Thursday, May 14, 2015

Âu Châu sau bầu cử Anh Quốc (Hùng Tâm)





Hùng Tâm
Wednesday, May 13, 2015 5:13:41 PM 

Những kết luận phiến diện về cuộc bầu cử tại Anh

Cuộc bầu cử tại Anh hôm Thứ Năm mùng 7 vào tuần trước đã gây ngạc nhiên vì đảng Bảo Thủ của Thủ Tướng David Cameron thắng lớn bất ngờ. Nhưng bất ngờ hơn nữa sau cuộc bầu cử chính là những khó khăn của ông Cameron, của Thủ Tướng Ðức Angela Merkel và các nước Âu Châu. Hồ Sơ Người Việt sẽ trình bày nghịch lý này. Vì nhiều khía cạnh qua phức tạp của vấn đề, đây là một trường hợp hãn hữu mà trong hai tuần liên tiếp chúng ta cùng đề cập đến một hồ sơ.

Kết quả bầu cử


Trước ngày bầu cử, hầu hết các nhà quan sát Anh Quốc và nước ngoài đều tiên đoán một kết quả khít khao, rằng đảng Bảo Thủ có thể dẫn đầu mà chưa đủ đa số quá bán nên vẫn phải liên minh với một đảng khác để có thể thành lập Nội các (xin xem “Bầu Cử Tại Anh Quốc - Và sự rạn nứt rồi suy sụp của Âu Châu” cũng trên cột báo này vào tuần trước). Ngay sau bầu cử, hầu hết mọi người đều xác nhận việc đó qua các cuộc khảo sát ý kiến cử tri vừa bỏ phiếu (exit polls).

Kết quả là một sự bất ngờ, với hiện tượng “bốn bại - hai thắng.”

Thất bại trước tiên là của các tổ chức khảo sát ý kiến cử tri vì dự đoán trật lất. Thất bại thứ nhì là của đảng Lao Ðộng bị mất 26 ghế. Thứ ba là đảng Tự Do Dân Chủ (Liberal Democrat) mất 48 ghế và ra khỏi Nội các. Lãnh tụ của hai đảng này là ông Ed Milliband và Phó Thủ Tướng Nick Gregg lập tức từ chức.

Ðáng chú ý nhất là một thành phần thất bại khác. Ðó là khuynh hướng thiên tả và bao cấp kinh tế, có thể gọi là “Neo-Keynesian,” khi họ đả kích chánh sách kinh tế khắc khổ của Thủ Tướng David Cameron và tiên đoán là vì kinh tế Anh sa sút sau khi áp dụng đường lối kinh tế đó, đảng Bảo Thủ sẽ thất cử. Một bình luận gia tiêu biểu của khuynh hướng này là Paul Krugman tại Hoa Kỳ. Xưa kia, hơn 20 năm trước, Krugman là kinh tế gia có tài về mậu dịch quốc tế và từng đoạt giải Nobel. Ngày nay ông là một nhà bình luận cực đoan và ngoan cố, chỉ còn được những người ít hiểu biết về kinh tế tin cậy. Lý do là quyết định giảm chi và chấn chỉnh ngân sách của chính quyền Cameron lại khiến kinh tế Anh đạt kết quả khả quan hơn và giúp ông Cameron thắng cử.
Chuyện này có thể là nội dung của một hồ sơ khác trong tương lai.

Nói về phe chiến thắng, sự thật không phải là ông Cameron hay đảng Bảo Thủ, mà là hai khuynh hướng chính trị ở vùng biên tế ngoài rìa. Có khả năng phá vỡ Vương quốc Anh United Kingdom là khuynh hướng quốc gia dân tộc. Có khả năng gây rạn nứt cho Liên Hiệp Âu Châu - European Union là khuynh hướng hoài nghi sự hội nhập vào Âu Châu.
Hồ Sơ Người Việt sẽ chú trọng đến hai phe “chiến thắng” này.

Nỗi băn khoăn của Cameron 

Các nhà bình luận thông thường đều kết luận rằng sau khi lấy thêm 24 ghế dân biểu và chiếm được 331 ghế, đảng Bảo Thủ của ông David Cameron đã có đa số trên 50% trong một Hạ Viện có 650 ghế nên khỏi cần liên hiệp với một đảng khác, thí dụ như Tự Do Dân Chủ, để thành lập chính phủ. Các nhà báo thì châm thêm chi tiết rằng đấy là lần đầu tiên kể từ năm 1992 mà đảng Bảo Thủ có được đa số nên là thắng lợi vẻ vang cho Thủ Tướng Cameron.

Ðây là cách bình luận phiến diện, biểu kiến, trên bề mặt, và có thể giải thích vì sao người ta lại bị bất ngờ nữa.

Sự thật thì đảng Bảo Thủ (gọi là Tory) có một đa số mỏng hơn Nội các trước và chỉ cần một số dân cử trong đảng (gọi là Tories) không đồng ý là Nội các Cameron có thể bị rung chuyển. Trường hợp bất tín nhiệm đó đã xảy ra năm 2004. Hậu quả là kể từ nay, ông Cameron phải o bế từng dân biểu trong đảng, hoặc các dân biểu Tories có cái thế mạnh hơn, và thu hẹp khả năng hành động của lãnh đạo. Nghĩa là chính trường Anh có nhiều bất trắc hơn trước.

Ðã vậy, ngay trong đảng Tory lại có nhiều dân biểu hoài nghi việc hội nhập vào Âu Châu (gọi là Euroskeptics). Trong chính quyền trước, ông Cameron còn có thể tựa vào đảng liên hiệp Tự Do Dân Chủ để thắng xu hướng “ly khai” đó ở ngay trong đảng của mình. Ngày nay, ông là con tin của họ.

Từ năm 2013 và cho đến trước ngày bầu cử, Thủ Tướng Cameron đã hứa hẹn là cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để người dân quyết định về việc “ra đi hay ở lại Liên Âu.” Với đa số vừa có, ông sẽ phải quan tâm đến đám ly khai trong đảng và cố thương thuyết với Liên Âu để đạt những điều kiện hội nhập có lợi hơn. Với cái thế mạnh của xu hướng ly khai trong đảng mà hết còn hậu thuẫn của đảng thiểu số Liberal Democrat, ông Cameron phải đòi Liên Âu nhượng bộ nhiều hơn, việc thương thuyết vì thế sẽ gay go hơn trước.
Ðấy là nỗi băn khoăn của Cameron, người vừa đại thắng!

Chủ Nghĩa Quốc Gia Scotland 

Sau khi nhìn vào một phe chiến thắng là khuynh hướng hoài nghi hội nhập và muốn ly khai khỏi Âu Châu, hãy tìm hiểu về phe đại thắng kia, khuynh hướng ly khai khỏi Vương quốc Anh.

Ðảng SNP của dân Scots đã chiếm thêm 50 ghế để có 56 dân biểu trong Hạ Viện và trở thành đảng lớn thứ ba trên chính trường Anh sau khi chiếm gần hết số ghế Lao Ðộng tại xứ Scotland. Nếu đảng Lao Ðộng mà dẫn đầu thì SNP có hy vọng tham gia Nội các trên thế mạnh và đẩy đảng Bảo Thủ vào thế đối lập. Chuyện ấy không xảy ra.

Nhưng sự kiện đảng này có thêm đông đảo cử tri kể từ cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào Tháng Chín năm ngoái. Về chuyện ấy, xin quý độc giả đọc lại Hồ Sơ Người Việt ngày 3 Tháng Chín năm ngoái: “Vương Quốc Anh Thống Nhất hết thống nhất? Một khi xứ Scotland quyết định ly khai khỏi Vương quốc Anh.”

Với chiến thắng vừa qua, chủ trương của SNP là quyền độc lập của nước Scotland trong Vương quốc Anh Thống Nhất United Kingdom đã trở thành một chủ điểm đáng chú ý. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi dầu thô sụt giá, dân Scots của xứ Scotland chẳng mấy ham ly khai vì lợi ích kinh tế quá thấp. Vì vậy, trên đà chiến thắng chính trị họ vẫn chưa đòi tổ chức trưng cầu dân ý lần nữa.

Tuy nhiên, nếu dầu thô lên giá và số thu hoạch về dầu thô trong quản hạt của mình gia tăng, họ có thể mở phong trào bất tín nhiệm đảng Bảo Thủ vì đảng này chỉ có một ghế dân biểu duy nhất tại biên giới miền Bắc với xứ Scotland! Trong giả thuyết thắng lợi về cả kinh tế lẫn chính trị, họ sẽ đòi tổ chức trưng cầu dân ý nữa, với hy vọng độc lập cao hơn. Giới lãnh đạo của đảng SNP hiển nhiên là có nhớ đến một tiền lệ trong lịch sử: Năm 1885, đảng Irish Parliamentary Party của dân Ái Nhĩ Lan (Irish) đã chiếm 63 ghế dân biểu và tạo trớn cho cuộc vận động độc lập. Họ mất nhiều năm (35 năm) và sau Ðệ Nhất Thế Chiến thì quả nhiên là thành công, Vương quốc UK mất một mảng.

Khi xét tới hai khuynh hướng chiến thắng là “chống EU” trong đảng Tory và đòi độc lập từ đảng SNP, ta còn thấy ra một bất trắc khác.

Dù đảng UK Independence Party chỉ được một ghế dân biểu, tinh thần xé chiếu ngồi riêng của đảng thật ra lại khá mạnh. Nghịch lý ở đây là hệ thống bầu cử Anh có thủ tục lắt léo khiến đảng UKIP được 14% lá phiếu cử tri mà chỉ có một ghế. Nếu tìm hiểu vào chi tiết thì đảng này có cái thế đáng kể, về nhì trong việc tranh cử 120 ghế và đứng hạng ba trong việc tranh đoạt 364 ghế. Lãnh tụ đảng là Nigel Farage đã thất cử nên lập tức từ chức cùng hai lãnh tụ Lao Ðộng và Tự Do Dân Chủ, nhưng sự hậm hực của thành phần ly khai thì vẫn nguyên vẹn. Nếu khéo tổ chức lại, họ có thể nêu vấn đề về tu chính luật bầu cử!
Và gián tiếp tạo thế mạnh cho hai khuynh hướng kia, và gây thêm khó khăn cho Thủ Tướng Cameron trong năm năm sắp tới.

Âu Châu và Merkel vất vả 

Chưa nói đến hồ sơ Hy Lạp, Âu Châu sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, cho đến cuộc trưng cầu dân ý của Anh vào năm 2017. Và những khó khăn đó sẽ lại trút lên đôi vai của Thủ Tướng Ðức Angela Merkel. Lãnh đạo nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu, bà Merkel phải quan tâm đến ý muốn của nền kinh tế đứng hạng nhì, của nước Anh. Ý muốn đó là có thêm quyền lợi kinh tế, bớt bị ràng buộc vào các luật lệ xã hội và không bị chi phối bởi quyền tự do di trú của EU.

Trong các vòng thương thuyết về quyền lợi của nước Anh với các nước Âu Châu sau này, người ta có thể thấy ra vai trò rất tế nhị của bà Merkel.

Nếu bà tỏ ra quá cứng rắn trước những đòi hỏi của Anh thì sẽ gây phản ứng ngược trong thành phần chống Liên Âu của đảng Bảo Thủ, làm Thủ Tướng Cameron thêm vất vả. Nếu bà Merkel muốn cố bảo vệ sự thống nhất của Âu Châu và giữ chân nước Anh trong tổ chức, phản ứng chống đối sẽ nổi lên ngay trong đảng CDU của bà và nhất là từ các nước Trung Âu và Ðông Âu. Họ muốn cư dân được quyền vào nước Anh để tìm việc hoặc hưởng nhiều phúc lợi về xã hội.

Ðã vậy, Thủ Tướng Merkel còn phải theo dõi cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp trong hai năm nữa - Tháng Tư và Năm của 2017. Nếu phe bảo thủ và đảng UMP đánh bại đảng Xã Hội của Tổng Thống Francois Hollande, ông Nicolas Sarkozy có hy vọng trở về làm tổng thống Pháp. Và tạo thêm thế mạnh cho Thủ Tướng Cameron tại Anh!

Trong 12 tháng tới, người ta cần theo dõi động thái của hai thủ tướng Anh và Ðức vì những mâu thuẫn bên trong nước Anh và bên trong Liên Âu.

Kết luận ở đây là gì?

Ngược với lời tường thuật hay bình luận sau khi Thủ Tướng David Cameron đại thắng, cuộc bầu cử vừa qua tại Anh càng de dọa sự thống nhất của Vương quốc Anh và của Âu Châu.
Phải chăng, ngày tàn của Liên Âu đã bắt đầu?

-----------------------










No comments: