Ông
Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ đi theo con đường riêng về khí hậu
17:43, 20/07/2023
Chủ tịch
Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ đi theo con đường riêng của mình để cắt giảm
lượng khí thải carbon, sau khi đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry có chuyến
thăm cấp cao tới Bắc Kinh vào hôm thứ Ba vừa rồi.
Ông Tập phát biểu tại một hội nghị quốc gia về bảo vệ môi trường rằng cam
kết của Trung Quốc đối với các mục tiêu carbon kép của mình - đạt mức carbon
cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060 - là “không thể lay chuyển”,
theo Tân Hoa Xã đưa tin.
https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2023_07_20_197_46411376/062d48dbef9606c85f87.jpg
Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry gặp Thủ tướng
Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: CNN
“Tuy nhiên, con đường, phương pháp, tốc độ và cường độ để đạt được mục
tiêu này nên và phải do chính chúng ta quyết định và sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng
bởi ai khác”, ông nói.
Các bình luận được đưa ra khi đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry gặp Thủ
tướng Trung Quốc Lý Cường và nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị vào hôm thứ Ba.
Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới - đang nối lại
các cuộc đàm phán về khí hậu bị đình trệ và trong bối cảnh những đợt nắng nóng
như thiêu đốt trên khắp thế giới.
Trong cuộc gặp, ông Kerry nhấn mạnh “Trung Quốc cần phải khử carbon trong
ngành điện, cắt giảm lượng khí thải mêtan và giảm nạn phá rừng”, một phát ngôn
viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Ông cũng kêu gọi Trung Quốc “thực hiện các bước bổ sung để tăng cường
tham vọng khí hậu của mình nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng
hoảng khí hậu”.
Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào năng lượng sạch trong những năm gần đây.
Công suất năng lượng mặt trời của quốc gia này hiện lớn hơn phần còn lại của thế
giới cộng lại và họ cũng đang dẫn đầu thế giới về công suất điện gió và xe điện.
Tuy nhiên, nước này cũng đang đẩy nhanh việc phê duyệt các nhà máy điện
than mới do sự tập trung vào “an ninh năng lượng”, làm dấy lên mối lo ngại từ
các nhà môi trường rằng những dự án mới này sẽ khiến quá trình chuyển đổi khỏi
than đá diễn ra chậm hơn và khó khăn hơn.
Song những phát biểu của ông Tập tại hội nghị cho thấy rằng Trung Quốc
không muốn bị tác động trước những áp lực - đặc biệt là từ Mỹ.
Ông Kerry cho biết việc đề nghị Trung Quốc giảm dần lượng than vẫn là một
trong những mục tiêu lớn nhất của Mỹ trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Trung
Quốc đã dựa vào than đá để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế và giúp ổn định
lưới điện trong thời kỳ nắng nóng khắc nghiệt.
Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới,
do đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu đều cần liên quan
đến việc cắt giảm sâu lượng khí thải từ hai quốc gia cường quốc này.
Lượng khí thải của Trung Quốc đang cao hơn gấp đôi so với Mỹ. Nhưng trong
suốt lịch sử, Mỹ đã thải ra nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm
qua khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mâu thuẫn với nhau về một loạt vấn đề,
từ địa chính trị đến thương mại và công nghệ.
Mỹ đã nói rằng hợp tác khí hậu với Trung Quốc nên là một vấn đề độc lập,
tách biệt với các tranh chấp của họ.
Nhưng Bắc Kinh lại nhìn nhận khác. Năm ngoái, họ đã cắt đứt các cuộc đàm
phán về khí hậu với Mỹ để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó
là Nancy Pelosi tới Đài Loan.
Thừa nhận những khó khăn ngoại giao giữa hai bên trong những năm gần đây,
ông Kerry cho rằng khí hậu nên được coi là một thách thức đòi hỏi nỗ lực chung
của các nền kinh tế lớn nhất thế giới để giải quyết.
Mai Anh (theo CNN)
No comments:
Post a Comment