Friday, October 31, 2008

NGHĨ VỀ NGUYỄN CHÍ THIỆN

Nguyễn Chí Thiện (I)
Trần Phong Vũ
04-10-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5539

Nghĩ về Nguyễn Chí Thiện

Vài điều thưa trước – Tối Thứ Năm 25/09/2008, Phan Nhật Nam có nhã ý dành cho tôi một cuộc phỏng vấn trên đài SBTN về biến cố tòa Khâm sứ Hà Nội và Thái Hà. Trước khi kết thúc, anh nêu một câu hỏi ngoài lề:
“Anh nghĩ gì về chuyện ‘Nguyễn Chí Thiện (NCT) thật – NCT giả’ vừa được khơi lại gần đây giữa lúc đang có những vấn đề nóng bỏng tại quốc nội? Nó có liên hệ gì tới điều dư luận cho là người ta muốn đánh lạc hướng sự quan tâm của bà con tị nạn ngoài này không?”
Sau khi trả lời vắn tắt, tôi đã công khai nói với anh cũng như quý khán thính giả đài SBTN là nếu có thì giờ tôi sẽ lên tiếng.
Và đây là tiếng nói của tôi, một người làm truyền thông, văn hóa tự do.

Trước hết, cần nói ngay để tránh ngộ nhận: những gì tôi viết trong bài này không phải để bênh vực hay biện hộ cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Giản dị: vì tự thân con người, nhân cách, lối sống của anh cho thấy anh không cần ai bênh vực hay biện hộ.

Cách đây ít lâu, khi đọc được đây đó những lời lẽ gay gắt nhắm vào anh (vẫn không ngoài chuyện NCT thật - NCT giả, NCT chống cộng – NCT tay sai CS), tôi dọ ý xem anh có tính lên tiếng không thì nhận được câu trả lời: “Dứt khoát tôi sẽ không bao giờ lên tiếng, vì những ai tin tôi thì họ đã tin rồi. Còn những người không tin, hoặc cố tình không tin, thì dù có cải chính cách mấy cũng vô ích”.

Hiểu rõ tâm tính anh, từ đấy tôi không thắc mắc nữa.

Bài này cũng không phải để tranh luận hay phản bác quan điểm của những người chống đối, bôi bác Nguyễn Chí Thiện. Có thể không chia sẻ nhưng tôi tôn trọng ý kiến của mọi người theo cách riêng của tôi. Vì thế, trong bài viết ngắn này tôi chỉ giới hạn vào mục tiêu duy nhất là trình bày những gì tôi biết về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Tôi không có ý thuyết phục bất cứ ai phải nghĩ về nhà thơ này giống tôi, và càng không có dụng tâm trả lời hay tranh luận với những vị có những quan điểm, nhận thức khác tôi.

Những điều tôi biết

Tôi được gặp và quen biết Nguyễn Chí Thiện (NCT) vào những năm đầu thiên niên thứ ba, thời gian linh mục Nguyễn Văn Lý tái phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền nhân phẩm Việt Nam. Đây cũng là thời gian tôi cùng một số anh em bắt đầu thực hiện nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân để tiếp tay cho những nỗ lực của những người hoạt động dân chủ ở quốc nội, nhất là những nỗ lực của nhóm giáo sĩ Công giáo theo tinh thần cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, trong đó, LM Lý được coi là cánh chim đầu đàn.

Cái biết và sự đồng cảm của tôi về nhà thơ NCT dựa trên hai nguồn chính:

1. Những nhân chứng mà tôi may mắn được gặp: (a) những người quen biết anh từ thời thơ ấu và (b) những nhân vật đã sống, đã trải nghiệm cùng với anh về những khổ đau nghiệt ngã và từng thông chia với anh những vần thơ uất nghẹn được nghiền ngẫm và ghi lại trong ký ức qua những tháng năm dài trong ngục tù cộng sản. Tất cả những vị này hiện còn sống và đang có mặt ở hải ngoại hoặc ở trong nước.2. Những cảm nghiệm cùng những nhận định riêng của cá nhân tôi về con người và nhân cách NCT.

Danh tính, quê hương, gốc gác NCT

Cách đây không lâu, trong một buổi giới thiệu thi phẩm Hoa Địa Ngục (do Cành Nam miền đông Hoa Kỳ của ông Nguyễn Ngọc Bích và bà Trương Anh Thụy xuất bản) ở phòng sinh hoạt đài Little Sàigòn Radio ở quận Cam, ông Nguyễn Thanh Hùng, một giọng ngâm thơ nổi tiếng trong nhiều chương trình thi văn trên đài phát thanh quốc gia trước tháng 4, 1975, được mời lên diễn đàn. Trước khi gửi tới cử tọa giọng ngâm điêu luyện, đa dạng và truyền cảm của anh, Nguyễn Thanh Hùng khua cây gậy chống (1)trước mặt tướng Nguyễn Bảo Trị và nhà thơ NCT trên hàng ghế đầu vừa cười vừa nhắc lại những kỷ niệm thời niên thiếu của anh với ông cựu tướng trong những năm sống ở Hà Nội trước 1954. Riêng với tác giả Hoa Địa Ngục, anh chỉ vào nhà thơ và lớn tiếng nói với mọi người: còn ông thi sĩ này tôi biết ông từ thời ông còn là một cậu bé ở làng Thượng Thọ, đồng hương của tôi, anh ruột ông là cựu trung tá QLVNCH Nguyễn Công Giân hiện cư ngụ trên DC, ấy thế mà cho đến nay vẫn có người còn nghi ngờ ông là NCT giả!

Tôi tin lời chứng của Nguyễn Thanh Hùng vì tôi quen biết anh từ hồi còn ở trong nước và hiểu rất rõ về nhân cách của anh. Ngoài thái độ tôn trọng sự thật, không có lý do nào buộc anh phải lên tiếng về trường hợp NCT.

Thời gian NCT bị cầm tù

Những nhân vật giúp tôi biết về tác giả Hoa Địa Ngục trong những năm dài bị cộng sản cầm tù qua nhiều chặng thời gian và nơi chốn khác nhau gồm có các ông Nguyễn Ký (NK), hai linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Viết C. (2), ông Kiều Duy Vĩnh (KDV) và nhà văn Vũ Thư Hiên (trong số những vị này, hai ông NK, KDV và nhà văn Vũ Thư Hiên (VTH) thuộc nhóm bạn tù thân tín được NCT đọc thơ cho nghe. Riêng nhà văn VTH, thay vì kể lại những gì ông trao đổi trực tiếp trong những lần gặp gỡ ở Mỹ hoặc ở Pháp, tôi sẽ trích lại những chứng từ của ông trong tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1997 để độc giả dễ dàng tra cứu).

Ông Nguyễn Ký: hiện cư ngụ trong vùng Tiểu Sàigòn, nam California, Hoa Kỳ. Trong những năm đầu ở quận Cam, NCT sống chung với gia đình ông Ký ở thành phố Garden Grove. Bản thân tôi có nhiều dịp tới thăm NCT tại đây. Vì thế, tôi có cơ hội nói chuyện nhiều với ông Ký để có lần được cho biết: ông là người đầu tiên phát hiện NCT chính là tác giả thi phẩm đầu được lưu hành trong cộng đồng tị nạn ở HK dưới tiêu đề Tiếng Vọng Từ Đáy Vực khi chưa ai biết, kể cả những người in và phát hành tập thơ này.

Trả lời câu hỏi của tôi là nguyên do nào ông quen biết NCT và đựa vào đâu ông có thể xác quyết thi phẩm này là của NCT, ông Ký cho hay:

1. Bản thân ông đã trải qua nhiều năm tù chung với NCT.
2. Trong những thời khoảng bị giam chung, mỗi lần viết xong một bài thơ đắc ý, NCT thường lén đọc cho ông và một số bạn tù thân tín nghe. Nghe mãi rồi nhập tâm lúc nào không hay. Đầu thập niên 80 (khoảng năm 1982), thời gian ông mới tị nạn qua Mỹ, đang theo học tại ĐH Fullerton. Một hôm có đứa cháu cho biết vừa được coi tập thơ có tên là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, rồi hỏi ông khi ở tù có quen ai từng làm thơ và đi tù tới hơn hai chục năm không, ông hỏi có nhờ bài nào trong tập thơ không thì cháu ông cố nặn trí nhớ và đọc cho ông nghe câu “Bác Hồ rồi lại Bác Tôn”. Ông nhẩm đọc lại câu thơ “có vẻ quen quen” và ngay lập tức cả một dĩ vãng tù đày hiện về trong tâm trí ông. Nhẩm lại câu thơ một lần nữa, rồi như một phản xạ của vô thức, miệng ông bật ra câu thơ kế “Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng”. Nhìn trân trân vào khoảng không, ông nói lớn: “đích thị là Nguyễn Chí Thiện rồi!”

Chuyện này đến tai nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang (NĐQ). Qua nhạc sĩ NĐQ, ông Ký có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện đầu đuôi với ông Đỗ Ngọc Yến. Sau đó, với bút hiệu Minh Thi, ông Ký là người thứ nhất đã phát giác trên tờ nhật báo Người Việt: NCT chính là tác giả TVTĐV từ những năm đầu thập niên 80.

Linh mục Nguyễn Văn Lý: người tù chung phòng với ông NCT trong hai năm 1990-1991 ở trại tù Nam Hà. Sau khi LM Lý tái phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam vào năm 2000, tôi có nhiều cơ hội liên lạc với LM qua Email hoặc trực tiếp qua đường giây điện thoại viễn liên. Có lúc tôi đã hỏi về NCT và được LM Lý xác nhận tất cả những gì anh đã thuật lại với tôi.

Linh mục Nguyễn Viết C.: hiện còn ở Việt Nam. Khoảng vài tháng trước, vị linh mục này qua thăm thân nhân ở Mỹ. Trong một bữa ăn ở nhà hàng Song Long đường Bolsa gồm có 5 người: ông Ký, NCT, linh mục C, linh mục Đức Minh (3) và tôi. Dịp này, LM C. đã ôn lại nhiều kỷ niệm trong hơn 10 năm ngồi tù, kể cả thời gian bị đày ải lên Cổng Trời, trong đó có khoảng 7 năm tù chung với tác giả Hoa Địa Ngục. (LM C. phải vào tù ngay từ sau tháng 7, 1954 khi còn là một chủng sinh. Sau khi được trả tự do ông trở lại chủng viện tiếp tục con đường tu học và mãi tới đầu thập niên 90 mới được chịu chức linh mục).

Ông Kiều Duy Vĩnh (KDV): hiện ở Hà Nội. Trong tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có nhắc tới một nhân vật đồng tù tên Kiều Xuân Vĩnh. Đấy chính là KDV mà vì lý do riêng tác giả họ Bùi đổi tên đệm của ông Vĩnh. Trước tháng 7 năm 1954, KDV là đại úy tiểu đoàn trưởng trong quân đội quốc gia. Ông là SVSQ trừ bị khóa đầu ở Nam Định. Sau nhiều lần bị từ chối, cách đây mấy năm ông được sở CA Hà Nội cho phép qua Mỹ thăm thân nhân.

Trong buổi gặp gỡ anh em ở hàng hiên tòa soạn tuần báo Viettide (khi ấy còn ở đường Moran và là tòa soạn của tờ Việt Báo hiện nay), nhờ anh Đỗ Việt Anh thông báo tôi tìm tới góp mặt. Nếu trí nhớ của tôi không quá tệ thì bữa ấy có sự hiện diện của các anh Vũ Thư Hiên, NCT, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Việt Anh, Phạm Phú Minh, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Mai Khanh và một số anh em khác tôi không nhớ hết, nhà văn Nhật Tiến có mặt nhưng vì bận bên trong tòa soạn nên ít xuất hiện… Trên bàn có bia và đồ nhậu (gà vịt quay, đồ phá lấu, bánh mì).

Tôi nhớ trong buổi gặp gỡ hôm ấy, KDV uống khá nhiều, gần như ông không ăn hoặc ăn rất ít. Ông kể lại đủ thứ chuyện: chuyện cùng với Phan Hữu Văn theo chân và chỉ đường vẽ lối cho mấy chuyên viên truyền hình người Pháp toan tính đột nhập trại Thanh Cẩm để phỏng vấn tù nhân Đoàn Viết Hoạt nhưng bất thành, chỉ lấy được ít hình quanh trại. Những pha đứng tim mà anh và Phan Hữu Văn (thời gian hai người được tự do đang ở Hà Nội) trải qua trong cuộc phiêu lưu đầy bất trắc ấy. KDV cũng nói tới lý do ông kẹt lại Hà Nội năm 1954 rồi bị cộng sản tống vào nhà tù ngót 20 năm: vì chữ hiếu phải vâng lời song thân khi ấy mang ảo tưởng là cộng sản sẽ buông tha cho gia đình nhờ có công với kháng chiến (trước đây hai cụ đã đóng góp nhiều cho Mặt Trận Việt Minh). Nhưng các cụ đã lầm: chỉ ít lâu sau khi đất nước chia đôi, KDV bị tống giam và thân phụ ông bị đấu tố đến chết!

Có lúc ông khóc ngất. Có lúc ông cất tiếng cười như ngây, như dại. Giữa giòng lệ KDV cao giọng chửi đổng những kẻ may mắn được thoát thân ra hải ngoại, được hưởng đủ thứ tự do thế mà lại manh tâm mon men tìm về làm tôi mọi cho một chế độ bạo tàn!

Rồi ông đứng dậy cất giọng sang sảng ngâm thơ. Hết thơ Phạm Thái tới thơ NCT. Ngây ngất nhìn bóng dáng cao lớn của KDV, nghe ông ngâm thơ mà tôi như thấy thấp thoáng trước mắt, trong hồn, hình ảnh uy dũng mang vẻ man dại, hoang đường của một mẫu tráng sĩ thời xưa. Ông ngâm hết bài này đến bài khác, nhất là những trích đoạn ẩn giấu tâm trạng bi phẫn trong bài thơ dài có tên Đồng Lầy (4). Những vần thơ hào sảng như nằm sẵn trong ký ức cứ thế tuần tự trào ra. Có một lúc, NCT hích vào vai tôi nói nhỏ: trí nhớ thằng Vĩnh thật khiếp đảm! Anh có nhận ra bài nó vừa ngâm không? Nó nói của tôi mà chính tôi cũng không còn nhớ nữa.

Ngày hôm sau, như đã ước hẹn trước, tôi tới nhà cựu trung tá Khanh thuộc binh chủng không quân đón KDV đi thăm một nhóm bạn bè, phần đông là những người chưa hề biết ông. Trong khi trao đổi, chuyện trò với anh em, ông tâm sự: “vợ tôi là người Công giáo, chúng tôi lấy nhau nhưng đạo ai nấy giữ. Tuy vậy, vì chiều vợ, tối tối tôi thường cầu kinh chung với bà và các con tôi. Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha đến câu ‘…như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’ là tôi khựng lại. Tội không muốn đọc tiếp. Không phải là người quá khích, tôi có thể tha bất cứ ai, riêng tụi cộng sản bất nhân đã làm tan nát gia đình tôi, tôi không thể nào tha được!”

KDV cũng kể cho tôi và các bạn tôi nghe nhiều chi tiết về NCT trong những năm tháng ở tù chung, kể cả những gặp gỡ sau này vào những thời gian hai người được trả tự do. KDV cho biết, chính trong những thời khoảng ấy, ông được NCT đọc cho nghe những vần thơ được viết ra bằng máu lệ của anh, đến nỗi lâu ngày đã nhập tâm, cho đến nhiều năm sau ông vẫn còn nhớ.

Trong dịp này, theo lời yêu cầu của KDV tôi đã tìm gặp thân nhân, bạn bè xin được một số kính lão, kính cận đủ thứ để tặng ông, vì theo ông, những cặp kính đáng vứt đi hoặc bi bỏ xó bên này nhưng lại rất cần cho bà con bên nhà phần đông là những người nghèo khổ không có khả năng mua kính mới. Tôi và nhóm bạn bè tôi cũng tặng anh một ngân khoản, giúp anh trang trải một phần những chi phí bắt buộc cho chuyến đi thăm thân nhân. Dịp Uyên Thao về thăm Việt Nam vài năm trước tôi cũng gửi mấy trăm để biếu người bạn mới này.

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Để khỏi phải kể lại những gì tôi được nghe từ chính cửa miệng VTH trong một lần gặp gỡ bên Pháp và nhiều lần ở Mỹ, tôi xin trích lại vài đoạn trọng tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày của anh do Văn Nghệ xuất bản tại California, HK lần đầu năm 1997 (5).

Trang 725 Đêm Giũa Ban Ngày (ĐGBN) giòng thứ 6 tính từ đầu trang:

“Anh Nguyễn Chí Thiện, một tù nhân có thâm niên đáng kính, một nhà thơ được ưu ái trong tầng lớp trí thức của xã hội tù…”

Trang 726 ĐGBN từ giòng thứ tư đến cuối và qua 25 giòng đầu trang 727:
“Nguyễn Chí Thiện làm nhiều thơ. Chiều chiều chúng tôi tụ họp nhau ở sau trại ngắm hoàng hôn, uống trà và nghe thơ. Nhìn cảnh những Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện, Lê Trình, Văn Thợ Mộc, Tôn Thất Tần…, kẻ đứng người ngồi trong ráng chiều bàng bạc của một vùng rừng núi âm u bắt đầu ngả sang màu tím, tôi nhớ tới bức tranh vẽ Những Người Tháng Chạp (6) trong cảnh lưu đày ở Sibir thời Nga Hoàng.

Những bài thơ của Nguyễn Chí Thiện không hợp với tạng tôi. Thơ của anh trần trụi, bỗ bã, nói thẳng vào vấn đề, mà tôi thì lại thích thơ gợi, thơ kích thích trí tưởng tượng, thứ thơ cho phép người đọc được tham gia thêm vào cái đã có sẵn trong bài thơ, câu thơ một chút tâm hồn mình. Nhưng cũng có bài của anh đọng lại trong trí nhớ:

Không có chỗ cho con tàu trái đất
Tôi là người hành khách bơ vơ.
Lỡ chuyến, lầm ga, mất cắp, bây giờ
Tôi ủ rũ trên sàn toa lạnh ngắt,
Cái toa đen dành cho súc vật.


Hoặc:

Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ quê hương…
Còn tôi đây ngẩng đầu nhìn nhện chăng tơ vướng
Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương…(7)


Cao lênh khênh giữa các bạn tù, Nguyễn Chí Thiện nhìn đời qua cặp kính trắng mà đàng sau chúng là cặp mắt lồi ngơ ngác.

Bộ quần áo trại phát, dự tính cho người tù có chiều cao trung bình, quá cũn cỡn trên người anh, làm thò đôi cẳng chân khẳng khiu ra ngoài. Thiện không bao giờ đi dép, tứ thời anh diện đôi guốc mộc tự đẽo, làm anh cao thêm mấy phân nữa. Thiện không phải là người tù bướng bỉnh, chống đối bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Anh còn thuộc loại hiền lành nữa là khác. Có vẻ lúc nào anh cũng ngơ ngác, cũng ngạc nhiên trước cuộc đời bụi bậm và uế tạp. Anh ghê tởm nó, nhưng cũng không có ý định dọn dẹp nó hay sửa chữa nó. Nói tóm lại anh chẳng gây sự với cán bộ trại giam. Nhưng đó là một người tù không thể bẻ gẫy. Tinh thần bất khuất trong những người tù không biểu hiện ở thái độ ngang tàng mà ở thái độ bất cần, thái độ khinh mạn.

Có lần đi lao động về tôi thấy Nguyễn Chí Thiện đã bị khóa cánh tiên ngoài cổng trại. Trông anh như bộ xương người trong giờ cách trí –lồng ngực ưỡn ra nhìn rõ từng rẻ sườn. Nhìn thấy tôi Thiện mặt đỏ gay còn cố mỉm cười thay lời chào.

Trình Hàng Vải thì thào với tôi:
- Chúng nó bắt được mấy bài thơ của Thiện.

Những người tù số lẻ lặng lẽ đi ngang bạn mình đang bị hành hạ. Mặt họ đanh lại. Tôi nghĩ: chỉ cần nhìn thấy cảnh này chứ không cần nếm nó người dân cũng khó mà yêu được chế độ.

Kiều Duy Vĩnh đánh giá cao cái ngoại lệ mà người tù chống cộng cực đoan dành cho tôi.
-Thiện nó tin anh lắm đấy! Mà cũng trọng anh lắm đấy! Nếu không nó chẳng đọc thơ cho anh nghe đâu…”

Nói chuyện trực tiếp qua đường giây điện thoại với tác giả ĐGBN chiều Thứ Tư 01/10/2008, tôi được Vũ Thư Hiên xác nhận là những đoạn liên hệ tới NCT trong hồi ký, anh viết từ những năm 1993, 1994, tức là thời gian NCT còn ở trong nước chưa qua Hoa Kỳ. Theo tôi, đây là một sự kiện đáng chú ý.
(Còn tiếp)
© DCVOnline

---------------
(1) Vì đôi chân bắt đầu yếu nên thời gian này Nguyễn Thanh Hùng đã phải nương vào cây gập mỗi khi di chuyển.
(2) Vì lo cho an ninh bản thân của vị LM này, chúng tôi tạm thời ghi tên tắt. Người viết sẵn sàng cung cấp chi tiết cho những vị nào thực tâm muốn biết rõ về LM.
(3) LM Đức Minh từng là giáo sư Chủng viện St. John, đã về hưu và đang giúp giáo xứ La Vang, giáo phận Orange. Cha vốn là giáo sư dạy chủng sinh NVC ở tiểu chủng viện Vinh từ năm 1950 đến năm 1954.
(4) Từ trang 38 đến trang 57 thi phẩm Hoa Địa Ngục.
(5) Ghi chú của người viết: “Hồi ký Chính trị của một người không làm chính trị” này của Vũ Thư Hiên vừa được anh bổ sung và sẽ do tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản và phát hành cuối tháng 10-08. Sách được in tại Đài Loan, khổ lớn, đóng chỉ, bìa cứng. Bìa bọc ngoài offset bốn màu.
(6) Chú thích của VTH trong ĐGBN: * Các sĩ quan trong trào lưu đấu tranh cho tự do đã nối dậy chống lại Nga Hoàng Nicolai đệ nhất vào năm 1825. Cuộc nổi dậy bị đè bẹp. Những người Tháng Chạp bị đầy đi Sibir. Những người vợ dũng cảm của họ đã đi theo chồng tới tận nơi lưu đày, nêu một tấm gương sáng cho phụ nữ Nga.
(7) Chú thích của ngưởi viết: Có lẽ vì nhà văn VTH chỉ ghi lại theo trí nhớ nên khi đối chiếu với nguyên tác hai bài thơ này in nơi trang 155 và 156 trong thi phẩm Hoa Địa Ngục do Cành Nam ấn hành năm 2006, tôi thấy có vài chi tiết hơi khác. Trong bài thứ nhất (HĐN trang 156): câu đầu, VTH viết ‘Trái đất’, trong khi nguyên tác là ‘quả đất’. Câu thứ ba trong nguyên tác không có dấu phảy (,) giữa hai từ ‘mất cắp’ và ‘bây giờ’. Hai câu thứ tư và thứ năm, nguyên tác NCT viết như sau:
‘Đứng chen chúc trên toa tàu bẩn nhất
- Sàn một toa đen dành cho súc vật’

Trong bài thứ hai (HĐN trang 155) cũng có một số chi tiết VTH nhớ sai trong 4 câu đầu bài Xưa Lý Bạch.
Nhân tiện xin trích lạị toàn văn như sau:
‘ Xưa Lý Bạch ngửng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ quê hương
Nay tôi, ngửng đầu nhìn nhện giăng bụi bám
Cúi đầu giết rệp nhặt cơm vương
Lý Bạch rượu say gác lên bụng vua Đường
Tôi đói lả gác lên cùm gỉ xám
Lý Bạch sống thời độc tôn u ám
Phong kiến bạo tàn chưa có tự do
Tôi sống thời Cộng sản ấm no
Hạnh phúc tự do, thiên đường mặt đất
Rủi Lý Bạch, mà may tôi thật! (1967)


Nguyễn Chí Thiện (Kết)

Trần Phong Vũ
05-10-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5543

Nghĩ về Nguyễn Chí Thiện

Những trải nghiệm riêng

Tám năm trời quen biết, tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với NCT trong nhiều sinh hoạt cộng đồng. Không phải chỉ ở quận Cam, mà còn ở nhiều nơi. Những lần cùng anh xuất hiện trong những cuộc họp báo, những cuộc phỏng vấn, những buổi hội luận trên các đài phát thanh, các chương trình truyền hình ở nam hoặc bắc California. Những lần giới thiệu sách cho bản thân, cho những bằng hữu thân quen như tác giả Đỗ Mạnh Tri (Pháp) với các tác phẩm Hiện Tượng Nguyệt Biều - Di Sản mác-Xít Tại Việtnam; như nhà biên khảo Minh Võ (San Diego, HK) và các tác phẩm Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp - Sách Lược Xâm Lăng Của CS; hay tác giả Tường Lam (Đức quốc), Ngược Giòng Thới Gian; anh cũng đề tựa cuốn Ai Giết Hồ Chí Minh của Minh Võ…

Qua những sinh hoạt này, tôi nhận ra nơi NCT:

– Một mẫu người có trí nhớ đặc biệt, óc nhận xét, phán đoán tinh tế, sắc bén.
– Một lối sống giản dị, khiêm tốn, hòa đồng với tha nhân.
– Một nhân cách khác thường: trọng điều nhân nghĩa hơn tiền bạc, dứt khoát chọn lối sống khắc khổ, tự chế như một nhà tu.

Quan trọng hơn hết, nơi anh tôi bắt gặp một người có một tinh thần quốc gia không dời đổi, một lập trường chống cộng – nói chính xác hơn là chống cái ác – dứt khoát, kiên định. Có lần Đỗ Mạnh Tri nói với bạn bè anh: “đối với tôi, chỉ với Hoa Địa Ngục, Nguyễn Chí Thiện đã là một Monument, một Tượng Đài sống”. Riêng người viết những giòng này đã hơn một lần thú nhận với những người thân quen: cùng một đề tài vạch trần tội ác cộng sản, một tiếng nói của NCT nặng gấp trăm lần tiếng nói của tôi.

Sau đây là vài dấu chứng cụ thể.

Về nhân cách NCT: Chưa bao giờ tôi thấy anh thất hứa với bạn bè. Chưa lần nào anh tỏ ra là kẻ chuộng hư danh, ham tiền bạc. Dù cuộc sống đơn nghèo, đạm bạc – trước khi được hưởng tiền trợ cấp SSI dành cho những người trên 65 tuổi, anh sống bằng tiền nhuận bút của hai tác phẩm Hoa Địa Ngục và Hỏa Lò do nhà xuất bản Cành nam ở miền Đông chi trả (8) và trong ba năm ở Pháp do tổ chức IPW (International Parliament of Writers) đài thọ chi phí ăn ở – anh luôn khảng khái khước từ sự giúp đỡ của anh em, dù nhiều hay ít, kể cả trường hợp những tác giả nhờ anh đi đây đó giới thiệu sách và tỏ ý muốn biếu tặng anh một số tiền như một cách để cám ơn anh.

Gần đây, vì Phan Nhật Nam có ý bán căn nhà nhỏ của anh trong khu mobilhome trên đường McFadden (nơi NCT đang ở chung), anh hỏi tôi xem có chỗ nào cho share phòng không, tôi tâm sự với một người bạn. Ngay sau đó người bạn này và chủ nhà vốn là người thân của anh mời tôi và NCT tới coi một căn hộ thật khang trang trên lầu một, với đầy đủ tiện nghi: phòng ngủ, bếp, phòng tiếp khách, trang bị đồ đạc tươm tất, sẵn sàng để dọn vào. Trong một buổi ăn chiều hôm sau ở nhà hàng Bon Ami trên đường Euclid, trước mặt tôi và anh bạn, chủ nhân thẳng thắn ngỏ lời mời NCT đến ở vô điều kiện, không phải trả bất cứ chi phí nào, kể cả tiền nhà. Anh cám ơn và khất sẽ trả lời sau khi đi San Franciso, theo lời mời của tổ chức Pháp Luân Công, trở về. Nhưng khi ra xe, anh nói nhỏ với tôi: “vì không muốn làm buồn lòng một người có lòng tốt với mình, tôi chưa trả lời ngay. Nhưng trong thâm tâm tôi đã quyết định từ chối. Anh nghĩ coi, làm sao tôi có thể nhận một ân huệ lớn lao một cách khơi khơi như vậy được!”

Lần anh giúp giới thiệu tác phẩm Di Sản Mác-Xít Tại Việt Nam, tác giả là Đỗ Mạnh Tri nhờ tôi chuyển biếu anh 300 MK, nhưng anh dứt khoát chối từ. Viện cớ là không có nhu cầu. Bị ép quá, anh nhận, nhưng ngay sau đó đã tặng lại cho nguyệt san DĐGD vào lúc tờ báo còn ở giai đoạn phôi thai. Lần anh giúp giới thiệu tác phẩm Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp và viết lời tựa cho cuốn Ai Giết Hồ Chí Minh trước đó của nhà biên khảo Minh Võ, anh cũng nhất định từ chối không nhận tiền, mặc dầu tôi và anh Minh Võ hết sức nài ép. Trường hợp anh giới thiệu tác phẩm Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại của tôi ở nam California ấn bản đầu năm 2005 và lần tái bản năm 2006 trên San Jose cũng tượng tự như thế. Rồi đến lần ông Bùi Hạnh Nghi, phu quân tác giả Tường Lam từ Đức quốc qua nhờ anh giới thiệu cuốn Ngược Giòng Thời Gian ở quận Cam và San Jose anh vẫn giữ nguyên tắc bất di dịch là một mực chối từ mọi thứ thù lao, mà theo lẽ công bằng anh có quyền nhận.

Cuối cùng, tôi đành bịa ra vài lý do để gián tiếp giúp anh.

Thứ nhất, đưa tiền nhờ anh chuyển biếu những nhà văn trong nước mà anh thường giúp đỡ (vì trong quá khứ tôi đã chứng kiến nhiều lần anh trao tiền tận tay cho nhà văn Vũ Thư Hiên, khi 200 khi 100 để nhờ chuyển về VN tặng những người bạn tù ngày xưa, trong khi tôi biết rõ bản thân anh lúc ấy cũng không dư giả gì.) Những dịp như vậy có lần anh nhận và cũng có lần anh từ chối với lý do vừa mới gửi rồi.

Thứ hai, khi nhà xuất bản Cành Nam tái bản cuốn Hoa Địa Ngục, tôi đã trao anh một số tiền mặt nói là để đặt mua trước mấy chục cuốn tặng bạn bè ở xa. Cách này thật ra cũng chỉ có giá trị tượng trưng vì thực ra sách của anh mỗi lần tái bản và giới thiệu đây đó đều được độc giả nhiệt tình chiếu cố không còn một cuốn. Tôi còn nhớ hôm giới thiệu sách ở hội trường đài Little Sàigòn Radio, theo lời căn dặn trước của NCT, ông Nguyễn Ký, một trong những người tình nguyện giúp anh trong buổi sinh hoạt hôm ấy, đã gói sẵn số sách tôi đặt mua. Nhưng vào phút chót, khi thấy vẫn có người cần mà sách đã hết, tôi nói ông Ký mở ra để bán. Phần tôi sẽ chờ lấy đợt sau.

Về khả năng và trí thông minh: Có nhiều cơ hội nói chuyện trực tiếp với NCT và qua những lần nghe anh phát biểu về nhiều lãnh vực, từ chính trị tới văn hóa, thi ca đông tây kim cổ (9), thấy anh quán triệt gần như tất cả mọi vấn đề, tôi không khỏi ngạc nhiên khi đối chiếu với tuổi tác và thời gian vướng vòng lao lý rất sớm của anh.

Về khả năng Pháp ngữ, tôi phải thành thật thú nhận là tôi không đủ tư cách để đưa ra nhận xét riêng. Nhưng dựa vào những gì nguyên luật sư kiêm nghị sĩ Nguyễn Văn Chức nói với tôi, tôi tin NCT là người có trình độ. Tôi thường tự hỏi: do đâu mà một người sinh năm 1939, bị đi tù rất sớm như NCT lại có được một khả năng hiểu biết về Pháp ngữ như thế? Theo tôi phỏng đoán thì có lẽ nhờ trí thông minh, có năng khiếu về ngoại ngữ, dựa vào cái nền của những năm ở bậc tiểu, trung học và tổng cộng thời gian 27 năm ngồi tù giúp anh có cơ hội học hỏi qua sách vở và các bạn đồng tù, nên mới được như thế chăng? Trong tác phẩm Viết Về Bè Bạn, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có nói tới trường hợp nhà văn Dương Tường, một người ngồi trên ghế nhà trường không được bao lâu, tham gia kháng chiến, đi bộ đội từ thời niên thiếu, rày đây mai đó, nhưng vì hiếu học, chiếc ba lô trên vai lúc nào cũng đầy nhóc sách vở. Nhờ thế sau này không những Dương Tường nối tiếng là người viết và là nhà phê bình văn học có hạng mà còn là người thông thạo nhiều sinh ngữ. Ông quen biết rất nhiều tác giả Âu Mỹ. Mỗi khi những vị này ghé qua Việt nam đều phải nhờ tới vai trò trung gian của ông. Tiết lộ của nhà văn họ Bùi giúp tôi lý giải một phần thắc mắc về trường hợp NCT.

Trở lại những điều ông Nguyễn Văn Chức nói với tôi về NCT, có lúc tôi ngần ngại không muốn nhắc tới trong bài viết này, vì sợ do một căn nguyên nào đó sẽ bị phủ nhận. Nhưng tin rằng sự thật trước sau vẫn là sự thật, và hẳn luật sư Chức, dù trong hoàn cảnh nào, cũng chia sẻ một niềm tin như tôi, do đó tôi xin phép ghi lại vài lời, vẫn chỉ với mục tiêu duy nhất là trình bày những gì tôi biết về NCT mà thôi.

Năm 1996, khi tôi viết xong tập biên khảo Một Thoáng Nhìn Về GHVN Qua Biểu Tượng Đức Gioan Phaolô II, tôi được ông Nguyễn Văn Chức viết Lời Tựa cho cuốn sách. Từ đấy chúng tôi thường liên lạc với nhau. Một hôm (tôi không nhớ đích xác năm nào), trong khi đàm đạo nhiều chuyện qua đường giây điện thoại viễn liên, luật sư Chức đề cập tới NCT. Ông cho hay đã có lần NCT ở chơi trong nhà ông cả tuần lễ. Trong thời gian ấy, NCT lúc nào cũng quanh quẩn bên tủ sách của ông, trong đó hầu hết đều là sách tiếng Pháp và tiếng Anh, văn học, thi ca, chính trị, luật pháp, đủ loại. Ban đầu ông hoài nghi trình độ đọc và hiểu Pháp ngữ của NCT, vì thế nhân một lúc thuận tiện ông gợi lại tên và tác phẩm của một vài tác giả Pháp để dò ý NCT. Và qua cuộc trao đổi hôm ấy ông nhìn nhận là NCT có một trình độ khá vững về Pháp ngữ cũng như am tường về nhiều tác giả, tác phẩm thời danh của Pháp. (10)

Về trí nhớ và óc phân tích, tổng hợp: Qua những lần cùng NCT lên tiếng trong những buổi hội luận hoặc phỏng vấn trên TV, Radio, hoặc những lần nghe anh nói chuyện đây đó, điều tôi hết sức cảm phục là trí nhớ đặc biệt và óc phân tích, tổng hợp sắc bén, nhanh nhạy của anh. Ký ức của NCT không chỉ giới hạn trong hàng trăm bài thơ của anh, hay của một vài tác giả nào đó mà anh đã nhập tâm từ thuở nào. Nó còn bộc lộ cả trong những trích dẫn bất chợt về câu nói của một văn nhân, nghệ sĩ, một chính trị gia, một nhà khoa học đông tây, kim cổ nào đó khi anh cần minh chứng hoặc làm sáng lên ý tưởng của một vấn đề anh vừa đề cập. Trong những lần NCT được mời thuyết trình, tôi chưa bao giờ thấy anh phải viết ra giấy, dù chỉ là một dàn bài sơ lược.

NCT có một lối nói dễ dàng, giản dị, không cầu kỳ, làm dáng. Anh luôn tỏ ra là người biết tôn trọng đối tượng anh nói với, và vì thế anh được cử tọa, dù thuộc thành phần thượng lưu, trí thức hay bình dân quý mến và nồng nhiệt đón nhận. Một phần quan trọng, theo nhận định của tôi, là mỗi khi đến với cử tọa, với khán thính giả, anh đến bằng tấm lòng, bằng trái tim chứ không chỉ bằng ngôn ngữ. Những gì anh nói ra xuất phát từ tấm lòng chân thành, ngay thẳng của mình.

Về lập trường chính trị: Nguyễn Chí Thiện không phải là một chính trị gia. Anh không xếp hàng trong bất cứ đảng phái chính trị nào. Nhưng anh là người có một lập trường chính trị rõ rệt, dứt khoát, không dời đổi. Đó là lập trường quốc gia, chống lại mọi thế lức gian dối, độc ác mà chủ nghĩa nô bộc cộng sản được anh xếp lên hàng đầu. Trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên xếp NCT vào loại “chống cộng cực đoan”. Ở một khía cạnh nào đó, nhận xét này không sai. Nơi cuối trang 725 và đầu trang 726, nhà văn họ Vũ viết:
“– Nạn đói là kinh niên đối với một nước như Trung Quốc –tôi nói với Thiện-. Không phải những người cộng sản là nguyên nhân duy nhất. Thời Tưởng, tôi biết, nạn đói còn xảy ra nhiều hơn. Hãy nhớ lại bọn Tàu phù sang ta năm 1945. Không phải chỉ đói, mà còn man rợ nữa…
Thiện trợn mắt. Anh không thích một câu đế ngang xương như thế. Với anh, cộng sản là xấu, là tồi tệ, là kinh tởm, chấm hết. Không một cái gì của cộng sản có thể là tốt.
Cái cách tôi đánh đồng loại chính quyền Tưởng Giới Thạch với chính quyền Mao Trạch Đông như thế là không được. Không hiểu sao anh vẫn chấp nhận tôi…”

Có lẽ chỉ với hai tác phẩm Hoa Địa Ngục, Hỏa Lò và với những chứng từ trên đây của nhà văn Vũ Thư Hiên đã quá đủ. Tôi không cần phải nhắc lại những gì chính tai tôi được nghe trong những buổi thuyết trình, hội luận, phỏng vấn ở nhiều nơi mà NCT là diễn giả chính, để chứng minh lập trường quyết liệt và dứt khoát của anh đối với chủ nghĩa độc tài chuyên chính cộng sản. Ngay lúc đang ở trong nhà tù cộng sản mà NCT đã như thế thì khi được tháo cũi, xổ lồng, anh có bôn ba đây đó để vạch trần bộ mặt thật nhơ nhớp, phản bội đất nước, phản bội dân tộc của chế độ cộng sản thì chỉ là chuyện đương nhiên, không cần tranh cãi.

Nhắc tới nguồn dư luận cho rằng NCT đang ở hải ngoại là NCT “giả” do cộng sản dựng lên để phá đám, một người bạn nói đùa với tôi: nếu đúng như vậy thì tôi mong cộng đồng mình ở ngoài này được đảng và nhà nước chiếu cố cung cấp thêm cho vài ba chục hoặc 100 NCT khác nữa. Dù là câu nói đùa, tự thâm tâm tôi chia sẻ ước mong này của anh bạn.

Vài giòng trước khi kết thúc

Trên đây là tất cả những gì tôi biết về con ngưới, tác phong, tư cách và lập trường của nhà thơ NCT. Cái biết ấy căn cứ vào những gì chính tôi nghe được, đọc được qua những chứng từ của những nhân vật hiện còn sống ở trong nước hoặc hải ngoại, trong đó có những chi tiết trích dẫn nguyên văn trong tập hồi ký đồ sộ của nhà văn Vũ Thư Hiên: tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày.

Tôi không che giấu tình cảm kính trọng và quý mến của tôi đối với NCT.

Vì nhân cách của anh. Nhất là vì ở anh, tôi tìm được một mẫu người đồng tâm, đồng chí. Cả anh và tôi đều không trực tiếp làm chính trị, không có tham vọng chính trị, nhưng chúng tôi có chung một ý thức và quan điểm chính trị: ngày nào còn sống, còn thở, chúng tôi quyết tâm tiếp tục dấn thân tiếp tay với những cá nhân, những tập thể đang đấu tranh tiêu diệt mọi thế lực gian dối, độc ác để xây dựng một một thể chế dân chủ, tư do, trong đó nhân quyền, nhân phẩm của 84 triệu đồng bào phải được triệt để tôn trọng trên quê hương Việt Nam.

Nam California, ngày 02/10/2008

© DCVOnline
--------------------------------
(8) Thời gian chưa được hưởng trợ cấp SSI, có lần tôi tò mò muốn biết bằng cách nào anh có thể tiếp tục sống còn, anh cho biết là nhờ vào tiền nhuận bút của Cành Nam, nhất là những lần tự mình giới thiệu sách, tổng cộng anh có được khoảng 16 ngàn đồng.
(9) Như buổi tối tại nhà hàng Le Véranda, quận Cam do ông Bùi Hạnh Nghi và phu nhân là tác giả Tường Lam khoản đãi, tôi được vinh dự ngồi nghe ông Nghi và NCT bàn chuyện thơ văn.
(10) Tình cờ tôi được đọc một cuốn tiểu thuyết nhan đề Con Chiên Lạc Bày Của Chúa của Trần Tự do nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành ở Hà Nội năm 1992. Chính nhờ thế tôi thêm một dữ liệu về khả năng thiên phú về ngôn ngữ của NCT. Cuối trang 159 và đầu trang 160 CCLBCC, tác giả viết:
“…Thiện hơn tôi vài ba tuổi, nhưng trông già dặn, tóc đã có mấy sợi bạc, vóc dáng cao lớn, nhưng chậm chạp lử khử cứ như ông già; mắt cận lồi nhưng không chịu đeo kính, nên chúng tôi thường gọi là Thiện-Trố… Tuổi 20 nhưng Thiện ít nói, thâm trầm và rất quyết liệt. Khi tôi còn đang học đứt lưỡi chia động từ tiếng Pháp thì Thiện đã nói và dịch tiếng Pháp như máy. Thiện cũng đang tập tễnh viết văn làm thơ…”

No comments: