Wednesday, March 22, 2017

UKRAINE LÀ LÝ DO NGA CAN THIỆP VÀO BẦU CỬ MỸ ? (Samuel Charap & Timothy J. Colton - Project Syndicate)




Samuel Charap & Timothy J. Colton  -  Project Syndicate
Biên dịch: Nguyễn Văn Đáp | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 23/03/2017 by The Observer

Donald Trump vừa chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhưng những nghi vấn về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử thì vẫn còn đó. Và một câu hỏi chính thường bị bỏ quên là: tại sao Putin lại làm như vậy?

Tất nhiên, không khó để đoán lý do tại sao Putin lại thích Trump làm đối thủ của mình hơn là cựu Ngoại trưởng Hilliary Clinton. Nhưng có một sự khác biệt giữa việc hy vọng vào một kết quả (may rủi) với việc gắng sức và chấp nhận rủi ro để kết quả đó chắc chắn xảy ra. Theo quan điểm của chúng tôi, kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ, rằng thông qua việc giúp đỡ Trump, Kremlin đang thúc đẩy “mong muốn lâu dài của mình trong việc làm suy yếu trật tự dân chủ tự do do Mỹ dẫn đầu” là không hoàn toàn thuyết phục.

Sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ là chưa từng có tiền lệ. Mới chỉ ba năm trước đây, nó vẫn là chuyện không thể tưởng tượng được: dù mối quan hệ của phương Tây với Nga không phải là lý tưởng, và lộ rõ nhiều sự cạnh tranh, thì nó vẫn chủ yếu là sự hợp tác. Gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2013, Putin và Barack Obama đã ra một thông báo tái khẳng định “sự sẵn lòng tăng cường hợp tác song phương dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, và tôn trọng thực sự lợi ích của nhau.”

Mọi thứ đã thay đổi vào tháng 2 năm 2014, khi cuộc Cách mạng Maidan[1] lên đến đỉnh điểm với việc phế truất vị Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Bước phát triển này – và phản ứng của Putin –đã thay đổi một cách căn bản quan hệ của phương Tây với Nga.

Gần như ngay khi quyền lực thay đổi ở Kiev, chính sách đối ngoại của Kremlin đã trở nên hiếu chiến. Nga đã xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea, và sau đó bắt đầu ủng hộ một cuộc nổi dậy khó khăn nhằm đòi ly khai ở vùng Donbas của Ukraine. Mỹ và EU đã đáp trả bằng các lệnh trừng phạt ngày càng phức tạp và khắc nghiệt cùng một chiến dịch rộng lớn nhằm “cô lập” Nga về mặt ngoại giao.

Nga đã đưa cả những hành động quyết đoán của mình lên bầu trời, dẫn đến một số cuộc chám trán gay cấn giữa các máy bay chiến đấu của Nga với các phi cơ của phương Tây (cả dân sự và quân sự), và xuống dưới biển bằng việc đẩy mạnh các hoạt động tàu ngầm ở Bắc Đại Tây Dương tới mức tương đương với thời Chiến tranh Lạnh. Theo chính quyền Obama, đã có một sự tăng đột biến các vụ quấy nhiễu nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga.

Trên mặt trận chính trị, Kremlin bắt đầu ủng hộ các lực lượng hoài nghi và chống-EU. Và Nga đã dám ngăn cản cả các nỗ lực của phương Tây nhằm giải quyết các thách thức quốc tế chính, đáng chú ý nhất là cuộc nội chiến ở Syria. Các hiệp định lâu nay giữa Nga và Mỹ về an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân đã bị Nga từ bỏ một cách giận dữ. Tất cả những điều này lên đến đỉnh điểm trong vụ Nga cho rò rỉ các e-mail được cho là bị xâm nhập nhằm làm mất uy tín chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Trong khi những nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gắn liền với bối cảnh rộng lớn hơn là sự leo thang (căng thẳng) từ sau năm 2014, thì chúng vẫn chắc chắn thể hiện một sự thay đổi. Nga cũng có thể đã tấn công các chiến dịch của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, nếu xét đến khả năng (tấn công) mạng ghê gớm của nước này. Nhưng các cơ quan tình báo của nước này đã âm thầm phân tích thông tin, để cải thiện hiểu biết về những lãnh đạo tương lai của đối thủ tiềm tàng – một hành động không phải quá ghê gớm được thực hiện bởi một chính phủ.

Sự can thiệp vào cuộc bầu cử cũng đã thể hiện một rủi ro đáng kể đối với Nga. Dù chưa biết được mức độ mà các e-mail bị rò rỉ ảnh hưởng tới cuộc bỏ phiếu như thế nào, thì chắc chắn Kremlin đã phải trả giá cho hành động này, khi bị ghét bỏ bởi hầu hết công chúng Hoa Kỳ, cùng gần như toàn bộ giới tinh hoa chính trị Mỹ.

Quyết tâm của Kremlin nhằm đạt được mục đích ở Ukraine đã khiến Nga chấp nhận một rủi ro như vậy. Như các hành vi của Nga từ năm 2014 chỉ ra, chính phủ Nga cho rằng nguyên trạng hậu cách mạng ở Ukraine – cụ thể là sự lao đầu liều lĩnh về phương Tây của nước này – là một mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia Nga. Bằng việc sáp nhập Crimea, ủng hộ các phe ly khai Donbas, và trực tiếp mắng nhiếc phương Tây, Nga muốn thể hiện rõ ràng rằng nước này sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được lợi ích mà nước này mong muốn.

Nhưng phương Tây lại không hợp tác. Bất chấp sự leo thang của Kremlin, cả Mỹ và EU đều từ chối cuộc đàm phán mà Nga mong muốn, và tiếp tục hỗ trợ việc hội nhập của Ukraine vào EU và NATO. Và, dù lời mời Ukraine chính thức tham gia cả hai tổ chức này trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ là một khả năng xa vời, thì chúng cũng chưa hoàn toàn bị loại bỏ.

Một lần nữa nó thể hiện rõ ràng rằng các nhà hoạch định chính sách phương Tây không muốn nhượng bộ, và Kremlin rõ ràng đã quyết định cố gắng tìm người thay thế họ. Nếu xét quyết tâm của Nga trong việc duy trì ảnh hưởng ở Ukraine, một giải pháp bao trùm (tính tới lợi ích của các phe thân Nga) có thể là cần thiết để ngăn chặn Kremlin không theo đuổi những lựa chọn hung hăng hơn nhằm khẳng định lập trường của mình.

Việc nhận thức được thực tế không thoải mái này không nên khiến phương Tây phải đầu hàng Nga. Thay vào đó, phương Tây nên ủng hộ mạnh mẽ hơn cho đối thoại cởi mở và đàm phán cứng rắn – chính xác là những gì đang thiếu trong chính sách của phương Tây về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như toàn bộ khu vực Á-Âu hậu Xô-viết. Chúng ta đã lâm vào tình thế hiện nay bởi cả Nga và phương Tây đã mất hơn một thập niên tìm kiếm lợi thế đơn phương và né tránh các thỏa hiệp từ đàm phán.

Việc tổ chức đàm phán trong bầu không khí thiếu tin tưởng, trả đũa lẫn nhau và kích động thù hận hiện nay sẽ đòi hỏi một sự đầu tư dài hạn vốn liếng chính trị trong một thời kì liên tục. Việc thoát ra khỏi cách tiếp cận mang tính thù địch hiện nay để tìm điểm chung sẽ cần thời gian. Một thỏa thuận nhanh chóng là không thể.

Như sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ đã chứng minh rõ ràng, những hệ quả của việc cho phép cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp diễn đã lan ra ngoài biên giới nước này. Để tìm kiếm một điểm cân bằng ổn định mới trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, tất cả các bên phải nhanh chóng có một nỗ lực thiện chí nhằm giải quyết vấn đề này.

*
Samuel là Nghiên cứu viên Cao cấp về Nga và khu vực Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế. Ông là đồng tác giả của cuốn Everyone Loses: The Ukraine Crisis and the Ruinous Contest for Post-Soviet Eurasia.
Timothy J. Colton là Giáo sư về Quản trị Chính quyền và Nga tại Đại học Harvard. Ông là đồng tác giả của cuốn Everyone Loses: The Ukraine Crisis and the Ruinous Contest for Post-Soviet Eurasia.
—————
[1] Maidan, viết đầy đủ là Maidan Nezalezhnosti (Quảng trường Độc lập), chỉ nơi đầu tiên những người biểu tình tập trung để phản đối chính phủ, ủng hộ việc hội nhập với châu Âu, khởi đầu cho cuộc Cánh mạng Maidan (Maidan Revolution). Cũng chính từ đây, thuật ngữ EuroMaidan xuất hiện, đầu tiên là trên Twitter, và được sử dụng rộng rãi trên báo chí để chỉ phong trào này (ND)

Nguồn: Samuel Charap & Timothy J. Colton, “ The US Election and the Ukraine Connection”, Project Syndicate, 24/01/2017.




No comments: