Saturday, December 17, 2016

CHÍNH TRỊ DƯA LEO (Phương Thảo - Việt Nam Thời Báo)




Phương Thảo

(VNTB) - Người Việt không quan tâm đến chính trị, nên dân oan thì kệ dân oan miễn chính quyền không cướp nhà cướp đất của mình thì mình vẫn ổn; công nhân làm trong hãng xưởng với đồng lương chết đói thì kệ, miễn tôi giỏi tôi lanh tôi sống phây phây là được...

bịt mắt, bịt tai, bịt miệng


Blogger Dưa Leo bị công an mời làm việc về việc cho đưa lên mạng internet những vlog mà theo tác giả là " clip hài hước, nhằm giúp cho xã hội tốt lên, vậy thôi... Thiệt sự là tôi không nghĩ là một ngày sẽ bị công an mời. Vì clip của tôi phản ánh cái sai, cái hư, cái xấu trong xã hội, chứ tôi không bao giờ tự nhận mình làm clip về chính trị cả.”


Chính trị với người Việt trong nước và cả không ít người Việt ở nước ngoài là những điều mà khi lỡ chạm tới thì cứ như “ đỉa phải vôi”. Không phải hoàn toàn lỗi tại họ mà là chính sách ngu dân - mị dân hữu hiệu của đảng và nhà nước đã góp phần bịt mắt, bịt tai, bịt miệng và dẫn dắt người dân Việt nam tới chỗ mù chính trị hoàn toàn để dễ bề cai trị.


Không dính tới chính trị đâu

Không mấy người Việt mặn mà với chính trị. Việc này thể hiện rõ trên mạng xã hội, khi có một clip đánh ghen, hình ảnh một cô gái đẹp hớ hang, hay những ảnh ghi lại cảnh ca hát, đi du lịch, ăn uống, say sưa sẽ nhận được nhiều lời bình luận, chia sẻ, và nhiều likes hơn hẳn so với những bài viết hay dòng trạng thái có liên quan đến chính trị. Thậm chí người ta còn không dám like những bài viết có liên quan đến chính trị.

Một người dùng Facebook – Facebooker có nhiều quần áo đẹp với những hình ảnh, dòng chữ cập nhật về thời trang, ẩm thực, ăn chơi sẽ có hàng vạn thậm chí hàng trăm ngàn người theo dõi ( followers), cao hơn rất nhiều so với số người theo dõi những Facebooker hay blogger có các bài viết trăn trở về vận mệnh quốc gia và dân tộc.

Với họ, chính trị là những gì cao siêu, mơ hồ như triết học Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách của nhà nước. Đụng vô chính trị là chuyện không nên, không khéo lại bị phiền phức và có khi lại còn bị khép vào tội phản động. Không hiếm người vẫn tự hào là họ không dính tới chính trị mà chỉ lo làm ăn, kiếm tiền vì chính trị là chuyện của đảng và nhà nước. Cũng có những người cho rằng chính trị là những thứ bốc mùi nên họ không dây vào và chọn đứng ở chỗ cao hơn chính trị. Cũng có ý kiến cho rằng vì ở Việt nam không có tự do ngôn luận nên họ không dám đề cập đến chính trị.

Họ vẫn ung dung sống và ca thán những bất cập trong xã hội đang diễn ra hàng ngày như giá xăng tăng, giá điện tăng, lạm phát tăng, giáo dục xuống cấp, đạo đức xuống cấp, nạn tham nhũng tràn lan, lũ lụt hoành hành, đường xá ngập nước, những công trình ngàn tỷ bị bỏ hoang, công an mãi lộ, cho đến thực phẩm bẩn … Họ ca thán đó, nhưng rồi lại chọn cách “ sống chung với lũ”. " Chuyện gì cũng có đảng và nhà nước lo rồi mà, dân không phải lo!" 


Sự dốt nát về chính trị 

Sự “ dốt nát về chính trị” đã được Bertolt Brecht, một nhà thơ, nhà soạn kịch, và đạo diễn sân khấu người Đức diễn giải như sau: 

“ Kẻ dốt nát tệ hại nhất chính là kẻ dốt nát về chính trị. Hắn không nghe gì cả, không thấy gì cả, không tham gia bất cứ vai trò gì trong đời sống chính trị. Có vẻ như hắn không biết là chi phí sinh hoạt, giá cả của đậu, của bột mì, tiền thuê nhà, giá cả thuốc men...tất cả đều phụ thuộc vào các quyết định chính trị.

Hắn thậm chí còn tự hào về sự thiếu hiểu biết chính trị của mình, ưỡn ngực ra mà khoe ta đây ghét chính trị. Đứa ngu dốt này không biết rằng chính sự thờ ơ với chính trị của hắn mà từ đó nảy sinh nạn mại dâm, trẻ em bị bỏ rơi, nạn cướp bóc, và tệ hơn tất cả là nạn quan chức tham nhũng tay sai của các tập đoàn bóc lột trong nước cũng như đa quốc gia.”

Dưa leo đã rất thành thật khi cho rằng “ Tôi chỉ làm clip hài về xã hội. Vậy mà không hiểu sao luôn có comment "né chính trị ra nha, sao sa đà chính trị vậy". Ai đó tự kêu đây là chính trị chứ không phải tôi.”

Anh ta đã phản ánh đúng về nhận thức chính trị của người dân Việt nam khi họ chọn đứng bên lề các vấn đề chính trị hay thậm chí cho rằng họ có vị thế cao hơn chính trị, mà đáng buồn thay, nhận thức đó được xếp vào hàng của những người thiếu hiểu biết về chính trị theo như nhận định của Bertolt Brecht khi họ nghĩ rằng họ đang độc lập với chính trị.


Vì trơ với chính trị ...

Chính vì sự thờ ơ về chính trị, mà mẹ bỉm sữa Việt nam phải cho con uống sữa của Vinamilk có giá cao hơn cả sữa tươi của Úc, của Hà lan hay của Mỹ, nơi mà giá một lít sữa tươi chưa tới một (1) đô la hay phải đặt mua sữa nhập với giá trên trời; bệnh viện quá tải với 4 người lớn chung một giường và nằm tràn ra cả hàng lang hay phải chui cả vào gậm giường.

Chính vì sự thờ ơ về chính trị mà Formosa mới có thể hoành hành và làm mưa làm gió ở miền Trung; các lá phổi xanh của Việt nam đang dần teo tóp để Hà nội, Sài gòn tiến dần lên trên danh sách các thành phố ô nhiễm bậc nhất; tài nguyên của đất nước đang dần cạn kiệt khi người ta chỉ còn biết múc dầu lên để bán với giá rẻ mạt và người dân phải mua xăng với giá cao gấp mấy lần gía xăng của Mỹ; cho đến việc tổng diện tích đất đai của Việt nam trong vòng mấy mươi năm ( từ 1961 tới nay) đã đột nhiên “ngót” đi hàng chục nghìn kilomet vuông.

Người Việt không quan tâm đến chính trị, nên dân oan thì kệ dân oan miễn chính quyền không cướp nhà cướp đất của mình thì mình vẫn ổn; công nhân làm trong hãng xưởng với đồng lương chết đói thì kệ, miễn tôi giỏi tôi lanh tôi sống phây phây là được; nông dân với đồng lúa cạn khô hay nhiễm mặn thì chỉ có ở miền quê, người thành phố vẫn ăn ngon ngủ yên với lúa gạo nhập ngoại; anh thất nghiệp vì không có quan hệ rộng thì kệ anh, tôi khôn ngoan nên tôi phải không thất nghiệp là chuyên đương nhiên.

Sự dốt nát về chính trị chính là nguồn cơn của tất cả những bất cập mà nếu có liệt kê ra thì e cả ngày cũng không hết và Dưa leo có làm “clip” mãi cũng không cạn hết đề tài.

Nếu cả nước vẫn cứ mãi trơ về chính trị, thì đừng hỏi tại sao xã hội lại xuống cấp khi con người trở nên ích kỷ, kinh tế trì trệ, luật pháp bất công, sự cách biệt về giàu nghèo lại quá lớn. Không ai lồng ghép chính trị vào bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống hàng ngày mà tự thân chính trị vốn luôn bao trùm và chi phối mọi hoạt động trong xã hội.


No comments: