Tuesday, October 14, 2008

TỪ HIỆP ĐỊNH GENỀVE ĐẾN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Từ hiệp định Genève đến Điện Biên Phủ
Nguyên Anh
Đăng ngày 14-10-2008
http://danchimviet.com/articles/511/1/T-hip-nh-Geneve-n-in-Bien-Ph/TrangPage1.html

Lời giới thiệu:
Người viết không phải người viết sử, cũng không phải là người nghiên cứu sử cận đại Việt nam, lại càng không có vị trí để biện giải cho một sự kiện trong quá khứ. Người viết chỉ gom góp một số dữ kiện trong sách đã đọc trưng ra một sự thật tương đối khách quan từ nhiều phía để độc giả tùy nghi nhận xét. Nếu có dụng ý cũng chỉ muốn để các bạn trẻ trong nước có thêm một góc cạnh trong bối cảnh lịch sử có nhiều góc cạnh vào thời đó, nếu thiếu. Dĩ nhiên cách trưng dẫn không thể hoàn toàn là khách quan, mặc dù sự kiện lịch sử là thật, nhưng vẫn là chủ quan của những nhân vật được người viết trưng dẫn. Mọi cố gắng của người viết trong bài này chỉ mong đến thật gần với SỰ THẬT. Vẫn mong được độc giả bổ túc những thiếu sót.


Bài này được chia ra làm hai phần :
1/ Từ Điện Biên Phủ đến Hiệp Định Genève hay Từ hiệp định Genève đến Điện Biên PhủNguyên nhân và sự kiện đưa tới trân chiến Điện Biên Phủ - Các phía tham chiến - Hệ Quả.
2/ Hiệp định Genève 1954: Nước Việt Nam chia haiNguyên nhân - Thành phần tham dự - Các điểm chính của hiệp định - Phê Bình của Chính khách - Kết Luận.


ĐIỆN BIÊN PHỦ

Diễn biến

Chính trị:
Từ năm 1945-53 chính phủ Pháp không còn khả năng tiếp trợ đầy đủ quân số, vũ khí, tài chánh cho quân đội viễn chinh, nên phải nhờ vào viện trợ Mỹ trực tiếp cho chính phủ Pháp, nhưng với điều kiện quân Mỹ không được vào Đông Dương. Hai nước Việt (vua Bảo Đại) và Miên (vua Shihanouk) muốn nhân dịp ấy mà đòi độc lập hoàn toàn, chỉ có vua Lào là Sivavong Vong là không muốn làm khó dễ Pháp.
Vào năm 1953. Ông Hồ chí Minh cho phát động chính sách “phản phong giảm tô” đẫm máu để dọn đường cho “Cải Cách Ruộng Đất” sau đó, đã khiến cho các thành phần cả trong đảng lẫn dân đều phải sợ oai của đảng, cho nên đảng tha hồ bắt dân “tình nguyện”, “xung phong” đi bộ đội và dân công với danh nghĩa “giành độc lập” để tăng cường và điền khuyết nhu cầu chiến trường.

Sự kiện quốc tế:

Hội nghị tay ba: Cũng vào thời gian này Mỹ-Anh-Pháp họp tại Bermudes gồm có: Churchill-Anh, TT Laniel-Pháp và TT. Mỹ Eisenhower, tại đây TT Eisenhower xác nhận với TT Laniel là Mỹ sẽ viện trợ cho Pháp 100 tỷ quan cho kế hoạch Navarre, chủ trương của Mỹ là thà giúp Pháp thắng VM còn hơn tự tay nhúng vào chiến tranh (vả lại Pháp không muốn Mỹ hiện diện tại Đông Dương). Hội nghị này dự trù sẽ họp tay tư, mời thêm Nga vào cuối tháng 1-54. Vế phần Pháp thì đang túng tiền, sau WWII (Chiến tranh thế giới thứ II) nước Pháp quá rách nát, ví vậy chưa cần thương thuyết với Hồ Chí Minh vội, đợi thắng trận xong bàn vẫn lợi hơn.

Ngày 13-12-53 mới có 2 trung đoàn của đại đoàn 316 có mặt ở phiá Bắc vùng lòng chảo ĐBP. Ngày 14-12-53 HCM kêu gọi trên đài phát thanh “Tất cả cho mặt trận:” Không thể nghiên cứu những đề nghị loan bằng báo chí hay đài phát thanh”

Ngoại giao Pháp đã không tham khảo ý kiến với Tổng ủy Dejean và tướng Navarre ở Đông Dương khi quyết định mở hội nghị.

Ngưng thương thuyết khi tướng Navarre mở mặt trận Castor ở Đông Dương, nhưng không tăng viện cho mặt trận.
Khoảng đầu tháng 2 tới giữa tháng 4-54 ông Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc rồi sang Nga cầu viện.

Hồi ký của Khrouchtchev viết:
”Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đi Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai, Chu đưa 2 ông Hồ và Đồng sang Moscow gặp tôi (Nikita Khrouchtchev). Tại phòng Catherine của Kremlin, Chu kéo tôi (Nikita) ra nói riêng: Đồng chí Hồ Chí Minh cho tôi (Chu) hay rằng tình hình VN thật tuyệt vọng, nếu chúng ta (Nikita và Chu) không đòi được ngưng chiến ở hội nghị (Genève) thì những người Việt (Việt Minh) sẽ không thể chống cự lại người Pháp bao lâu nữa (VM và Pháp chết rất nhiều hồi tháng 1 ở các chiến trường và sau 2 đợt đầu tấn công ĐBP). Bởi vậy họ định rút lui về biên giới Hoa-Việt, nếu cần, và muốn Trung Hoa đưa quân vào VN như đã làm cho Bắc Hàn. Nói cách khác, họ muốn chúng tôi giúp họ đánh đuổi người Pháp. Song chúng tôi không thể chiều ý đồng chí HCM được. Chúng tôi đã mất quá nhiều người và bị quá tổn thất ở Cao Ly, chúng tôi không thể lao mình vào cuộc chiến tranh mới, trong tình hình hiện tại”.

Tôi (Nikita Khrouchtchev) bèn thỉnh cầu đồng chí Chu rằng: ” Cuộc chiến hiện đang tiếp diễn rất quan trọng và người Việt chiến đấu giỏi, quân Pháp bị thiệt hại nặng, đồng chí không nên nói với dồng chí HCM rằng nếu quân lính của hắn phải rút lui về biên giới Tầu, thì anh sẽ không thể giúp hắn. Trái lại, anh nên để hắn tin tưởng rằng anh sẽ giúp hắn nếu cần, ý niệm ấy sẽ giúp quân Việt (VM) thêm hăng hái chống Pháp.

Chu Ân Lai bèn bằng lòng, là sẽ không nói với đồng chí HCM rằng Trung Hoa không muốn lâm chiến chống Pháp trên đất Việt (nhưng từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5/54 tức hơn hai tháng, Trung Cộng đã nỗ lực gia tăng viện trợ võ khí nhất là đại bác 105 và cao xạ 37, thêm cả gạo cho VM).

Rồi phép mầu đã xẩy ra. Khi các phái bộ tới Genève, thì kháng chiến Việt Nam vừa đại thắng Pháp bằng cách chiếm xong đại đồn ĐBP. (Việt Sử Khảo Luận - Hoàng Cơ Nghị)

Tiết lộ của Nikita Khrouchtchev năm 1971 và của Trung Cộng năm 1980 cho thấy 2 ông Hồ và Đồng có sang Tầu và Nga vận động là sự thật, khác với sử của Vạn-Lâm của Hà Nội là VM thay đổi chiến thuật để chắc thắng. Yếu tố quan trọng là võ khí của Tầu đổ vào ĐBP là mạnh hơn Pháp và như là vô tận.

Quân sự:
Điện Biên Phủ: thuộc tỉnh Lai Châu là một lòng chảo bao phủ chung quanh là đồi núi rừng rậm, ở cao độ 600m (trên mặt biển) chiều dài 16 km, chiều ngang 7-9 km ở về phía Tây Bắc của Hà Nội khoảng 300 km, 200km ở phía Tây Nam là Luang Prabang (Lào), 100km chính Bắc là thị xã Lai Châu, Đông Bắc là Yên Bái cách 200 km. Lòng chảo này diện tích khoảng 130 km2, gồm đất trống và đồi đất trọc, vì người dân Thái Đen (y phục mầu đen) là dân bản địa đã khai phá rừng để trồng lúa, canh tác mùa màng trước đây


TIỀN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Việt Minh dưới quyền chỉ huy của tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện cuộc Tổng Tấn Công của họ bằng cách đánh đồng bằng Bắc Việt để chiếm Hà Nội.

Lần thứ nhất: Trong 6 tháng đầu năm 1951 bị thất bại trước sự phản công mãnh liệt của tướng Jean De Lattre De Tassigny. Chỉ 2 đêm liên tiếp của trận Na Sản, Việt Minh bị loại ra khỏi vòng chiến khoảng 3000 người, vừa chết vừa bị thương của hai đại đoàn 308 và 312 (Yves Gras). Quân Pháp chỉ có 30 vừa chết vừa bị thương vì quân Pháp nấp dưới hầm trú ẩn.
Trong vòng 2 năm 1951-52, tướng Giáp thua 5 trận (4 lần dưới thời De Lattre. 1 lần thời Raoul Louis Salan ) tướng Giáp phải tự làm kiểm thảo.
Tướng Giáp đành phải quay trở về chiến tranh du kích.

Lần thứ nhì: Mùa thu năm 1953 tướng Giáp vừa dồn đại quân về đồng bằng thì lại bị tướng Henri Navarre chặn đánh, dập nát đại đoàn 320. Việt Minh bèn tạm quên vùng đồng bằng Bắc bộ, kéo quân qua đánh Thái, Thượng Lào và cao nguyên Trung phần.


TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Đầu tháng 11-53 được tin đại đoàn 316, gồm 9 tiểu đoàn di chuyển từ Thanh hóa tiến về phía tây bắc, không biết sẽ đánh Lai Châu hay Thượng Lào, phản ứng của tuớng Navarre là phải tái chiếm Điện Biên Phủ (ĐBP) trước tháng 12-53 bằng không vận và lập tức biến nơi này thành căn cứ không - địa bảo vệ xứ Lào. (Nơi này đã thuộc vùng của Việt Minh (VM) từ 30-11-52). Với quân số của Pháp là 6 tiểu đoàn, đã cầm chân VM 5 tháng không đánh được để tiến sang Lào. Theo Navarre đây chính là điểm chiến lược quan trọng để bảo vệ Lào tốt nhất. Nhưng với một vài tướng lãnh khác của Pháp thì không hẳn thế, vì quân của tướng Giáp vẫn có thể đánh vào thượng Lào, Thái bằng cách đi men theo các sườn núi vòng ngoài của ĐBP để sang hướng Tây tiến vào Lào, không cần qua ĐBP.

Đại đồn của Pháp chỉ đóng ở giữa lòng chảo nằm trong diện tích khoảng 30 km2 (dài 10 km, rộng 3 km) trong lòng chảo ĐBP (130 km2) dưới quyền chỉ huy của Đại Tá De Castries (sau được thăng thiếu tướng, máy bay thả dù lon này xuống ĐBP). Các đơn vị của Pháp đóng đồn ở vị trí này chỉ với mục đích chặn các đường chiến lược sang Lào từ ngả Bắc Lai Châu và từ Tuần Giáo (nam Lai Châu) sang và bảo vệ phi trường Mường Thanh, bỏ các đỉnh núi cách phi truờng từ 10 – 12 km cho VM.

Cuốn Vạn-Lâm cho biết: ” Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân Ủy (ĐT Võ Nguyên Giáp) T.Ư Đảng quyết định thành lập đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận ĐBP do ĐT Võ Nguyên Giáp, Ủy viên BCT/TƯ Đảng trực tiếp làm bí thư đảng ủy và chỉ huy trưởng mặt trận“ mà không nêu ra rõ ràng có 4 tướng Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Lã Quí Ba và Trần Cảnh của Trung Cộng trong phái bộ cố vấn nằm trong Bộ chỉ huy tối cao cạnh HCM. Sách của tướng Giáp lại nêu tên của cố vấn Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh trong suốt thời gian của trận ĐBP và cả 2 cố vấn đều có mặt ăn mừng chiến thắng tại bộ chỉ huy của tướng Giáp khi ĐBP thất thủ.

Tình báo TC chuyển cho VM kế hoạch Navarre và bản đồ vào cuối tháng 9-53 (Hồi ký VNG)

Phía VM có 5 điểm yếu cần giải quyết khi đối mặt với Pháp tại ĐBP
· VM đã định tấn công vào ĐBP vào đêm ngày 25-1-54 để “đánh nhanh giải quyết nhanh” nhưng không chắc thắng, VM đợi Tầu có đủ thì giờ viện trợ trọng pháo tối tân (đại bác105 và cao xạ 37 ly) thì chắc thắng ở mặt trận và ở thế mạnh trong hội nghị. Võ Nguyên Giáp họp chính ủy và tướng tá của 5 đại đoàn (khoảng 50.000) tham chiến tại ĐBP tìm phương cách đối đầu với 12 tiểu đoàn của Pháp đang hiện diện tại vùng lòng chảo này chưa tăng cường (sau này tăng cường quân số lên 13.500).
· Các khó khăn của VM: Làm sao cắt đứt cầu không vận từ Hà Nội - ĐBP, nên cần phải có đại bác 105 để pháo nát phi trường Mường Thanh và cao xạ 37 ly bắn phi cơ tiếp vận.
· Làm sao vào sát các cứ điểm Béatrice, Gabrielle, Claudine chứ không thể đi trên đồng trống 5,6 cây số làm bia cho liên thanh Pháp. Hơn một tháng rưỡi VM cho 50.000 bộ đội và 20.000 dân công đào hơn 100 cây số đường hầm chằng chịt trong vùng lòng chảo ĐBP khởi từ ngày 26-1-54 đến 13-3-54, đến ngày này chỉ còn cách Béatrice (Him Lam) 200 mét.
· Tinh thần bộ đội dao động vì quá khó khăn và vì cứ phải kéo pháo vào rồi ra trên các đồi quanh ĐBP (Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo).
· Nhận ra sự thật “Cải cách ruộng đất” và đấu tố địa chủ đã đặt “cách mạng xã hội” kiểu Maxist-Leninist lên trên “kháng chiến chống Pháp giành độc lập”, tinh thần của bộ đội và dân công rất xao động.

Để giải quyết các vấn đề trên, vẫn phải trông nhờ vào vũ khí dồi dào và tối tân của Tầu, trong suốt thời gian gần 2 tháng đợi viện trợ của Trung Cộng, tướng Giáp đã điều động 5 đại đoàn tiến về mặt trận ĐBP, gồm có 3 đại đoàn 308-312-351 từ Thái Nguyên, 2 đại đoàn từ Ninh Bình gồm có đại đoàn 316-304, cộng chung với các đơn vị đã có sẵn trước đó tại ĐBP. (Sách của tướng Giáp ghi có 6 đại đoàn: 304, 308, 312, 316, 320, 325 và 2 tiểu đoàn của trung đoàn 246 trực thuộc Bộ ở miền Bắc).

ĐBP đã thất thủ ngày 7-5-54, sau 55 ngày cầm cự với đại bác 105 cài ở các sườn đồi quanh đại đồn ĐBP và phi trường Mường Thanh của Pháp, nã vào một diện tích chỉ khoảng 30 km2 ngày đêm, với sự hỗ trợ của cao xạ 37 bắn máy bay tiếp vận của Pháp vào Mường Thanh.

Tổng cộng:
· 20.000 quả đại bác 105·
20.000 quả dại bác 75·
100.000 đạn súng cối, và súng cối 120 ly·
60.000 phát cao xạ·
Cộng chung với sơn pháo, súng liên thanh, súng cá nhân, lựu đạn, và ống phá hủy công sự

Với chiến thuật “tiền pháo, hậu xung” và chiến thuật biển người, với quân số tấn công gấp hơn 4 lần quân phòng thủ, Pháp thua to, chỉ còn giơ hai tay đầu hàng, tất cả đều bị bắt sống. Pháp không ngờ bộ đội VM có những vũ khí tối tân này, đó là lý do mà Pháp đã bỏ ngỏ các cao điểm chung quanh lòng chảo ĐBP.


HỆ QUẢ

Tổng kết: phía Pháp thiệt hại là 16.000 (bị bắt, chết, bị thương), chết và bị thương là 5.500. Tương đương với 9% của quân đội viễn chinh Pháp, so với tổng số quân đội thuộc Pháp ở cả Đông Dương là 3,5%. Một con số tương đối nhỏ của môt trân chiến như thế.

Việt Minh không có thống kê, sau cuộc chiến ĐBP được ước đoán thiệt hại là 20.000 (bị bắt, chết, bị thương), bị thương và chết khoảng từ 8.000-10.000 người. Sau này con số được biết bị bắt, bị thương và chết là 25.000-30.000 (bị thương và chết khoảng 10.000-12.000).

Công luận của Pháp xúc động mãnh liệt, 2 đảng Cộng sản và Xã Hội đòi đình chiến và đòi thương thuyết với VM. Chính phủ Laniel bị lật đổ, thủ tướng mới được tấn phong Pierre Mendès France cam kết sẽ thành công trong việc đình chiến tại Đông Dương.

Ngày 7-5-54 ĐBP thất thủ, ngày 8-5-54 khai mạc hội nghị Genève. Pháp trao trả chủ quyền hoàn toàn cho 3 nước tại Đông Dương. Vua Bảo Đại cho chính phủ Bửu Lộc rút lui, ngày 16-6 phong ông Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng.

KẾT LUẬN

1/ Các cố vấn tối cao là Vi Quốc Thanh - Trưởng phái bộ quân sự Trung cộng, tướng Mai Gia Sinh phó trưởng đoàn, cùng tướng Trần Canh và Lã Quí Ba luôn túc trực ngày đêm bên cạnh Hồ Chí Minh và Chinh cùng Bộ chính trị T.Ư đảng VM, như vậy đầu não chỉ huy và giám sát mặt trận, tất cả mọi chiến lược, chiến thuật từ đây mà ra chứ không phải là kế sách của tướng Võ Nguyên Giáp (Điều này chỉ được tiết lộ sau khi VNCS và TC bất hòa).

2/ TT Laniel từ khước thêm viện trợ cho mặt trận ĐD

3/ HCM đi cầu cứu Chu Ân Lai và Krouchtchev (khoảng đầu tháng 2 tới giữa tháng 4-54). Trong hồi ký của Krouchthchev, sau khi bị hạ bệ có đoạn kể việc Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng CM và PVĐ sang Tầu gặp Chu Ân Lai được Châu Ân Lai đưa sang Nga gặp Krouchthchev đã được nêu ra ở phần trên. Nhờ đó mà VM mới có viện trợ không giới hạn của Tầu. Viện trợ đại bác 105, cao xạ 37 và gạo của Tầu cho VM là yếu tố tất thắng trong trận chiến này.

4/ Thiếu phối hợp giữa chính phủ Pháp và Tổng ủy Đông Dương làm cho VM trì hoãn tấn công ĐBP ngày 25-1-54, để chờ viện trợ của Tầu, và tướng Navarre mất yếu tố tạo áp lực ở bàn hội nghị, nếu tướng Giáp tấn công ngay vào ngày 25-1-54 thì có thể sẽ không có huyền thoại ĐBP như ngày nay.
Và hào quang của “danh tướng” Võ nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ có thật như đã được truyền tụng không?

3:50 phút ngày 21-7-1954 hiệp định Genève được ký kết giữa tướng Delteil thay mặt chính phủ Pháp và Tạ Quang Bửu thay mặt Việt Minh, ấn định NGƯNG BẮN, tạm thời chia đôi đất nước trong 2 năm, sau đó sẽ có TỔNG TUYỂN CỬ.

Văn bản Hiệp định Genève ấn định Nước Việt Nam bị chia đôi, từ bắc vĩ tuyến 17 thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chủ tịch nhà nước là HCM, Thủ tướng: Phạm văn Đồng, phía Nam vĩ tuyến thuộc Quốc Gia Việt Nam, vua Bảo Đại: Quốc Trưởng, ông Ngô đình Diệm Thủ tướng chính phủ.

-----------------
Sách tham khảo:
Việt Sử Khảo Luận: Hoàng Cơ Nghị
Tổng Tập Hồi Ký: Võ Nguyên Giáp.
1945-1964:Việc Từng Ngày. Hai Mươi Măm Qua: Đoàn Thêm.

Chú thích:
Quân số của 2 bên Việt Minh và Pháp

- Việt Minh: tổng cộng 252.000 (Lịch sử BTTM kháng chiến chống Pháp - Hồi ký VNG)
Theo sách Việt sử khảo luận của HCNghị, quân VM gồm có 3 đại đoàn 308, 312, 351, cộng 2 trung đoàn tự trị ở phía Bắc, 3 đại đoàn 304, 320, 316 trừ 1 trung đoàn ở phía Nam. Trên tổng số 7.000 làng xã, có 5.000 làng xã dưới quyền kiểm soát chặt chẽ hay lỏng lẻo của Việt Minh.

- Thái và Thượng Lào có 2 trung đoàn Lào: 6.000, Miên: 8.000Bắc Trung Việt có đại đoàn 326, khoảng 7.000 bộ đội.Nam Trung Việt có 18.000 Nam Việt: cộng cả du kích 40.000 Đồng Tháp Mười và Hậu Giang là chiến khu chính.

- Pháp: Cộng chung Pháp-Việt- Âu Phi 443.000 quân số, quân “ngụy” (lính Việt) đã có 299.000 người (Tổng tập hồi ký VNG), khoảng 100.000 phân tán mỏng trên toàn cõi và bất động để bảo vệ đồn bót.

- Tại Điện Biên Phủ: Việt Minh: 50.000 bộ đội+20.000 dân công, Pháp: 15.000 lính

- Các cứ điểm quanh ĐBP theo tên Pháp: Cực Bắc là Gabrielle, cực Nam là cụm Isabelle, các cụm phía Tây từ bắc xuống là: Anne-Marie, Hugette, Lilian, Francoise, Claudine, Junon. Các cụm phía Đông từ Bắc xuống là: Béatrice, Epervier, Dominique, Eliane
© 2008 www.danchimviet.com



No comments: