Friday, March 3, 2017

CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM SAU CHUYẾN THĂM CỦA NHẬT HOÀNG (TS Đinh Xuân Quân)


Tiến Sĩ Ðinh Xuân Quân
March 2, 2017
Ngày 28 Tháng Hai, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko bắt đầu chuyến viếng thăm Việt Nam với mục đích thúc đẩy thiện chí quốc tế. Chuyến thăm kéo dài trong năm ngày và trong dịp này, hai người sẽ tham dự một số hoạt động tại Hà Nội, trước khi đến thăm cố đô Huế.
Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko tại Hà Nội. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Nhật Hoàng Akihito, hiện 83 tuổi, phát biểu với báo chí: “Chúng tôi hy vọng chuyến công du này sẽ giúp hai nước hiểu nhau hơn và góp phần vào sự phát triển tình hữu nghị song phương.”
Chuyến đi có tính biểu tượng cao và được dư luận, truyền thông rất quan tâm. Trọng tâm của chuyến đi là văn hóa, giao lưu, phản ánh xu hướng tăng cường quan hệ và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu rộng. Tại Hà Nội, nhà vua và hoàng hậu gặp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, các cựu học sinh, lưu học sinh đang học tiếng Nhật, đại diện trường Ðại Học Việt Nhật, đại diện làng trẻ em Birla và trường mù Nguyễn Ðình Chiểu cũng như các gia đình cựu binh sĩ Nhật tại Việt Nam.
Tại Huế, nhà vua và hoàng hậu thăm nhà tưởng niệm Phan Bội Châu. Người Nhật biết đến phong trào Ðông Du và tình bạn giữa Phan Bội Châu và rất nhiều người Nhật.
Chuyến thăm của Nhật hoàng theo ngay sau chuyến đi thứ ba của Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe trong năm 2017 vận động và tìm bạn Ðông Nam Á trong tranh chấp với Trung Quốc. Cuộc viếng thăm này nằm trong “chính sách mềm” của Nhật đối với Việt Nam, cũng giống chuyến viếng thăm của ông Abe ở Washington, DC, cam kết tăng cường đầu tư, tạo công ăn việc làm trên lãnh thổ Mỹ, và nhất là khẳng định liên minh vững chắc giữa Nhật và Hoa Kỳ. Ông được sự ủng hộ 100% từ miệng Tổng Thống Donald Trump khi Bắc Triều Tiên thử tên lửa. 
Ðầu tư lâu dài của Nhật
Nhật là một nước Á Châu có nhiều quan hệ với Việt Nam từ thế kỷ 16 và điểm đáng ghi nhớ là Hội An thời Nguyễn Hoàng. Trong lịch sử hiện đại, Nhật chiếm Ðông Dương năm 1940 và quân đội đóng tại đây đến khi đầu hàng năm 1945. Trong thời kỳ chiến tranh, Nhật có quan hệ đại sứ với VNCH và đã mở sứ quán tại Hà Nội vào Tháng Mười Một, 1975.
Sau khi chiếm Cambodia, Việt Nam bị thế giới cấm vận nhưng trong thời kỳ này thì Nhật vẫn có liên lạc thương mại với Việt Nam qua các công ty thương mại.
Sau cấm vận và sau khi Việt Nam vào ASEAN năm 1995, Nhật là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam kể cả đến ngày hôm nay (hơn $3 tỷ/năm) và tổng cộng viện trợ Nhật cho Việt Nam là trên $22 tỷ. Quan hệ Việt-Nhật còn được siết chặt thêm sau khi Trung Quốc kéo dàn khoan 981 vào lãnh hải Việt Nam năm 2014. Mới đây Nhật cũng viện trợ nhiều tầu đã sử dụng rồi cho cảnh sát biển Việt Nam và nay còn viện trợ thêm các tàu mới. 
Quan hệ chiến lược Nhật-Việt
Các lãnh đạo Việt Nam đều từng thăm Nhật, kể cả Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Các lãnh đạo Việt Nam có gặp ông Abe và hai bên đã xây dựng quan hệ chiến lược từ năm 2006. 
Quan hệ kinh tế
Kinh tế là quan trọng. Nhật là nước viện trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam, là nước đầu tư số hai, và là thị trường xuất khẩu thứ ba trong các trao đổi kinh tế thương mại chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Quan hệ kinh tế được tăng trưởng khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật năm 2016, mở đường cho một “quan hệ chiến lược.” Sau đó, năm 2008, hai nước ký hợp tác về kinh tế, trao đổi hàng nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, đầu tư, hợp tác nhân sự, du lịch và chuyên chở. Mức thuế hàng hóa Việt Nam nhập cảng vào Nhật sẽ giảm và 97%, hàng công nghiệp sẽ được hưởng mức thuế đặc biệt. Ngược lại, hàng Nhật vào Việt Nam chỉ chịu thuế trung bình 7%. Trong 10 năm, tỷ lệ thuế của hai bên sẽ được giảm như tự do mậu dịch. Sau đó, nhân chuyến viếng thăm năm 2011, ông Dũng được Nhật hoàng tiếp.
Thương mại hai bên trên $30 tỷ, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Nhật cũng là nước đầu tiên coi Việt Nam như là một nền “kinh tế thị trường năm 2011.” Nhật đứng thứ nhì về đầu tư tại Việt Nam, $37 tỷ, chỉ sau Nam Hàn, nhưng vẫn là nước viện trợ lớn nhất cho Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cũng nằm trong TPP và việc tân chính phủ Trump bỏ TPP làm cho hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn. Nhật là nước làm ăn kín đáo, cũng như một số nhà sản xuất dầu hỏa quan trọng nhất thế giới, họ có tuân thủ “cấm vận” hay không? Ví dụ, đối với Miến Ðiện, Nhật có hoạt động làm ăn (mặc dù ít thôi), luôn luôn giữ quan hệ với Miến Ðiện. Người Nhật luôn luôn phải làm ăn. Vì vậy, Nhật luôn luôn luôn đi trước so với Hoa Kỳ đối với một số nước. 
Quan hệ quốc phòng
Từ năm 2009 hai chính phủ Việt-Nhật coi như là có “hợp tác chiến lược” và từ 2014 trở đi được coi là “hợp tác chiến lược rộng rãi.”
Nhật càng ngày càng quan ngại với sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại biển Hoa Ðông và Biển Ðông – đụng độ với nhau tại đảo Senkaku (Ðiếu Ngư). Nhật và Việt Nam ký hợp tác về quốc phòng năm 2015 và Nhật giúp cảnh sát biển Việt Nam từ năm 2015. 
Lý do Việt-Nhật xích lại gần nhau
Như tác giả đã viết trong nhiều bài trước – chính sách ngoại giao của Việt Nam là quốc tế hóa các tranh chấp tại Biển Ðông – đa phương hóa các quan hệ giữa Việt Nam và các nước ngoài. Việt Nam đã thành công phần nào mặc dù đảng CSVN vẫn bị đảng “đàn anh” Cộng Sản Trung Quốc theo dõi và cố chi phối. Trong chính sách ngoại giao, Việt Nam cố gắng cân bằng các quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Nhật, Việt-Ấn, Việt-Úc và Việt-Nga để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc và không để Bắc Kinh lấn áp một cách quá lố.
Chính sách ngoại giao của Việt Nam cho thấy sự trùng hợp trong mục đích “kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc” tại Biển Ðông và ở trên bờ giữa Việt Nam và Nhật.
Nhật có phương tiện tài chính, có kỹ thuật, và nhất là kiên trì trong mục đích kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi các chính quyền Hoa kỳ có phần hay thay đổi – cứ bốn năm một lần trong khi các chính sách của Nhật được các nhà công chức chuyên môn có phần ảnh hưởng lâu dài. Chính sách của Nhật, nếu so với Hoa Kỳ, là thông cảm và nâng đỡ Việt Nam nhiều hơn. Nhật là nước vẫn buôn bán với Việt Nam (qua các công ty thương mại) và là nước đầu tiên viện trợ cho Việt Nam sau khi bỏ cấm vận vào 1992. Nhật ký hợp tác thương mại với Việt Nam trước Hoa Kỳ. Nhật có quan hệ kín đáo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Các lãnh đạo Việt Nam từ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến Chủ Tịch Nước Trần Ðại Quang đã thăm Nhật, nhất là trước các thay đổi với sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Á Châu. Việt Nam muốn Nhật đầu tư vào các kỹ nghệ tiên tiến biến quốc gia này thành trung tâm sản xuất. Nhật cũng là nơi có trên 39,000 sinh viên Việt Nam đang du học, chỉ sau số sinh viên Trung Quốc.
Ðầu năm 2017, Việt Nam có nhiều cố gắng ngoại giao, ông qua Trung Quốc và ký nhiều hiệp ước (15) và cố gắng giữ hòa bình trong Biển Ðông và cùng lúc nhấn mạnh về cán cân thương mại. Cùng lúc đó, Ngoại Trưởng John Kerry của thăm Việt Nam. Sau đó, Thủ Tướng Abe thăm Việt Nam củng cố phương tiện cho Việt Nam bảo vệ lãnh hải.
Tháng Mười, 2016, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ghé Trung Quốc và sau đó Việt Nam và Ấn Ðộ có hợp tác quốc phòng, cho vay tiền mua chiến cụ, hỏa tiễn. Ông Quang cũng thăm Philippines và đường hướng thân Trung Quốc hơn của Philippines là các ẩn số mà chính sách ngoại giao của Việt Nam cần tìm giải pháp.
Các hoạt động ngoại giao cho thấy Việt Nam có “cố bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ” nhằm vào Trung Quốc qua chính sách ngoại giao và quốc phòng đa phương. Hai bên Nhật-Việt đều lo Trung Quốc nhất là các đòi hỏi về biển đảo và xu hướng các nước ASEAN như Philippines hay Malaysia tiến gần Trung Quốc hơn sẽ gây thêm khó khăn cho Việt Nam.
Nhật càng ngày càng “dấn thân vào Biển Ðông” và các máy bay Nhật cũng như các tàu chiến Nhật đã ghé cảng Cam Ranh, cho thế giới thấy rõ quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Ðổi lại, Nhật thấy Việt Nam là thị trường 90 triệu dân và là địa bàn sản xuất có thể thay thế Trung Quốc, có thiện cảm với họ và công nhân tương đối trẻ và rẻ. Họ thấy, trong ASEAN, chỉ có Việt Nam là nước dám đối đầu với Trung Quốc, là nút chặn Trung Quốc tiến về miền Nam Ðông Nam Á và lập trường vững chắc.
Vì vậy, Nhật muốn tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam từ kinh tế – như việc mới đây Nhật muốn mở thị trường lao động cho các giới trẻ Việt Nam nhất là sinh viên hay nghiên cứu sinh (lao động trá hình).
Từ khi Tòa Trọng Tài Quốc Tế tuyên bố là Trung Quốc không có chủ quyền tại Biển Ðông và các tuyên bố của tân chính phủ Trump đã làm hai nước e ngại, quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Nhật càng tăng. Hai nước xích lại gần nhau là chuyện dễ hiểu.
Chính sách ngoại giao mềm của Nhật được thể hiện qua cuộc viếng thăm Việt Nam của Nhật hoàng càng quan trọng khi người ta thấy Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines không gặp được Nhật hoàng khi ông viếng thăm Nhật. [Nhật từ chối khéo léo, sợ ông Duterte có các hành động thiếu ngoại giao].
Chuyện quan trọng trong chuyến viếng thăm của Nhật hoàng là để củng cố chính sách mềm của Nhật, làm thân với Việt Nam là bài học: làm thế nào Nhật đã ra khỏi ảnh hưởng Trung Quốc, mặc dù trong lịch sử Nhật và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng rất lớn văn hóa Trung Quốc? Nhật thoát ra khỏi ảnh hưởng ấy và canh tân đất nước, ngày càng tiến bộ và giàu mạnh, trong khi Việt Nam bị Pháp đô hộ, rồi sau đó rơi vào sự đô hộ của chủ nghĩa cộng sản.
Nhật chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc không thua gì Việt Nam. Khổng Giáo từng là khuôn vàng thước ngọc trong tư tưởng của Nhật nhưng người Nhật sớm ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc. Theo cuốn khảo luận của Masao Maryama, người Nhật đã thoát ra khỏi sự nô lệ văn hóa đối với Trung Quốc trước khi tiếp xúc với Tây phương. Họ đã giải phóng tư tưởng của họ tự bên trong, chứ không phải dưới áp lực của bên ngoài. Giải phóng tư tưởng đi trước giải phóng chính trị. 
Kết luận
Từ trước năm 1991 đến nay, Nhật tìm kiếm thêm một thị trường kinh tế nhưng cũng đồng minh với Việt Nam. Khung cảnh tiến gần đến Việt Nam gia tăng từ năm 2006 với chính sách sách thoát Trung Quốc một cách ngầm – đa phương hóa các quan hệ ngoại giao, kinh tế và quốc phòng.
Vì vậy, Việt Nam phải mất 20 năm mới làm hòa với Hoa Kỳ – tiến từng bước và trong đó có việc dỡ bỏ cấm vận quân sự nhân chuyến công du của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa kỳ và chuyến viếng thăm của Tổng Thống Barack Obama tại Việt Nam.
Trong việc này Nhật đã tiến nhanh hơn Hoa Kỳ nhưng lúc nào cũng cẩn trọng không làm phật lòng Trung Quốc và lúc nào cũng không muốn qua mặt Hoa Kỳ, đồng minh chính của Nhật.
Chuyến viếng thăm của Nhật hoàng đánh dấu một giai đoạn mới trong việc tiến lại gần nhau về kinh tế, quân sự và tình cảm của Nhật đối với Việt Nam. Tác giả bài này đã có một thời gian sống và làm việc tại Nhật, và nhận thấy Nhật có niềm hãnh diện dân tộc rất cao, nhưng họ lúc nào cũng có chính sách lâu dài trong việc tìm lợi ích kinh tế – khác hẳn với chính sách “mì ăn liền.” Trọng tâm của viếng thăm này của Nhật hoàng là văn hóa, giao lưu, phản ánh xu hướng tăng cường quan hệ và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Liệu Việt Nam có khôn khéo lợi dụng chuyến đi này để củng cố thêm tinh thần “bang giao chiến lược Nhật-Việt” hầu thoát Trung?
 --------------------

Dân Trí     Thứ Sáu, 03/03/2017 - 20:5



No comments: