đến giáo dục làm cho tôi hy vọng sẽ có vài câu trả lời.

.

Khi đọc xong bài viết này, trong lòng tôi buồn lắm, và còn thêm nhiều câu hỏi tại sao. Bài viết của một quan chức lớn trong ngành Giáo dục tại sao lại không có những phân tích, những trăn trở, những đề nghị giải pháp cho giáo dục thoát khỏi tình cảnh hiện tại, hay ít nhất cũng có những lý giải về tình trạng giáo dục hiện nay. Tại sao toàn là những câu hô khẩu hiệu như vậy. Mà khẩu hiệu thì người dân nghe chán rồi.

Ai mà chẳng biết dân giàu thì dân đỡ khổ hơn. Nhưng chưa chắc, hãy nhìn vào những nước Trung Đông hay Phi Châu giàu lên vì có nhiều dầu lửa để bán. Nhưng hãy hỏi họ có sung sướng không ?

.

Tôi đã có dịp làm Giáo sư thỉnh giảng tại vài nước Trung Đông và Phi Châu. Rất ít người dân cảm thấy sung sướng bởi vì hệ thống cai trị độc tài và thiếu khả năng của nước họ.

.

Ai chẳng biết dân có trình độ dân trí cao hơn (tôi không dám dùng chữ thông thái) thì có thể biết sống hơn và hy vọng sung sướng hơn. Nhưng nếu một nước mà toàn là nhà thông thái thì khốn khổ cả nước, chỉ riêng một chuyện các ông thông thái đó ngồi cãi nhau ngày này sang ngày khác cũng đủ làm những người không thông thái (số không ít trong xã hội đó) điên lên mà chết. Xã hội phải hài hòa, mỗi người một công việc và làm cho tốt công việc của mình thì cả xã hội mới tiến lên được. Hãy tưởng tượng ra một nước mọi người dân đều là Kỹ sư hay bác học cả thì sao, tôi không dám nghĩ tiếp thêm nữa.

.

Một quan chức lớn của bộ Giáo dục và Đào tạo mà tư tưởng còn đóng khung trong một vài sáo ngữ như như vậy thì… Hèn chi !!! Hèn chi !!!

.

Khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông ta nói nghe cũng thẳng thắn làm cho tôi nẩy ra một chút hy vọng, dù rằng trước đó tôi có nghe dư luận người Hà Nội nói rằng sở dĩ ông được lên làm Bộ trưởng bởi vì ông biết nói tiếng Anh, một sự hiếm hoi trong các Bộ trưởng (đến Bộ trưởng tiền nhiệm của ông sau khi bị mất chức còn xin tiền Chính phủ đi học tiếng Anh mà!!!). Nhưng ông này cũng chỉ hô khẩu hiệu “Nói “Không” với tiêu cực” được hai ba năm, cho đến nay mọi chuyện lại “vui” như cũ, ông liền “bỏ của chạy lấy người” lên chức to hơn và đoạn tuyệt với giáo dục. Trong hơn 4 năm ông chẳng làm được việc gì coi được, sách giáo khoa vẫn vậy, chương trình trung học vẫn vậy, v.v. Vậy mà theo các bạn hữu của tôi tại Hà Nội, ông Nhân vẫn là Bộ trưởng sáng giá trong nội các Nguyễn Tấn Dũng !?!?

.

Tôi cũng có vài lý giải về lý do của nền giáo dục bát nháo ở nước ta hiện nay. Nhưng bài này đã đủ dài rồi, xin hẹn bài sau.

NMT

.

.

Dân giàu, dân mạnh, dân thông thái!

