Tuesday, October 21, 2008

LỄ AN VỊ PHẬT CHÙA ĐIỀU NGỰ

Cả ngàn đồng hương Phật Tử tham dự Lễ An Vị Phật chùa Ðiều Ngự
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt

Monday, October 20, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85777&z=1

WESTMINSTER, California (NV).- Một ngôi chùa mới thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại vừa được an vị tại đường Chesnut, Westminster, vào hôm Chủ Nhật 19 tháng 10 vừa qua. Kể từ lúc tiếp tân vào 1 giờ trưa cho đến lúc 7 giờ tối sau lễ An Vị Phật đã có cả ngàn đồng hương Phật tử đến tham bái.
Ðây cũng là nơi đặt trụ sở chính của Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Quang cảnh cuộc họp báo của Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/85777-medium_NVHN-081020-DieuNgu%201.jpg

Tên chùa là Ðiều Ngự được Thượng Tọa Thích Viên Lý giải thích: “Ðó là một trong những Ân Ðức của Ðức Phật và cũng là Phật hiệu của vua Lý Thánh Tông khi ngài xuất gia”. Và theo Pháp Sư Thích Giác Ðẳng, Ðiều Ngự còn có nghĩa là bậc thầy có khả năng truyền hóa đạo pháp cho chúng sanh.
Vào lúc 1 giờ 40 chiều, Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo nhân dịp này đã tổ chức một cuộc họp báo để phổ biến tin tức về một cơ sở hoằng pháp mới của Giáo Hội tại Little Saigon, Orange County, nơi người Việt hải ngoại coi là thủ đô của người Việt tị nạn Cộng Sản.

Trong cuộc họp báo này, Thượng Tọa Thích Giác Ðẳng thay mặt ban tổ chức cho biết trong dịp lễ An Vị chùa, vào ngày hôm trước đã có một buổi tu tập cho tăng chúng duyệt lại những sự việc quan trọng đã diễn ra. Tăng chúng đã được nghe Quyết Nghị 9 điểm của Giáo Hội, được hướng dẫn phát huy Giáo Chỉ số 9 để phát triển Phật giáo, đáp ứng những nhu cầu tu học, vận động quốc tế về quyền sinh hoạt của giáo hội, phát triển các cơ sở hạ tầng của Phật giáo (có 14 miền) và các khuôn hội địa phương, vinh danh vị lãnh đạo tối cao Cố Ðệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang qua việc đặt tên ngài cho miền Phật tử Bắc California, mở rộng ngoại giao và cùng giáo hội các châu thực hiện Tuyên Cáo về Trường Sa-Hoàng Sa và sự vẹn toàn của lãnh thổ đồng thời kêu gọi thế giới ủng hộ 8 điểm đấu tranh của Giáo Hội đã công bố vào năm 2001.

Tiếp đó Giáo Sư Võ Văn Ái cho biết vào ngày hôm trước có thỉnh ý Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ về tình hình hôm nay Thượng Tọa Thích Viên Lý đã nỗ lực tạo mãi được ngôi chùa mới tại Little Saigon và có tổ chức lễ An Vị Phật. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đã hoan hỉ và ưu tư mong mỏi rằng trong thủ đô của người Việt tị nạn phải kết liên được mọi giới để đấu tranh cho sự vẹn toàn của lãnh thổ.

Giáo Sư Võ Văn Ái cũng bầy tỏ sự xúc động khi thấy chùa Ðiều Ngự được hình thành. Ông nghĩ rằng chùa Ðiều Ngự sẽ là một trong những ngôi chùa ghi dấu được những tụ hội đấu tranh cho đất nước. Ông kể ra ba ngôi chùa đã ghi dấu tích tranh đấu trong lịch sử Việt Nam. Ðó là chùa Phúc Khánh ở Phú Thọ nơi sư bà Kiều Hoa mộ được 500 quân kéo về giúp Hai Bà Trưng đánh thắng quân Tô Ðịnh. Ðó là chùa Khai Quốc do Lý Nam Ðế lập ra vào năm 544 sau Tây Lịch. Và đó là chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột ở Hà nội, được xây dựng như hình đóa sen nỡ để lắng nghe những khổ đau của con người. Ông Ái mong rằng chùa Ðiều Ngự sẽ là ngôi chùa thứ tư mang dấu tích tranh đấu cho dân tộc và đất nước.

Sau những lời phát biểu trên, cuộc họp báo bắt đầu với nhiều câu hỏi của các ký giả, phóng viên các cơ quan truyền thông báo chí Việt ngữ tại nam California. Phần lớn các câu hỏi đề cập đến ý nghĩa Giáo Chỉ số 9, tình trạng phân hóa trong nội bộ Phật giáo, đề cập đến vai trò của Giáo Sư Võ Văn Ái.

Chủ Tọa cuộc họp báo gồm có Pháp Sư Thích Giác Ðức, Thượng Tọa Thích Giác Ðẳng, Giáo Sư Võ Văn Ái và một số các Hòa Thượng Thượng Tọa trong Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo. Hai vị luân phiên trả lời các câu hỏi của báo chí là Pháp Sư Thích Giác Ðức và Giáo Sư Võ Văn Ái. Cô Ỷ Lan phụ trách điều hợp chương trình.

Về ý nghĩa Giáo Chỉ số 9, một lần nữa Pháp Sư Thích Giác Ðức và Giáo Sư Võ Văn Ái đều giải thích rằng đó không phải là sự giải tán mà chỉ là “để phân biệt đâu là vàng, đâu là thau”. Giáo Chỉ số 9 chỉ giải tán cái cơ chế cũ để hình thành cái mới chứ không phải là giải tán giáo hội ở hải ngoại.

Pháp Sư Thích Giác Ðức đã trình bày nhiều chi tiết trong sự việc này. Theo Pháp Sư thì có đến 8 lý do để tạo thành Giáo Chỉ số 9 mà vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên Giáo Hội không phổ biến những lý do này. Nhưng có một điều nay đành phải nói đó là trước chủ trương tiêu diệt bằng được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất của nhà cầm quyền Cộng Sản thì trong giáo hội có người chủ trương hòa hoãn và ở hải ngoại tự nhiên có tổ chức Phật giáo mới là Tăng Ni Hải Ngoại lên tiếng chỉ trích mạt sát Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ trong khi trong nước báo chí nhà nước Cộng Sản cũng đang mở chiến dịch bôi lọ Hòa Thượng. Rồi các tổ chức “Về Nguồn” với chủ trương không phân biệt giáo hội nào như thế có phải là hợp pháp hóa cho họ (Giáo Hội Nhà Nước) đi sang Hoa Kỳ không. Về điểm này Pháp Sư Thích Giác Ðức cũng nêu một số chi tiết quan trọng. Ðó là trong số hơn 2,000 sư tăng mà Nhà Nước Cộng Sản cho sang Hoa Kỳ có 240 người đã được “tu tập” qua các khóa học tình báo. Các khóa học này kéo dài nhiều tuần lễ, mỗi tuần học 7 ngày, mỗi ngày học 3 tiếng kinh kệ, 4 tiếng tình báo. Hòa Thượng Thích Chánh Lạc là người đã tìm thấy người cháu họ của mình trong số người này.

Pháp Sư Thích Giác Ðức cũng nêu ra các vị Tăng Thống Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ là những người văn hay chữ tốt, viết lách dễ dàng thì lý do nào phải mượn đến tay ông Võ Văn Ái viết giùm. Sở dĩ ông Võ Văn Ái được chọn phụ trách Văn Phòng Thông Tin Phật Giáo hải ngoại mà không là một vị tăng, đó là vì công việc ngoại giao cần phải tiếp xúc, phải va chạm, phải khôn khéo luồn lách thì một vị tăng cho dù có giỏi cũng không thích hợp. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ vẫn thường trả lời những ai thắc mắc vấn đế này, ngài vẫn bảo xin cử người thay thế ông Võ Văn Ái cho ngài xem xét.

Sau khi trình bày tình hình trong ngoài của Giáo Hội vào lúc trước khi có Giáo Chỉ, Pháp Sư Thích Giác Ðức kết luận: “Chúng tôi đã bị đẩy vào chỗ cô đơn, nhưng rất may là đã có đồng báo Phật tử khắp nơi chống đỡ”.

Một phần đồng hương Phật tử có mặt vào lúc lễ An Vị Phật tại chùa Ðiều Ngự.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/85777-medium_NVHN-081020-DieuNgu%202.jpg


Về tổ chức Phật giáo mới hình thành tại hải ngoại, các vị chủ tọa cuộc họp báo cho rằng là một sự tiếm danh nhằm xóa đi Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất như chủ trương của Nhà Nước Cộng Sản và Văn Phòng II cũng đã ra một thông bạch rồi.

Sau khi cuộc họp báo chấm dứt thì vào lúc 4 giờ là Lễ An Vị Chùa được cử hành. Lúc này hội trường đông nghịt có đến cả ngàn đồng hương Phật tử. Nhiều chức sắc trong cơ cấu chính quyền đã tới tham dự. Thượng Tọa Thích Viên Lý trong diễn văn chào mừng đã phát biểu: “Ðây là ngôi nhà chung của những người tị nạn Cộng Sản chúng ta”.

Cũng trong dịp này, Hòa Thượng Thích Hộ Giác, phó tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cũng ban một đạo từ. Ngài nhắc nhở rằng Ðức Phật đã “theo ta mà trôi giạt đến đây” nên chúng ta sống là phải có niềm tin sắt son và phải “thể hiện trọn vẹn là niềm tin và khối óc của những con người tị nạn”.
Hòa Thượng cũng nhắc nhủ chúng ta biết nhớ đến ơn nghĩa của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã đón nhận chúng ta. Hòa Thượng hy vọng rằng: “ngôi chùa này mà thành tựu sẽ đem văn hóa của chúng ta hội nhập vào nền văn hóa văn minh tiến bộ của đất nước, quê hương thứ hai của chúng ta này”. Hòa Thượng cũng hết lòng ghi nhận công lao của Thượng Tọa Thích Viên Lý đã “dầy công tạo dựng được những chùa Diệu Pháp cũ, mới và nay là chùa Ðiều Ngự. Ðây là một việc làm mà kết quả sẽ có một tác dụng lớn lao vô cùng trong việc trừ bạo an dân, đem lại ánh sáng tới những nơi tối tăm”. (N.H.)


No comments: