Saturday, October 18, 2008

UBND HÀ NỘI MUỐN CHUYỂN TGM NGÔ QUANG KIỆT RA KHỎI ĐỊA PHẬN

UBND Hà Nội đề nghị thuyên chuyền Đức Tổng Giám Mục
Trà Mi, phóng viên RFA
2008-10-17
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Hanoi-authorities-to-remove-archbishop-ngo-quang-kiet-10172008173532.html

Trong một diễn tiến chưa bao giờ xảy ra, hôm 15/10, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mời họp và thông báo với đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam rằng sẽ đề nghị thuyên chuyển Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Giáo phận Hà Nội.

UBND Hà Nội gặp đại diện ngoại giao các nước

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban, giải thích việc này nhằm thể theo tâm nguyện chung của người dân, giáo dân thủ đô.
Trà Mi hỏi thăm một số giáo dân-giáo sỹ trong nước để ghi nhận cảm nghĩ và phản ứng của họ về việc này:
Ủy ban nhân dân Hà Nội tổ chức buổi gặp gỡ để thông tin và giải đáp với đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam về căng thẳng đất đai giữa chính quyền với Giáo hội Công giáo, một động thái chưa từng thấy khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên.
Báo Hà Nội Mới trích lời ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban, phát biểu tại cuộc họp này khẳng định “nguyên nhân của các vụ việc là do một số giáo sỹ đứng đầu là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng hoạt động tôn giáo” “cố tình vi phạm pháp luật”.

Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Hanoi-authorities-to-remove-archbishop-ngo-quang-kiet-10172008173532.html/80921DCKiet200.jpg


Anh Hoàng, một giáo dân tại Hà Nội không kèm được bức xúc trước lời lên án này:
“Cái cội rễ của vấn đề là những cán bộ làm việc sai lệch, làm lòng tin người dân vào chính quyền bị mất hoàn toàn. Người ta cũng chỉ muốn nói lên tiếng nói, nỗi phẫn uất, không hài lòng của dân về cách xử sự của chính quyền cũng như những chính sách về đất đai không hợp tình hợp lý. Tất cả những gì chính quyền Việt Nam nói ra bây giờ thì những người hiểu biết, hiểu bản chất vấn đề, sẽ không tin nữa.
Vì sao giáo dân lại làm như vậy? Vì đất đai của người ta mà ông đến chiếm dụng bất hợp pháp. Đến khi người ta đòi hỏi quyền của người ta, ông không giải quýêt một cách thấu đáo mà ông lại dùng công cụ bạo lực về quân sự, về chính quyền để đàn áp người ta, thì có hợp lý hay không? Báo đài nói người Công giáo vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến an ninh.
Vậy thử hỏi xem mấy nghìn cảnh sát, an ninh, cơ động đến đây, rồi kêu gọi cả đám nghiện hút đến đấy đập phá tường rào nhà thờ, doạ giết cha Kiệt, cha Khải. Vậy không phải là mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia là gì? Cho quân đội đến xịt hơi cay trong khi người ta đang cầu nguyện ôn hoà, đấy không phải vi phạm pháp luật à?”

Một người Công Giáo khác tên Huy từ Thái Bình góp lời:
“Theo em, việc làm của các Cha và Đức Tổng là hoàn toàn đúng. Nguyên nhân chính là do cách quản lý và giải quyết vấn đề về đất đai, về pháp luật chưa thật sự chặt chẽ và thuyết phục để giải quyết vấn đề triệt để, và nó cũng không phù hợp với luật pháp về đất đai so với trên thế giới.”

Một vị linh mục cao niên ở miền Bắc tỏ ra bất bình về lời buộc tội của chính quyền đối với người chủ chăn Giáo phận Hà Nội:
“Cái đó là các vị ấy nói vậy thôi chứ còn Đức Tổng cũng nêu lên những bức bách nhằm xây dựng hợp với mục tiêu của nhà nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng. Công bằng tất nhiên ai cũng phải hiểu là quyền sở hữu phải được tôn trọng mà phải trao lại cho chúng tôi sau 40 năm chứ?”

Nỗi bất bình của những người được hỏi chuyện dâng cao khi nhắc đến lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo với đại diện ngoại giao các nước rằng “theo tâm nguyện chung của người dân, giáo dân thủ đô”, Hà Nội “sẽ đề nghị thuyên chuyển” Đức Tổng Kiệt “ra khỏi Giáo phận Hà Nội”.

Thuyên chuyển chức sắc trong Giáo hội không do quyết định của nhà nước

Giáo dân ở Hà Nội lên tiếng:
“Ông ấy nói thuyên chuyển Đức Tổng đi chỗ khác là thể theo nguyện vọng và mong ước của người dân.
Câu đó thật là buồn cười. Ông ấy nói mà chả suy nghĩ gì cả. Bảo Việt Nam là một nước dân chủ, văn minh, tiến bộ, cán bộ là công bộc của nhân dân, một đất nước do dân, vì dân, vậy ông có dám hỏi giáo dân bình thường xem họ có đồng ý không khi chính quyền Hà Nội đề nghị thuyên chuyển Đức Tổng? Em đảm bảo người ta không dám hỏi đâu.
Chúng em cảm thấy Đức Tổng thật là có phúc vì Ngài sống và chíên đấu cho sự thật. Chính quyền thật sự đang rất lo vì họ đã hiểu thế nào là một Đức Tổng Giám mục.”

Chị Hồng, giáo dân tại Thái Hà, quả quyết việc làm của chính quyền Hà Nội là phản ánh quan điểm của nhà nước chứ không thể hiện đúng nguyện vọng của đại đa số người dân:
“Em không nghĩ là như vậy. Chắc chắn mọi người đã biết đâu đúng, đâu sai, đâu là sự thật. Theo em và những người công giáo xung quanh em thì lời nói đó là không đúng. Bởi vì mọi người đều biết sự thật không như báo đài đăng tải.
Bọn em được nghe, và đựơc đọc những lời phát biểu của Đức Tổng, và em nghĩ là chẳng có lý do gì mà lại phải như thế. Việc nhân sự trong giáo hội thì nhà nước không có quyền can thiệp ở đây.”

Giáo dân ở Thái Bình đồng tình:
“Việc đấy hoàn toàn không thể. Bất kỳ giáo dân nào cũng luôn ủng hộ những gì Đức Tổng và các linh mục đã làm. Việc bảo là “theo ý nguyện chung của giáo dân Hà Nội thì thật sự em cảm thấy không thoả đáng cho lắm.”

Vị linh mục ở ngay Giáo phận miền Bắc phản đối ý định của chính quyền Hà Nội:
“Tôi nghĩ cái đó không thuộc thẩm quyền xã hội bởi vì Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có bản quan điểm nói rằng Đức Tổng làm đúng chức năng của một giám mục dám nói lên sự thật.
Hai nữa, trước pháp luật nhà nước Ngài cũng không vi phạm gì mà đơn phương các vị nói là không đủ tư cách, phải rời khỏi Hà Nội nọ kia, thì đấy là đơn phương các vị thôi chứ thật sự quan điểm của Ngài rất rõ ràng, trong sáng.”

Một linh mục từ Giáo phận Huế khẳng định:
“Cái đó thuộc về Đức Thánh Cha và Toà thánh chứ làm gì có chuyện đó được, từ xưa đến giờ đã có chuyện đó đâu. Đức Tổng là chủ chăn do Đức Thánh Cha đặt, quyền của Chúa ban. Và dù Ngài có ở đâu đi nữa, cho đến chết, thì Ngài cũng vẫn là Tổng Giám mục của giáo phận Hà Nội. Ngài có đủ tư cách và thẩm quyền để thi hành chức vụ của một vị Tổng Giám mục.”

Linh mục ở Hà Nội:
“Theo tôi nghĩ chắc việc này không thể xảy ra đựơc. Chúng tôi đang hy vọng đối thoại với từng các cấp để nhận ra một điểm là các vị Ủy ban hơi nóng vội, hơi độc quyền để lên án và chỉ định một cách không đúng.”

Dẫu việc bổ nhiệm hay thuyên chuyển chức sắc trong Giáo hội không thuộc quyền quyết định của nhà nước, nhưng với tình hình ở Việt Nam và dựa vào những gì đang diễn ra trong thực tế, nhiều người e rằng:
“Ở một đất nước mà chính quyền như hiện nay, chỉ có một đảng, thì em nghĩ rằng họ muốn làm gì cũng được, nhưng đằng sau nó còn âm ỉ nhiều thứ lắm: mong ước nguyện vọng của người dân, của giáo dân. Nếu như việc này xảy ra nó có thể đánh động đến cả Giáo hội hoàn vũ, hoặc sẽ để lại trong lòng người dân nhiều “biến chuyển”.

Tâm nguyện của chính các tín hữu Công Giáo như thế nào? Họ có thể làm gì để nguyện vọng của mình được lắng nghe?
“Nguyện vọng duy nhất của người Công giáo vẫn là bền bỉ cầu nguyện. Đối với nhà nước thì mong họ có cái nhìn sáng suốt hơn thì người dân sẽ đỡ hơn, sống hạnh phúc hơn, chứ bây giờ thật ra chính quyền chính xác là bố, là mẹ của nhân dân rồi, chứ không phải là công bộc của nhân dân nữa.”
“Bây giờ chúng em cũng không biết làm sao, chỉ cầu mong cho sự thật, công bằng được hiện diện ở trên đất nước Việt Nam này thôi ạ”.
“Trong lúc này để vấn đề chuyển biến tốt đẹp hơn thì quả rất khó. Cùng hoà đồng với giáo dân, em sẽ cầu nguyện, mong rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp.”

Quý vị vửa nghe tâm tình chia sẻ của một số giáo dân-giáo sĩ mà chúng tôi ghi nhận được. Chúng tôi cũng mong đựơc lắng nghe quan điểm của bạn nghe đài khắp nơi qua địa chỉ email
vietweb@rfa.org hoặc qua hộp thư thoại 001 202 530 7775.



CT Nguyễn Thế Thảo tiếp tục bêu xấu và muốn tìm hết cách để loại trừ TGM Ngô Quang Kiệt khỏi Hà Nội! VietCatholic News (Thứ Năm 16/10/2008 18:16)

VietCatholic News: Sau đây là bản tin của TTXVN, được Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng ngày hôm nay. Ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, trước áp lực của dư luận quốc tế đã phải mời các đại diện ngoại giao đoàn đến gặp hầu "thanh minh thanh nga về hành động chiếm đất do Nhà cầm quyền Hà nội chủ trương". Hành động này đã bị các báo chí ngoại quốc lên tiếng chỉ trích và họ gay gắt phê bình cách thức nhà cầm quyền Hà nội chiếm đất khu Tòa Khâm Sứ và đất Thái hà. Những lời giải độc của ông Chủ tịch Thảo chắc chắn là trò cười cho các vị Đại Sứ vì họ ở ngay tại Hà nội lẽ nào không biết nội bộ những việc đã từng xẩy ra!... Tuy nhiên việc hết sức khôi hài, khi ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói: "Các đại diện ngoại giao tại TP Hà Nội cảm ơn Chủ tịch UBND TP đã dành thời gian tiếp và đánh giá cao những thông tin và chủ trương của TP trong việc giải quyết vụ việc nêu trên". Nói là "đánh giá cao" nhưng không trích dẫn hay trưng ra được bất cứ lời đánh giá cao như thế nào của bất cứ vị đại sứ nào!... Thế nên cũng chỉ là một trò nói dối đánh lừa dư luận người Việt Nam. Giả như nếu có vị đại sứ nào khen Việt nam một phát-- chắc chắn là đã chạy hàng tít lớn... Đàng này câm như hến! Để đánh giá được những lời nói của ông Chủ tịch Thảo có đúng tới đâu, cốt ý đánh lừa dư luận ra sao, chúng tôi không ngại để đăng nguyên văn bản tin của TTXVN như sau:

Báo Sài Gòn Giải Phóng -Thứ năm, 16/10/2008, 02:44 (GMT+7) - Ngày 15-10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có buổi tiếp và làm việc với các Đại sứ, Phó Đại sứ và Trưởng đại diện các Đoàn ngoại giao tại thành phố Hà Nội để thông báo kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại về nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo tại khu vực 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng và những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân liên quan đến khu vực này; chủ trương, biện pháp giải quyết của thành phố Hà Nội. Cùng dự buổi làm việc có đại diện Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Các đại diện ngoại giao tại TP Hà Nội cảm ơn Chủ tịch UBND TP đã dành thời gian tiếp và đánh giá cao những thông tin và chủ trương của TP trong việc giải quyết vụ việc nêu trên.

Để làm rõ thêm những thông tin liên quan đến chủ trương, biện pháp của TP Hà Nội trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại về nhà, đất tại khu vực 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng và những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân liên quan đến khu vực này, Chủ tịch UBND TP khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng của công dân. Mọi công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và mọi tôn giáo đều phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Thực hiện nhất quán chủ trương này, trong suốt những năm qua, Chính quyền nhân dân TP Hà Nội luôn tạo điều kiện hoạt động của các tôn giáo, trong đó có công giáo, như cấp đất, cấp phép xây dựng nhiều công trình của công giáo. Đặc biệt trong các dịp lễ trọng, Noel hàng năm ở các nhà thờ, xứ đạo, họ đạo luôn được địa phương quan tâm, bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện cho các giáo dân hành lễ.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng khẳng định những thành quả 20 năm đổi mới của đất nước Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng là công sức đóng góp của nhân dân, trong đó có đóng góp của các giáo sĩ, giáo dân. Các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đoàn kết giữa đồng bào công giáo và các tầng lớp nhân dân khác được củng cố; quan hệ giữa chính quyền và giáo hội ngày càng phát triển với chiều hướng tốt đẹp, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước bình yên.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra tại 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng và cho biết: Các cấp chính quyền, các lực lượng từ cấp phường đến quận và TP đã kiên trì gặp gỡ, tiếp xúc, động viên, thuyết phục các chức sắc, bà con giáo dân để họ tự giác chấp hành pháp luật; liên tục tổ chức các đoàn công tác đến Tòa Tổng giám mục và Nhà thờ Thái Hà để gặp gỡ, trao đổi. Đồng thời TP cũng rất quan tâm giải quyết nhu cầu chính đáng của giáo hội, giáo sĩ, giáo dân bằng việc giới thiệu 3 địa điểm có vị trí thuận lợi, khuôn viên đủ rộng, thích hợp với hoạt động của giáo hội... để Tòa Tổng giám mục lựa chọn, thực hiện các quy trình đầu tư xây dựng công trình phục vụ mục đích tôn giáo. Tuy nhiên, Tòa Tổng giám mục Hà Nội không quan tâm, nhất mực đòi đất chứ không xin đất của Nhà nước, từ chối thiện chí, sự quan tâm của chính quyền.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Nguyên nhân chính của các vụ việc trên là do một số giáo sĩ mà đứng đầu là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của một số giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật; đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và của giáo hội; làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính quyền TP với Tòa Tổng giám mục cũng như Nhà thờ Thái Hà, ảnh hưởng đến hình ảnh của công giáo trong lòng nhân dân Thủ đô và cả nước. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc xử lý theo pháp luật, buộc chính quyền TP phải quyết định cảnh cáo đối với ông Ngô Quang Kiệt và một số giáo sĩ Nhà thờ Thái Hà; cơ quan công an khởi tố vụ án phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng, tới đây sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh theo pháp luật.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giải thích thêm về việc TP đã có cơ chế đặc thù nhưng vẫn bảo đảm những quy định của pháp luật trong việc quy hoạch, xây dựng hai công viên cây xanh tại khu đất 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng trong thời gian nhanh nhất để kịp chào mừng kỷ niệm 54 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2008).

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết thêm, hiện nay TP vẫn đang tiếp tục rà soát lại những khu đất xen kẹt trong TP mà sử dụng không có hiệu quả để đưa vào kế hoạch xây dựng những công trình công cộng như nhà trẻ, trường học, công viên, vườn hoa... Chủ tịch cũng đưa ra minh chứng, trong thời gian vừa qua, TP đã xây dựng vườn hoa trước Nhà hát Lớn thay thế cho một dự án trước đó.

Liên quan đến việc TP kiến nghị không để ông Ngô Quang Kiệt giữ chức vụ Tổng giám mục địa phận Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói rõ, đó là do uy tín, tín nhiệm của cá nhân ông Kiệt đối với nhân dân Thủ đô, thậm chí đối với cả giáo dân đã không còn nữa. Ông Kiệt đã thiếu tôn trọng và hợp tác với Chính quyền để tìm giải pháp thích hợp, có những lời lẽ thách thức Nhà nước, có những phát ngôn xúc phạm đối với đất nước, dân tộc, coi thường vị thế của đất nước và tư cách công dân Việt Nam.


Chuẩn bị cho kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo mong muốn có sự quan tâm, giúp đỡ của các vị Đại sứ, Phó Đại sứ, các vị Trưởng đại diện đoàn ngoại giao tại TP Hà Nội để góp phần vào việc tổ chức thành công Đại lễ này của nhân dân và chính quyền Thủ đô.(Nguồn: TTXVN và Báo SGGP, ngày 16.10.2008) Báo SGGP




No comments: