Tuesday, July 20, 2010

BAO GIỜ VĨ ĐẠI ? (2) (Nguyễn Hoàng Văn)

Bao giờ vĩ đại? (2)

Nguyễn Hoàng Văn

21/07/2010 1:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=22502

.

(Xem kì 1)

.

Như thế giá của tiếng Việt chẳng hạn. Ngôn ngữ là chất liệu và phương tiện nền tảng của văn học và, trong khi mơ tưởng một giải Nobel cho văn học Việt, chúng ta lại điềm nhiên rẻ rúng tiếng Việt. Tôi đang sống tại một nước nói tiếng Anh và cảm nhận được thế giá của môn tiếng Anh cũng như của các giáo viên dạy môn học này khi học trò bản ngữ phải học thật nhiều và thật kỹ, thậm chí có khi còn phải học thêm với những ông thầy dạy thêm bởi đó là một tín chỉ quan trọng trong việc mở ra cánh cửa đại học, kể cả những ngành đắt nhất như y khoa hay luật học. Còn tiếng Việt của chúng ta thì, cứ theo những thông tin tràn ngập trên báo chí, đã bị… lưu vong ngay trên nước mình, còn những giáo viên môn này long đong thân phận bên lề ngay giữa cộng đồng chức nghiệp của mình. Chính chính sách giáo dục hiện tại đã góp phần hình thành cái quan niệm cho rằng “tiếng Việt thì không cần phải học” và có bỏ công học thêm, học kèm, học trò cũng chỉ học các môn khoa học hay ngọai ngữ. Vừa không đóng một vai trò quan trọng trong cánh cửa tương lai, vừa bị rẻ rúng một cách vô tội vạ trên các phương tiện truyền thông hiện tại, tương lai của “tiếng Việt” ngày càng mờ mịt mà hậu quả nhãn tiền là tình trạng mỗi ngày mỗi xuống cấp[1]. Nếu điều kiện cần của một nền văn học lớn là những độc giả lớn thì sự xuống câp của ngôn ngữ Việt cũng ngụ ý xuống cấp những lớp độc giả Việt, những độc giả chưa từng được xem là… lớn[2].

.

Cơ hồ chúng ta rẻ rúng bất cứ thứ gì đang có trong tầm tay của chúng ta nhưng lại vung vít phần lớn thì giờ và tài nguyên cho những điều bên ngoài tầm với. Chúng ta mơ tưởng các giải thưởng quốc tế nhưng chẳng buồn xây dựng hay gìn giữ thế giá cho những giải thưởng quốc gia. Chỉ có những giải nhếch nhác, với những thể thức nhếch nhác, những người trao kẻ nhận nhếch nhác và những tai tiếng nhếch nhác[3]. Chúng ta thấp thỏm chạy theo những kiệt tác của thế giới trong khi hờ hững với những kiệt tác của chúng ta. Chúng ta ai cũng có thể đáp ngay rằng Truyện Kiều là một kiệt tác nhưng có biết thì, đa số, kể cả nhiều giáo viên tiếng Việt, cũng chỉ biết qua… sách giáo khoa. Có đọc Kiều, đa số chúng ta chỉ đọc những trích đoạn trong sách vở nhà trường hay, có khi, trớ trêu hơn, chỉ đọc để… bói Kiều. Chúng ta, như thế, chính là những sản phẩm của chủ nghĩa thực dân. Chúng ta dễ dàng chê một người Việt không biết đến những cái tên như William Shakespeare là “thiếu học thức” nhưng lại không hề thể hiện khuynh hướng đó với những kẻ có thể xì xồ dăm ba tiếng Tây mà hoàn toàn không biết Nguyễn Du hay Nguyễn Đình Chiểu là ai. Nói theo một nhân vật của Rasul Gamzatovich Gamzatov thì tại sao ông ta bị xem là không có học bởi không thể nói chuyện với một người Anh, trong khi người Anh này vẫn được được xem là “con người học thức” nhưng chỉ có thể nói chuyện bằng tiếng Anh chứ không thể nói tiếng Avar?[4]

.

Tôi phải nói ngay rằng tôi không hề chủ trương cái sự “không cần biết Shakespeare” hay quan niệm rằng những giá trị Tây phương đều mang tính “thực dân”. Chính tiến trình học hỏi Tây phương vào đầu thế kỷ 20 đã hiện đại hoá xã hội Việt Nam và, riêng trên lĩnh vực văn học, đã mang lại những thành tựu rực rỡ như phong trào Thơ Mới hay phong trào viết tiểu thuyết “theo lối mới”. Rõ ràng là chúng ta phải học và học rất nhiều, nhưng vấn đề là cách học. Nếu thế giới hiện tại được xem như một cái “làng toàn cầu” thì chúng ta phải học sao đó để không trở thành những thành viên hạng hai của một cái “làng” như thế.

Là con tin tinh thần của thực dân Trung Hoa, những thế hệ tổ tiên của chúng ta đã khư khư gìn giữ những thứ học được từ thực dân nhưng giỏi lắm cũng chỉ đạt đến thân phận hạng hai trong hệ giá trị “dĩ Hoa vi trung” sặc mùi thực dân ấy. Nếu dòng văn học chữ Hán trong lịch sử của chúng ta được mệnh danh là “văn chương bác học” thì đó cũng chỉ là một thứ “bác học” hạng hai và, thậm chí, một văn tài xuất chúng “Điểm đầu Canh Tý chửa phai son” như Phan Bội Châu vẫn bị Lương Khải Siêu, trong cái nhìn “dĩ Hoa vi trung”, cho là “chưa được nhã thuần”[5]. Nếu, vào đầu thế kỷ 20, ý niệm “Tây phương hoá” có cùng một nghĩa với ý niệm “hiện đại hoá” thì một Nhất Linh chủ soái của Tự lực Văn đoàn đã triệt để “hiện đại hoá” theo điển phạm Tây phương và làm mưa làm gió trên văn đàn chính thống trong những năm giữa hai thập niên 30 – 40 thì sau đó, trong những năm cuối của cuộc đời mình ở đầu thập niên 60, nhà văn này đã ngậm ngùi nhìn lại những phần “chưa được nhã thuần” trong nỗ lực tồn tại với “không gian và thời gian” qua các tác phẩm xây dựng theo điển phạm Tây phương[6].

.

Khi nhìn lại như thế, Nhất Linh đã ngộ ra nhiều điều như tính vớ vẩn của cuộc tranh luận “Vị nghệ thuật hay vị nhân sinh” tưởng là hàn lâm của một thời, sự ấu trĩ của quan niệm “văn dĩ tải đạo” mà mấy chục thế hệ đã lưu truyền và, cho tới tận bây giờ, vẫn còn lưu truyền[7]. Tuy nhiên vẫn có nhiều điểm mà nhà văn của một thời vẫn tỏ ra “chưa được nhã thuần” khi vẫn tiếp tục xem tác phẩm lớn của thế kỷ 19 như Chiến tranh và Hoà bình của Leo Tolstoy như một thứ điển phạm vĩnh cửu. Một Nhất Linh nhà văn, như thế, xét cho cùng, cũng còn là tù nhân của văn hoá thuộc địa như bao nhà văn hay nhà thơ khác khi đông cứng những giá trị mỹ học chính thống đã học được trong thời thuộc địa là những giá trị thẩm mỹ vĩnh cửu: chủ nghĩa hiện thực, dưới cái tên “nghệ thuật tả chân”, là điển phạm vĩnh cữu của văn xuôi còn chủ nghĩa lãng mạn cuối mùa thì lại là điển phạm không thay đổi của thi ca[8]. Nhất Linh dẫn Theo dòng của Thạch Lam để nói về một “tiểu thuyết hay nhất” như là tác phẩm làm “chúng ta yêu, ham muốn yêu, không phải yêu một người nhưng yêu mọi người” nhưng rồi đòi hỏi đó phải là những tác phẩm “dễ có giá trị quốc tế, dịch ra không kém hay”[9]. Nhất Linh, như vậy, có vẻ như đã tự mâu thuẫn với mình và còn mâu thuẫn với cả Thạch Lam mà mình dẫn ý. Với Nhất Linh thì trình độ cao thấp của nền văn hoá một nước không phải “ở chính nhà văn mà các độc giả” còn với Thạch Lam thì “một nhà văn Annam”, trước hết, cần phải “diễn tả ra cái tâm hồn Annam”[10]:

“Chúng ta cứ việc diễn tả ra cái tâm hồn Annam của chúng ta, những tư tưởng, những ý nghĩ mà chúng ta ấp ủ trong thâm tâm. Chúng ta chỉ có thể bằng các nhà văn ngoại quốc khi chúng ta đi sâu vào tâm hồn chúng ta mà thôi.”[11]

.

Đã muốn đi sâu vào tâm hồn của mình mà còn lấn cấn bởi những cái tiêu chí “dễ có giá trị quốc tế, dịch ra không kém hay” thì có thể nào đi đến tận cùng của độ sâu? Mà, cơ hồ, cả Thạch Lam cũng vậy khi, trong suốt những bài viết tập hợp trong Theo dòng, cũng chỉ nêu những điển phạm Tây phương như là… “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”[12]. Khi một nhà văn như Phạm Thị Hoài đi đến tận cùng của sự chanh chua trong tiếng Việt xứ Bắc thì văn của tác giả này trở nên khó dịch, thế nhưng đó không phải là một việc bất khả và, trên thực tế, ở những mức độ nào đó, đã được thừa nhận và hoà nhập vào những nền văn học khác[13].

.

Nếu học hỏi thế giới, với chúng ta, chủ yếu, là học hỏi Tây phương thì cái chúng ta cần phải vượt qua là “mặc cảm Đông phương” trong việc vươn ra thế giới. “Đông phương”, theo Edward Said, chính là sản phẩm thực dân. Nếu ý niệm “Đông phương” được Tây phương tạo nên như một “cái khác” từ tầm nhìn Eurocentric trong suốt chiều dài lịch sử tư tưởng và mỹ học của nó thì cái mà chúng ta cần vượt qua định kiến “khác” do chính những nhà tư tưởng thực dân như thế tạo thành[14]. Nếu lý thuyết về “cái khác” ấy hình thành như sự bất lực của phương Tây trong việc giải đáp những “bí ẩn phương Đông” thì tại sao chúng ta đưa ra cách giải đáp của chính mình mà phải khư họ-phương-Tây- khác / mình-phương-Đông- khác? Khi thế giới đã biến thành một cái làng toàn cầu thì, nếu “khác” với Tây phương, chúng ta không thể “khác” trong nỗ lực thất bại đó mà là khác trong tư thế của chúng ta. Chúng ta vừa phải là chúng ta, vừa phải là một thành viên bình đẳng của cái làng toàn cầu ấy.

.

Để là một thành viên bình đẳng của cái làng ấy thì, trước hết, chúng ta phải là một thành viên tự trọng. Tại sao một người Dagestan bị xem là thất học khi không thể nói tiếng Anh trong khi người Anh không thể nói tiếng Avar vẫn được xem là có học? Để là một thành viên tự trọng thì, trước hết, chúng ta phải tôn trọng sự hiện diện của mình và, do đó, ý thức rõ rệt những nhu cầu của mình để khỏi phải phí thì giờ cho những điều mình không nhất thiết phải cần đến và chưa thể với đến. Tại sao chúng ta không đầu tư vào việc phẩm định những thế giá của chúng ta mà lại nhấp nhổm chạy theo những thế giá hoàn toàn nằm ngoài tầm tay? Tại sao chúng ta phí phạm thì giờ, tài nguyên, và cả những lòng tin cùng khát vọng của cộng đồng với những dự án nửa vời, chẳng bao giờ tới nơi tới chốn?

.

Chẳng hạn như cái dự án “Tiếp thị Nobel” nói trên, như một thí dụ nhỏ, tiện có trong tầm với. Nhập cuộc thì nhanh nhẩu và xôm tụ nhưng cuối cùng thì dự án cũng chỉ là dự án, một sự “tiếp thị” chung chung với mấy lời kêu gọi chung chung, theo mấy công thức và giá trị chung chung, hiển nhiên đến độ không… cãi được. Hết “gạt đi sự đố kỵ hẹp hòi” thì “rút ra được những bài học gì đối với văn học Việt Nam”. Hết “quá trình nhìn lại mình” thì “vượt thoát khỏi những ảo tưởng” rồi “tạo được sự gặp gỡ của cả hai nền văn hoá” v.v… Dự án “tiếp thị” nào cũng phải thực hiện bằng những biện pháp kỹ thuật cụ thể, theo một lộ trình cụ thể chứ không thể là những khái niệm chung chung với một sự “quyết tâm” chung chung. Mà cả cái sự quyết tâm này thì cũng chỉ nửa vời thế thôi khi, từ đó đến nay, sau 10 năm, tác giả vẫn chưa thể hiện thêm nỗ lực nhỏ nhoi nào trong việc “gạt đi”, “nhìn lại”, “vượt thoát” hay “rút ra” trong con đường tiến đến giải Nobel kia cả. Ngay từ đầu đã nửa vời. Sau một thập niên vẫn tiếp tục nửa vời. Mười voi không được bát nước xáo.

.

Không bát nước xáo nhưng có theo đuổi đến cùng thì cũng vậy, giỏi lắm là vài ba giọt không đủ thấm chân răng, bởi tác phẩm mới làm nên nền văn học chứ không phải giải thưởng. Nếu giải thưởng là một biện pháp thế tục nhằm kích thích và nuôi dưỡng tác phẩm thì, với nền văn nghệ chính thống, cái cần được “tiếp thị” hơn cả phải là những giải thưởng quốc gia. Và nếu công việc phê bình là khám phá để khuyến khích và khai phá để hướng dẫn và mở lối thì cái cần hướng đến những giá trị sắp được công nhận chứ không chỉ là nói leo theo những giá trị đã được thừa nhận.

.

Điều đó, cơ hồ, xảy ra trên mọi lĩnh vực chứ không là văn học, điện ảnh hay văn nghệ nói chung. Và không chỉ là những dự án cá nhân theo kiểu ngứa miệng nói chơi mà còn là những dự án tầm cỡ quốc gia, những dự án tưởng là tôn vinh nhưng thực chất là coi rẻ chính mình, xem thường những cảm thức và khát vọng sống của cộng đồng mình. Khi những thế hệ trưởng thành cùng những kẻ cầm giữ trọng trách nhấp nhổm trước các “tiêu chí quốc tế” như thể tuổi mới nhấp nhổm truớc những tiêu chí của thời trang mà không mảy may chú tâm đến xây dựng một “tiêu chí quốc gia”, đất nước sẽ tiếp tục lạc hậu như là một thứ thuộc điạ tinh thần.

.

Trong cái thuộc địa đó chúng ta đã mất bao nhiêu là tài nguyên và thì giờ cho những dự án khẳng định thế giá quốc gia như thể chuyện đua đòi tầm phào, chuyện gái đẹp tiến thân bằng đôi cẳng dài, khẳng định mình bằng hàng hiệu và “đại gia” và, đến lượt, hạng trọc phú giàu xổi mang danh dưng “đại gia” thì khẳng định mình bằng những nhân tình chân dài chất đầy người… hàng hiệu. Chúng ta nghe đến những dự án “hoành tráng” với những trường đại học tiêu chí quốc tế nhưng không hề nghe đến một dự án thiết thực, ở đó đại học Việt Nam có thể đáp ứng những nhu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam. Chúng ta nghe đến những cuộc đua sắc đẹp mang toàn tên “hoàn vũ” nhưng rốt cuộc chỉ đọng lại cái cảm tưởng chán ngấy về một xứ sở ở đó “hoa hậu tiêu chuẩn quốc tế” nhiều hơn nhà vệ sinh đúng tiêu chí… vệ sinh.

.

Những cái nhà vệ sinh này cũng đóng một ý nghĩa quan trọng trên khía cạnh nhân sinh, bởi ngày nào chúng ta còn muốn sống sạch, sống cho ra con người, chúng ta sẽ còn cần đến nó. Nếu người làm nghệ sĩ cần hướng đến những ý nghĩa thẩm mỹ trong các mối quan hệ nhân sinh thì giới làm chính trị cần hướng đến những ý nghĩa nhân sinh trong các cơ chế vận hành xã hội. Như thế thì cái mà đất nước chúng ta rất cần hiện tại chính là những nhà vệ sinh như thế. Cần để những công dân bình thường giải quyết nhu cầu vệ sinh, cho phần cơ thể từ lỗ rốn trở xuống. Càng cần hơn nữa là những nhà vệ sinh vô hình để những kẻ cầm giữ trọng trách trên các lĩnh vực chính trị và văn hoá làm sạch cho phần cơ thể của họ, tính từ lỗ rốn trở lên.

.

Cần hơn là bởi, có làm vệ sinh thật kỹ tim và óc của mình, những kẻ cầm giữ trọng trách ấy mới có thể “ngộ” những nhu cầu khẩn thiết nhất và nhân văn nhất cho cộng đồng của mình. Họ cần ngộ ra rằng, khi so sánh công dân của mình với công dân nước khác, cái cần phải chú ý trước hết là quyền được sống tử tế, quyền được học hành tử tế, quyền chọn lựa một chính quyền tử tế chứ không đơn thuần là quyền được đi trên những con tàu có tốc độ suy diễn là… tử tế. Họ cần ngộ ra rằng cái mà người dân của họ cần là những trường học ra trường học chứ không phải những “đại học đẳng cấp quốc tế” chỉ có trong dự án. Và cần ngộ ra rằng những nhà vệ sinh cho phần dưới cơ thể dành cho hơn 80 triệu dân thì cần thiết và giàu tính nhân văn hơn là các hội hè hoa hậu “quốc tế” hay “hoàn vũ” chỉ dành riêng cho một thiểu số ấm cật và rửng mỡ.

.

Và có ngộ ra như vậy thì họ mới nhận thức được rằng họ, chính họ, cũng chỉ là một thiểu số ấm cật và rửng mỡ, khác chăng là thêm chứng bệnh vĩ cuồng và ỉa bậy, thứ bệnh của bọn người muốn đạt đến sự vĩ đại bằng trò… ỉa bậy.

.

Chính thứ bệnh này đang biến đất nước trở thành một bãi thải ô hợp của những dự án ngông cuồng, y hệt những bãi hoang để bọn nghiện thú ỉa đồng vải cứt. Cái bọn vừa thậm thụt vãi bậy vừa nhắm mắt hít hà, lẩm nhẩm rằng chỉ một chút nũa thôi, chỉ ráng một chút xíu nữa thôi, cả đám sẽ oai vệ và vĩ đại như những bậc quận công…

17.7.2010

© 2010 Nguyễn Hoàng Văn

© 2010 talawas


[1] Chuyện này thì có rất nhiếu thí dụ minh họa, chỉ xin nêu ra thi dụ mới nhất trong Thể thao & Văn hoá 25.6.2010, “Tiếng Việt trên báo chí: khó tìm ‘chuẩn’”

[2] Thí dụ từ thời tiền chiến các nhà văn như Thạch Lam, Vũ Bằng và Nhất Linh từng than thở về nhu cầu của “độc giả xứng tầm” cho văn học. Xem: Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 do Vương Trí Nhàn biên soạn, (2003) , NXB Hội Nhà văn, tr. 320, 397.

[3] Thí dụ nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, được giải thưởng của Hội Nhà văn mà báo chí đề cập đến rất nhiều. Hoặc trường hợp Ly Hoàng Ly từ chối giải thưởng: “Vì sao Ly Hoàng Ly từ chối tặng thưởng của Hội Nhà văn?”. Hay gần nhất là một giải thưởng nhỏ hơn nhưng không kém ồn ào là Giải thưởng Văn học Đồng bằng Sông Cửu Long và bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoài Tường Phong.

[4] Rasul Gamzatovich Gamzatov, Daghestan của tôi, NXB Văn Học tr. 70. Bản dịch của Phan Hồng Giang.

[5] Phan Bội Châu dự khoa thi hương năm Canh Tí (1900) ở trường Nghệ và đậu Giải nguyên, câu “Điểm đầu Canh Tý chửa phai son” là của Tú Xương. Tôi dẫn theo những tài liệu gián tiếp, theo đó thì trong lời tựa cuốn Việt Nam vong quốc sử (1906), Lương Khải Siêu đã nhận xét văn của Phan Bội Châu “chưa được nhã thuần”. Theo vi.wilkipedia thì Việt Nam vong quốc sử in lần đầu tiên chỉ còn một bản duy nhất giữ tại Thư viện trường Viễn đông Bác cổ, nay là Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội ở Hà Nội. Sách này mang ký hiệu A. 2559.

[6] Dẫn theo: Nhất Linh, “Viết và đọc tiểu thuyết”, in trong cuốn Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 do Vương Trí Nhàn biên soạn, (2003) , NXB Hội Nhà văn, tr. 351 -352

[7] Nhất Linh, sách đã dẫn, tr. 349 – 351 và tr. 339. Trong chương “Những điều lầm lỗi”, Nhất Linh nêu ra 7 điểm, liên quan đến điểu trên là hai điểm 6 và 7. 6/ “[…] cho rằng tiểu thuyết gia là một người nghĩ ra cách giải quyết vấn đề”; 7/ …] viết tiểu thuyết để ‘làm luân lý’”.

[8] Vũ Bằng, trong cuốn Khảo về tiểu thuyết, tập hợp những tiểu luận đăng từng kỳ trên Trung Bắc Chủ nhật từ năm 1941 đến 1942 và in thành sách năm 1955, cũng đề cao “nghệ thuật tả chân” và tiểu thuyết “gần đời thiết thực”. Khảo về tiểu thuyết cũng được in lại trong Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945. tr. 163- 321.

[9] Nhất Linh, sách đã dẫn, tr. 345 và tr. 353

[10] Nhất Linh, sách đã dẫn tr. 397

[11] Xem Thạch Lam, “Vài ý kiến về tiểu thuyết”, sách đã dẫn, tr. 83.

[12] Theo dòng được Nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực Văn đoàn xuất bản lần đầu năm 1941, tập hợp từ các bài viết ngắn mà Thạch Lam đăng rải rác trong hai tờ Ngày nayChủ nhật, từ 1939 đến 1940. Có thể tham khảo trong Thạch Lam tuyển tập, NXB Văn Học xuất bản năm 2004, từ trang 407 đến 452.

[13] Về bản dịch các tác phẩm của Phạm Thị Hoài và các giải thưởng xin xem: http://www.vietnamlit.org/wiki/index.php?title=Pham_Thi_Hoai

[14] Edward W. Said (2003), Orientalism, London: Penguin Group. Cuốn này xuất bản lần đầu năm 1978.

.

.

.

No comments: