Sunday, February 26, 2023

VIỆT NAM : ChatGPT Ồ ẠT XÂM NHẬP VÀO THẾ GIỚI VIỆC LÀM (Chi Phương / RFI)

 



Việt Nam : ChatGPT ồ ạt xâm nhập vào thế giới việc làm

Chi Phương  /  RFI

Đăng ngày: 22/02/2023 - 13:59

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20230222-vi%E1%BB%87t-nam-chatgpt-%E1%BB%93-%E1%BA%A1t-x%C3%A2m-nh%E1%BA%ADp-v%C3%A0o-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-vi%E1%BB%87c-l%C3%A0m

 

Dù chưa được chính thức ra mắt tại Việt Nam, nhưng với tính năng tổng hợp thông tin nhanh, giải đáp nhiều câu hỏi chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau, ChatGPT đã khuấy đảo ngành giáo dục cũng như thị trường lao động tại Việt Nam.

 

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) do công ty khởi nghiệp Mỹ (start-up) OpenAI ở Thung lũng Silicon tạo ra, đang trở thành câu hỏi hóc búa đối với ngành giáo dục đào tạo tại nhiều nước : Nên cấm hay tận dụng loại công nghệ mới này ? Tại Việt Nam, hôm 13/02 vừa qua, bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo (AI) - lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Tại đây, các nhà hoạch định chính sách, các nghiên cứu, học giả và giáo viên, thảo luận về ảnh hưởng của Trí tuệ nhân tạo trong ngành.   

 

Trong khi một số cơ sở đào tạo lớn trên thế giới, ví dụ trường Khoa học chính trị Sciences Po Paris, đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT, nếu vi phạm sẽ bị đuổi khỏi trường, hay trường đại học Hồng Kông (Hong Kong University) cũng có quy định tương tự, thì tại Việt Nam, trái lại, ChatGPT không bị xem là mối đe dọa. Phát biểu với kênh truyền hình Thông tấn Việt Nam, Vnews, thứ trưởng bộ Giáo Dục và Đào Tạo Hoàng Minh Sơn nhận định rằng:“Trí tuệ nhân tạo cũng như những gì mà công cụ ChatGPT mang lại, đó là cá thể hoá quá trình học tập. Trước kia một người thầy có thể giảng dạy cho một vài học sinh trong lớp, ngoài ra, có thể có những hướng dẫn riêng cho từng học sinh, sinh viên, thì ngày nay, chúng ta có công cụ này, hỗ trợ cho từng học sinh sinh viên, giống như một gia sư. Điều quan trọng nhất là người học có thể học hỏi ở bất cứ lúc nào, bất cứ thời gian nào và bất cứ lĩnh vực nào”.  

 

Thị trường "bán tài khoản ChatGPT" 

Được cho ra mắt vào tháng 11 năm 2022, trong vòng hai tháng, ChatGPT đã có hơn 100 triệu người dùng. Tại Việt Nam, rất khó để thống kê số người tiếp cận với ứng dụng này. Trên thực tế, người dùng mạng vẫn chưa thể đăng ký tài khoản trực tiếp từ Việt Nam mà phải dùng phần mềm VPN (cho phép thay đổi vị trí địa lý truy cập Internet), hoặc nhờ người từ nước ngoài đăng ký. Tuy nhiên, nhiều nhóm trên mạng xã hội về ChatGPT đã được mở ra, ví dụ như nhóm ‘Cộng đồng OpenAI - ChatGPT Việt Nam’ đã quy tụ gần 55 000 thành viên. Tại các nhóm này, nhiều bài đăng chia sẻ miễn phí, hoặc rao bán các tài khoản sử dụng các dịch vụ của OpenAI (ChatGPT, Dall-E), với giá từ 40 000 đến 99 000 đồng. Dường như một thị trường bán tài khoản ChatGPT được mở ra, khi nhiều trang bán hàng trực tuyến cũng quảng cáo bán dịch vụ này. Người dùng mạng cũng có thể dễ dàng tìm thấy những bài đăng trên các trang báo chính thống với tiêu đề như “Cách tạo tài khoản để trải nghiệm ChatGPT”, hay Cách sử dụng ChatGPT. Hiện tại, ChatGPT được miễn phí sử dụng bản thử nghiệm, người dùng chỉ phải trả phí nếu nâng cấp dịch vụ.   

 

Hệ thống giáo dục quan ngại

ChatGPT ngày càng trở nên phổ biến vì có thể giải đáp được nhiều câu hỏi phức tạp, trong các lĩnh vực về luật, kinh tế, khoa học…, cho đến giải toán, lập trình, soạn thảo văn bản, tổng hợp nội dung, thậm chí là sáng tác truyện, thơ và viết báo. Tuy nhiên những thông tin mà ChatGPT đưa ra, có thể sai lệch, hoặc chưa được cập nhật. Giới học thuật lo ngại về việc học sinh, sinh viên lạm dụng công nghệ này tại học đường, gian lận, yêu cầu ChatGPT giải bài tập hoặc viết thay bài luận. Một số cơ sở giáo dục đào tạo tại Việt Nam, từ bậc tiểu học (trường Việt Anh 1) đến bậc đại học như trường đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) đã tổ chức các buổi thảo luận về thách thức của công nghệ Trí tuệ nhân tạo này.  

 

ChatGPT được ứng dụng trong công việc

Nếu như trong lĩnh vực giáo dục, câu hỏi đặt ra là làm sao để quản lý được tốt, để công cụ này không bị lạm dụng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, thì trong thế giới việc làm, sự xuất hiện của ChatGPT lại tạo một cơn sốt, đặc biệt trong ngành sáng tạo nội dung. Trả lời RFI Tiếng Việt, giám đốc điều hành của công ty đào tạo tư vấn Uy Đức, quản trị viên của nhóm ChatGPT Việt Nam trên mạng xã hội Zalo, ông Nguyễn Thanh Khiết nhận định rằng công cụ Trí tuệ nhân tạo này “thực sự giúp cho doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn và giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian.” Ông Khiết cho rằng : “Nếu đánh giá thang điểm từ 0 đến 10, thì ChatGPT có thể cho 8 điểm, vì nội dung trôi chảy, lưu loát. 2 điểm còn lại là vì ChatGPT đưa ra những thông tin (đôi khi) bị sai lệch. Dữ liệu của ChatGPT là từ 2021, nên chỉ cung cấp dữ liệu đến thời điểm đó. Theo tôi, 2 điểm còn lại là cơ hội để tăng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp với nhau.” Ông Khiết cũng tham gia đào tạo cũng như tư vấn về cách ứng dụng ChatGPT trong công việc.  

 

Với khả năng hoạt động 24 giờ trên 24 và 7 ngày trên 7, ChatGPT là một robot 'biết tuốt', giải đáp vạn câu hỏi vì sao, một trợ thủ đắc lực của nhiều ngành nghề. Ông Ngô Trọng Hùng, hiện là trưởng một ban markerting tại tập đoàn MCV Group, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, cho biết một số nhân viên trong ban đã bắt đầu sử dụng ChatGPT để hỗ trợ việc viết bài đăng trên mạng xã hội. Ông nói : “Với ChatGPT, tôi thấy rằng đây là một xu hướng và bắt đầu tìm hiểu về nó. Qua một vài người quen, tôi có một tài khoản để sử dụng…Tôi thử hỏi ChatGPT về chuyên ngành Marketing, ví dụ bạn có thể viết cho tôi một content (bài đăng) quảng cáo bán máy tính trên Facebook được không ? Tôi nhận thấy rằng công cụ này rất thông minh, ChatGPT đã viết ra một đoạn văn, không khác gì một nhân viên của tôi đang làm. Công việc mà đội ngũ của mình đang sử dụng nhiều nhất là viết content Facebook, ChatGPT chỉ từ một vài từ khoá chính, ví dụ như là giá rẻ, sản phẩm tốt nhất, ChatGPT có thể viết ra một bài đăng hoàn chỉnh để đăng trên Facebook.”  

 

Thúc đẩy đầu tư vào Trí tuệ nhân tạo

Mặc dù chưa chính thức được triển khai tại Việt Namnhưng cơn sốt về ChatGPT đã khiến nhiều doanh nghiệp về công nghệ phải dành sự chú ý cho Trí tuệ nhân tạo. Công ty cổ phần Tập đoàn Masan gần đây đã đầu tư hơn 100 triệu đô la vào một doanh nghiệp về Trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính, có trụ sở ở Singapore, để chuyển giao công nghệ về Việt Nam. Tập đoàn FPT cũng cho biết trong 3 năm tới, sẽ đầu tư khoảng 300 tỷ đồng (khoảng 13 triệu đô la) trong lĩnh vực này. Đại học VinUni của tập đoàn Vingroup đang nghiên cứu để sớm áp dụng ChatGPT trong lớp học hoặc nghiên cứu. Trường Funix, một đơn vị thuộc tập đoàn FPT đã mua 5000 tài khoản ChatGPT để trang bị cho học viên. Các công ty khởi nghiệp, như Ejoy (dạy tiếng Anh) cũng đang xem xét tích hợp công nghệ ChatGPT vào dịch vụ của mình. Ngày càng có nhiều hội thảo về ứng dụng ChatGPT trong doanh nghiệp được mở ra.   

 

Con người cần làm chủ công nghệ

Dù có những tính năng vượt trội, hỗ trợ nhiều trong công việc, nhưng theo ông Ngô Trọng Hùng, ChatGPT vẫn còn những bất cập : “ChatGPT, không thể viết được quá hài hước, nên chỉ một phần nhỏ đội ngũ bên tôi đang sử dụng và đang cố gắng và khai thác thêm. Với vị trí là một quản lý, tôi thấy là mọi người đang bị phụ thuộc quá nhiều vào những content, bài đăng mà các bạn ấy phát triển nhờ vào ChatGPT. Nhiều bài, cảm xúc của con người cần cao hơn, kích thích khách hàng, đem cho họ nỗi buồn, niềm vui và phải trong quá trình sinh sống, cảm nhận tại môi trường này thì mình mới tích luỹ được và viết ra các từ câu văn mà có thể chạm đến lòng của người đọc, mình thấy rằng ChatGPT vẫn khó có thể làm được điều này”.   

 

Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Khiết, chuyên gia trong ngành tiếp thị cho rằng ChatGPT có thể là một trợ thủ đắc lực, nên mở rộng tiếp nhận công nghệ mới “nhưng con người phải làm chủ công nghệ” và không nên tin 100% vào ChatGPT. Con người vẫn cần phải kiểm chứng, đối chiếu nội dung xem có đúng, phù hợp với thực tế không. Sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo đòi hỏi người lao động ngày càng phải có trình độ cao hơn. Đồng thời cũng phải kể đến nguy cơ ChatGPT thay thế con người trong một số ngành nghề, ví dụ như chăm sóc khách hàng. Theo ông Khiết, có những công việc được cho là đã bị đe dọa biến mất, “nhưng trên thực tế thì vẫn chưa có thông tin, bởi tương lai khó có thể nói trước”. Ông nói thêm : “Nhìn lại năm 1993, nếu như ai biết đến công nghệ thông tin (CNTT) thì là một điều gì đó xuất sắc ,ghê gớm trong xã hội, nhưng giờ đó chỉ là một nghề phổ thông, ai biết CNTT thì cũng chỉ là một nghề bình thường. Trí tuệ nhân tạo xuất hiện cũng như là CNTT cách đây 20 năm trước vậy. Những ai kém năng động, ù lì, lệ thuộc, không cần ChatGPT, thì xã hội cũng sẽ đào thải họ.”  

 

Chi Phương

 

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

CÔNG NGHỆ - TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

ChatGPT và cuộc đại chiến Trí tuệ nhân tạo giữa Microsoft và Google

 

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Trước áp lực giáo dục bị đảo lộn, nhiều trường học cấm ChatGPT





No comments: