March 8, 2017
Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các quán nhậu?
Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn?
(Nguyễn Thị Từ Huy)
Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn?
(Nguyễn Thị Từ Huy)
*
Ở tù về chiều hôm trước, sáng hôm sau ông công an
khu vực đã ghé “thăm” và nhắc nhở đôi điều cần thiết:
-Vì không có hộ khẩu ở thành phố nên tôi sẽ phải đi
kinh tế mới.
-Trong khi chờ đợi, bắt đầu từ ngày mai phải sắm “một
cuốn sổ đi lại.” Khi đi đâu phải ghi ngày giờ khởi hành với chữ ký xác nhận của
tổ trưởng dân phố, và đến đâu cũng phải có sự xác minh của người ở nơi đó.
-Mỗi tuần phải mang sổ lên phường để kiểm tra.
-…
-…
Nghe xong, mẹ tôi lặng lẽ móc túi đưa cho thằng con
hai đồng cùng lời dặn:
-Mua cái bút nữa con ạ. Ði đâu, đến đâu cũng phải nhờ
người ký thì dắt viết theo luôn cho nó tiện …
-Dạ.
Tôi cầm tiền bước ra khỏi nhà, ghé vào một cái quán
nhỏ mua một ly rượu trắng và mấy điếu Vàm Cỏ. Ực xong ly rượu, tôi châm điếu
thuốc rồi lủi thủi đi và đi luôn cho đến bây giờ.
Năm ấy, tôi 26 tuổi.
Hai năm sau tôi bò đến được một trại tị nạn ở Thái
Lan (tả tơi, ủ dột, eo xèo, và bèo nhèo như một cái mền Sakymen ngấm nước) vào
đúng ngày sinh nhật của mình.
Hôm nay tôi hăm tám
Sáng tôi cầm gương soi
Tôi nhìn tôi bối rối
Tôi tưởng mình bốn mươi
Sáng tôi cầm gương soi
Tôi nhìn tôi bối rối
Tôi tưởng mình bốn mươi
Bây giờ thì tôi đã ngoài 60, đã sống gần hết đời (và
tàn đời trong ngõ hẹp) ở xứ người nhưng chưa bao giờ bước chân trở lại chốn xưa
– dù đôi lúc cũng nhớ nhà và nhớ quê thiếu điều muốn chết. Bố mẹ tôi đều tự an ủi
rằng vì “thằng con có số xa nhà” nên cả hai đành lặng lẽ từ trần trong cô quạnh!
Kiếp sống chung thân biệt xứ của tôi, xem ra, chả có
gì là thú vị. Tuy thế, theo blogger Song Chi:
“Dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại. Chỉ trong một ngày, chat với người
quen, bạn bè qua facebook, viber,… cả ba câu chuyện đều cùng một chủ đề: ra đi
khỏi Việt Nam.
Nhưng họ muốn ra đi trước hết vì môi trường sống ở Việt Nam ngày càng tệ
khiến con người luôn ở trong cảm giác bất an, lo lắng. Từ thực phẩm không an
toàn, cho tới nguồn nước, không khí, biển,… nhiều nơi bị ô nhiễm/nhiễm độc nặng
nề; đạo đức xã hội xuống cấp, những vụ án cướp giết hiếp ngày nào cũng xảy ra với
mức độ ngày càng dã man, con người dễ dàng bức hại nhau, lừa lọc nhau, giết
nhau chỉ vì một lý do vặt vãnh; chế độ an sinh xã hội không có để bảo đảm cho
người dân một sư hỗ trợ khi cần thiết, lúc ốm đau, tai nạn, thương vong; pháp
luật không bảo đảm cho con người được xét xử công bằng, công lý được thực thi,
những quyền lợi tối thiểu về tự do, dân chủ, nhân quyền không có, không được
tôn trọng v.v…
“Quan trọng hơn, họ ra đi vì không tin rằng chế độ này, nhà nước này sẽ tốt
đẹp hơn hoặc sẽ đưa đất nước, dân tộc đến một tương lai sáng sủa – thời gian đảng
Cộng Sản cầm quyền đã quá lâu đủ để chứng minh điều đó.
“Ðây không phải là lần đầu, ngược lại, rất nhiều lần, tôi chứng kiến những
người quen, bạn bè, họ hàng chuẩn bị rời bỏ Việt Nam. Nhưng có vẻ như càng ngày
số người tính chuyện ra đi càng nhiều hơn, thành phần đa dạng hơn, tạo cảm giác
đất nước như một con thuyền đang đắm!”
Tiến Sĩ Nguyễn Phương Mai gợi ra ý niệm “tị nạn niềm
tin,” và blogger Lam Thủy gọi đây là “một cuộc di cư đau lòng.” Dù “đau” nhưng
nhà văn Dương Thu Hương vẫn khẳng định:
“Trong thâm tâm, ai cũng mong ‘Thoát Việt!’ ra khỏi mảnh đất bùn lầy tối
tăm này bằng mọi giá.”
Sự thực, cũng không hẳn thế. Không phải “ai cũng muốn
thoát khỏi mảnh đất bùn lầy tối tăm này.” Vẫn có những người quyết định, và quyết
liệt, với một thái độ sống (hoàn toàn) khác: Dù thế nào cũng ở lại đây!
Cái giá của sự lựa chọn dũng cảm này, tất nhiên,
không rẻ. Ngày 10 Tháng Mười vừa qua, Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) cho biết:
“Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị công an bắt khẩn cấp trái
phép với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 bộ luật Hình Sự.
“Blogger Mẹ Nấm là người hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, cải thiện
dân sinh, chủ quyền biển đảo trong nhiều năm qua và là người được tổ chức Civil
Rights Defenders trao giải thưởng Người Bảo Vệ Nhân Quyền 2015.
“Trong suốt thời gian gần đây, blogger Mẹ Nấm đã tập trung nỗ lực tranh đấu
của mình vào việc bảo vệ môi sinh, tố cáo Formosa và những dự án có ảnh hưởng
nguy hại đến môi trường. Ðây là những hoạt động dẫn đến việc công an bắt giam
khẩn cấp blogger Mẹ Nấm.”
Blogger Mẹ Nấm. (Hình: BBC)
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người mới nhất, chứ không
phải là duy nhất, vừa bị bắt giữ tại Việt Nam. Ba tuần lễ trước đó, một phụ nữ
khác cũng bị mang ra xét xử với với cáo buộc gây rối trật tự công cộng – theo
tin của BBC:
“Tòa Án Nhân Dân quận Ðống Ða, Hà Nội, tuyên phạt bà Cấn Thị Thêu 20
tháng tù giam trong lúc một số người ủng hộ bà bị câu lưu.
“Bà Cấn Thị Thêu, người từng bị bắt vì đấu tranh giữ đất trong vụ ‘dân
oan Dương Nội’, lại bị công an bắt Tháng Sáu, 2016 do ‘gây rối trật tự công cộng’
ở Hà Nội.
“Hôm 20 Tháng Chín, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều
người giăng biểu ngữ đòi trả tự do cho bà Thêu bên ngoài phiên tòa.”
Nếu “dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại” thì những
kẻ lựa chọn ở lại, và sẵn sàng đối mặt với cường quyền (như bà Cấn Thị Thêu và
bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) cũng chưa bao giờ ngưng nghỉ. Bởi vậy, biên tập viên
Mặc Lâm nêu ra câu hỏi:
“Sau Mẹ Nấm là ai?”
Trong một xã hội mà tất cả các thành viên đều là “tù
nhân dự khuyết” thì kẻ kế tiếp có thể là bất cứ ai. Tuy thế, sự “rủi ro” này đã
được tiên liệu và chấp nhận một cách bình thản nhiên – như lời của blogger Phạm
Thanh Nghiên:
“Từ lúc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt, số lần tôi nhận những tin nhắn đe dọa
bị bắt, bị đánh gia tăng một cách đột biến.
“Dạ xin kính thưa các loại đe dọa. Tôi biết, tôi biết là tôi hay bất cứ cựu
tù nhân lương tâm nào cũng có thể trở lại nhà tù lần hai, thậm chí lần ba.
“Ðiều này tôi đã xác định được ngay khi bước chân khỏi nhà tù Trại 5
Thanh Hóa rồi. Nói thẳng là tôi thích ở ngoài hơn, không thích đi tù. Nhưng nếu
phải trả giá cho ước nguyện tự do, công bằng và dân chủ mà phải trở lại nhà tù
một lần nữa, xin sẵn lòng.”
Dù “đất nước như một con thuyền đang đắm” nhưng bao
giờ ở Việt Nam vẫn còn những vị nữ lưu vì “tự do, công bằng và dân chủ” mà “sẵn
lòng… trả giá cho ước nguyện tự do, công bằng và dân chủ” thì dân Việt hy vọng
vẫn còn đường thoát.
Mảnh đất này, tất nhiên, cũng có những công dân nam
giới. Tuy nhiên, vì bài viết đã khá dài nên xin tạm ngưng ở nơi đây. Hơn nữa,
nói thiệt là tôi đang nóng như hơ vì có hẹn nhậu nên phải đi liền – kẻo trễ!
No comments:
Post a Comment