Hành động lúc còn chưa quá muộn
Liêu Thái
10/07/2010 12:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=22141
.
Từ Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Trường Tô và… đến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI
.
Thông tin với đời sống người nông dân
Trong những ngày này, bà con ở quê tôi vẫn làm việc, ăn, ngủ, xem bóng đá rồi lại làm… như mọi ngày. Dường như không có gì chuyển biến trong họ. Cái nếp nghĩ, điệu thức nhà nông cố hữu cả ngàn năm nay vẫn vậy. Vẫn lam lũ, chịu thương chịu khó, thấp cổ bé họng, làm mùa hạ để mùa đông có cái ăn rồi trời đông lạnh cắt da lại ra đồng lo kiếm cái mà đón Tết về. Ngày qua ngày, mùa qua mùa, không có gì thay đổi, phận nông vẫn cứ… phận bần nông! Hình như là vậy! Chỉ có một số người, nếu không nói là một vài người hoặc vì chuyên môn, hoặc do những trăn trở, hoặc do chán chường với thực tại, ngán ngẩm cái kiểu làm việc của chính quyền mà hàng ngày mình phải nghe, nhìn thấy nó… hoặc ưu tư về vận mệnh đất nước lại ngồi vào máy tính, lên internet, mở radio, nghe:
.
Chuyện Hoàng Sa mất, Trường Sa đang dần bị xâm chiếm, tàu Trung Quốc lượn lờ trong hải phận thuộc chủ quyền Việt Nam;
Chuyện Trung Quốc–Việt Nam, Tây Nguyên, Bauxite, rừng, khoáng sản bị bán cho Trung Quốc, cửa khẩu, biên giới Việt-Trung;
Chuyện chất độc màu da cam, những đứa trẻ tàn tật và những người vác đơn đi kiện;
Chuyện Nguyễn Trường Tô bị đề nghị cách chức chủ tịch tỉnh nhưng vẫn còn đọc diễn văn, nghị quyết như chưa hề có gì xảy ra, mặt mày hơn hớn;
Chuyện Sầm Đức Xương hiệu trưởng bắt học trò bán dâm cho các quan tỉnh, nghe như sắp chìm xuồng;
Chuyện cô gái cắt cổ người tình, anh thanh niên phanh thây người yêu cũ;
Chuyện tham nhũng trong ngành giáo dục, thầy cô kẻ mất chất, người chán nản vì sự mất chất của đồng nghiệp, của ngành;
Chuyện mất điện, mất nước, nông dân mất lúa;
Chuyện đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội;
Chuyện các giáo xứ mất đất, mất cả niềm tin vì rất có thể Vatican sẽ bổ nhiệm người đại diện mới ở Việt Nam, có thể manh nha sự câu kết giữa Vatican và chính quyền Hà Nội;
Chuyện ông Nguyễn Thái Bình được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Trưởng ban Tôn giáo chính phủ;
Chuyện ông Nguyễn Thành Năm, giáo dân Cồn Dầu, Đà Nẵng bị chết và cơ quan y tế kết luận do đột quị, có thông tin nói rằng ông bị công an đánh trọng thương rồi chết;
Chuyện thanh niên Nguyễn Văn Khánh ở xã Đại An, huyện Đại Lộc bị chết trong đồn công an sau hai ngày tạm giam do nghi vấn anh mua chiếc xe ăn cắp;
Chuyện các vị hòa thượng, thượng tọa, các tăng, sư, ni Bát Nhã – Làng Mai, và Phật giáo Thống nhất bị gây khó dễ, thậm chí trong một mức độ nào đó có thể nói là bị đàn áp;
Chuyện nhà văn Võ Thị Hảo và rất nhiều văn sĩ trí thức khác lên tiếng về vấn đề tha hóa đạo đức của người Việt; nữ nhà văn nói nguyên nhân của sự tha hóa này là nỗi sợ hãi của người thấp cổ bé họng trước quyền lực. Và sự độc quyền kéo dài hơn ba mươi năm trên đất nước cũng nên chấm dứt để có một nền dân chủ nhằm mang lại sinh khí cho Việt Nam;
Chuyện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2011 và những văn bản góp ý, đề cương… nỗi trăn trở của giới trí thức Việt Nam về dân chủ cũng như về điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Và rất nhiều chuyện khác vừa nhạy cảm vừa ù lì…
.
Có lẽ, trong những thông tin trên, dư luận quan tâm nhiều đến cuộc trò chuyện giữa nhà văn Võ Thị Hảo và phóng viên BBC, chuyện ông Nguyễn Trường Tô bị đề nghị cách chức và chuyện bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Đà Nẵng trả lời phỏng vấn của đài VOA.
.
Thử đặt câu hỏi vì sao những tin này được quan tâm nhiều nhất, có lượt người xem nhiều nhất?
Trước nhất là chuyện nhà văn Võ Thị Hảo trả lời phỏng vấn của BBC. Nội dung hỏi và trả lời xoay quanh vấn đề đạo đức con người Việt Nam, sự xuống cấp về phẩm hạnh, đạo đức, sự băng hoại của những giá trị tinh thần. Và câu chuyện được kết thúc khi người phỏng vấn đưa ra câu hỏi về vấn đề thông tin mạng toàn cầu mà trước đây chính phủ Việt Nam từng “dự đoán” là khi mở cửa sẽ có cả gió lành và gió độc tràn vào… Nhà văn Võ Thị Hảo trả lời rằng đó là cách ngụy biện cho sự quản lý thiếu khoa học, thiếu dân chủ và bao che cho những nhà quản lý, những cán bộ không đủ năng lực, học vấn đang tồn tại, đương chức trong bộ máy nhà nước Việt Nam. Và điều cần làm bây giờ là thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, tạo ra sân chơi chính trị sòng phẳng, lành mạnh, người tài nắm quyền quản lý nhà nước…
.
Chuyện ông chủ tịch Nguyễn Trường Tô bị đề nghị cách chức vì tội mua dâm trẻ vị thành niên, thông tin của BBC nói là mua dâm nhưng thực ra người đọc đã hình dung được tội của ông Tô không phải là mua dâm mà là cưỡng dâm, cưỡng bức mua bán dâm. Vì anh không thể toa rập với người có quyền lực trực tiếp – trong trường hợp này là Sầm Đức Xương – bắt nữ sinh đến giao dâm với anh, nếu người ta từ chối thì có nguy cơ bị thiệt thòi, thiệt hại nặng cho bản thân, tương lai như đuổi học, kỉ luật, phê hạnh kiểm xấu… Xong việc rồi anh ném một xấp tiền vào danh dự, phẩm hạnh của người ta và bảo là tôi mua dâm. Đó là chưa nói đến chuyện các cô gái bị còng tay, bị công an áp giải đi như một tội phạm. Những ai đã từng nếm nỗi nhọc nhằn, khổ cực để sinh một đứa con, nuôi nó khôn lớn, cho ăn học với hy vọng, niềm tin rằng nó sẽ lớn, sẽ thành người thì sẽ thấu hiểu được cảm giác đau khổ, nhục nhã và bị xúc phạm như thế nào khi người ta còng tay con mình, đưa nó ra tòa với tội bán dâm khi chính nó là người viết đơn tố cáo kẻ đã lợi dụng, hù dọa thậm chí đe dọa để nó phải làm những chuyện trái với ý muốn của nó, trái với lương tri loài người! Và khi viết đơn tố cáo kẻ gây tội, chắc chắn rắng các cô gái Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thanh Thúy phải mang niềm tin vào công lý, vào pháp luật Việt Nam, tin vào lương tri của cơ quan chính quyền nên mới gửi đến cơ quan pháp luật. Nhưng kết quả là các cô bị còng tay, bị xếp vào hàng ngũ tội phạm. Liệu các cô còn có thể tin vào công lý? Tin vào cơ quan pháp luật? Tin vào chính quyền?
.
Và việc xếp các cô vào diện tội phạm nói lên điều gì? Nó phản ánh ý đồ cào bằng tội lỗi, nó đẩy người bị hại lên hàng tội phạm để làm giảm tội của kẻ khác – ở đây là Sầm Đức Xương, Nguyễn Trường Tô và một số quan chức Hà Giang – , nó che lấp dư luận rằng tội của kẻ kia chỉ là thông dâm, mua bán thường tình nhưng không đúng tư cách vị trí của một cán bộ đương chức, một đảng viên chứ không hề cưỡng ép ai… Và như vậy, các cô gái và Nguyễn Trường Tô cùng các quan chức có mức tội rất có thể ngang nhau, và rất có thể Nguyễn Trường Tô và các quan chức tòng phạm kia sẽ ngụy biện rằng mình nhìn thấy các cô mông vú đầy đủ, điện nước sung mãn, cứ nghĩ rằng các cô đã trưởng thành rồi, đã xấp xỉ đôi mươi nên mới mua. Kẻ mua người bán, ngộ nhận chút thôi mà!…
.
Theo tôi được biết, ở một số nước tiến bộ, có dân chủ, nhân quyền đầy đủ, có tòa án riêng biệt và hoạt động trên cở sở tam quyền phân lập, chuyện cưỡng dâm trẻ vị thành niên là một trọng tội hình sự, có thể bị kết án rất nặng – gần với chung thân. Và chuyện đồng hóa người bị hại vào tội danh mua bán dâm, ngang ngưỡng gái điếm cũng là một tội không nhỏ. Nếu xét về mặt này thì Viện Kiểm sát tỉnh Hà Giang cũng là tòng phạm, và là bị can nếu như làm rõ nguyên nhân, hành tung đường dây chạy tội, tố tội, ghép tội trong chuỗi Viện – Tòa – Ủy ban tỉnh. Và kẻ nêu tội các cô gái phải ra hầu tòa chịu tội, đền bù danh dự cho người bị hại trước công lý. Rất tiếc là điều này nghe ra khó mà có ở một nhà nước độc tài, một tòa án phụ thuộc vào Đảng Cộng sản như Việt Nam!
.
Ở đây, người đọc quan tâm không dừng ở chuyện Sầm Đức Xương, Nguyễn Trường Tô và một số quan chức liên quan đến vụ xâm phạm nhân phẩm này bị hình thức kỉ luật gì, kỉ luật như thế nào mà vấn đề người ta quan tâm trên hết vẫn là công lý, uy tín và khả năng định tội với cái xấu, khả năng bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ quyền con người của chính quyền sở tại. Nếu kỉ luật Nguyễn Trường Tô với tội mua bán dâm trẻ vị thành niên là một cách đồng lõa chạy tội của cơ quan nhà nước, của giới cán bộ Việt Nam thì sự đồng lõa này đồng nghĩa với tội ác vu cáo [những học sinh] và chà đạp lên phẩm hạnh con người. Và quá trình theo dõi của độc giả lâu nay về sự vụ trên cũng đồng nghĩa với việc tham chiếu về thân phận con người trong một cỗ máy chính trị vốn đã hết thời hạn sử dụng và sinh quá nhiều trục trặc.
.
Chuyện bà Nguyễn Thị Hiền trả lời VOA, nội dung trả lời có đoạn: “… Chúng tôi không chỉ kiện cho các nạn nhân da cam tại Việt Nam thôi, mà còn cho cả con cái của các cựu chiến binh Mỹ và con của những người lính Cộng hòa trước kia nay là Việt kiều sinh sống tại Mỹ cũng không được hưởng chế độ về chất da cam. Tôi muốn các bạn nên đến Việt Nam chúng tôi để nhìn thấy người thật, việc thật thì các bạn mới hiểu nỗi đau của những nạn nhân chất da cam tại Việt Nam chúng tôi…”. Ở đây có hai vấn đề, hai dấu hỏi: Như vậy lâu nay những cựu chiến binh Mĩ, những người lính Việt Nam Cộng hòa đã bị “đem con bỏ chợ” ở các trung tâm nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam? Và liệu cách làm, cách nêu vấn đề như bà Hiền có thật do xuất phát từ lòng trắc ẩn, tính nhân đạo, bi tâm của con người hay là một phát biểu nặng mùi chính trị?
.
Thật ra, ở vế đầu không có sự thành thật. Nếu như nhà nước cộng sản Việt Nam, các hội, đoàn trực thuộc nhà nước, trực thuộc Đảng tốt đến mức như vậy thì đã không phê một dấu đen không thể tẩy rửa vào lý lịch của không biết bao con em binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, những người có công trong chế độ Việt Nam Cộng hòa… Để cả một, hai, ba thế hệ này phải mất nhiều nước mắt vì lý lịch, mất nhiều cơ hội tương lai, mà trong đó có cả cơ hội đóng góp cho dân tộc!
Và ở vế thứ hai, cũng không có sự thành thật nốt, vì có không biết bao trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam là con của các thương binh, chiến binh chế độ Việt Nam Cộng hòa bị phân biệt đối xử. Trong các phần quà [trường hợp này đã không nhắc đến những hành vi ăn chẹn, tham ô của các cán bộ trong lĩnh vực này vào khoản tiền tài trợ của các em] của các nhà tài trợ trong nước và ngoài nước, con số hàng chục, hàng trăm ngàn đô la… Nhưng các em chỉ nhận được vài ba gói mì tôm, vài ba chục ngàn đồng, chỉ khi nào chính sách cho con em thương binh, chiến binh chế độ cộng sản đã dư thừa hoặc đã đủ thì các em này mới được nghĩ tới. Vậy thì sự phân biệt đối xử này nói lên điều gì? Mãi cho đến khi các tổ chức nhân đạo từ Mỹ, đặc biệt là sau năm 1995, đến Việt Nam ngày càng nhiều, mối quan hệ bang giao trở nên bình thường hóa và các khoản tài trợ từ nước này đổ vào Việt Nam càng lúc càng nhiều thì các em mới được nhắc tới. Và trong trường hợp này, các em vô hình trung thành con tốt trên bàn cờ chính trị, trên bàn cờ kiện tụng của kẻ khác! Cho đến bao giờ các em thôi bị lợi dụng? Cho đến bao giờ những con người kia thôi sống giả dối? Một câu hỏi hoàn toàn đi vào bế tắc!
.
Những chuyện liên quan đến tôn giáo, đến đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, đến Hoàng Sa-Trường Sa, biên giới Việt-Trung… đều có tính liên đới với nhau bởi cùng được nhìn nhận và phát triển chung trong một sinh quyển chính trị, phản ánh thân phận của con người trong thể chế chính trị đó và cũng hiển lộ ưu và khuyết, được và mất, tốt và xấu cho tương lai một đất nước.
.
Nên làm gì?
Trở lại câu chuyện của các em học sinh bị cưỡng dâm – đó là chưa kể đến hàng trăm ngàn em bị cưỡng dâm nhân cách, hàng triệu em bị cưỡng dâm tư tưởng đã quá lâu – tôi nhận ra rằng chữ Trách Nhiệm trong ngành giáo dục đã bị triệt tiêu mất dấu, hoàn toàn bị triệt tiêu, có nghĩa là lương tri giáo dục bị đánh cắp, bị sâu ăn. Vì sao tôi nói chữ này bị triệt tiêu? Vì trong ngành giáo dục có những người đầu ngành như Sầm Đức Xương, vì khi các em dũng cảm đứng ra tố cáo cái ác thì liền sau đó bị ghép tội bán dâm. Và lẽ ra, ở trong gia đình, khi con cái hư hỏng, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về sự hư hỏng này, phải bảo lãnh và giáo dục con cái, phải xin lỗi những người bị thiệt do con cái mình gây ra. Ở nhà trường, học sinh hư hỏng, nhà trường phải chịu trách nhiệm, và rộng hơn một chút, một khi thế hệ học trò có vấn đề, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm về điều này. Trong trường hợp của các em học sinh bị hại trên đây, lẽ ra ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Thủ tướng chính phủ, Ông Chủ tịch nước, Ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam phải đứng ra xin lỗi, bảo lãnh và bảo vệ cho các em. Lý do xin lỗi của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục là: Tôi có lỗi vì tôi đã để một hiệu trưởng mất nhân cách như vậy trong ngành giáo dục. Và sự hư hỏng [nếu có] của các em là do sự bất lực, sự lơi lỏng của ngành giáo dục. Lý do xin lỗi của ông Thủ tướng chính phủ là: Tôi có lỗi vì tôi đã không làm hết chức năng của một vị Thủ tướng, tôi đã bất lực với các bộ, ngành nên để sinh ra quá nhiều tiêu cực. Lý do xin lỗi của ông Chủ tịch nước là: Cũng giống như Thủ tướng, tôi xin lỗi các em vì tôi đã lãnh đạo không tốt, để đất nước rơi vào vô cảm, bế tắc, lũng đoạn, tham nhũng, cửa quyền, giáo dục xuống cấp, cái xấu lấn ác… Chính sách vĩ mô của các lãnh đạo chúng tôi đã có vấn đề trầm trọng. Lý do xin lỗi của ông Tổng Bí thư: Tôi đã nhận ra sự sai lầm của độc đảng, vì lẽ sự độc đoán đã dẫn đến thao túng quyền lực, cục bộ địa phương, sinh ra những “ông vua xóm rừng” làm ảnh hưởng xấu đến đời sống, tương lai của Việt Nam…
Nhưng rất tiếc, các vị này vẫn chưa có lời nào!
.
Và đã đến lúc:
Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra, nếu các vị lãnh đạo đất nước có tầm nhìn rộng, thì việc đầu tiên các vị phải nghĩ đến và phải làm là tập cho mình một nếp nghĩ mới hơn, sòng phẳng hơn, lấy nhân bản và khoa học, lấy tương lai đất nước làm nền tảng. Và hành động.
.
Hành động như thế nào? Nếu mỗi vị đều nhận ra sự thất bại của mình, kể cả những vị dính đầy tham ô, tham nhũng, hối lộ đều thấy, hiểu rằng mình đã quá lạc hậu, chỉ hơn lớp trẻ về tiền bạc, quyền lực đen, sự thao túng phe nhóm… và những kẻ xu nịnh. Nhưng thật ra về mặt khoa học, về tư duy mới, triết lý phổ quát về thân phận con người trước thời đại thông tin bùng nổ, trước thế giới phẵng thì các vị còn thua xa lớp trẻ, nếu không nói là các vị đã và đang khủng hoảng về mặt lý thuyết một cách trầm trọng. Các vị có thể uống một chai rượu ngoại năm ba chục triệu đồng, mua chiếc xe hơi cả vài ba tỉ bạc, sắm một ngôi nhà sang trọng, sắm biệt thự năm bảy cái, gọi những cô gái đẹp đi chơi, thậm chỉ bỏ tiền ra để dụ những cô gái đã có chồng đi theo mình, làm cho gia đình họ tan nát… [Cuối cùng thì chính đồng tiền và quyền lực đã mang lại thù hận cho các vị, không hơn không kém!] Nhưng phần lớn, đa số trong các vị chẳng bao giờ đọc một cuốn sách vài chục ngàn đồng, vài trăm ngàn đồng hoặc chẳng bao giờ đọc nổi một cuốn sách vài trăm trang, các vị còn chưa biết cả những nhà triết học, kinh tế học, xã hội học, chính trị học… phương Tây đầy đủ, các vị có người còn lớ ngớ với máy tính, với thông tin mạng, ngoại ngữ thì đọc chữ được chữ mất… [đương nhiên vẫn có một bộ phận làm được điều này trong nội bộ Đảng, và đó là một ẩn số cho tương lai]. Như vậy, các vị phải tự thấy mình là một con voi già không thể điều khiển được một con hổ đang lớn mạnh, dù hiện nay con hổ ấy đang bị nhốt trong chuồng. Và trong trạng huống Việt Nam thì voi già và hổ đang sống chung trong một khu rừng, nếu không có hành động dứt khoát, không sáng suốt đối xử thật tốt với hổ và bằng mọi giá cứu con hổ ra khỏi chuồng thì các con voi già này trước sau cũng bị một bầy hổ khác đến tấn công, chiếm khu rừng. Tại sao voi và hổ không cùng nhau chung sức giữ cánh rừng của mình? Lúc ấy sinh mạng của các vị không bị đe dọa bởi những con hổ rừng khác và cánh rừng cũng sẽ có đầy đủ cỏ thơm, lá tre, chuối chín cho các vị. Đừng bao giờ sợ hổ rừng nhà chống đối mình mà nhốt nó để cuối cùng mất rừng, mất mạng bởi loài hổ lạ! Chúng ta đã quen hình ảnh của nhau rồi, chúng ta đã quen rừng, quen ánh trăng và quen cả tiếng gió vi vu buồn trong cánh rừng của chúng ta rồi. Chúng ta phải sống vì nhau trong cánh rừng này!
.
Đã đến lúc cần xem lại quyền lợi của dân tộc, quyền lợi của quốc gia, quyền lợi của con cháu mai sau. Không có cách nào tốt hơn là phải đa nguyên, dân chủ và lấy quyền lợi, danh dự dân tộc làm kim chỉ nam.
Muốn vậy, việc đầu tiên phải xem lại Quốc hội, phải có đa nguyên, dân chủ ngay trong Quốc hội, và muốn có một Quốc hội dân chủ, các vị chỉ còn cách lựa chọn duy nhất là ngay trong Đại hội Đảng XI sắp tới, các vị bằng mọi giá đấu tranh để có được điều này! Ai đấu tranh? Chính các Đảng viên Đảng Cộng sản đấu tranh trước, các trí thức sẽ vào cuộc. Tôi biết chắc một điều trong các vị, những đảng viên Đảng Cộng sản, những người đương nhiệm, đang ngồi ghế lãnh đạo, từng trải qua mấy mươi năm đảng viên, thấu hiểu cái tốt và cái xấu của chế độ cộng sản, có nhiều vị cũng ngộ ra được mình nên làm gì, cũng yêu nước, cũng thao thức với vận mệnh dân tộc nhưng chưa có cơ hội, chưa có điểm rơi… Và các vị là những người tốt, các vị cũng tôn trọng cái tốt, biết bất bình trước cái xấu! Những tướng lĩnh phản tỉnh, những người tôi từng gặp, từng chia sẻ trăn trở của họ khiến cho tôi tin rằng điều tôi nói không sai. Các vị hãy hành động đúng với linh cảm thời cuộc của mình, hãy làm đúng với dự đoán lịch sử trong sâu thẳm tâm thức của mình. Tin rằng sẽ có rất nhiều trí thức trong và ngoài nước ủng hộ các vị, tin rằng các vị là những người tiến bộ sẽ có những trí thức tiến bộ cộng hưởng với các vị! Hãy làm trước khi sự thể muộn màng!
.
Và một khi Quốc hội đạt được sự tiến bộ của Đa Nguyên, Dân Chủ thì cái tốt sẽ sinh ra từ những đối trọng, quan sát và kế sách của lớp trí thức trẻ. Và đất nước sẽ có tiền đề để phát triển tốt hơn, tương lai đất nước không bị đe dọa bởi những thế lực bành trướng, lãnh thổ sẽ được toàn vẹn bền vững. Và một đất nước tiến bộ, tương lai con em sáng sủa, ai mà không muốn vậy, đâu chỉ riêng ai! Đừng vì những lo lắng có tính tư lợi mà đánh mất vận hội, để đến khi nước đã vỡ, đê đã sập, có cứu cũng bằng không? Mà ai là kẻ chìm trước, chắc các vị cũng đã biết!
© 2010 Liêu Thái
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment