Saturday, October 18, 2008

CHÍNH SÁCH CHẠY RONG

Chính sách chạy rong
Đỗ Thái Nhiên

Đăng ngày 17/10/2008 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3189

Ngủ rong là nay ngủ nhà này, mai ngủ nhà khác. Hát rong còn gọi là hát dạo. Sáng hát ở đầu đường, chiều hát trong xó chợ, kiếm tiền sống độ nhật. Hàng rong là kiểu bán hàng di động liên miên. Di động để tìm đến khách hàng, di động vì bị công an hè phố xua đuổi. Nói chung ngủ rong, hát rong, bán rong cùng với các loại sống rong khác là phương pháp mưu sinh bồng bềnh của giới quần chúng cùng khổ. Thế nhưng trên địa bàn chính trị, thời gian gần đây, tại sao chế độ Hà Nội lại phải thực thi một loại chính sách mới, gọi là chính sách chạy rong? Ý nghĩa của chính sách này là gì? Câu trả lời nằm ở hai trường hợp chạy rong điển hình sau đây:

Trường hợp một

Cuối năm 2007, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tháng 01 và tháng 04 năm 2008, Điếu Cày lại cùng với sinh viên dự định thực hiện các cuộc biểu tình chống cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh ngang qua thành phố Saigon. Ngày 21/04/2008 Điếu Cày bị công an Saigon bắt giam. Ngày 10/09/2008, toà án CSVN đã xử phạt Điếu Cày 2 năm 6 tháng tù về tội trốn thuế. Công luân đều thừa biết Điếu Cày rơi vào vòng lao lý chỉ vì người ký giả hào hùng này đã mạnh mẽ chống Trung Quốc xâm lược. Thế nhưng, chế độ Hà Nội, tay sai của Trung Quốc, lại loan tin là Điếu Cày bị phạt giam vì lý do đương sự trốn thuế.

Giữa tháng 08/2008, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đã phổ biến lời nhận định đối với trường hợp bị gọi là trốn thuế của Điếu Cày như sau: “Điếu Cày bị cáo buộc trốn đóng thuế đối với một bất động sản mà ông cho thuê trong mười năm. Tuy nhiên, trong thực tế, công ty thuê mướn bất động sản của Điếu Cày từng thỏa thuận và cam kết với Điếu Cày là họ sẽ nộp tất cả các khoản thuế có liên hệ đến bất động sản. Luật pháp Việt Nam nhìn nhân tính chất hợp pháp của loại hợp đồng vừa kể”

Nếu trốn thuế, tại sao mười năm qua Điếu Cày không hề bị sở thuế hạch hỏi? Tại sao phải đợi cho đến ngày Điếu Cày chống Trung Quốc, CSVN mới đặt vấn đề thuế má đối với Điếu Cày? Không còn nghi ngờ gì nữa, Điếu Cày không hề trốn thuế. Trốn thuế chẳng qua chỉ là một tai hoạ do CS gài vào đời sống của Điếu Cày nhằm khủng bố Điếu Cày với chủ ý buộc người ký giả kiên cường này phải từ bỏ hẳn tư tưởng chống Tàu. Như vậy xuất phát từ ý muốn trừng phạt Điếu Cày về thái độ bất đồng chính kiến với Hà Nội, CSVN đã ôm hồ sơ Điếu Cày di chuyển từ vụ chống “mẫu quốc” Trung Hoa qua vụ trốn thuế do CSVN ngụy tạo. Đây rõ ràng là một trường hợp chạy rong trên địa bàn dùng luật pháp làm công cụ để khủng bố người dân.

Trường hợp hai

Từ lâu rồi, cuộc thảo luận giữa Toà Tổng Giám Mục Hà Nội và chế độ CSVN về chủ đề đất đai cho tôn giáo là một thảo luận không có kết luận. Sau phiên họp ngày 20/09/2008 giữa Toà Tổng Giám Mục Hà Nội và UBNDTP Hà Nội cuộc thảo luân kia thực sự làm cho dư luận trong và ngoài Việt Nam chú ý. Sau đây là các chủ đề gây sự chú ý:

Chủ đề thứ nhất: Vai trò của “Vấn đề tiên quyết” trong phương pháp thảo luận.

Muốn giải quyết êm thấm một vấn đề phức tạp, các bên tham dự cuộc thảo luận cần phải chia vấn đề phức tạp kia thành những đề mục nhỏ,. Sau đó thảo luận từng đề mục nhỏ theo một trật tự ưu tiên hợp lý mà các bên hội thảo đồng thuận. Hãy nghĩ về một vụ kiện chủ nhà đứng nguyên đơn để khởi tố xin trục xuất người thuê nhà. Đề mục ưu tiên số một của vụ kiện này là nguyên đơn phải chứng minh đương sự đích thực là sỡ hữu chủ của ngôi nhà. Tương tự như vậy, trước khi trả lời câu hỏi ai là người được được phép sử dụng lô đất Toà Khâm Sứ, nhà cầm quyền CSVN và toà Tổng Giám Mục Hà Nội không thể không xét tới các loại giấy tờ có liên hệ tới lô đất gây tranh cãi. Nói rõ hơn, vấn đề tiên quyết trong vụ lô đất 42 Phố Nhà Chung là lời giải đáp cho câu hỏi: Đất số 42 là đất thuộc diện cải tạo tư sản hay cải tạo nông nghiệp? Đó là lý do giải thích tại sao trước UBNDTP Hà Nội ngày 20/09/2008, TGM Ngô Quang Kiệt đã đặt vấn đề: “Thế thì trên mảnh đất 42 chúng tôi chưa được cái văn bản nào của nhà nước nói về cái sự thay đổi đó. Không có đi vào cái diện cải tạo tư sản, không có đi vào cái diện cải tạo nông nghiệp, cũng không có cái văn bản nói lên sự tịch thu hay là trưng thu trao cho cơ quan nào…hoàn toàn không có”.

Thay vì đáp ứng yêu cầu của TGM Ngô Quang Kiệt bằng cách viện dẫn các giấy tờ cần thiết liên hệ đến đất số 42, ngày 01/10/2008 Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam theo kiểu ông nói gà, bà cố tình nói vịt: “Trong khi pháp luật đang có hiệu lực thi hành, mọi người đều phải chấp hành. Mọi nhu cầu về nhà đất đều được xem xét, gỉai quyết cấp đất, giao đất theo pháp luật hiện hành”.

TGM Ngô Quang Kiệt không hề từ chối chấp hành pháp luật. TGM Ngô Quang Kiệt chỉ đặt vấn đề tiên quyết là : Đâu là giấy tờ xác định điểm khởi hành để Toà TGM Hà Nội chấp hành pháp luật đối với lô đất 42.

Qua cuộc đối thoại giữa Toà TGM Hà Nội và chế độ Hà Nội , công luận thấy rất rõ: thay vì thảo luận nghiêm chỉnh và đúng trọng tâm, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chạy rong từ căn bản pháp lý của đất số 42 qua các vấn đề pháp luật chung chung. Cuộc chạy rong này nhằm khỏa lấp tội phạm cưởng chiếm đất đai của người dân một cách vô căn cứ

Chủ đề thứ hai: Thảo luận và đánh, rối thảo luận.

Có lẽ nhận biết kiểu chạy rong của ông Nguyễn Tấn Dũng không có tính thuyết phục, những “ủng hộ viên” của Nguyễn Tấn Dũng đã đẩy cuộc thảo luận về đất 42 theo một hướng khác. Hướng khác đó là: hãy thảo luận trên giả sử nếu trả đất 42 cho Công Giáo Hà Nội thì sự trao trả kia có hợp lý hay không?

Đầu tháng 10/2008,trong bài viết mang tựa đề
“Tại anh hay tại ả” đăng trên báo Diễn Đàn, Nguyễn Ngọc Giao nêu ý kiến: “Có thể nghĩ rằng sớm muộn, chính quyền Việt Nam sẽ phải sửa đổi hiến pháp để thừa nhận quyền sở hữu nhà đất của tư nhân. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử, điều đó không có nghĩa là trở lại quyền sở hữu “trước đây”…Luận điểm của TGM Ngô Quang Kiệt (đất 42 Nhà Chung là sở hữu có giấy tờ làm bằng của Giáo Hội từ trăm năm nay rồi) không vững vàng chút nào khi ta biết rằng trước khi Giám Mục Puginier giành được đất này, nó là sở hữu của chùa Bảo Thiên. Nếu phải trả lại thì trả lại cho ai?».

Mặt khác, theo BBC ngày 23/09/2008 khi đề cập tới vụ toà Khâm Sứ, ông John V Hanford đặc trách về các vấn đề tôn giáo của chính phủ Hoa Kỳ nhận định rằng: “Một trong những vấn đề là tài sản được sang tay nhiều lần.Trong trường hợp miếng đất được nhiều người biết đến ở Việt nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật Giáo sau nhờ người Pháp mới trở thành của người Công Giáo nên rất phức tạp”

Y kiền của Nguyễn Ngọc Giao và của John V. Hanford đã dẫn đến các suy nghĩ sau đây:

1) Nếu chấp nhân đất 42 trước kia là của Chùa Bảo Thiên thì vụ tranh cãi về đất 42 phải tách ra làm hai vụ tranh tụng riêng biệt. Một là CSVN lấy đất 42 từ tay Công Giáo Hà Nội thì hãy trả lại cho Công Giáo Hà Nội. Hai là sau khi đất 42 trở về với Công Giáo Hà Nôi, Chùa Bảo Thiên sẽ kiện Công Giáo Hà Nội để đòi lại đất 42. Trên địa bàn luật dân sự và dân sự tố tụng, tranh tụng về bất động sản là ngành tranh tụng đòi hỏi các thẩm phán xử án phải có hiểu biết cao cấp và chuyên môn về luật dân sự. Một vài lời bàn lơ mơ trong các loại bình luận trên báo chí không thể đưa đến giải pháp êm đẹp cho đất 42.

2) Trong hiện trạng hồ sơ của đất 42 chỉ có chế đô Hà Nội thảo luận với Công Giáo Hà Nội, không nên kéo theo quá khứ xa xăm có tên gọi là Bảo Thiên. Kéo theo kiểu vừa kể sẽ sản sinh ra chuổi hệ lụy rằng trước Toà khâm Sứ là Bảo Thiên. Trước Bảo Thiên là chủ A, trước chủ A là chủ B, Chủ C. Cứ như thế mà kéo dài, cuối con đường kéo dài kia là một thừa kế của dân tộc Chiêm Thành. Vị này sẽ dõng dạc tuyên bố: Xin quí vị Việt Nam hãy trả đất Chiêm Thành lại cho người Chiêm Thành. Dĩ nhiên nếu không tìm ra người có đủ tư cách pháp lý là thừa kế Chiêm Thành thì Đảng CSVN sẽ vội vàng hát lại bài hát cũ: Đất đai là của toàn dân. Đảng quản lý. Trong thực tế đảng quản lý có nghĩa là đảng lấy đất đai của toàn dân làm của riêng, đảng toàn quyền mua bán, chia chác đất đai của toàn dân.

Lý luận trình bày trong phần “suy nghĩ hai” là lý luận đánh rối vụ kiện, lý luận tránh né phân xử vụ kiện. Lý luận chạy rong trên địa bàn luật lệ về đất đai.

Bài viết này đã trình bày những nét căn bản nhất các vụ chạy rong do chế độ Hà Nội chủ động: Chạy rong từ vụ chống Tàu qua vụ trốn thuế. Chạy rong từ nền tảng pháp lý của đất 42 qua những luật lệ lơ mơ về đất đai. Chạy rong từ Toà Khâm Sứ qua chùa Bảo Thiên… Nhìn chế độ Hà Nội vất vả với chính sách chạy rong người dân không thể không nghĩ tới hoạt cảnh chạy rong diễn ra trong các chợ Bến Thành, Đồng Xuân. Ở các chợ kia bao giờ cũng có một số trẻ em sinh sống bằng khả năng ăn cắp vặt. Mỗi lần ăn cắp được một món tài sản của khách đi chợ các trẻ em này chuyền tay cho nhau «chiến lợi phẩm» mà chúng bắt được với tốc độ càng nhanh càng tốt. Hành động như vậy đám trẻ em ăn cắp vặt đã buộc chiến lợi phẩm của chúng phải chạy rong từ tay người này qua tay kẻ khác. Chiến thuật chạy rong kia khiến cho khổ chủ không cách chi tìm lại được tài sản của mình đã bị mất cắp.

Trước khi có được tự do dân chủ, trước khi có được nhân quyền, quần chúng Việt Nam chỉ thỉnh cầu nhà Nước CSVN một điều. Điều đó là: xin quí vị lãnh đạo Hà Nội hãy tức thời tháo bỏ chính sách chạy rong ra khỏi guồng máy cai trị của quí vị. Có như vậy, người dân mới có thể nhận biết được một cách rõ rệt sự khác biệt giữa hai hoạt cảnh: một bên là đảng CSVN đang điều hành việc nước, bên kia là đám trẻ em chợ Bến Thành-Chợ Đồng Xuân đang ngày đêm bận rộn với những vụ đánh cắp theo chiến thuật chạy rong.


Đỗ Thái Nhiên

No comments: