Monday, July 17, 2023

ĐẠI ÁN "CHUYẾN BAY GIẢI CỨU" PHƠI BÀY ĐIỂN HÌNH THAM NHŨNG : QUAN CHỨC TỐNG TIỀN DOANH NGHIỆP (PGS,TS Phạm Quý Thọ, RFA)

 



Đại án “chuyến bay giải cứu” phơi bày điển hình tham nhũng: Quan chức tống tiền doanh nghiệp

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
2023.07.17

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/high-ranking-officials-force-businesses-pay-bribes-07172023115307.html

 

Quan chức ‘tống tiền doanh nghiệp’ là một trong những hình thức tham nhũng điển hình phản ánh nghịch lý về tăng trưởng kinh tế và tham nhũng tràn lan trong thời kỳ đầu chuyển đổi kinh tế sang thị trường nhưng vẫn duy trì chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/high-ranking-officials-force-businesses-pay-bribes-07172023115307.html/@@images/ff3f684d-bac3-4137-9729-c0d1b82c2532.jpeg

Phiên tòa xét xử 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" tại Hà Nội hôm 11/7/2023.  (AFP)

 

Công luận và các nhà quan sát hết sức chú ý đến đại án "chuyến bay giải cứu" do Toà án Hà Nội xét xử kể từ ngày 11/7/2023. Có 54 bị cáo phải ra tòa theo năm tội danh: Đưa hối lộ (23 người, phần lớn là chủ doanh nghiệp du lịch, vận tải), Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (21 người gồm các công chức, chức vụ cao nhất là Thứ trưởng đến nhân viên của bốn bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải và một số địa phương như Hà Nội, Quảng Nam…).

 

Đây là vụ án được xác định là “đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp”, xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng. 54 bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân. Nói cho đúng bản chất phải là các bị can ‘cựu công chức’ này đã tham nhũng bằng cách ‘tống tiền các doanh nghiệp’ để rồi họ cùng nhau ‘tống tiền’ các nạn nhân COVID-19 Việt Nam bị ‘mắc kẹt’ ở nhiều nước trên thế giới.

 

Xin điểm qua một số tình tiết qua điều tra của Viện Kiểm sát (VKS), lời khai của các bị can trước toà… cho thấy sự tột cùng tha hoá quyền lực công, vô liêm sỉ của công chức và  ‘khát khao’, ‘mạo hiểm’ kiếm tiền của chủ doanh nghiệp.

 

Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát cho thấy, từ tháng 4/2020 đến 1/2022, 772 chuyến bay đưa công dân về nước đã được tổ chức, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo…  Các bị can trên đã thực hiện 515 lần đưa - nhận hối lộ với tổng số tiền 165 tỷ đồng, nghĩa là trung bình 320 triệu đồng mỗi lần… Theo kết luận điều tra, các cán bộ công chức, quan chức và nhân viên, "gây khó khăn nhũng nhiễu", không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải "tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ." Một số bị can, trong đó điển hình là Phạm Trung Kiên – Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và Vũ Anh Tuấn – Phó phòng Tham mưu Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, bị xác định “trắng trợn” chủ động liên lạc với chủ doanh nghiệp, yêu cầu đến phòng làm việc thỏa thuận giá, và "dắt mối" để đưa hối lộ cho người khác (công chức ở các bộ khác và các chủ doanh nghiệp khác trong vụ án). Các bị can ‘công chức’ ra giá tới 4-15 triệu đồng mỗi khách hoặc tới 500 triệu đồng cho mỗi chuyến bay được duyệt! Địa điểm và cách đưa và nhận hối lộ chủ yếu là tiền mặt, chuyển khoản ở ‘bất kỳ đâu’: phòng làm việc (132 lần), quán cà phê và hàng ăn, quán bia, trước cổng cơ quan, nhờ người thân trong gian đình như mẹ vợ, em… Các doanh nghiệp luôn phải “cám ơn” khi có được ân huệ trong khi quan chức nhận sự ‘cám ơn’ như việc đương nhiên chứ không cho là hành vi tham nhũng!

 

Những tình tiết trong xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đã gây bức xúc đối với công chúng như kiểu ‘phản ứng’ mang tính đạo đức’ của chiến binh trong trận chiến chống tham nhũng với khí thế quyết tâm đánh bại kẻ thù, tuy nhiên khi phán xét về bản chất tham nhũng thì vụ việc sẽ trở nên phức tạp.

 

Đại án này là một hình thức tham nhũng điển hình, phản ánh một nghịch lý rằng mặc dù tham nhũng tràn lan nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn được thúc đẩy trong điều kiện chuyển đổi kinh tế sang thị trường đồng thời duy trì chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện. Bởi vậy, với loại hình này chống tham nhũng luôn xuất phát từ mối quan hệ ‘cùng có lợi’ giữa các chủ doanh nghiệp ‘tham lam’ và các quan chức, công chức ‘suy thoái’.

 

Theo bà Yuen Yuen Ang, tác giả cuốn sách China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption. Cambridge University Press, 2021. (Thời đại hoàng kim của Trung Quốc: nghịch lý của sự bùng nổ kinh tế và tham nhũng tràn lan) tham nhũng bao gồm bốn loại hình: đó là ăn cắp vặt, ăn cắp lớn, tiền “bôi trơn” và tiền tiếp cận đặc ân. Chúng là ma tuý tác động lên cơ thể chế độ, loại thứ nhất và thứ hai huỷ hoại cả nền kinh tế và đặc biệt là gây hại cho người nghèo. Tiền “bôi trơn” thường để hối lộ những quan chức cấp thấp và cấp trung bình nhằm đổi lấy giấy phép, giống như thuốc giảm đau: nó giúp làm giảm bớt rắc rối nhưng lại làm hại cơ thể. Loại cuối cùng, tiền để có đặc ân, như chất kích thích tăng khả năng thi đấu trong thể thao, cho phép doanh nghiệp tiếp cận nhiều cơ hội kinh doanh hơn, như giành được ‘những chuyến bay’, dự án công…, và hệ quả, tăng trưởng kinh tế có thể đạt bằng cách tăng đầu tư, trong đó một phần để ‘mua’ đặc quyền từ quan chức hư hỏng, sự bất bình đẳng ngày một gia tăng khi thuế đánh vào mọi tổ chức xã hội, cá nhân và huỷ hoại các nguyên tắc thị trường…

 

Trong ‘vở diễn’ (đại án) chuyến bay giải cứu, tại phiên toà các ‘diễn viên’ (bị can) đã phơi bày sự xấu xa của các hành vi đưa và nhận hối lộ, khiến loại hình tham nhũng nên gọi là sự “tống tiền” trong đó các quan chức năm bộ ‘cao ngạo’, ‘vô liêm sỉ’ ra giá ‘đặc quyền’ trong khi các chủ doanh nghiệp luôn ở thế yếu, xin sỏ… đáng hổ ‘thẹn’!’ Tất cả sắm vai ‘tồi’ để ca ngợi ‘thiên tài của chế độ Đảng CS lãnh đạo thị trường là nó đã tìm ra ‘cách sáng tạo’ để khai thác tham nhũng vì 'điều tốt đẹp hơn!'

 

Tác giả cuốn “China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption” rõ ràng cần được trân trọng vì đã chỉ ra Trung Quốc không phải là trường hợp “ngoại lệ”  của nghịch lý của sự tăng trưởng kinh tế đồng thời với nạn tham nhũng tràn lan trong những giai đoạn đầu tích luỹ tư bản phát triển kinh tế từ  bảy quốc gia được chọn làm đối tượng nghiên cứu. Ngoài Trung Quốc còn có Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapo và Indonesia, từ đó các biện pháp ‘ứng xử’ với hình thức tham nhũng được đề xuất tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Việt Nam không là lựa chọn, nhưng có thể lấy bức tranh tham nhũng ở Trung Quốc rồi thu nhỏ lại, thêm bớt các gam màu sắc, ánh sáng… để dùng cho nước nhà. Đối với tất cả những ai “nặng lòng với nước non”, những vấn đề mở vẫn luôn đeo đuổi, trong đó: Phương thức sử dụng quyền lực tuyệt đối để chống tham nhũng của Đảng CS Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình nên áp dụng thế nào cho Đảng CS Việt Nam? Cải cách sẽ tiếp tục ra sao nếu không thể tạo ra “lồng thể chế” để nhốt quyền lực? Triển vọng chống tham nhũng trong thời gian tới liệu có giúp Đảng – Nhà nước trở nên trong sạch và có năng lực hơn?

 

---------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do

 

 




No comments: