Nguyễn Văn Khanh
March 2, 2017
Vài giờ đồng hồ trước khi Quốc Hội Liên Bang nhóm họp
trở lại sau một tuần nghỉ lễ, ông Chủ Tịch Hạ Viện Cộng Hòa Paul Ryan và Thượng
Nghị Sĩ Trưởng Khối Ða Số Mitch McConnell vào Tòa Bạch Ốc họp riêng với Tổng Thống
Donald Trump.
Chủ Tịch Hạ Viện Cộng Hòa Paul Ryan (phải) và Tổng
Thống Trump. (Hình: Getty Images)
Sau cuộc thảo luận kéo dài gần một tiếng đồng hồ diễn
ra vào sáng Thứ Hai, 27 Tháng Hai 2017, ông Chủ Tịch Ryan cho báo chí biết “mục
tiêu của tổng thống và của Quốc Hội giống y hệt nhau,” nhấn mạnh “điều đó xác
nhận hành pháp, lập pháp có cùng một hướng đi chung để phục vụ cho người dân,”
cam kết “sẽ làm đúng những gì đã hứa với cử tri.”
Những điểm giống nhau về “mục tiêu” mà ông Chủ Tịch
Hạ Viện Cộng Hòa nói tới là những điều được chính Tổng Thống Trump trình bày
trong bài diễn văn đầu tiên ông đọc trước lưỡng viện Quốc Hội tối Thứ Ba, 28
Tháng Hai 2017, khi thông báo tăng ngân sách dành cho quốc phòng, tăng cường hoạt
động để tiêu diệt khủng bố ISIS, nhắc lại hứa hẹn hủy bỏ Obamacare, giảm thuế
cho người dân, xây bức tường ngăn chia biên giới với Mexico “để bảo vệ an ninh
quốc gia,” và yêu cầu Quốc Hội thông qua ngân khoản trị giá tới 1,000 tỷ
dollars để sửa chữa hệ thống giao thông, tạo thêm việc làm cho dân chúng.
Tất cả những điểm Tổng Thống Trump trình bày đều là
những điểm các vị dân cử Cộng Hòa lãnh đạo Thượng và Hạ Viện nói tới từ đầu
Tháng Mười Một năm ngoái, ngay sau khi kết quả cuộc bầu cử cho thấy đảng Cộng
Hòa nằm quyền điều khiển cả hành pháp lẫn lập pháp. Khác biệt lớn nhất: Tổng Thống
Trump đã công khai nền tảng chính sách trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên của ông,
nhưng Quốc Hội cùng đảng vẫn chưa biết phải làm gì để hoàn thành những điều Tòa
Bạch Ốc đưa ra, cho dù luôn luôn hãnh diện khoe “tất cả những điều tổng thống
muốn làm là những điều chính chúng tôi cũng muốn làm, chính cử tri cũng đang
trông đợi chúng tôi làm,” như lời Dân Biểu Luke Messer, chủ tịch Ủy Ban Hoạch Ðịnh
Chính Sách của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện nói với báo chí trước khi cùng các đồng
viện chào đón Tổng Thống Trump. Trước đó trong cuộc họp báo bỏ túi, ông Chủ Tịch
Hạ Viện Paul Ryan hãnh diện khoe “chúng tôi (Thượng và Hạ Viện) có kế hoạch để
thông qua tất cả những điểm đã bàn thảo với tổng thống.”
Nói thì dễ, nhưng làm thế nào để hoàn thành những mục
tiêu đó không phải là chuyện dễ. Ví Quốc Hội như một người thích “ăn cơm bao bụng”
(all you can eat buffet), chuyên gia về chính sách Joshua Stein cho rằng các vị
dân cử Cộng Hòa “món ăn nào cũng lấy và lấy thật nhiều, lấy đầy cả đĩa, nhưng
khi mang về bàn họ mới thắc mắc, không biết nên ăn món nào trước, và liệu có ăn
hết được hay không?”
Lấy
Obamacare làm thí dụ.
Dựa theo những gì các nhà lãnh đạo Cộng Hòa đã nói,
các nhà quan sát chính trị thủ đô nghĩ rằng trong tuần này hay trễ nhất là tuần
tới, Hạ Viện Cộng Hòa sẽ cho người dân thấy bản dự thảo về bảo hiểm y tế, nếu
được thông qua sẽ thay thế cho Obamacare. Tin rò rỉ từ hành lang Quốc Hội cho
hay theo đề nghị của Hạ Viện Cộng Hòa, “trong 12 cho đến 24 tháng tới, chính phủ
liên bang tiếp tục hỗ trợ cho những cá nhân hay gia đình có mức thu nhập thấp để
có thể mua bảo hiểm y tế, sau đó, tất cả đều phải bỏ tiền ra tự mua, nhưng cuối
năm sẽ được khấu trừ thuế (tùy theo mức thu nhập và tuổi tác).” Ðồn đãi cũng
cho thấy 2 điều quan trọng của Obamacare được các vị dân biểu Cộng Hòa giữ lại:
thứ nhất, sinh viên đại học được hưởng bảo hiểm y tế của cha mẹ cho đến năm 26
tuổi; thứ nhì, các hãng bảo hiểm không được từ chối bất cứ ai, kể cả những người
không may mắc các chứng bệnh nan y.
Dự luật chưa
được công bố, các vị dân cử chưa thảo luận, dư luận chống đối đã nổi lên ngay
trong đảng. Tại Hạ Viện, các vị dân biểu thuộc nhóm Tea Party bắn
tiếng cho hay không chấp nhận, lấy lý do dự luật nếu được thông qua “sẽ rất tốn
kém:” chứ không cắt giảm được chi phí chính phủ liên bang đang phải bỏ ra cho
Obamacare; ở Thượng Viện, một số thượng nghị sĩ cũng báo trước sẽ không ủng hộ,
chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz gọi dự luật “chỉ là một văn kiện sửa đổi
nửa vời,” không đi đúng với lời hứa “hủy bỏ và thay đổi toàn bộ” bộ luật quy định
mọi người đều phải có bảo hiểm và phải mua bảo hiểm. Thượng Nghị Sĩ Rand Paul
thì cho rằng những gì Quốc Hội Cộng Hòa đang làm “không những tốn tiền, mà còn
giảm bớt số người có bảo hiểm y tế,” chẳng ngần ngại mỉa mai “Hạ Viện Cộng Hòa
đang muốn làm việc đổi tên Obamacare thành một tên khác” chứ không hủy bỏ
Obamacare như đã hứa với cử tri.
Ngân
sách quốc gia cũng là một thí dụ.
Trước khi Tổng Thống Trump đọc bài diễn văn đầu
tiên, Tòa Bạch Ốc loan báo trong bản đề nghị ngân sách sẽ gửi cho Quốc Hội
trong tháng này, tổng thống sẽ yêu cầu tăng thêm 54 tỷ dollars cho ngân sách quốc
phòng và cắt giảm tiền của những bộ và các cơ quan khác, trong đó khoản tiền
dành cho Bộ Ngoại Giao bị cắt giảm tới hơn 30%.
Ý kiến tăng ngân sách quốc phòng tức khắc được sự ủng
hộ của Quốc Hội Cộng Hòa, nhưng cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện không tán thành các
khoản tiền sẽ bị cắt giảm. Dân Biểu Cộng Hòa Mike Simpson (Idaho) nói rằng
“ngân sách quốc gia không chỉ nhắm vào khoản tiền dành cho quốc phòng, mà còn
phải tính đến ngân khoản dành cho những chương trình khác nữa.”
Dân Biểu Rodney Frelinghuysen (New Jersey), chủ tịch
Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện, chia sẻ quan điểm đó, cho hay ông “nhiệt liệt ủng hộ
ý kiến tăng ngân sách quốc phòng” vì đó là một trong những điều cử tri cũng
mong muốn thấy, nhưng “giá trị của những chương trình khác cũng phải được cứu
xét tới,” không thể chỉ nghĩ đến quốc phòng mà quên đi hoạt động của những bộ
và cơ quan khác trong chính phủ.
Dân Biểu Cộng Hòa Charlie Dent (Pennsylvania) nhắc lại
theo đúng thông lệ, “tổng thống đề nghị ngân sách nhưng Quốc Hội sẽ quyết định
ngân sách.” Ông nói thêm “chúng tôi sẽ nghiên cứu đề nghị của hành pháp, sau đó
sẽ soạn thảo ngân sách cho quốc gia.” Ngân sách Quốc Hội Cộng Hòa đưa ra có thể
có số tiền Tổng Thống Trump muốn tăng cho Bộ Quốc Phòng, nhưng “cắt giảm những
nơi khác để dồn tiền về một chỗ là điều sẽ không xảy ra.”
No comments:
Post a Comment