Minh Anh – RFI
Đăng
ngày 03-12-2016
Fidel Castro ra đi đã
được một tuần, nhưng báo chí Pháp vẫn chưa ngớt lời nói về ông. Mỗi tuần báo đều
tìm cách khai thác một khía cạnh nào đó về cuộc đời và sự nghiệp chính trị. Nhìn
chung các tuần báo đều phê phán tính cách "hai mặt" của con
người được đánh giá là nhân vật lịch sử của thế kỷ XX.
Một
xác ướp đã chết
« Những
ngày cuối cùng của Viejo » là tựa đề bài viết trên L'Obs. Tuần báo
trích một phần trong quyển sách đề tựa "Castro", tập tiểu sử mới của
tác giả Serge Raffy sắp ra mắt độc giả Pháp vào ngày 14/12 tới đây. Theo tác giả,
những năm gần đây, nhà độc tài Cuba đã bị mất trí nhớ. Phải chăng đó là cách tốt
nhất để thoát bản cáo trạng mà các nạn nhân ngày nay đang đòi công lý ?
Phần
cuối bài viết, tuần san trích nhận định nhà văn Leonardo Padura cho rằng, sự ra
đi của Fidel Castro không phải là một sự kiện lớn ở Cuba. « Ông chưa
bao giờ là anh hùng, mà chỉ là người làm trò múa rối ». Bóng ma của
ông không như là bóng ma của Che, người đã ra đi ở độ tuổi xuân xanh, độ tuổi
thanh niên đẹp nhất đời người, mà là cái bóng ma của một kẻ già nua vẻ mặt quạu
quọ và run rẩy, xung quanh vây đầy mấy vị bác sĩ vồn vã. « Một xác ướp
buồn ?», tuần báo đặt câu hỏi.
Đối
với Courrier International, với cái chết của cựu lãnh đạo, « nước Cuba
đã được giải phóng » như hàng tít lớn trên trang bìa. Cũng giống như
L’Obs, Courrier International không chỉ xem Fidel như là « một xác ướp »,
mà còn là « một xác ướp đã chết » như hàng tựa của bài xã luận.
Đó là người đã làm cho đất nước điêu tàn sau hơn nửa thế kỷ cai trị với bàn tay
sắt. Từ chỗ là một « vựa đường » của thế giới, Cuba buộc phải
nhập khẩu đường. Từ vị trí là một nền kinh tế thứ 4 của châu Mỹ Latinh, ngày
nay với chỉ có 11,5 triệu dân nhưng đất nước phải vất vả trong việc tự cung tự
cấp các nhu yếu phẩm.
Nhưng
giờ điều đáng lo nhất là cùng với sự ra đi vĩnh viễn của Fidel Castro, chiến thắng
của Donald Trump có thể sẽ làm thay đổi cục diện tại Cuba. Tổng thống Mỹ tương
lai cho biết sẽ xem xét lại việc nối lại bang giao do Barack Obama đưa ra. Nếu
như ông Trump từ bỏ dự án hủy bỏ lệnh cấm vận, cả Hoa Kỳ và Cuba đều thiệt. Hoa
Kỳ sẽ mất hết các triển vọng kinh tế. Còn đảo quốc vẫn sẽ bị đông lạnh. Cho dù
là lần này « xác ướp » đã thật sự chết rồi như lời hài hước của
nhiều người dân Cuba dành cho Fidel Castro.
Fidel
: Nhà cách mạng thích lối sống xa xỉ
Dẫu
sao thì trong vòng 90 năm hiện hữu (1926-2016) Fidel Castro cũng đã tạo cho
mình « một huyền thoại và một nền độc tài » như hàng tựa nhận
định của L’Express. Tuần báo mở hẳn một hồ sơ dài 24 trang bao gồm cả hình ảnh
để nói về cuộc đời và sự nghiệp chính trị. Bắt nguồn từ một thảm họa kinh tế và
bất ổn tinh thần, nhà lãnh đạo đã lừa phỉnh cả thế giới để đạt được mục tiêu
duy nhất rất quan trọng đối với ông : đi vào Lịch sử. Cái chết của ông hôm thứ
Sáu 25/11/2016 đã lộ rõ mặt tối của « người khổng lồ thế kỷ XX ».
Ngoài
việc thuật lại những năm tháng cai trị đất nước với bàn tay sắt, trấn áp mọi tiếng
nói đối lập, tuần báo trích đăng một đoạn trong quyển sách đề tựa « La
vie cachée de Fidel Castro» (Mặt trái của Fidel Castro) nói về lối sống xa
hoa của nhà lãnh đạo.
Không
như những gì Castro tuyên bố cả đời ông chẳng có chút tài sản nào ngoài « túp
lều cá» khiêm tốn. Theo lời kể của Juan Reinaldo Sanchez, cận vệ riêng của
ông trong vòng 17 năm đồng bút ký sách với nhà báo Axel Gylden, « lều
cá » mà ông nhắc đến trên thực tế là nơi nghỉ mát sang trọng, huy động
mọi phương tiện hậu cần đáng kể để bảo đảm an ninh và bảo trì. Trích đoạn của
L’Express còn cho thấy rõ những sở thích giải trí của ông ngang tầm với sở
thích của một nhà đại tư sản.
"Theo
Fidel thì được, chống Fidel thì không"
Tuần
san L’Express có bài phỏng vấn đặc biệt với bà Juanita Castro, em gái của cố
lãnh đạo Cuba. Năm nay 83 tuổi, hiện đang sống lưu vong tại Miami, bà sẽ không
về dự tang lễ người anh. Trong tâm khảm của bà, người anh lý tưởng, nhà cách mạng
Cuba Fidel Castro đã chết từ lâu, ngay từ những ngày đầu thắng lợi của cuộc
cách mạng.
Ngoài
việc chỉ trích chính sách cai trị độc tài của người anh, bà cho độc giả thấy rõ
những cá tính độc đoán của Fidel Castro : một con người khép kín, không chấp nhận
mọi sự trái ngược. « Bất kể ai đi ngược lại ý kiến, kế hoạch, dự án của
ông đều trở thành kẻ thù không đội trời chung… dù đó là một người thân trong
gia đình (…) Năm 1961, ông đã đưa ra một công thức, trở nên nổi tiếng, cho thấy
rõ tính ngang ngạnh : Theo cách mạng thì được, chống cách mạng thì không. Nhưng
trên thực tế, điều này phải được hiểu là : Theo Fidel thì được, chống Fidel thì
không».
Khác
với người em Raul - vui tính, hài hước, tình cảm, Fidel Castro là một người cô
độc, chỉ nghĩ đến mình, ít cởi mở và nhất là ích kỷ. Bà Juanita Castro nhớ lại
ngày Fidel Castro, lúc ấy còn là sinh viên được cha tặng một chiếc xe hơi mới.
Thay vì chia sẻ niềm vui với các em, ông đã cấm họ đến gần xe. « Không
một ai được chạm vào xe. Kể cả đó là người em Ramon, người đã dạy ông lái xe ».
Castro
ra đi, Cuba nhẹ nhõm
Giờ
ông thật sự đã ra đi, tương lai nào cho Cuba hậu Fidel Castro. Trao đổi với
L’Express, sử gia Elizabeth Burgos, có một giai đoạn sống gần với những người
thân cận của Lider Maximo, đã lạc quan suy nghĩ như sau :
« Barack
Obama đã thông minh hiểu ra là giải pháp cho vấn đề có tính chất sinh học. Một
khi Raul không còn nữa, con cháu của những người theo chủ nghĩa Castro, vốn dĩ
cũng rất thực dụng sẽ phải bắt tay với các nhà tư sản Mỹ gốc Cuba, cũng là anh
em dòng tộc của họ. Những người Cuba tị nạn sẽ mang về dòng tư bản, và những
người ủng hộ Castro sẽ mang về các sổ danh bạ khách hàng – tại châu Mỹ Latinh,
châu Phi hay châu Á, vì những người này đã được sắp đặt ở khắp nơi.
Định
mệnh của Cuba sẽ là một cường quốc. Đảo quốc này sẽ trở thành cầu nối đối thoại
giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh. Ông Trump là người của tình huống lý tưởng. Cùng
với những thế hệ lãnh đạo tương lai, ông Trump sẽ biết cách thương lượng các
thương vụ. Tôi khá tin rằng một ngày nào đó sẽ có Trump Tower tại La Habana.
Trái với những gì ứng viên tổng thống đảng cực tả Pháp Jean-Luc Melenchon đang
nghĩ, người Cuba rất thích làm ăn với Trump ».
Nói
tóm lại, « Castro tắt thở, Cuba thở phào », như tựa đề một bài
viết trên tuần san Le Point, cho rằng lời hứa hẹn « một nền dân chủ
nhân văn » đã bị biến thành nửa thế kỷ độc tài.
Khi
cấm « Tự do ngôn luận » cũng bị toàn cầu hóa
« Tự
do, tôi quên tên bạn rồi » là cảnh báo đáng buồn trên tuần san
Courrier International. Tự do hóa và toàn cầu hóa dường như đã làm xói mòn các
quyền cơ bản của con người. Tuần báo phối hợp với tổ chức nhân quyền Amnesty
International trích dịch các bài báo quốc tế phác họa bức tranh tổng thể cho thấy
tình hình « tự do ngôn luận đang lâm nguy » như hàng tít nhỏ
trên trang bìa, tại nhiều nước trên thế giới.
Nếu
như tại Nga, các nhà đấu tranh cho nhân quyền dự báo « một giai đoạn
khó khăn », tố cáo « các quyền công dân được quy định trong Hiến
pháp đang bị tấn công một cách bài bản », thì tại Trung Quốc « một
thời kỳ băng giá » đang ập xuống xã hội dân sự, kể từ khi ông Tập Cận
Bình lên cầm quyền năm 2012. Các chiến dịch trấn áp các tiếng nói chỉ trích,
các nhà bảo vệ nhân quyền đã diễn ra dồn dập với một tần suất chưa từng có,
theo như tường thuật của tờ Trung Hoa Dân Chủ (Minzhu Zhongguo).
Trong
khi đó tại các nước châu Phi, giới đồng tính lại là đối tượng tấn công như tại
Magreb, Tunisia chẳng hạn. Tại Burundi, truyền thông trở thành công cụ đấu
tranh cho phe đối lập, thì ngược lại tại Trung Đông giới phóng viên lại là mục
tiêu của các vụ ám sát, mà ví dụ điển hình là tại Liban. Số lượng các phóng
viên phóng sự bị sát hại ngày càng nhiều. Có 9/10 thủ phạm đều được tha bổng
trong các vụ án. Nhất là tại Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ sau cú đảo chính hụt, làn sóng
trấn áp đã lan sang cả các tờ báo đối lập.
Liên
quan đến nước Mỹ, nhật báo Đức Der Spiegel kêu gọi « Ân xá cho Snowden ».
Người báo động đã cho thế giới thấy rõ cách thức hoạt động của cơ quan tình báo
Hoa Kỳ. Theo báo Đức, ông Obama có lẽ sẽ còn được vinh danh hơn nữa nếu ông ban
hành ân xá trước khi rời Nhà Trắng.
«
Bội tình » : hệ quả của phát triển kinh tế thần kỳ Trung Quốc ?
Tiến
trình mở cửa và phát triển kinh tế dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội
và gia đình. Tại Trung Quốc, tình dục là một bộ phận của tân chủ nghĩa duy vật.
Theo nhận định của tạp chí The Economist, sự thay đổi các tập quán trong lĩnh vực
tình dục cũng như tỷ lệ ly dị tăng vọt đã làm suy giảm các mối liên hệ trong
gia đình.
Việc
có « vợ lẽ » đang ngày càng phổ biến. Mốt này không chỉ dành
cho giới doanh nhân giàu có mà còn hiện hữu cả trong giới quan chức tham nhũng.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã làm lộ rõ nhiều gương mặt
quan chức chính phủ, từ Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu bộ trưởng Công An,
cho đến cả Cựu bộ trưởng Đường Sắt Lưu Chí Quân (Liu Zhijun) được cho là có tới
18 nhân tình.
Tác
động của hiện tượng này là làm cho giá các căn hộ tăng vọt như tố cáo của truyền
thông Trung Quốc. Một số khu chung cư trong thành phố nổi tiếng là nơi có những
căn hộ mà những kẻ giàu có mua cho nhân tình và thậm chí chu cấp nuôi dưỡng
nhân tình suốt đời.
Thực
ra, theo The Economist, chuyện tì thiếp đã có từ thời cổ xưa trong lịch sử
Trung Quốc. Dưới thời phong kiến, « trai năm thê bảy thiếp »,
nhưng « gái chính chuyên một chồng ». Sau năm 1950, chuyện
nhân tình nhân ngãi bị cấm và ngoại tình, không chung thủy bị coi như là một
thói hư tật xấu của tư sản. Cho đến tận những năm 1980, rất ít người có quan hệ
tình dục với một khác ngoài vợ hoặc chồng của mình.
Thế
nhưng trong ba thập niên vừa qua, các tập quán về tình dục bị buông thả. Thanh
niên thanh niên Trung Quốc có quan hệ tình dục ngày càng sớm và với nhiều đối
tác khác nhau. Một số người vẫn tiếp tục cặp bồ sau khi kết hôn. Theo nghiên cứu
của các chuyên gia thuộc đại học Bắc Kinh, trong năm 2015, trong số 80 ngàn người
được hỏi thì có 20% đàn ông và đàn bà không chung thủy sau khi cưới.
The
Economist cho rằng tình trạng « bội tình » ngày càng gia tăng là một hệ quả có
thể nhìn thấy trước được của sự phát triển kinh tế. Người ta đặt sở thích, thú
vui cá nhân trên các nghĩa vụ gia đình hay danh tiếng. Việc cải thiện trình độ
giáo dục và các điều kiện sinh sống cho phép người ta có nhiều phương tiện tài
chính để ngoại tình.
Tình
trạng di dân, từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm đã làm cho nhiều cặp vợ
chồng phải sống xa nhau. Ngay cả khi sống cùng với nhau thì các phương tiện
truyền thông xã hội cũng phần nào làm tăng hoặc tạo thuận lợi làm nẩy sinh các
ham muốn, ý định ngoại tình.
Theo
các cuộc điều tra, thì ngoại tình, không chung thủy là sát thủ số một của hôn
nhân. Năm ngoái, tại Trung Quốc, 3,8 triệu cặp vợ chồng đã ly dị, tăng gấp đôi
so với một thập niên trước đây. Tỷ lệ ly dị hàng năm tại Trung Quốc là 2,8 trên
một ngàn người. Không cao bằng châu Mỹ là 3,2 nhưng cao hơn so với nhiều nước
châu Âu. The Economist cho biết, một trong những nguyên nhân là luật pháp Trung
Quốc làm nhụt chí những ai muốn có con ngoài giá thú. Tuy vậy, số các cặp vợ chồng
vẫn sụt giảm.
Bộ
mặt dân nhập cư Trung Quốc thay đổi
Cũng
liên quan đến Trung Quốc, The Economist chú ý đến hiện tượng « Bộ mặt
dân nhập cư Trung Quốc thay đổi ». Xin nói rõ, khái niệm dân nhập cư ở
đây là cư dân từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm và sinh sống. Trong đợt « di
dân » đầu tiên, đa phần là độc thân lên thành phố kiếm việc, bỏ lại vợ
con, gia đình ở nông thôn. Trong những năm gần đây, họ mang theo con cái, bố mẹ.
Chính yếu tố này đã làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của tầng lớp cư dân mà tại
Trung Quốc, người ta gọi là « dân công ».
Trong
những năm 1990 và đầu những năm 2000, đa số dân nhập cư đều là « lao động trẻ »
trong độ tuổi 20-30. Những làn sóng di dân lớn chưa từng có trong lịch sử, đã
mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích về mặt kinh tế nhưng gây ra những bất
công, rạn nứt nghiêm trọng trong xã hội.
Chế
độ « hộ khẩu » đã không cho phép con cái của « dân công » được đi học và chăm
sóc sức khỏe tại những nơi họ làm việc. Do đó, đa phần « dân công » phải để lại
con cái ở nông thôn cho ông bà hoặc người thân chăm sóc. Nhiều gia đình tan vỡ.
Thành phố thì tràn ngập người lao động thành niên, còn ở nông thôn thì đa phần
là trẻ nhỏ và người già.
Với
việc cải cách chế độ « hộ khẩu » trong những năm gần đây, những « dân công » mới
này mang theo cả gia đình lên thành phố, tức là ba thế hệ cùng lúc. Trong vòng
10 năm (2000-2010), số trẻ nhỏ theo bố mẹ là « dân công » đã tăng gấp đôi từ 14
lên 29 triệu.
The
Economist cho biết, đa số « dân công » gặp ba khó khăn chính :
mức hưu bổng trợ cấp thấp, điều kiện làm việc cực nhọc, không có hệ thống bảo
hiểm y tế phù hợp. Một phần ba số « dân công » có hưu bổng
nhưng đa phần chỉ được hưởng mức « hưu bổng nông thôn », tức là rất thấp, vì
tính theo điều kiện sinh sống ở nông thôn. Trợ cấp hưu bổng 600 nhân dân tệ (90
đô la) mỗi tháng, không đủ sống tại thành phố.
Theo
thống kê của chính quyền Trung Quốc, khoảng 22% dân lao động ngoại tỉnh ngoài
50 tuổi có việc làm. Hai phần ba số lao động cao tuổi chưa bao giờ được đi học,
hoặc chỉ hết tiểu học. Chính vì thế, họ không có được những việc làm đòi hỏi
tay nghề : 70% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ như quét dọn, lau chùi, thời
gian làm việc nhiều mà lương thấp. Hơn một nửa số « dân công »
phải làm việc tới 56 giờ mỗi tuần.
Một
chuyên gia tại đại học Nhân Dân, ở Bắc Kinh nói với Trung Hoa Nhật Báo (China
Daily), rằng « xã hội đã không chú ý đúng mức đến nhóm lao động này và
chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa mở rộng các dịch vụ phúc lợi cho họ ».
The Economist kết luận : Điều thường xuyên xẩy ra tại Trung Quốc là chính phủ
không đủ khả năng ứng phó với các thay đổi xã hội.
No comments:
Post a Comment