Nguyễn Kỳ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo

Đăng bởi bvnpost on 11/07/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/07/11/dn-giu-dn-m%E1%BA%A1nh-dn-thng-thi/

Vấn đề chủ nghĩa xã hội có thực hay không và xây dựng con người xã hội chủ nghĩa cần những điều kiện gì, từ hơn sáu mươi năm qua đã đặt ra cho dân tộc chúng ta hàng loạt những câu hỏi hết sức đau đầu, cả về lý thuyết cũng như thực tiễn. Nay ông Nguyễn Kỳ lại đề xuất một tiêu chí của chủ nghĩa xã hội là phấn đấu sao cho dân tộc Việt Nam trở nên giàu có, khỏe mạnh và thông thái. BVN không dám lạm bàn vào các luận điểm của ông, xin trân trọng đăng nguyên bài viết do tác giả trực tiếp gửi tới nhằm giúp độc giả nghiền ngẫm từ trong đấy những thông báo sâu xa mà vị cựu lãnh đạo ngành giáo dục muốn gửi gắm, âu cũng là một cách thư giãn trong ngày Chủ nhật.

Bauxite Việt Nam

------------------------------------------------

.

Chúng ta đang phấn đấu vì mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Dân giàu là mục tiêu tối cao.

Toàn dân đoàn kết “thi đua yêu nước diệt giặc đói khổ” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, “xóa đói giảm nghèo”. Chỉ trong vòng 10 năm, từ một, hai trăm đô la, dân ta đã đưa tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người lên 1.200 đô la vào năm 2010, đồng thời phấn đấu “xóa đói, giảm nghèo”, nâng cao dần mức sống nghèo khổ vì một khoảng cách giàu – nghèo phù hợp với chủ nghĩa xã hội. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển! Bình quân đầu người vài nghìn đô la đang ở trong tầm tay dân ta!

Lịch sử đã sang trang. Cách mạng khoa học công nghệ đang tiến rất nhanh. Thế giới chuyển sang lấy tri thức làm nguồn lực phát triển chủ yếu. Cơ may cạnh tranh và phát triển bền vững của Quốc gia cơ bản dựa vào sự giàu có về trí tuệ của toàn dân tộc.

Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “một dân tộc nghèo”.

Dân dốt là dân yếu, dân nghèo.

“Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mỗi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết, phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ ”(1).

Không cam tâm chìm đắm trong dốt nát nghèo nàn! Phải trở thành “dân mạnh, nước giàu”, “dân giàu, nước mạnh”, “dân tộc thông thái”! Phải quyết chí lấy tự học, độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự tìm và tự tạo ra tri thức, làm giàu trí não và nhân cách của ta mà thắng nghèo nàn lạc hậu! Phải là dân mạnh dân giàu về trí tuệ – dân thông thái!

Toàn dân đoàn kết “thi đua yêu nước diệt giặc dốt nát” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm mục tiêu “dân mạnh, nước giàu”, “dân giàu, nước mạnh”, “dân thông thái, dân tộc thông thái, xã hội thông thái, giàu mạnh”.

Dưới ánh sáng soi đường chỉ lối của tấm gương con người xã hội chủ nghĩa Hồ Chí Minh, dân thông thái biết cách tự chăm lo vun đắp cái vốn quý nhất của mỗi con người và của dân tộc giống nòi là sức khỏe và trí tuệ , trên cơ sở đáp ứng tốt bốn nhu cầu sinh tồn và phát triển cơ bản của con người là khỏe, học, làm, sống: biết cách tự chăm sóc, tự rèn luyện, nâng cao sức khỏe và tầm vóc nên người cao khỏe; biết cách tự học hành sáng tạo suốt đời; biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự mình đi tìm lấy chân lý, “tự do phục tùng chân lý” (2); sống hạnh phúc, văn minh.

Biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, “tự do phục tùng chân lý” mới là dân thông thái !

Học hàm học vị, chức trọng quyền cao chỉ có giá trị đích thực khi thuộc về con người “biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo” !

Dân thông thái – “dân mạnh” “dân giàu” về trí tuệ. Trí tuệ Việt tạo ra mọi chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Trí tuệ Việt đưa đất nước quá độ vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có dân thông thái .

Dân thông thái vừa là chủ thể vừa là mục tiêu vừa là động lực chủ yếu đưa dân tộc ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội chưa từng có trong lịch sử đòi hỏi mỗi người cán bộ lãnh đạo – quản lý của Đảng và Nhà nước phải thật sự là một con người thông thái ưu tú, có bản lĩnh “độc lập suy nghĩ – điều hành dân chủ sáng tạo”, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh vào thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức phát huy dân chủ, độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng và mọi năng lực sáng tạo, “đem tài dân, sức dân, của dân” phục vụ cho dân ta – trẻ em cũng như người lớn, người dân cũng như người lãnh đạo – ai cũng biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo nên người thông thái .

Mỗi nhà giáo là một con người thông thái mẫu mựctấm gương bốn tốt: “cao khỏe, tự học hay, dạy sáng tạo, đạo đức tốt”, có bản lĩnh dạy sáng tạo, hướng dẫn cho trò ngay từ bậc tiểu học tập dượt độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng, tìm tòi, khám phá, tự học hành, tự rèn luyện, tự do sáng tạo, tự mình tìm lấy kiến thức, tự mình khám phá ra chân lý, “tự do phục tùng chân lý”, nên người thông thái. Mỗi học sinh sinh viên tích cực chủ động tham gia phong trào thi đua bốn tốt: “Sức khỏe tốt. Tự học hay. Làm sáng tạo. Sống văn minh” với những tiêu chí cụ thể đáp ứng đúng nhu cầu độ tuổi.

Mỗi thành viên gia đình phấn đấu làm một thành viên bốn tốt của “gia đình thông thái bốn tốt” :- Biết cách tự chăm sóc, tự rèn luyện, nâng cao sức khỏe – Biết cách tự học hành sáng tạo. Trẻ em có trình độ giáo dục theo độ tuổi – Người lớn có tay nghề sau trung học, lao động giỏi, có sáng kiến, sáng tạo – Sống cần kiệm, lành mạnh, trung thực, nhân nghĩa.

“Gia đình thông thái bốn tốt” hội tụ các phong trào kinh tế – xã hội lớn của đất nước thành nơi con người tự học hành sáng tạo suốt đời nên người thông thái là tế bào của một xã hội thông thái. Với 90% số hộ là gia đình thông thái bốn tốt, cả nước trở thành một xã hội thông thái .

Xã, phường cần phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế, phổ cập giáo dục theo độ tuổi, xây dựng đời sống văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi, xóa hộ nghèo, xây dựng gia đình thông thái bốn tốt Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là một thành viên bốn tốt và phấn đấu cho mọi thành viên gia đình đều đạt tiêu chí bốn tốt. 90% số hộ là gia đình thông thái bốn tốt làm nên “xã, phường thông thái bốn tốt”.

Doanh nghiệp thông thái – cơ sở của kinh tế tri thức – cần xây dựng đội ngũ “ công nhân thông thái bốn tốt ”: – Biết cách tự chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường; – Biết cách tự học hành sáng tạo, đạt trình độ trung học và tay nghề sau trung học; - Biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, lao động giỏi, có sáng kiến, sáng tạo; - Sống cần kiệm, lành mạnh, trung thực, nhân nghĩa.

Người lao động trí thức hóa ở trình độ giáo dục sau trung học là con người của kinh tế tri thức.

Xã hội thông thái – xã hội mà ai cũng biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự học hành sáng tạo suốt đời nên người thông thái có tay nghề sau trung học – vừa là một “xã hội học tập hiện đại”, vừa là một “xã hội tri thứcgiàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Muốn có chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta phải đoàn kết thi đua diệt giặc đói giặc dốt cho dân giàu, dân mạnh, dân thông thái, xã hội thông thái, giàu mạnh.

Dân dốt là dân yếu, dân nghèo.

Dân thông thái là dân mạnh, dân giàu.

Xã hội thông thái, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

Dân tộc thông thái, độc lập, tự do, xã hội chủ nghĩa!

NK

———

(1)(2) Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục. Nxb. Giáo dục, 1990; Tr. 40; 47.

.

.

.

No comments: