Tuesday, July 20, 2010

TRONG SUỐT NHƯ KHÍ TRỜI (truyện ngắn)

Trong suốt như khí trời

K.Đ

20/07/2010 12:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=22442

Lúc ấy là buổi chiều. Những cột khói quằn quại tuôn ra từ các ngôi nhà bị pháo kích khiến cho một phần bầu trời của bờ nam tối ám như có cả triệu con mực đang xả nước đen để trốn chạy. Ánh nắng tháng Tư trong vắt là thế bỗng trở nên đục ngầu, sủi bọt…

Chiếc T54 lầm lì qua cầu, nòng pháo của nó chĩa thẳng vào những công sự vừa mới xây vội bằng bao cát. Những thân người suốt mấy ngày qua thiếu ngủ thiếu ăn và hiện đang thiếu đạn bị hất tung lên. Trung đội trưởng cố hết sức gào to trong tiếng đạn nổ: thôi anh em tan hàng, cố mà về với vợ con. Người binh nhì chưa kịp hiểu ra cái lệnh lạ lùng ấy thì một tiếng nổ nhỏ vang lên và vị chỉ huy đã ngã gục xuống bên cạnh. Khẩu súng colt vẫn chưa rời khỏi tay. Anh cúi xuống định nâng ông ta dậy, nhưng một ngọn lưỡi lê cắm phập vào lưng, tiếp theo là một báng súng nện vào đầu. Anh chỉ kịp kêu lên hai tiếng Mẹ ơi! trước khi thấy mình mỏng manh bay lên như khói thuốc!

Con bà sao chưa về? Người cán bộ thôn hỏi với giọng hạch hỏi chứ không phải thăm hỏi. Người đàn bà vội giấu tấm hình ra sau lưng nói, tôi làm sao biết được. Tiếng nói nhỏ nhưng vẫn đủ sức làm cho không khí rung động như những gợn sóng trên mặt ao. Vậy là chạy theo thằng Mỹ rồi. Đã ba năm mà chưa về chắc là nhập bọn với tụi Fulro. Liệu hồn đấy. Cái cách hăm dọa của ông ta làm cho mặt đất bỗng nhiên nghiêng hẳn khiến người thì cao tít trên mái nhà, người thì thấp tận đáy giếng. Ông ta đi rồi mà bà vẫn còn hụt hơi như ngộp thở. Bà áp tấm hình lên ngực và sau làn áo đẫm mồ hôi, hai cái vú khô chợt thức dậy sau hai mươi năm, như có đôi môi bé bỏng chạm vào.

Đợi cho tất cả lặng yên, bà lại lật ngửa tấm hình ra xem. Trong buổi sáng hôm nay bà đã xem đến mười chín lần nhưng vẫn không biết chán. Bởi vì, bà nhớ rất rõ, đây là buổi sáng sinh nhật của đứa con trai bà. Bức hình chụp một anh lính mặt non choẹt cố làm ra vẻ bụi bặm để cho xứng với bộ đồ lính rộng thùng thình và khẩu súng đang cầm trên tay. Đằng sau anh ta là cái cổng quân trường Dục Mỹ. Chỉ có vậy thôi nhưng bà thấy anh ta như đang cười với mình và bà nghe được sau đôi môi khô đang bậm lại như có tiếng gọi mẹ. Có người bảo anh ta đã chết mất xác nhưng bà vẫn không tin. Chết thế nào được! Nó chưa cưới vợ. Với lại nó hứa khi về phép sẽ lại lợp cho tôi mái nhà. Nó đã hứa thì như đinh đóng cột ấy mà.

Anh ta đã chết trước một ngày khi tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các đầu hàng không điều kiện trong dinh Độc Lập. Xác anh ta vì thế trở thành xác vô thừa nhận. Bộ Tư lệnh quân đoàn không còn nên chẳng thể gửi tới cho mẹ anh một giấy báo tử. Xác anh ta được lặng lẽ thu gom cùng với xác chuột chết mèo chết. và cùng với hàng ngàn tấn rác để thành phố sạch đẹp đón mừng chiến thắng. Nắm xương vô định của anh vùi lấp đâu đó ở ngoại ô nhưng hồn mộng của anh vẫn lang thang khắp nơi trong thành phố.

Đây là lần đầu tiên anh được biết Sài Gòn. Thành phố với những con đường dài ngút mắt, những ngôi nhà cao trật ót, những dòng xe ngược xuôi vô tận và những cô gái tỏa mùi hương thầm kín dưới những tấm áo mỏng. Gió từ bến Bạch Đằng lồng lộng thổi vào nâng anh lên như một quả bóng. Từ trên cao nhìn xuống, anh trông thấy những mái nhà cao thấp bập bềnh trong những cơn sóng màu đỏ của cờ và khẩu hiệu. Anh biết là mình đã thua trận. Không buồn, không vui. Anh chỉ lo là mùa mưa tới mà chưa lợp được mái nhà cho mẹ.

Hôm nay là một ngày đặc biệt nên cô gái bên cạnh nhà đem đến cho bà một xâu bánh tro. Những chiếc bánh bé xíu gói bằng nếp và đậu trong một chiếc lá tre. Mùi nước tro hăng hăng, nhưng trong thư anh viết về cho mẹ đã được cô gái đọc giúp, anh nói anh mê cái mùi hăng hăng ấy. Anh còn bảo mùi mồ hôi trên áo mẹ cũng có mùi y như vậy và anh nhớ mẹ xiết bao. Người mẹ kẹp chiếc bánh vừa mới bóc giữa hai ngón tay, định đưa lên miệng nhưng vội bỏ xuống đĩa để lật ống quần ra lau nước mắt. Bà nói, thôi cháu ăn giùm bác. Nó chưa về, bác nuốt sao trôi. Cô gái ngồi nhìn bà khóc cũng muốn khóc theo. Tần ngần một lúc rồi cô lí nhí xin về.

Ngoài ngõ có tiếng lao xao. Hai người đàn ông và một người đàn bà đi vào sân. Một chiếc nón cối, một chiếc nón lá và một mũ tai bèo. Chào bà Hai, một người trong bọn họ lên tiếng. Không dám, bà loay hoay tìm ghế mời họ ngồi. Đứng cũng được, người đội nón cối nói, chúng tôi làm việc nhanh thôi, bà có bốn công ruộng, hai công đất thổ cư mà chỉ có một nhân khẩu nên thừa nhiều lắm. Có hai chứ sao lại một, bà nói. Con trai bà đi lính ngụy đến nay chưa về trình diện là coi như không có hộ khẩu ở đây. Cho dù sau này có về cũng không được nhập. Nhà bà là nông hộ độc lập, hai công đất vườn là đủ, chúng tôi phải lấy ruộng để chia cho người khác. Nhưng đó là ruộng của ông bà để lại chứ đâu phải của tôi. Ruộng đất nào giờ cũng là của nhân dân, bà không biết sao. Xin bà ký vào đây. Tôi không biết ký. Thôi được, để chúng tôi giúp bà. Một người kéo ống bơm xe đạp, một người nắm ngón tay trỏ của bà lăn trên trục bơm nhơn nhớt dầu, một người chìa cuốn sổ. Người đàn bà cầm ngón tay dính đầy chất dơ của bơm xe đạp lắc qua lắc lại trên nền giấy trắng đục. Những đường vân tay lờ mờ hiện ra, khuyết một chút vì hạt nếp của chiếc bánh còn dính lại. Vậy là xong rồi đó, bọn họ lên tiếng, từ nay bà cứ việc yên ổn mà làm ăn.

Bọn họ đi rồi mà bà vẫn chưa hết bàng hoàng. Mình bị ma ám hay sao không biết, bà nghĩ. Sao mình lại chịu lăn, có cái dấu đó thì biết làm sao ăn nói với con. Thế nào nó cũng rầy rà cho mà xem. Nhưng họ chụp lấy tay mình chứ mình có muốn đâu. Phải như có con trai ở nhà thì bọn họ đâu có dám làm như vậy. Nhà không có đàn ông đúng là không có cây cột cái. Chẳng biết ngã sụm xuống lúc nào. Mà sao hòa bình lâu rồi mà nó chưa về. Chẳng lẽ nó bị bắt và đi tù. Nó mới đi có mấy tháng thôi mà. Nó đã làm gì nên tội đâu mà phải trả nợ máu cho nhân dân. Còn đi theo Fulro là theo tụi nào. Tổng thống mà còn bỏ chạy huống hồ là thằng Fulro. Hay là nó có vợ và con vợ giữ rịt không cho về. Con nhỏ chắc đẹp dữ, có thế nó mới chưa chịu về. Cái thằng giống cha bắt ghét. Cũng có thể nó chết rồi. Bà rùng mình ôm mặt khóc. Con chết trước mẹ là mang tội bất hiếu đó con. Mẹ sống làm sao được!

Ngay buổi chiều hôm đó, linh hồn anh đã bỏ lại cái xác nặng nề của mình như con bướm bay ra khỏi cái kén. Còn hơn con bướm vì anh trong suốt như khí trời, ánh sáng và bóng tối đều xuyên suốt qua anh. Xuyên qua hết nên cái nhìn của ba người cán bộ và của mẹ anh cứ thông thốc như gió thổi qua ống bi. Chẳng có vật gì cản dù nhỏ nhất như một sợi lông mày nên chẳng ai biết được là đang có anh. Anh nghe hết, trông thấy hết, nhất là lúc người nữ cán bộ cầm lấy ngón tay mẹ anh lăn qua lăn lại trên giấy. Anh tưởng mình là trang giấy đó và ngón tay mẹ anh như bánh xe hủ lô chà xát trên đường.

Phải đến ba năm sau ngày mất, linh hồn anh mới biết là mình đã về tới nhà. Ba năm ấy anh bị gió, có lúc đưa anh lên tận núi rừng Trường sơn, có lúc quăng anh vật vã trên những ngọn sóng mặn chát ở biển Đông. Linh hồn không mất nhưng cũng không thể tự chủ được. Không phải linh hồn nào cũng tìm được đường về. Có hàng triệu linh hồn bị thổi dạt vào các lũng sâu, các hốc núi, nằm chồng chất lên nhau như lá rụng mùa thu. Tất cả bọn họ mỏng quá, nhẹ quá. Nhẹ và mỏng bằng không nên đã quên mất đường về. Với anh, dường như nỗi ân hận không lợp dược mái nhà cho mẹ sắp đến mùa mưa đã làm cho linh hồn anh mỗi lúc một nặng thêm. Anh đã biết nương theo gió, chui vào các toa xe lửa Bắc Nam vừa mới thông suốt để về với mẹ.

Dù người thân duy nhất còn lại trên đời không biết có anh nhưng hồn anh vẫn cảm thấy rất xúc động. Anh ôm choàng lấy mẹ, nhưng không như lúc còn sống chỉ ôm đôi vai, mà giờ đây anh bao bọc từ đầu đến chân, áp sát vào đôi má đôi môi của mẹ, ngay cả đôi mắt anh cũng ôm sát đến nỗi anh cảm được vị mặn của nước mắt. Giờ đây trước mặt sau lưng, bên phải bên trái mẹ đều có anh. Anh thức ngủ, đi đúng nằm ngồi cùng một lúc với mẹ. Chết mà được như thế này, anh không mong gì hơn. Chỉ có điều hồn anh được an ủi nhưng mẹ anh thì héo hắt buồn.

A, chào cháu, mẹ anh nói. Dạ chào bác, cô gái nói, nhà có bát canh ngon, mẹ cháu sai cháu đem mời bác. Vậy à, canh thơm quá, cho bác gửi lời cảm ơn mẹ cháu. Bác buồn quá không sang bên ấy chơi được, thật là tệ! Mẹ cháu nói có ông thầy ở thôn đông hay lắm, không biết bác có muốn xem bói không, mẹ cháu sẽ mời giúp bác. Mẹ anh lắc đầu làm cái khăn len rơi xuống để lộ một cái sọ nhỏ, như một quả dừa xiêm nham nhám những sợi tóc vừa mới mọc. Vậy là mẹ anh đã cạo đầu, không biết có quy y hay là để cho mát. Dù sao thì anh vẫn thấy nhớ cái mùi bồ kết còn ủ trong tóc mẹ mỗi khi anh sà vào lòng bà. Bói toán mà chi, bác chẳng tin đâu, con trai mà, hết chiến tranh thì đi giang hồ một bận chứ về sớm làm gì. Nói là vậy nhưng bà vẫn rơm rớm nước mắt.

Cô gái kín đáo thở dài nhìn ra ngõ. Ba năm trước cô mười lăm và đã có lần anh nắm lấy tay cô nhưng cô run quá rụt tay lại. Chỉ có vậy thôi mà sao mỗi lần nhớ tới cô cảm thấy như nghẹn ở ngực. Gần như ngày nào cô cũng rẽ hàng rào qua nhà anh và cô tưởng chừng lần thứ một trăm lẻ mấy này thế nào cũng gặp anh. Cô không biết sẽ phản ứng như thế nào? Bỏ chạy về nhà hay đứng như trời trồng rồi ngã xuống trong tay anh? Có lẽ nào anh đi giang hồ vặt mà lâu đến như vậy. Hay là anh đã xuống tàu di tản. Dù gì thì cũng cho mẹ anh ở nhà biết chứ. Người gì đâu mà lạ, đã đi là đi biệt để người ta trông chờ muốn chết.

Rõ ràng là anh đang rời mẹ ôm lấy cô. Anh ôm sát đến nỗi anh cảm thấy làn da mỏng và ấm của bầu ngực non tơ làm cho không khí như nóng lên. Mười bảy tuổi cầm súng và bị ném ra chiến trường, anh chưa kịp theo bạn bè để biết được giữa hai chân và trên đầu gối của người nữ là bí mật gì mà đêm đêm vẫn không thôi tơ tưởng. Giờ đây anh có thể vòng qua sau ót để hôn trộm cái gáy trắng của cô, có thể luồn xuống áp môi áp má lên ngực cô và ai cấm cản được anh lần mò tìm ra cung cấm. Nhưng để mà chi khi anh gần như bằng không, khi anh đã tan ra tưởng như hòa cùng hơi thở thịt da của cô nhưng chưa một lần khiến cô nhận biết là có anh đang ở bên cô. Lúc này, anh còn tệ hơn một cái cây!

Xin phép bác, cháu về. Cô gái vừa nói vừa đứng dậy. Ừ, cảm ơn cháu, mẹ anh nói. Những câu nói của người sống giờ lao xao như tiếng của lá rụng. Những âm thanh mỏng, khô rất gần với sự mục rã. Mẹ anh cố ăn hết bát canh thay cơm. Bà ăn vì không thể từ chối lòng tốt của người hàng xóm. Và ăn cũng là để cho con bé vui chứ bà chẳng thiết gì đến ăn uống. Con bé chóng lớn quá, mới ngày nào bà còn bồng giúp cho mẹ cô đi cấy, giờ đã cao hơn cả bà. Nó càng lớn càng xinh và bà biết rõ vì sao nó cứ chạy sang nhà bà. Biết nhưng bà coi như không, sợ hé ra con bé mắc cỡ. Trời ơi, thằng nhỏ nhà mình mà về, nhất định là chạy qua nhà con nhỏ đến cả chục bận cho mà xem. Trai đó, gái đó chỉ cách nhau một hàng dâm bụt, ai mà cấm cản được. Mà việc gì phải cấm cản, chỉ việc đem trầu rượu sang là xong ngay.

Ăn xong bà tự đi rửa bát, phơi trên thềm giếng để trả cho cô bé. Lưng bà chưa còng nhưng đôi tay đã hơi run khi cố kéo gàu nước lên khỏi giếng. Trời nắng gắt. Ánh nắng giữa ngọ chiếu qua người bà để lại trên thềm giếng một cái bóng đen như hắc ín. Mặt trời cũng chiếu qua anh nhưng chẳng để lại một chút gì. Mẹ anh khoác nước xoa đầu, rửa mặt rồi chậm rãi đi vào nhà. Bà nằm lên võng, khẽ đưa. Nắng rải lên người bà những đốm sáng đến nhức mắt. Bà thiu thiu muốn ngủ.

Chưa bao giờ trong giấc mơ bà gặp được anh trở về mặc dù hễ chợp mắt là bà nằm mơ. Bà mơ thấy những hạt lúa to như những con heo con ủn ỉn chạy vào nhà, mơ thấy những trái mướp dài như một con trăn, mơ thấy đi ra đi vào trong nhà lợp ngói. Nhưng ác mộng thì lúc nào bà cũng thấy anh. Có một lần bà thấy mình đang gánh con tất tả theo đoàn người chạy giặc. Anh hãy còn là đứa bé lên ba, được bà đặt ngồi trong một cái thúng, lúc đầu thích chí cười nắc nẻ nhưng sau đó thì khóc ngằn ngặt. Đoàn người chạy mãi suốt cả tháng không dừng lại. Nhiều người chết bốc mùi hôi mà vẫn cứ chạy. Những đứa bé khát sữa cắn nát cả vú mẹ rồi bú luôn cả máu. Con bà không đủ hơi sức gào khóc chỉ kêu ri rí như dế gáy: con đói mẹ ơi! Tiếng kêu mỏng và bén hơn dao cứa đứt bà từng khúc ruột khiến nó lòng thòng trên đường. Bà thấy người ta giẫm lên ruột mình, rồi ngay cả chính bà cũng đạp nát ruột mình. Đó là giấc mơ hãi hùng nhất, không phải vì ruột bị xéo giày mà vì tiếng kêu đói đứt ruột của con bà. Tiếng kêu kinh hoàng còn hơn cả tiếng bom rơi đạn nổ. Vì vậy lúc nào ăn cơm với con bà cũng ép anh ăn thật nhiều. Bà lại để sẵn khi củ khoai khi trái chuối bên bàn học. Trong chạn bao giờ cũng hãy còn một chén cơm, khi đói anh cứ việc ăn mà không cần phải gọi mẹ. Ngày anh đi lính bà lo nhất là anh ăn không đủ no. Giờ đây, tuy anh chưa về nhưng bữa cơm nào bà cũng nấu thêm phần cơm cho anh. Bà lại bày thêm chén bát và đôi lúc nói ăn đi con, ăn thử món này coi, mẹ mới làm ngon lắm. Cô gái bên kia lại ngóng tai nghe tưởng là anh đã về.

Bên ngoài trời đang chuyển mưa. Những tầng mây thấp ở lưng chừng núi vụt căng phồng lên ôm kín cả bầu trời. Gió đẩy những đám mây sũng nước đen kịt sà xuống mái nhà. Có tiếng sấm rền. Bà vội dậy đóng cửa và tìm thau chậu để hứng nước mưa. Anh bị gió ép sát vào trong góc nhà, đu đưa giống như mạng nhện. Rồi sét đánh ầm tưởng chừng xé mặt đất ra làm hai. Mưa bắt đầu nặng hạt và một lúc sau chìm ngập cả đất trời. Thau chậu tràn đầy nước. Mái nhà mục nát không còn đủ sức chống đỡ những giọt mưa có sức tàn phá như đạn. Mẹ anh lạnh run ngồi thu lu trên một chiếc ghế gỗ mà nước mưa cứ nhảy chồm chồm muốn lôi bà ngã xuống. Từ đôi môi run rẩy của bà bật ra tiếng kêu: con ơi, con ở đâu sao không về giúp mẹ!

Làm sao anh cất tiếng dạ được, làm sao anh chở che được mẹ. Phải chi anh có thể trải hồn mình ra che chắn những chỗ dột cho mẹ. Anh ân hận là lúc sống đã không ngó ngàng gì đến nhà cửa. Một đôi lần anh còn khó chịu với căn nhà của mẹ. Anh nói, xô quách xuống cho rồi, cất cái khác. Nhưng mẹ anh bảo tiền đâu, lo ăn còn chưa nổi huống hồ là cất nhà. Anh lại bảo, nghèo, nghèo mãi, sao không làm giàu như người ta. Được rồi mai mốt con sẽ cất cho mẹ một cái nhà ngói, chừng đó trời mưa thì mẹ cứ nằm mà ca vọng cổ. Mẹ anh hơi mỉa mai, tao cũng mong được như vậy. Nhìn mẹ ngồi co ro anh thấy thương quá nhưng chẳng biết làm sao. Anh cảm thấy một linh hồn chưa chết thật vô vị. Thà hòa tan trong nước mưa, thấm vào lòng đất rồi theo ngọn rau, hạt lúa mà nuôi mẹ trong lúc tuổi già, còn hơn là lơ lửng giữa đất trời.

Một luồng gió mạnh bỗng xô bật cửa. Một ánh chớp lóe lên sáng rực cả nhà. Người mẹ bất ngờ trông rõ hình dáng đứa con trai: nó vẫn mặc áo lính, khuôn mặt đầm đìa cả nước mưa và nước mắt.

Lại một tiếng sét, ngôi nhà đổ sụm và linh hồn bé nhỏ của anh bị nước cuốn đi. Lần này là mãi mãi.

22/5/2010

© 2010 K.Đ

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: