Lê Mạnh Hùng
March 1, 2017
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) kiếm ra tiền để chi
tiêu từ đâu? Trong nhiều năm, báo chí và các chính trị gia đã đưa ra nhiều nhận
định khác nhau về cung cách “tổ chức khủng bố giầu có nhất thế giới” này tài trợ
cho chính mình, thế nhưng những suy luận đó chỉ phản ảnh một phần hiện thực. Bắt
cóc đòi tiền chuộc và mang lậu cổ vật ra bán là hai cung cách thường xuyên được
nhắc đến như là những nguồn tài trợ chính mặc dầu thiếu những bằng chứng cụ thể
biện minh cho chúng. Người ta cũng đồn đoán rằng ISIS có những nguồn tài trợ từ
các nước Arab giầu có vùng Vịnh giống như al-Qaeda cũng đã từng nhận được những
nguồn viện trợ như vậy trong quá khứ thành ra đã có nhiều tiếng nói đòi phong tỏa
một số trương mục từ những quốc gia này. Thế nhưng cho đến nay, mặc dầu nhiều cố
gắng người ta vẫn còn chưa tìm thấy bằng chứng nào là ISIS nhận được sự giúp đỡ
từ phía đó.
Nhưng nay các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học
King’s College London hợp tác với công ty kiểm toán Ernst & Young đã làm được
một phân tích có hệ thống về cơ cấu tài chánh của ISIS. Và trong một báo cáo có
tên là “Caliphate in Decline” dựa trên nguồn tài liệu được công bố công khai và
những công trình nghiên cứu riêng của họ, họ đã cho thấy tổ chức này tài trợ
cho mình ra sao và tình trạng sức khỏe tài chánh của ISIS vào lúc này.
Ðược trình bày tại hội nghị về an ninh thế giới tại
Munich tuần qua, phúc trình loại bỏ giả thuyết rằng có những thế lực bí mật đứng
đằng sau tổ chức khủng bố Hồi Giáo này, nói rằng không có bằng cớ nào về chuyện
này cả. Phúc trình cũng xác định rằng việc bắt cóc đòi tiền chuộc và bán lậu cổ
vật không phải là những nguồn thu nhập đáng kể cho ISIS. Thay vào đó hầu hết tiền bạc mà tổ chức thu
được đến từ các khoản “thuế và lệ phí” vốn được áp đặt lên các vùng họ kiểm
soát. Nguồn tài chánh lớn thứ nhì là dầu thô từ các giếng dầu họ kiểm soát và
thứ ba là tiền bạc thu được qua việc “cướp bóc, tịch thu và tiền phạt.”
Năm 2014, ISIS thu vào được một số tiền ước tính vào
khoảng 300 đến 400 triệu đô la qua thuế và lệ phí. Ðến năm 2015, theo ước tính
của phúc trình số tiền này đã lên đến khoảng 800 triệu đô la. Phúc trình cảnh
cáo chống lại việc dùng các phương pháp truyền thống để phân tính tài chánh của
ISIS nói rằng dùng cách đó sẽ dẫn đến những “hiểu lầm nghiêm trọng” bởi vì tổ
chức này “khác về căn bản” với những tổ chức khủng bố khác. Phúc trình cũng chỉ
ra rằng ISIS ít tùy thuộc hơn nhiều vào những ủng hộ viên và những nguồn tài
chánh truyền thống của các tổ chức khủng bố thành ra những biện pháp thường được
dùng để cắt nguồn tài chánh các tổ chức khủng bố không có tác dụng bao nhiêu đối
với ISIS.
Một mô
hình làm ăn đang sụp đổ?
Về căn bản mô hình làm ăn của ISIS có thể được mô tả
như sau: Mỗi khi đến một vùng nào mà tổ chức muốn chinh phục, họ sẽ gởi một
toán tiền phương xâm nhập và xây dựng một đồ bản chi tiết về tình hình trong
vùng. Ðồ bản này ngoài giá trị tình báo quan trọng cho hoạt động quân sự còn
cung cấp đủ dữ kiện cho việc khai thác bóc lột tàn nhẫn dân chúng trong vùng.
Những kiến thức chính xác về tài sản và thế lực của những cơ cấu xã hội trong
vùng là lý do chính giúp ISIS có thể lấy ra được hàng trăm triệu đô la từ trong
tay 8 triệu dân sống dưới vùng họ kiểm soát.
Như ông Peter Neumann, chuyên gia về các tổ chức khủng
bố và là một trong bốn tác giả của phúc trình nhận xét: “Một trong những nguồn thu nhập quan trọng của ISIS được thấy rất rõ
qua các tài liệu là việc tịch thu và bán lại các tài sản không phải chỉ nhà đất,
xe cộ mà cả nữ trang nữa.”
Tuy nhiên đây cũng là một mô hình làm ăn đang bị sụp
đổ khi ISIS không còn mở rộng tầm kiểm soát được và bị buộc phải thu nhỏ lại.
Và đó chính là trường hợp hiện nay. Tổ chức khủng bố này đã bị mất lãnh thổ,
dân chúng và giếng dầu từ nhiều tháng nay. Giữa mùa Hè 2014 và Tháng Mười Một
2016, diện tích lãnh thổ do ISIS kiểm soát tại Iraq đã mất đi 62% trong lúc tại
Syria số diện tích này đã giảm 30%.
Khi lãnh thổ kiểm soát teo lại thì thu nhập cũng teo
lại và nền kinh tế bóc lột không còn hoạt động nữa. Trong vòng hai năm vừa qua,
theo phúc trình, tổng ngân sách hoạt động của tổ chức đã hầu như giảm chỉ còn một
nửa. Theo nghiên cứu của phúc trình, ngân sách của tổ chức được ước tính là giữa
970 triệu đô la và 1.89 tỷ đô la vào năm 2014 đã xuống chỉ còn giữa 520 triệu
và 870 triệu đô la vào năm ngoái.
Có nhiều triển vọng rằng tài nguyên này sẽ còn tiếp
tục giảm sút nữa vì ISIS đang trên đà mất kiểm soát Mosul, thành phố lớn nhất
mà tổ chức này kiểm soát được từ trước tới nay. Phúc trình cũng đưa thêm một số
lý do khác thúc đẩy sự sụp đổ về tài chánh của ISIS tỷ như quyết định của chính
phủ Iraq tại Baghdad ngưng trả lương cho công chức tại Mosul và những vùng bị
ISIS chiếm vì số tiền này chỉ rơi vào tay ISIS và việc Hoa Kỳ đã oanh tạc một
cách có hệ thống các nhà máy lọc dầu đã chiến và xe bồn chở dầu của ISIS cũng
như là những cố gắng ngăn chặn buôn lậu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ
Thế nhưng khi nói đến nguy cơ khủng bố mà tổ chức tạo
ra cho các nước Châu Âu thì phúc trình cho thấy rằng tình trạng tài chánh bi
quan không có bao nhiêu ảnh hưởng. Theo ông Peter Neumann: “Theo ước tính của
các giới chức Pháp, để tổ chức cuộc tấn công khủng bố ngày 13 Tháng Mười Một tại
Paris đám khủng bố không cần quá 20,000 Euros. Và cả hai cuộc khủng bố tại
Paris và Brussels đều được tài trợ qua vay ngân hàng.”
No comments:
Post a Comment