Monday, March 20, 2017

TRÊN ĐẤT MỸ, AI CŨNG NHƯ AI (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Saturday, 18/03/2017 - 08:35:12

Cái tựa của bài báo “Trên đất Mỹ, ai cũng như ai,” dịch từ câu “anybody can be anybody in America,” của Phó Tổng Thống Michael Richard Pence. Giữa những khó khăn của người Nam Mỹ (Latino) vì chính sách gắt gao của chính phủ Hoa Kỳ đối với người di dân bất hợp pháp, ông bảo các lãnh tụ Latino là ông nội của ông -ông Richard Michael Cawley- cũng thuộc thành phần không được chấp nhận di cư vào lãnh thổ Hoa Kỳ, vì ông Cawley là người Irish - Ái Nhĩ Lan.

Năm đó Ái Nhĩ Lan tuyên bố độc lập, rút ra khỏi nền cai trị của Anh Quốc, nên chính phủ Mỹ, gồm nhiều chính khách gốc người Anh không nhận di dân Ái Nhĩ Lan. Ông Cawley phải từ Ái Nhĩ Lan sang Anh, rồi mượn địa chỉ Anh để xin di cư qua Mỹ.

Ông được mô tả là “một hành khách trẻ mua vé hạng ba trên chiếc tàu buôn Andania, gầy gò, mắt mầu xám,” rời bỏ cố hương để trốn tránh chiến tranh và nghèo đói. Chiếc Andania cặp bến New York Harbor ngày 11 tháng Tư, 1923.

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2017/3/18-Mar-2017/0318ndt1.jpg
Di ảnh của người di dân Richard Michael Cawley, ông nội của Phó Tổng Thống Mike Pence.


Cawley là con một ông thợ may, năm 20 tuổi ông sang Mỹ theo con đường di dân mà một người anh ruột đã đi trước. Định cư tại Chicago, nơi có nhiều người Ái Nhĩ Lan sinh sống, và có nhiều giáo đường Thiên Chúa Giáo, ông xin được job lái xe bus cho thành phố, và hát trong ca đoàn nhà thờ mỗi tối thứ Bảy, rồi cưới vợ -một nữ giáo viên.

Với thâm niên di dân, Cawley trở thành công dân Mỹ, hãnh diện đi diễn hành trong ngày lễ St. Patricks Day, hãnh diện trở về thăm cố hương Ái Nhĩ Lan, và được một cậu em họ khen là “bảnh bao giống hệt một người Mỹ thật.”

Nhiều người Âu Châu di cư sang Mỹ cũng hãnh diện vì họ “giống hệt một người Mỹ thật,” nhưng phó tổng thống vẫn thích nhắc về cụ Cawley, người mà ông gọi là “người đàn ông kiêu hãnh nhất đời,” và cũng là “người đàn ông tuyệt vời nhất mà tôi được biết.”

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2017/3/18-Mar-2017/0318ndt3.jpg
Cawley trở thành công dân Mỹ, trở về thăm cố hương Ái Nhĩ Lan, và được một cậu em họ khen là 'giống hệt một người Mỹ thật.'

Là người di dân Ái Nhĩ Lan thế hệ thứ ba, Phó Tổng Thống Pence, có vẻ vẫn chưa quên nguồn gốc của mình. Mẹ ông, bà Nancy Pence Fritsch, 84 tuổi, nhận xét, "nó thương ông nội nó lắm, ông cụ qua đời năm 1980."

Nhiều ký giả Mỹ đang lục lọi hồ sơ di dân tìm mọi chi tiết về cuộc sống của cụ Cawley, để hiểu cái di sản ông để lại cho cậu cháu nội.

Họ hỏi những người anh của Phó Tổng Thống Pence về những ngày anh em còn nhỏ, sống chung dưới cùng một mái nhà, và được biết cái ảnh hưởng lớn nhất của ông cụ để lại là tính tình quảng đại, dễ thông cảm với quan điểm của người khác. Ông Gregory Pence -anh cả của Phó Tổng Thống Pence- nói cụ Cawley kính phục hai vị tổng thống Franklin D. Roosevelt và John F. Kennedy; ông còn cung cấp cho những ký giả săn tìm di sản cụ Cawley tấm chân dung ông nội ông chụp chung với bà vợ.


Ông Pence từ chối không nhận phỏng vấn về cụ Cawley, người phát ngôn viên của phó tổng thống Marc Lotter cũng chỉ nói là cụ Cawley vào Mỹ qua Ellis Island. Phóng viên truyền thông tìm đến văn khố Ellis Island Immigration Museum, và được ông Barry Moreno -quản thủ văn khố và sử gia cho coi danh sách hành khách đáp chuyến tầu Andania, và một văn thư năm 1936 xác nhận là ông cùng nhiều di dân khác được “lawfully admitted” -chấp nhận hợp pháp.

Phát ngôn viên Lotter nhìn nhận là người di dân Cawley không gặp những khó khăn quá đáng như người di dân hôm nay, vì “Ái Nhĩ Lan không liên quan gì đến khủng bố.”

Lập luận “Ái Nhĩ Lan không liên quan gì đến khủng bố,” không được truyền thông chấp nhận như căn bản chính trị khiến Phó Tổng Thống Pence bênh vực chính sách chống di dân của Tổng Thống Donald Trump, vì Mễ Tây Cơ và nhiều nước Trung và Nam Mỹ cũng không liên quan gì đến khủng bố.

Nhiều ký giả vẫn cho là ông Pence không trung thực với lập trường di dân của ông nội ông; họ kể lại là sau một bài diễn văn ông vừa đọc trước những thương gia người Latino, ông cam kết ông và Tổng Thống Trump sẽ “cư xử bằng tình người” trên những diễn tiến di dân.

Sau đó ông kể chuyện di dân của ông nội ông; ông nhắc lại giai thoại bà cố ông (mẹ ông Cawley) bảo con, "Mẹ chỉ mua vé một chiều đi cho con thôi, mà không mua khứ hồi, vì Hoa Kỳ là đất hứa, con sẽ lập nghiệp tại đó."

Pence còn nói cái vé từ Ái Nhĩ Lan sang Mỹ ngày đó giá $23.

Tiếp tục tìm về nguồn của Phó Tổng Thống Pence, phóng viên truyền thông ghi nhận ông Cawley sinh ngày mùng 7 tháng Hai, 1903, ông là đứa con thứ ba trong một gia đình Ái Nhĩ Lan sáu con. Gia đình ông sống tại làng Tubbercurry, quận Sligo. Một vài vị bô lão trong làng còn nhớ bố ông Cawley, mà họ gọi là “anh Dick thợ may” (Dick the Tailor).

Khó khăn di dân của ông Cawley là năm đó Hoa Kỳ đang sống trong phong trào chống di dân và chống Công Giáo; quốc hội do đảng Cộng Hòa kiểm soát ban hành đạo luật Emergency Quota Act of 1921, giới hạn việc di dân, trong những sắc dân bị giới hạn có người Ái Nhĩ Lan.

Nhiều người Ái Nhĩ Lan đã phải di cư sang Canada, một số, sau đó, lại từ Canada di cư sang Mỹ.

Sử gia Richard White, thuộc viện đại học Stanford viết là ông nội của chính ông -người Ái Nhĩ Lan- cũng phải khai là người Anh để từ Ái Nhĩ Lan di dân sang Chicago năm 1924. Thỉnh thoảng giáo sư White cũng mặc sắc phục đặc biệt của người nhạc sĩ bagpiper và thổi “kèn bọc” để tưởng nhớ ông nội.

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2017/3/18-Mar-2017/0318ndt6.jpg
Sắc phục đặc biệt của người nhạc sĩ bagpiper

Ông Pence nói với các thương gia Latino, "Xuống tàu ông nội tôi là người Ái Nhĩ Lan, nhưng ngày nằm xuống, ổng là người Mỹ; và nhờ ông mà tôi cũng là người Mỹ. Đó là ý nghĩa trang trọng của bức tượng Nữ Thần Tự Do."

Bài báo “nhắc nợ” Phó Tổng Thống Pence -món nợ “cháu nội người di dân”- mà không những không phủ nhận, ông Pence còn rất hãnh diện.

Đến đoạn này của câu chuyện, chúng ta phải ca ngợi Pence là người không quên nguồn, quên gốc, nhưng sắc lệnh trục xuất di dân mới bắt đầu thi hành tháng thứ nhất, mà đã bao nhiêu chia lìa, bao nhiêu nước mắt.

Thảm kịch còn tiếp diễn 47 tháng nữa. Liệu cháu cụ Cawley có làm được gì giúp người di dân không? (ndt)

-----------------------







No comments: