Sunday, February 10, 2019

CĂN NGUYÊN BẠO LỰC (FB Luân Lê)





Cứ thử tưởng tượng rằng, nhiều tay cán bộ, công chức còn hung hãn bắn nhau, đánh nhau tại cơ quan, đánh dân tại trụ sở, nhiều kẻ bảo kê cho những kẻ khác đeo khẩu trang, bịt mặt rồi đánh đập người biểu tình, người đấu tranh với các sai trái của đám thu phí trạm BOT ở nhiều nơi trên cả nước; từ bé đã được dạy học về những hình tượng anh hùng cách mạng bạo lực giết chóc được nhiều người; gia đình và nhà trường giáo dục theo lối dạy bảo cưỡng buộc đến mức thường xuyên dùng ngôn từ mất dạy, thậm chí đánh đập tàn nhẫn, bỏ mặc, ghẻ lạnh; ra ngoài xã hội thì những kẻ côn đồ, lưu manh lại không bị xử lý nghiêm minh, không những vậy còn nhận được bảo kê ngầm của kẻ có quyền; dẫm đạp nhau để cướp, giành giật lễ lộc ngay tại nơi tâm linh, hối lộ cả Thánh, Thần, Phật; giáo dục không đề cao tình yêu thương và cách tranh luận công bằng và xã hội không trọng luật pháp để giải quyết vấn đề...

Nhưng tất cả mọi sự hỗn loạn và mất an ninh trong xã hội, ngoài vấn đề văn hoá (coi bề trên là độc tôn và có quyền dạy dỗ) và lịch sử (chiến tranh liên miên) lẫn giáo dục (cưỡng buộc tư tưởng và hành động, đặt ra các hình tượng anh hùng bạo lực và huấn thị các giá trị giai cấp), rõ ràng có đóng góp phần lớn từ việc quản lý yếu kém của chính quyền. Vì một khi chính quyền đổ đốn, hủ bại và tha hoá, dân chúng không có lý do gì và cũng không có cơ sở nào để tuân thủ luật pháp vì chính những hệ thống công quyền là nơi thực thi và bảo vệ nó đã phá vỡ nó đầu tiên.

Giả dụ về một tình huống rằng: tại một nơi mà (không chỉ một vài mà khá nhiều) công an, cảnh sát đứng bình thản chứng kiến cảnh một đám côn đồ đeo khẩu trang, bịt mặt đánh đập một vài người dân vô tội (có cả phụ nữ có thai) và phá hoại tài sản của họ một cách thản nhiên, dù không có chứng cứ nào của việc bảo kê cho những hành động tội phạm manh động và có tổ chức của những kẻ đang ra tay, nhưng với sự xuất hiện của lực lượng chức năng, những cuộc gọi điện báo tới công an cấp cao hơn, nhưng không một ai đáp lại lời khẩn cầu này của những công dân vô tội đang được bảo hộ bởi luật pháp, mọi người dân đều thấy rõ sự bạc nhược (vì bị xem thường bởi tội phạm) và sự vô pháp (không thực thi chức trách bảo hộ người dân vô tội dù chứng kiến hoặc được báo tới sự việc) của chính những lực lượng có thẩm quyền và nghĩa vụ bảo vệ nhân dân. Trong trường hợp này, nhân dân toàn xã hội không cần biết bọn tội phạm đã tấn công nhân dân một cách bài bản, có kế hoạch và hung hãn kia là những ai, mà nhân dân chỉ nhìn nhận và đánh giá về sự không hoàn thành bổn vụ của lực lượng công quyền đang hiện diện tại khu vực có tội phạm đang hoành hành đó, thậm chí nhân dân còn nghi ngờ sự liên quan hoặc có những mối quan hệ ám muội với bọn tội phạm kia nên chúng mới có thể mặc sức ra tay tàn bạo với người dân vô tội đến như vậy ngay trước mặt hoặc được sự làm lơ của lực lượng công quyền từ xa. Chính quyền lúc này chỉ có thể nhận lấy sự ác cảm và những đánh giá tiêu cực của nhân dân, chứ không thể có điều gì để biện hộ được nữa. Và đó là một sự thách thức đối với cả hai phía.

Như đã nói, nếu chính quyền chỉ biết dùng vũ lực hoặc để cho các hành động như vậy tiếp diễn để cai quản quốc gia, đất nước đó sẽ không thể đạt được bất kỳ sự văn minh nào mà sẽ nhận lấy được là sự loạn lạc và suy mạt ngày càng trầm trọng. Nên trước hết, chính quyền phải là nơi trong sạch, nghiêm cấm về việc sử dụng vũ lực ngoài luật pháp từ chính mình và phải nhanh tay ngăn chặn mọi hành vi bạo lực từ những kẻ tự cho mình quyền nhân danh nhà nước hoặc lợi ích (cho là chính đáng) của đám có vị thế để ra tay tấn công người dân trong xã hội, nhất là những người có ý chí đấu tranh cho lẽ công bằng và bảo vệ người yếu thế trước các sai trái, bất công của những kẻ có quyền uy, chức vị tham lam, chỉ còn sự bất chính và bất lương làm phương tiện để đạt mục đích tước đoạt lợi ích từ những người khác cho cá nhân bọn chúng hưởng thụ.

Và điều đáng sợ hơn cả đối với một đất nước đó là, khi một chính quyền đã không còn đủ khả năng hoặc sự chính danh để đảm bảo công lý, người dân trong xã hội sẽ tự mình thực thi công lý theo cách của mình. Lúc đó, không gì có thể kiểm soát được sự loạn lạc mà nó đưa tới.


----------------------------

XEM THÊM

Pháp Luật Plus 
10/02/2019

Chỉ trong 5 ngày nghỉ Tết, cả nước đã ghi nhận 3.442 ca khám, cấp cứu do đánh nhau. Thực ra, con số này cũng không gây bất ngờ khi nhìn cách ứng xử của rất nhiều người Việt hiện nay…

Trong những ngày cả nước đang vui đón Xuân mới, một trong những thông tin không vui là chỉ trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi từ ngày 2/2 (28 Tết) đến sáng ngày 7/2 (mùng 3 Tết), các cơ sở y tế trên cả nước đã ghi nhận 3.442 ca khám, cấp cứu tai nạn do đánh nhau, 1.820 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi, thậm chí có ca tử vong.

Thực ra, con số này cũng không quá gây bất ngờ khi nhìn cách ứng xử của rất nhiều người Việt ở trên đường và ở nơi công cộng. Nhiều người khi tham gia giao thông, đường sá cứ như của riêng nhà mình, tha hồ chen lấn, xả rác, khạc nhổ… Nếu được nhắc thì họ nhìn người nhắc nhở như ở trên trời rơi xuống, có khi còn tỏ vẻ bực bội, khó chịu, thậm chí nhiều vụ án mạng đã xảy ra từ những việc cỏn con như vậy.

Còn nhớ cách đây không lâu, dư luận rất bức xúc về chuyện một đôi nam nữ lao vào hành hung 2 mẹ con chỉ vì người mẹ thấy đứa trẻ 2 tuổi chạy qua chạy lại ở giữa đường có đông xe lưu thông thì nhắc nhở trông cháu bé. Không những không cảm ơn, đôi nam nữ này còn lao vào đánh người tới tấp. Khi đứa con gái của nạn nhân lên tiếng “Mẹ cháu nhắc việc tốt, sao cô chú đánh mẹ cháu” thì liền bị họ cầm gậy, xà beng tấn công cả hai mẹ con đến nhập viện.

Chuyện “động chân, động tay” nhiều đến nỗi bất cứ chuyện gì người ta cũng có thể xông vào đánh nhau. Ra đường, nhìn nhau không cẩn thận cũng bị cho là nhìn đểu và có thể dẫn đến xô xát. Vào viện, bác sỹ chưa phục vụ kịp theo yêu cầu của bệnh nhân cũng có thể bị người nhà bệnh nhân truy sát. Trong đám cưới, tranh nhau hát cũng có thể xảy ra án mạng. Trên bàn nhậu, chúc rượu không uống hết cũng có thể bị giết… Thậm chí anh chị em trong nhà chỉ vì tranh cãi trong bữa ăn cũng dễ dàng xông vào đánh, chém lẫn nhau….

Vì sao người Việt lại dễ hung hăng đến như vậy? Trước hết là do thói xấu của “một bộ phận không nhỏ” người Việt. Không chỉ xấu xí khi tham gia giao thông, ở nơi công cộng mà là từ trong ý thức, tư tưởng của rất nhiều người.

Khi vào bệnh viện hay chỗ nào cần xếp hàng, nhiều người sẵn sàng dùng “thủ đoạn” để được lên trước. Có lần con gái tôi bị đau ruột thừa, phải xếp hàng chờ siêu âm ở một bệnh viện có tiếng ở Hà Nội. Khi đến phòng siêu âm, số thứ tự của con gái tôi chỉ cách người đang khám chỉ hơn chục người, nhưng hơn 2 tiếng sau, con gái tôi mới được vào khám. Vào trong phòng khám, tôi mới vỡ ra ở đây còn có một cửa ngách, nhiều người chỉ việc kẹp tiền vào giữa quyển sổ và đi bằng cửa này là được “ưu tiên”.

Một bộ phận người Việt xấu xí trong chính sự thờ ơ, vô cảm của mình. Khi ra đường, họ sẵn sàng đi qua khi thấy người khác gặp nạn, sẵn sàng lao vào hôi của khi ai đó không may làm rơi đồ ra đường. Đến ngay cả nơi cửa Phật, nhiều người còn quay lại quát nạt những người tàn tật, ăn xin lỡ làm phiền họ…

Rồi đến việc xin học cho con, không ít người sẵn sàng đi “cửa sau”, phong bao, phong bì, lo lót để con được vào trường điểm, lớp chọn. Đến cả điểm thi vào Đại học, thi học sinh giỏi… người ta cũng sẵn sàng gian lận. Khi đi làm thủ tục hành chính, có lót tay, phong bao, phong bì… thì đỡ bị hành, công việc được trôi chảy.

Trong cơ quan công quyền, việc chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích không còn là chuyện râm ran cửa miệng mà đã là chuyện đang xảy ra ở “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hoá biến chất”. Nó nguy hiểm đến mức Đảng ta và người đứng đầu Đảng ta coi việc dẹp bỏ tình trạng này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ngoài nhiều tính xấu xí đang ngự trị trong không ít người Việt, còn có nguyên nhân quan trọng là đa số người Việt không nắm rõ luật. Họ không biết quyền và nghĩa vụ của mình đến đâu, thực hiện như thế nào. Nhiều vị ĐBQH đã từng phải thốt lên “chúng ta có hàng nghìn luật, nhưng chủ yếu mọi người hành xử với nhau bằng luật rừng”.

Cùng với đó, việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng chưa nghiêm khiến cho nhiều người bị “nhờn” luật. Trong một số vụ án, việc đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật vẫn còn hạn chế làm nhiều người thiếu lòng tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Điều dễ thấy nhất là khi ra đường, vẫn phổ biến tình trạng người vi phạm giao thông “xin”, gọi điện cho "người thân", hoặc “lót tay” CSGT để được bỏ qua. Nhiều người vẫn có tâm lý “chạy chọt”, trong đó có cả “chạy tội” nên họ sẵn sàng coi trời bằng vung.

Vì thế, khi chưa có giải pháp hữu hiệu để thay đổi ý thức của một bộ phận người Việt xấu xí, cùng với việc tuyên truyền pháp luật, xây dựng ý thức thực hiện pháp luật là văn hoá thường ngày trong mọi người dân, giải pháp quan trọng nhất và cần phải thực hiện nghiêm là không có “vùng cấm”, xử lý quyết liệt những người vi phạm.

Có như thế, những kẻ “hung hăng” và sắp “hung hăng” mới thực sự thấy rằng “chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ”./.






No comments: