Wednesday, October 29, 2008

MÔ HÌNH CÔNG NGHIỆP NÀO CHO VIỆT NAM ?

Mô hình công nghiệp nào cho Việt Nam?
Thứ Hai, 27/10/2008, 12:01 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/11286/
(TBKSTG Online) - Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã tổ chức giao lưu trực tuyến với GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda – Nhật Bản), hiện đang nghiên cứu tại Đại học Harvard – Hoa Kỳ, chung quanh chủ đề nêu trên.

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:

Lê Trương: Nhật Bản là một nước có nền công nghiệp phát triển mạnh. Xin hỏi GS, trong quá trình phát triển công nghiệp, nước Nhật đã chấp nhận trả giá về môi trường như thế nào? Và Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Nhật Bản?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Từ trước chiến tranh thế giới lần thứ hai đến giữa thập niên 1960, một số công ty hóa chất của Nhật Bản làm ô nhiễm nguồn nước gây ra một số bệnh tật cho dân cư ở vùng có nhà máy. Nhưng khi phát hiện được vấn đề, Nhật giải quyết rất triệt để. Những công ty gây ô nhiễm phải bồi thường cho nạn nhân số tiền khởi đầu rất lớn và chịu các phí tổn chữa trị.
Tiếng nói của cư dân vùng bị ô nhiễm và giới ngôn luận rất mạnh, kể cả việc kiện tụng nhà nước trung ương và địa phương về trách nhiệm này. Những công ty lỡ gây ô nhiễm vừa chịu tiền bồi thường nặng nề vừa bị xã hội lên án nên sau đó không tiếp tục phát triển được nữa. Đó là sự cảnh cáo mạnh mẽ đối với các công ty khác.
Đối với những sự kiện lớn như bệnh Minamata (do Công ty hóa chất Chisso gây ra và được phát hiện năm 1956 tại thành phố Minamata ở Kyushu), Nhật lập trung tâm tư liệu để lưu trữ thông tin và kết quả nghiên cứu về sự kiện, xuất bản sách để quảng bá tác hại của ô nhiễm môi trường, có cả những sách viết dễ hiểu cho trẻ em nhằm nâng cao ý thức gìn giữ môi trường từ khi còn nhỏ. Các tiêu chuẩn về môi trường được đặt ra nghiêm khắc hơn. Bộ Môi trường ra đời năm 1971 trực tiếp quản lý, giám sát vấn đề này và hỗ trợ các nghiên cứu, các hoạt động gìn giữ môi trường.
Nhờ các nỗ lực đó, từ giữa thập niên 1970 không thấy xảy ra các sự kiện nghiêm trọng về môi trường.
Cũng từ thập niên 1970, Nhật dồn nỗ lực nghiên cứu công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng, chế ngự tác hại của sản xuất đến môi trường và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao theo hướng sản xuất những ngành có hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng nguyên liệu thấp và ít tác động đến môi trường. Hiện nay Nhật là nước hàng đầu dùng ít năng lượng trên một đơn vị GDP và là nước mạnh về công nghệ liên quan môi trường.
Kinh nghiệm Nhật khác với Việt Nam và các nước đang phát triển ngày nay ở chỗ trong trường hợp ở Nhật, các công ty sản xuất, các công trường nhà máy là do người Nhật đầu tư, vận hành. Phần lớn những vụ gây tác hại môi trường đều do sự thiếu kinh nghiệm ban đầu chứ không phải do cố ý của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các dự án đầu tư lớn thường là của các công ty có vốn nước ngoài (FDI) và vụ Vedan cho thấy việc phá hoại môi trường do chính công ty FDI cố ý gây ra. Thông thường những công ty đa quốc gia có uy tín trên thế giới thường quan tâm gìn giữ uy tín, thanh danh nên không có hành động như Vedan. Các công ty có uy tín trên thế giới cũng thường đã tích lũy kinh nghiệm và có khả năng về công nghệ chế ngự tác hại đến môi trường.
Việc thẩm định và giám sát các dự án đầu tư phải rất nghiêm và có biện pháp chế tài thích ứng.

Le Trung Binh: Việt Nam chấp nhận làm gia công cho các công ty đa quốc gia có tốt không? Tất nhiên không nên dừng lại ở gia công dệt may, giày dép... mà có thể gia công cho Intel chẳng hạn? Nếu chấp nhận "thân phận" gia công sẽ có lợi gì, hại gì, chiến lược ra sao? Các nhà máy của Nhật Bản trước đây có xuất phát điểm làm gia công cho nước ngoài không?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Cũng là nước đi sau trong quá trình công nghiệp hóa nhưng kinh nghiệm Nhật khác với Hàn Quốc, Đài Loan và các nước đi sau ngày nay. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển của Nhật, hoạt động của các công ty đa quốc gia (MNC) còn hạn chế. Từ thập niên 1960, nhất là từ những năm 1970, MNC nhiều hơn và phạm vi hoạt động lớn hơn nhưng lúc đó Nhật đã mạnh, đã xuất hiện nhiều doanh nhân có tinh thần doanh nghiệp, có khả năng quản lý và có một lực lượng lao động với chất lượng cao nên họ đã sản xuất từ thượng nguồn đến hạ nguồn các ngành công nghiệp. Nhật chỉ mua công nghệ của Âu Mỹ và tự mình cải tiến, áp dụng trong sản xuất. Tóm lại Nhật không có kinh nghiệm gia công cho nước ngoài.
Việt Nam ngày nay có thể bắt đầu bằng gia công để tạo ngay nhiều công ăn việc làm nhưng phải nhanh chóng tiến lên các công đoạn cao hơn. Trong cuốn sách của tôi xuất bản gần đây Biến động kinh tế Đông Á và Con đường công nghiệp hóa Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia xuất bản cuối năm 2005, NXB Trẻ tái bản năm 2006), tôi có đưa ra chiến lược đuổi theo các nước đi trước bằng nỗ lực chuyển từ OEM (original equipment manufacturing) lên ODM (own design manufacturing), rồi cuối cùng tiến lên OBM (own brand manufacturing). Nghĩa là từ phụ thuộc hoàn toàn vào thiết kế (design) và nhãn hiệu (brand) của nước ngoài, tiến lên giai đoạn tự mình thiết kế sản phẩm rồi cuối cùng tự mình xác lập thương hiệu. Đài Loan và Hàn Quốc đã thành công trong chiến lược này.
Nhưng để thành công phải ngày càng xuất hiện các doanh nhân có tinh thần doanh nghiệp và một nguồn nhân lực chất lượng cao. Tệ nạn tham nhũng sẽ làm hạn chế sự xuất hiện của các doanh nhân có tố chất cần thiết cho công nghiệp hóa, và nền giáo dục hiện nay phải đổi mới nhanh mới cung cấp được nguồn nhân lực cần thiết. Sự kiện Intel cần 2.000 kỹ sư nhưng chỉ mới chọn được khoảng 40 người cho thấy tình trạng đáng quan ngại hiện nay.

Trần Văn Vân: Nếu chúng ta chỉ tập trung công nghiệp hóa ở các khu vực gần các đô thị lớn thì làm sao giảm chênh lệch giàu nghèo ở các vùng khác? Làm sao ngăn được dòng dịch chuyển dân cư đi vào các khu công nghiệp?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Thông thường để tăng hiệu quả phát triển, nhiều người chủ trương nên chọn lựa các ngành, các vùng có tiềm năng lớn nhất và tập trung đầu tư hạ tầng, áp dụng các chính sách ưu tiên cho các vùng, các ngành đã chọn. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình kinh tế xã hội hiện nay và theo các mục tiêu toàn dụng lao động và giảm chênh lệch giàu nghèo, tôi cho rằng ta phải có chiến lược vừa tập trung vừa phân tán.
Thứ nhất, hiện nay có hai vùng trọng điểm phát triển (growth poles) xoay quanh TPHCM và Hà Nội, sức lan tỏa sang các tỉnh phụ cận ngày càng lớn. Tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và kêu gọi đầu tư tư nhân vào hai vùng này sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển và làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế cả nước. Tuy nhiên, từ nay với các mục tiêu phát triển đã đề cập đòi hỏi phải quan tâm thoả đáng đến các vùng khác, nghĩa là không thể không phân tán đầu tư. Để giải quyết mâu thuẫn vừa tập trung vừa phân tán này, cần có chính sách tạo sự phân công giữa khu vực công và khu vực tư. Tại hai vùng trọng điểm phát triển, độ rủi ro kinh doanh thấp, hiệu quả ngoại ứng khu vực (externalities) cao, phí tổn thông tin, lưu thông... thấp, thì nhà nước chủ yếu chú trọng cải thiện về cơ chế để giảm phí tổn hành chính cho doanh nghiệp và với tiền đề đó có thể giảm các ưu đãi về thuế. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng kinh tế cũng có thể kêu gọi tư nhân tham gia một phần. Từ đó nhà nước có thể dùng ngân sách đầu tư cho các vùng khác.
Thứ hai, cần tránh phân tán đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng có cùng một chức năng và ở gần nhau về vị trí địa lý. Hiện nay hầu như tỉnh nào cũng có (hoặc dự định có) sân bay, bến cảng, khu công nghiệp,... Phải đẩy mạnh phân công giữa các địa phương và theo phương châm tập trung đầu tư đối với các cơ sở hạ tầng này.
Ngoài ra phải tiến hành công nghiệp hóa nông thôn. Về vấn đề công nghiệp hóa và phát triển nông thôn, trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa ngày nay, nếu xây dựng tốt cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm, có thể tiến hành đồng thời công nghiệp hóa và phát triển nông nghiệp vì sẽ có nhiều tác nhân (agent) xuất hiện đưa vốn và công nghệ từ các vùng đô thị trong nước hoặc từ nước ngoài tới, và đưa hàng công nghiệp nông thôn đến các thị trường trong nước và nước ngoài.
Về cơ sở hạ tầng phần cứng, cần ưu tiên đầu tư nâng cấp quốc lộ số 1, nâng cấp các thị trấn, thị tứ ven biển và đặc biệt tăng cường xây dựng hệ thống giao thông nối các huyện, xã trong các tỉnh với quốc lộ số 1. Chiến lược ở đây là kết hợp công nghiệp hóa nông thôn với việc phát triển các đô thị lân cận. Song song với nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng, cần quan tâm xây dựng cở sở hạ tầng phần mềm tại các thị trấn, thị tứ ven biển.
Cụ thể, cần xây dựng các trung tâm thông tin kinh tế tại các thị trấn. Các trung tâm này sẽ thu thập, lưu trữ, phổ biến thông tin về sản phẩm, về hoạt động của doanh nghiệp địa phương, đồng thời cũng là nơi lưu trữ, phổ biến thông tin về thị trường trong nước và thế giới liên quan đến vốn, công nghệ, hàng hóa mà doanh nghiệp và chính quyền địa phương quan tâm. Ngoài ra, các trung tâm tư vấn kinh tế cũng rất cần được phát triển để làm đầu mối cho những tác nhân đem thông tin, công nghệ và tri thức quản lý kinh doanh từ các thành phố lớn trong nước và nước ngoài.
Mặt khác, các công ty tư vấn về kế toán, thuế vụ, v.v. (hoặc chi nhánh của các công ty đó) cũng phải được hình thành tại các trị trấn, thị tứ địa phương để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài các cơ sở xí nghiệp quốc doanh và tập thể đã có, nên đặc biệt khuyến khích tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực tận dụng lao động hoặc nguyên liệu và các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp địa phương. Khi các cơ cở hậu cần phần cứng và phần mềm được thiết lập và các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp được ban hành thì các tác nhân trong nước và thế giới sẽ đến kết hợp các cơ hội ở nông thôn với thị truờng thế giới, kể cả hình thái đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tóm lại, để xây dựng chiến lược công nghiệp hóa nông thôn cần có một cách tiếp cận mới. Hai yếu tố thông tin và tổ chức cần được nhấn mạnh. Có hai yếu tố này sẽ giải quyết được các vấn đề vốn, công nghệ và thị trường cho công nghiệp hóa nông thôn. Thấy được sự quan trọng của hai yếu tố thông tin và tổ chức mới đề ra được chiến lược thích hợp. Thế giới đang lo ngại về sự an toàn của thực phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Điều này cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển nhanh về công nghiệp chế biến thực phẩm, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa nông thôn. Nên ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lãnh vực này để áp dụng công nghệ kiểm tra an toàn thực phẩm, cao cấp hóa chất lượng sản phẩm và tăng năng lực tiếp thị ở thị trường nước ngoài.
Với chiến lược vừa tập trung vừa phân tán nói trên, Việt Nam có thể giảm chênh lệch giữa các vùng, ít nhất là nâng cao được mức sống của dân cư ở nông thôn và những thành phố nhỏ, và giảm áp lực quá tập trung dân cư vào các đô thị lớn.

Phúc Nguyên – Nha Trang: Nói gì thì nói, phát triển công nghiệp vẫn phụ thuộc vào tài chính. Vậy theo GS, làm sao tập trung vào nền kinh tế thật trong khi chúng ta đang thiếu vốn?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Dưới trào lưu toàn cầu hóa, tư bản và công nghệ trên thế giới rất phong phú. Nhưng trong khi công nghệ và tư bản di động trên quy mô toàn cầu thì nguồn nhân lực có khuynh hướng bám trụ tại nơi mình ở (dù so với trước đây lao động cũng di động ra thế giới nhiều hơn). Do đó nước nào cung cấp được nguồn nhân lực dồi dào, ổn định, và chất lượng cao sẽ hội tụ được tư bản và công nghệ, và như thế, quá trình công nghiệp hóa cũng như sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp được thực hiện dễ dàng.
Hiện nay có khủng hoảng tài chính trên thế giới. Việc nhập khẩu vốn sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng vốn Việt Nam cần thì rất nhỏ so với dòng vốn của thế giới nên ảnh hưởng ít và trên căn bản nếu môi trường đầu tư tốt thì vốn nước ngoài sẽ lại vào. Đặc biệt vốn đầu tư trực tiếp (FDI) không ảnh hưởng mấy. Vốn đầu tư gián tiếp sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhưng ở giai đoạn hiện nay của Việt Nam không nên du nhập nhiều vốn gián tiếp.
Mặt khác, cần hoàn thiện hệ thống ngân hàng để huy động thêm vốn trong dân. Cần làm cho ngân hàng là nơi tin cậy, gần gũi với dân chúng.

Trần Đoàn – Hà Nội: Hiện nay người ta ít nói đến lợi thế so sánh mà chú ý nhiều hơn đến các khái niệm “chuỗi cung ứng toàn cầu”, “lợi thế về quy mô”… Vậy Việt Nam, thay vì tập trung phát huy lợi thế so sánh, theo GS, nên nhìn nhận mình đang đứng ở vị trí nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu như thế? Làm sao đạt được lợi thế về quy mô (economies of scale) khi thị trường còn nhỏ bé hay vốn đầu tư thấp?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Không phải là hiện nay người ta không nói về lợi thế so sánh, chỉ khác trước là yếu tố để có lợi thế so sánh ngày càng đa dạng, phức tạp, không phải đơn thuần là cơ cấu lao động, tư bản như suy nghĩ trước đây. Paul Krugman, nhà kinh tế đọat giải Nobel năm nay, chú ý đến tính hiệu quả của quy mô sản xuất (economies of scale) khi giải thích hình thái mậu dịch giữa các nước. Càng sản xuất với số lượng nhiều đối với một mặt hàng, phí tổn cho một đơn vị sản xuất càng thấp. Nhưng sản xuất phải bán được, nghĩa là phải có thị trường, do đó chất lượng của hàng sản xuất phải đạt tiêu chuẩn. Đối với những hàng công nghiệp mà tính hiệu quả của quy mô sản xuất cao thì nước nào “nhanh chân” sản xuất trước với phẩm chất đạt tiêu chuẩn sẽ có lợi thế so sánh trên thương trường quốc tế.
Hiện nay, các loại máy móc như xe hơi, máy tính, camera, đồ điện gia dụng (máy điều hòa, máy giặt, TV, tủ lạnh,…), máy in, máy xây dựng, máy công cụ, v.v... chiếm tỉ trọng lớn trong mậu dịch thế giới. Ngoại thương tại các nước Đông Á cũng ngày càng nghiêng về các loại sản phẩm này. Các loại máy móc có hai đặc tính cơ bản là tính hiệu quả của quy mô kinh tế cao, và nhu cầu thế giới ngày càng cao vì người ta có khuynh hướng mua các mặt hàng này khi thu nhập của họ càng cao.
Rất tiếc Việt Nam bỏ mất thời cơ trong thập niên 1990, liên quan đến việc tập trung sản xuất các mặt hàng này. Hiện nay các mặt hàng này chỉ chiếm độ 10% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam trong khi các nước Đông Á trung bình khoảng 50%.
Chuỗi cung ứng toàn cầu phần lớn liên quan đến việc sản xuất và cung cấp các loại máy móc và các linh kiện, bộ phận để lắp ráp các sản phẩm đó. Tôi đã viết nhiều trên
TBKTSG về vấn đề này và đã tổng hợp trong cuốn sách đã nói ở trên. Nói chung Việt Nam còn ở công đoạn thấp hoặc đang ở bên ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu này. Cần một chính sách công nghiệp để khuyến khích đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, khuyến khích liên kết giữa FDI với các xí nghiệp nhỏ và vừa, cải cách hành chánh ở bến cảng, ở các khu công nghiệp để giảm chi phí nối kết dịch vụ mới mong tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tính hiệu quả của quy mô không giới hạn trong sản xuất mà còn trong phân phối, chuyên chở nữa. Việt Nam cần chú ý điểm này khi xây dựng bến cảng, sân bay. Ở miền Trung có quá nhiều bến cảng, sân bay ở đâu cũng nhắm đến việc xây dựng cảng nước sâu và sân bay quốc tế. Ngoài điều kiện về ngân sách, về kỹ thuật không cho phép xây dựng nhiều cảng nước sâu, nhiều sân bay quốc tế thật sự, giá thành chuyên chở của một tấn hàng hóa đến các địa điểm tiêu thụ hoặc những trung tâm tái xuất khẩu sẽ rất cao vì lượng hàng hóa còn rất ít.

Trần Thị Nga: Công nghiệp hóa chắc chắn sẽ dẫn đến những vấn nạn môi trường mà vụ Vedan là một điển hình gần đây nhất. Theo GS, làm sao để phát triển công nghiệp nhưng hạn chế thiệt hại đến môi trường nói riêng và nguồn tài nguyên nói chung?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Việc bảo vệ môi truờng phải được đưa lên hàng đầu, ưu tiên hơn cả công nghiệp hóa. Các dự án phát triển công nghiệp, nhất là những dự án dễ phát sinh ô nhiễm không khí và nguồn nước phải được các công ty tư vấn độc lập chuyên nghiệp thẩm định, các cơ quan quản lý cân nhắc, tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, và đưa ra các điều kiện ràng buộc xí nghiệp (có hệ thống xử lý nước thải, dùng công nghệ mới, chế ngự hoặc giảm thiểu ảnh hưởng đến môi truờng,…) trước khi cấp giấy phép. Ngoài ra, cần cải thiện cơ chế giám sát, quản lý của nhà nước và có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm những vi phạm của xí nghiệp và sự tắc trách của cơ quan quản lý. Thông tin về các vấn đề này phải được công khai. Báo chí và các cơ quan truyền thông phải được tự do tìm hiểu, phân tích và đăng tải, thông tin về môi trường. Kinh nghiệm của Nhật đã nói ở trên rất đáng tham khảo.
Đương nhiên khi đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên ưu tiên hàng đầu, việc tiến hành công nghiệp hóa sẽ chậm lại và phí tổn sản xuất cao hơn nhưng như vậy chất lượng phát triển sẽ tốt hơn. Mặt khác, chi phí cho bảo vệ môi truờng có thể bù trừ bằng việc giảm chí phí hành chính, giảm chi phí nối kết dịch vụ (giữa các địa điểm sản xuất, giữa địa điểm sản xuất đến bến cảng, chi phí về thời gian cho dịch vụ ở bến cảng, v.v...).
Không nên tiếp tục khai thác tài nguyên để xuất khẩu, nhất là việc khai thác tài nguyên ảnh hưởng đến môi truờng. Lịch sử thế giới cho thấy các nước phát triển phần lớn là những nước nghèo tài nguyên. Trí tuệ của lãnh đạo, tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân và trình độ học vấn của người dân, của lao động quyết định sự thành công của công nghiệp hóa.
Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, v.v. là những nước nghèo tài nguyên, đã biết dùng nguyên liệu, tài nguyên của thế giới để sản xuất ngày càng nhiều mặt hàng công nghiệp cao cấp cạnh tranh với thế giới. Việt Nam đã khai thác than xuất khẩu sang Trung Quốc, bây giờ định khai thác bauxite cũng để xuất khẩu sang Trung Quốc là chuyện rất khó hiểu.

Nguyen Van Vinh: Hiện nay công nghiệp chế biến rau quả của Việt Nam còn quá khiêm tốn. Với đặc điểm của đất nước nhiệt đới, Việt Nam có nhiều lợi thế trong ngành công nghiệp này. Vậy theo giáo sư Việt Nam cần làm gì để phát triển ngành này? Ở góc độ doanh nghiệp cần những yếu tố chủ chốt nào để phát triển trong giai đoạn hiện nay và tương lai?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Không riêng gì công nghiệp chế biến rau quả, công nghiệp thực phẩm nói chung của Việt Nam rất có nhiều tiềm năng. Thị trường thế giới cũng rất lớn. Thị trường tại các nước có thu nhập cao ngày càng đòi hỏi thực phẩm có chất lượng cao và tốt cho sức khỏe. Việt Nam có nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản dồi dào, phong phú. Vấn đề là làm sao để đáp ứng được thị trường thế giới.
Theo tôi phải có vốn lớn, sản xuất lớn mới tận dụng hiệu quả về quy mô sản xuất, dùng được công nghệ tiên tiến để bảo đảm chất lượng sản phẩm và có năng lực khám phá và tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp trong nước phải hợp tác và kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài để có vốn lớn, có công nghệ cao và có ngay năng lực tiếp thị.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11 giờ 30. Tòa soạn xin chân thành cảm ơn bạn đọc, GS. Trần Văn Thọ đã tham gia giao lưu trực tuyến.
Xin hẹn được giao lưu với bạn đọc vào buổi giao lưu trực tuyến lần sau, trong một chủ đề thú vị khác.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

No comments: