Saturday, October 27, 2018

DỊCH 'TỰ DIỄN BIẾN' SANG TIẾNG ANH NHƯ THẾ NÀO? (Anh Cả Lý - Luật Khoa)




Posted on 27/10/2018

Bạn bè hỏi sao mấy tháng qua không thấy Anh Cả Lý trên Luật Khoa.

Anh Cả Lý chẳng qua lười viết nhưng thừa mứa sĩ diện, bèn vuốt râu bình thản như Gia Cát Lượng gẩy đàn đuổi vạn quân ở Tây Thành, rồi bảo bạn bè: “Anh chúng mày đang bận… tự diễn biến! Đọc mấy bài trước viết chán quá, vừa dài vừa khó hiểu!”

Ai dè, cái cụm “tự diễn biến” như… Tào Tháo. Hôm trước vừa nhắc tên, hôm sau đã thấy mặt.

Giáo sư Chu Hảo, một trí thức được trọng vọng trong nước, vừa bị Đảng Cộng sản Việt Nam “đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật”, vì ông Hảo “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’”.

Cụ thể giáo sư Chu Hảo làm gì để bị Đảng của ông ta ghét như thế?

Ông Hảo là Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức. Trên cương vị này, ông đã giúp biên tập và cho xuất bản nhiều cuốn sách về chính trị và triết học.

Những cuốn sách này vốn có nội dung “trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”. (Nói trắng ra là làm Đảng “đêm ngủ giật mình, mồ hôi túa trán”, Nhà nước thì dĩ nhiên là của Đảng, Đảng buồn nước có vui đâu bao giờ.)

Thế ra là bác nào đảng viên mà làm ra cái gì “trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng” thì cứ bị Đảng xem là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hết.

“Tự diễn biến” với “tự chuyển hóa” từ lâu đã đi từ các văn kiện Đảng vào trong ngôn ngữ dân gian, được nhiều người dân sử dụng thay thế (thường theo một cách giễu cợt) cho những khái niệm đời thường hơn.

Khi có ý tích cực thì “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể được hiểu là “tự thay đổi bản thân”, “tự cố gắng cải thiện công việc, nghề nghiệp (của bản thân)”, “tự thay đổi quan điểm cá nhân” v.v.

Khi có ý tiêu cực thì các từ đó lại có thể được hiểu là “tự làm bản thân suy đồi”, “tự trở nên bất hảo hơn”, hay thậm chí là “tự (làm mình) sướng” theo nghĩa chỉ hành vi thủ dâm (dù là thủ dâm thể chất hay tinh thần).

Vì thế, chuyện giáo sư Chu Hảo bị Đảng “ghè” thế nào người Việt mình chém gió với nhau chắc ai cũng hiểu, nhưng đem ra kể với mấy anh chị Tây thì hơi khó à nha.

Đầu tiên, dịch “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang tiếng Anh ra sao hè? Tưởng dễ mà không đâu à!

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa = “self-evolution”, “self-transformation”?

Muốn biết dịch “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang tiếng Anh thế nào cho chuẩn, chi bằng hỏi luôn… khổ chủ của các cụm từ này: Đảng Cộng sản Việt Nam.

May một cái là Đảng mình trong thế kỷ 21 cũng hội nhập lắm, bài vở tiếng Anh tiếng U đầy đủ công khai cho bạn bè thế giới vào đọc.

Anh Cả Lý mới “hỏi cung” cụ Google vài câu là cụ sợ quá khai ra ngay ra một bài bằng tiếng Anh của Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, giải thích đầy đủ luôn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là gì.

Tạp chí Quốc phòng Toàn dân thì cụ Wiki rón réng méc cho là “trực thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng là cơ quan lý luận quân sự và chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng”.

Vậy chắc Anh Cả Lý đánh đồng quan điểm của Tạp chí Quốc phòng Toàn dân là quan điểm của Anh Cả Trọng thì chắc cũng không anh em hồng quân nào thắc mắc hen!

À thì Tạp chí Quốc phòng Toàn dân nói rằng “tự diễn biến” là self-evolution (tờ tạp chí cũng sốt sắng viết tắt luôn cho bà con bạn đọc là “SE”), còn “tự chuyển hóa” là “self-transformtion” (“ST”).

“Tự chuyển hóa” dịch ra “self-transformation” thì Anh Cả Lý thấy OK.

Nhưng dịch “tự diễn biến” sang “self-evolution” thì Anh Cả Lý e là Đảng hình như đang… bắn vào chân Đảng.

Cụm từ “diễn biến” là một cụm từ gốc Hán-Việt bao gồm từ “diễn” () và từ “biến” ().
Diễn” trong tiếng Hoa bao gồm một số nghĩa chính “kéo dài”, “mở rộng”, “triển khai”. “Biến” thì mang các nghĩa “thay đổi”, “biến đổi”, “đổi khác”.

Khi đi cùng nhau và được dịch sang tiếng Anh, “diễn biến” (được dịch thành “evolution” và được giải thích với các nghĩa “to develop” (phát triển), “to evolve” (tiến hóa), “development” (phát triển) và “evolution” (tiến hóa).

“Diễn biến” như vậy không đơn thuần chỉ là “chuyển biến” hay “thay đổi”.

Trong tiếng Việt, có cụm từ “chuyển biến” cũng có gốc Hán-Việt là 轉變, mang nghĩa đơn thuần và trung tính chỉ sự “thay đổi” (change).

Tuy nhiên, “evolution” trong tiếng Anh hiện đại lại có một connotation (nghĩa rộng, hàm ý) mang tính tích cực.

“Evolution” bao hàm sự phát triển (development), tức là chỉ sự đi lên dần dần từ bậc thấp hơn lên bậc cao hơn.

“Evolution” khi được dịch sang tiếng Việt thường được dịch nhiều nhất không phải là “thay đổi đơn thuần” mà là “tiến hóa”.

“The Theory of Evolution”, lý thuyết khoa học lừng danh của nhà bác học Charles Darwin về sự thay đổi di truyền sinh học qua nhiều thế hệ, khi được dịch sang tiếng Việt không phải là “Thuyết chuyển biến”, mà là “Thuyết tiến hóa”.

Động từ của “evolution” là từ “evolve” thì được Từ điển tiếng Anh của Đại học Cambridge giải thích là “to develop gradually, or to cause something or someone to develop gradually” (việc phát triển từ từ, hay là làm cho cái gì đó hay ai đó phát triển từ từ).

Từ điển tiếng Anh của Đại học Oxford giải thích hai nghĩa chính và rộng nhất của “evolution” là:

The process by which different kinds of living organism are believed to have developed from earlier forms during the history of the earth.” (Quá trình mà nhiều dạng cơ thể sống được cho là đã phát triển qua, từ các dạng trước đó trong lịch sử của trái đất)

Hoặc:

The gradual development of something.” (Sự phát triển dần dần của một cái gì đó)
Liên quan đến thuyết tiến hóa, trang blog của Từ điển Oxford (trực thuộc đại học Oxford – Anh) còn có một bài giải thích rằng bản thân nhà bác học Darwin đã rất lưỡng lự trong việc dùng từ “evolution” trong các giải thích khoa học của ông, bởi vì ông chưa chắc chắn về ý niệm “phát triển” trong các thay đổi di truyền sinh học.

Bài viết cũng cho biết nhiều nhà sinh vật học thời hiện đại thường phải giải thích thêm khá dài dòng, rằng “Theory of Evolution” nghe dzậy mà hổng phải dzậy.

Rằng cái đang được gọi là “Theory of Evolution” chỉ là nói về quá trình thay đổi đơn thuần (a process of change) mà không có ý nói rằng các thay đổi đó về lâu về dài có thể được xem là “phát triển”, là “cấp tiến” (progress) hay không (nếu cho chọn lại từ đầu chắc các nhà sinh vật học sẽ chọn gọi là Theory of Change cho tiện!).

Tức là, “evolution” tự nó đã bao hàm ý phát triển, cấp tiến.

Và trong văn cảnh thông thường, sẽ dễ làm những người nói tiếng Anh bản ngữ nghĩ ngay đến quá trình phát triển đi từ thấp lên cao trong sinh vật học.

Vì vậy, khi kể chuyện giáo sư Chu Hảo cho mấy anh chị Tây nói tiếng Anh, thể nào các cô cậu người Việt cũng phải khoa chân múa tay một hồi để giải thích cho rõ:

Vị giáo sư Chu Hảo đáng kính không phải đang khi không tự nhiên to lên gấp hai người thường, mọc cánh, và khè ra được bão lửa như chú Pokemon Charmeleon “tự tiến hóa” thành chú Pokemon Charizard.

Cái “diễn biến/tiến hóa” ở đây là nói về tư tưởng chính trị, nhận thức và suy nghĩa cá nhân của ông Hảo. Vì ông Hảo đã tự có “evolution” về tư tưởng nhận thức nên Đảng Cộng sản Việt Nam không hài lòng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ghét “phát triển”?

Nghe giải thích như trên, mấy cô cậu Tây có thể chừng hửng:

Ủa, vậy evolution là phát triển tư tưởng nhận thức từ chỗ thấp lên chỗ cao hơn mà? Thế là việc tốt chứ nhỉ? Sao Đảng lại không thích? Hay Đảng muốn tư tưởng nhận thức của đảng viên chỉ dậm chân tại chỗ hoặc đi thụt lùi?

Sau khi cười hà hà về cái sự gà của các cô cậu Tây, các cô cậu Việt có thể chọn một (hoặc nhiều hơn) các cách giải thích như sau:

Cách thứ nhất: Đâu có, Đảng là đảng tinh hoa tiên phong ưu tú lãnh đạo đất nước thì sao mà có thể tự nhận với toàn thế giới là ghét sự phát triển nhận thức trong đội ngũ của họ được!

Đảng Cộng sản Việt Nam đang muốn trừng phạt ông Hảo không phải vì ông “tự phát triển” từ một nhận thức thấp hơn lên một nhận thức cao nào đó, mà bởi vì ông Hảo có những nhận thức đi ngược lại các quan điểm của đảng thôi.

Việc dùng từ “evolution” ở đây chỉ là một cách dịch tiếng Anh không chuẩn từ “chuyển biến” vốn mang nghĩa “thay đổi” đơn thuần.

Cách thứ hai: Đâu có, Đảng là đảng tinh hoa tiên phong ưu tú lãnh đạo đất nước thì sao mà có thể tự nhận với toàn thế giới là đảng ghét sự phát triển nhận thức trong đội ngũ của họ được!

Nhưng sự phát triển nào cũng phải trong tầm kiểm soát, “tiến hóa” mà “tiến hóa” hơn cả Đảng thì Đảng sẽ dỗi, không thèm cho chơi cùng Đảng nữa. Đảng lâu lâu hơi “trẻ con” tí cho nó teen ấy mà!

Cách thứ ba: Đảng Cộng sản Việt Nam thù ghét sự phát triển đi lên từ thấp lên cao trong nhận thức và tư tưởng của các thành viên đảng họ.

Việc dùng từ “self-evolution” để dịch “tự diễn biến” hoàn toàn xác nhận quan điểm rõ ràng đó của Đảng, rằng mọi sự phát triển về tư tưởng nhận thức đều có hại cho Đảng.

Bạn đọc chọn cách giải thích nào là tùy bạn đọc nghen.

Bạn nào muốn làm “self-evolution” theo kiểu giáo sư Chu Hảo có thể vào xem trang facebook của Nhà xuất bản Trí Thức và mua sách của nhà xuất bản này trên Tiki.vn.

Còn Anh Cả Lý thì … đi làm “self-evolution” tiếp đây!






No comments: