Sunday, February 10, 2019

THỔ NHĨ KỲ LÊN ÁN TRUNG QUỐC ĐÀN ÁP NGƯỜI DUY-NGÔ-NHĨ (tổng hợp)






Thụy My – RFI
Đăng ngày 10-02-2019

Thổ Nhĩ Kỳ tối 09/02/2019 tố cáo việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là « nỗi nhục nhã cho nhân loại » và đòi hỏi đóng cửa các trại cải tạo ở Tân Cương. Đây là phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của một quốc gia Hồi Giáo lớn, trong khi lâu nay chỉ có các tổ chức phi chính phủ lên tiếng.

Ảnh tư liệu: Một người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), phản đối Trung Quốc trấn áp cộng đồng thiểu số theo Hồi Giáo, ngày 06/11/2018. REUTERS/Murad Sezer

Phát ngôn viên Hami Aksoy của bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố : « Chính sách đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ một cách có kế hoạch của chính quyền Trung Quốc là nỗi nhục nhã cho nhân loại. Tình trạng trên một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giam tùy tiện, bị tra tấn và tẩy não trong các trại cải tạo và nhà tù không còn là điều bí mật đối với bất kỳ ai nữa ».

Ông Aksoy tố cáo thêm : « Những người Duy Ngô Nhĩ không bị giam giữ trong các trại cải tạo Trung Quốc cũng phải chịu áp lực rất lớn ». Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc « chấm dứt thảm kịch nhân loại đang diễn ra tại Tân Cương ».

Trong thông cáo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết là Abdurehim Heyit, một nhà thơ Duy Ngô Nhĩ đã bị chết trong ngục tù Trung Quốc. Người phát ngôn khẳng định: « Sự kiện bi thảm này khiến công luận Thổ Nhĩ Kỳ càng phẫn nộ hơn trước những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Tân Cương ».

Tuần trước, nhiều tổ chức phi chính phủ như Human Rights Watch và Amnesty International đòi hỏi lập ra một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc về các điều kiện giam giữ và việc « tẩy não chính trị » đối với hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi Giáo khác tại Tân Cương.

Trước đó vào tháng Giêng, Bắc Kinh nói rằng sẽ đón tiếp các viên chức Liên Hiệp Quốc nếu họ tránh « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ».

Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thiểu số theo đạo Hồi khác như người Kazakhstan - tức gần 10% dân số Tân Cương - đang bị nhốt trong các trại cải tạo, không có bất kỳ quyền tư pháp cơ bản nào, và bị đối xử tệ hại.

Cho đến nay, các quốc gia Hồi Giáo chủ chốt vẫn chưa lên tiếng về chủ đề này, sợ ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.

--------------------------------
BBC Tiếng Việt
10/2/2019

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa các trại giam sau khi có tin nói một nhạc sĩ thiệt mạng

Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại giam giữ sau khi có tin về cái chết của một nhạc sĩ nổi tiếng thuộc sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Abdurehim Heyit được cho là đang thụ án 8 năm ở vùng Tân Cương, nơi có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ.

Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những người này đang bị "tra tấn" trong các "trại tập trung".

Một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đang đi qua trạm kiểm soát an ninh ở một khu phố. GETTY IMAGES

Trung Quốc mô tả các bình luận này là "hoàn toàn không thể chấp nhận".

Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Tân Cương mạn tây bắc Trung Quốc, vùng đất đã bị chính quyền Trung Quốc giám sát nghiêm ngặt.
Ngôn ngữ của họ gần với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và một số lượng đáng kể người Duy Ngô Nhĩ đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ từ Trung Quốc trong những năm gần đây.

Cho đến nay, rất ít quốc gia có đa số dân số người Hồi giáo cùng lên án trên trường quốc tế về những cáo buộc này. Giới phân tích nói rằng nhiều nước sợ sự trả đũa chính trị và kinh tế từ Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Bảy 09/2/2019, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hami Aksoy nói:
"Không còn là bí mật nữa mà hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ tùy tiện và phải chịu tra tấn, tẩy não chính trị trong các nhà tù, ngoài ra những người không bị giam giữ cũng phải chịu "những áp lực rất lớn".
"Việc quay trở lại của các trại tập trung trong thế kỷ 21 và chính sách đồng hóa có hệ thống của chính quyền Trung Quốc chống lại người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ là một bối rối lớn đối với nhân loại", ông Aksoy nói.

Ông cũng nói rằng tin tức về cái chết của nhạc sĩ Heyit "thúc đẩy hơn nữa phản ứng của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương" và kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "thực hiện các bước hiệu quả để chấm dứt thảm kịch nhân đạo" ở đó.

Các nhóm nhân quyền nói người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ vô thời hạn mà không được đưa ra tòa do các hành vi như từ chối cung cấp mẫu DNA, nói ngôn ngữ thiểu số hoặc tranh luận với các quan chức.

Phản ứng của Bắc Kinh?

Trong một tuyên bố được hãng tin AP trích dẫn, Trung Quốc thông qua đại sứ quán của họ ở Ankara kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ rút lại "những cáo buộc sai trái".

"Cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều phải đối mặt với nhiệm vụ gian khó là chống khủng bố. Chúng tôi phản đối việc duy trì tiêu chuẩn kép trong vấn đề chống khủng bố", tuyên bố nói.
"Chúng tôi hy vọng phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hiểu đúng về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc triển khai hợp pháp các biện pháp nhằm chống khủng bố và cực đoan một cách hiệu quả, rút lại các cáo buộc sai lầm và thực hiện các biện pháp để loại bỏ các tác động có hại của chúng."

Bắc Kinh tuyên bố rằng các trại giam ở Tân Cương là "trung tâm giáo dục nghề nghiệp" được thiết kế để giúp vùng này thoát khỏi khủng bố.

Phát biểu vào tháng 10/2018, quan chức hàng đầu của Trung Quốc tại Tân Cương, Shohrat Zakir, cho biết "các thực tập sinh" trong các trại rất biết ơn về cơ hội được "suy ngẫm về những sai lầm của họ".

*
*
LIÊN QUAN


-----------------------------
VnExpress
Chủ nhật, 10/2/2019

Ankara cho rằng người Duy Ngô Nhĩ bị giam phải chịu "tra tấn", "tẩy não chính trị", trong khi những người không bị giam cũng chịu áp lực rất lớn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy. Ảnh: Anadolu.

"Các chính sách đồng hóa có hệ thống của nhà chức trách Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là nỗi hổ thẹn lớn cho nhân loại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy tuyên bố hôm 9/2, theo AFP. "Không còn là bí mật khi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt tùy tiện phải chịu tra tấn và tẩy não chính trị tại các trung tâm và nhà tù tập trung".

Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm ngoái cáo buộc Trung Quốc lấy lý do chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và duy trì ổn định xã hội để biến khu tự trị của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thành trại giam. Ủy ban cáo buộc Bắc Kinh giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các "trại cải huấn chính trị" tại khu tự trị Tân Cương.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định những người Duy Ngô Nhĩ không bị giam trong các trại tập trung cũng chịu áp lực rất lớn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "thực hiện các bước hiệu quả để chấm dứt thảm kịch của con người ở khu vực Tân Cương".

Aksoy cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã biết về cái chết "bi thảm" của nhà thơ và nhạc sĩ người Duy Ngô Nhĩ Abdurehim Heyit. "Chúng tôi rất buồn khi biết nhà thơ Abdurehim Heyit, người bị kết án 8 năm tù vì các sáng tác của mình, đã chết khi đang bị giam năm thứ hai," ông nói. "Sự việc bi thảm này củng cố thêm phản ứng của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở khu vực Tân Cương".

Tân Cương cách Thổ Nhĩ Kỳ hàng nghìn km nhưng người Duy Ngô Nhĩ và người Thổ Nhĩ Kỳ có ngôn ngữ và văn hóa rất gần gũi do cùng là những nhóm sắc tộc gốc Thổ. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các nước Hồi giáo không lên tiếng về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương do Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng.

Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương năm 2009. Ảnh: AFP.

Trung Quốc từ lâu khẳng định Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phiến quân Hồi giáo và những người ly khai. Các nhóm này đã tấn công và khuấy động căng thẳng giữa thiểu số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ với dân tộc Hán.

Trung Quốc luôn bác bỏ báo cáo của Liên Hợp Quốc về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, khẳng định các "trại cải huấn chính trị" là những "trung tâm đào tạo nghề" để giúp người Duy Ngô Nhĩ tránh xa khủng bố và tái hòa nhập xã hội. Mỹ nhiều lần chỉ trích và dọa sẽ trừng phạt quan chức Trung Quốc bị cáo buộc giám sát các chính sách ở Tân Cương cũng như các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các trại giam và tạo ra các hệ thống giám sát người Duy Ngô Nhĩ.

*
*
LIÊN QUAN








No comments: