Saturday, May 16, 2015

Ðảng Dân Chủ và cuộc đua 2016: Toàn người lớn tuổi (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Thursday, May 14, 2015 6:29:56 PM 

“Cứ đổ lỗi cho bà Hillary Clinton là xong!”

Câu chuyện trong quán cà phê nằm gần Tòa Bạch Ốc nổ như bắp rang, khi cánh nhà báo thủ đô thảo luận về cuộc đua chính trị 2016. Tất cả đều đồng ý vẫn còn quá sớm để có thể biết nhân vật nào sẽ đại diện cho đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa, nhưng điều ai ai cũng thấy là bên Cộng Hòa có những nhân vật trẻ hơn so với những người đã xuất hiện hoặc sẽ xuất hiện bên đảng Dân Chủ.

Nếu thắng cử tổng thống năm tới, bà Hillary Clinton sẽ tuyên thệ vào lúc 69 tuổi. (Hình: Ethan Miller/Getty Images)

Làm một bài toán nhỏ sẽ thấy ngay điều đó. Nếu Phó Tổng Thống Joseph Biden nhảy vào vòng chiến và được cử tri toàn quốc tín nhiệm để lãnh đạo nước Mỹ, lúc ông giơ tay tuyên thệ nhậm chức cũng là lúc ông đã hơn 70 tuổi, tương tự như trường hợp của hai thượng nghị sĩ Bernie SandersJim Webb; nếu ứng viên đang dẫn đầu Hillary Clinton là vị tổng thống kế tiếp của quốc gia, bà cũng ở gần tuổi 70 khi nhậm chức (nói rõ hơn: lúc đó tuổi của bà Clinton là 69 tuổi 3 tháng). Chỉ mỗi mình ông Cựu Thống Ðốc Martin O'Malley là người trẻ, năm nay mới 52 tuổi, nếu đắc cử sẽ nhận chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc lúc mới 54 tuổi.

Bên đảng Cộng Hòa khác hẳn! Cao tuổi nhất là ông Jeb Bush, lúc tuyên thệ nhậm chức cũng chi mới 64 tuổi, nhưng chính trị gia Cộng Hòa khác trẻ hơn nhiều: ông Mike Huckabee (61), ông Rand Paul (54), ông Scott Walker (49), ông Ted Cruz (46), ông Marco Rubio (45). Sự xuất hiện của số đông những nhân vật trẻ Cộng Hòa khiến nhiều người thắc mắc, đặt câu hỏi không biết những chính trị gia trẻ tuổi bên Dân Chủ đi đâu mất rồi, sao không thấy xuất hiện ở cuộc tranh cử lần này? Câu trả lời: tại bà Clinton!

“Sau lần bà Clinton tranh cử và thất bại hồi 2008, hầu như mọi người đều nghĩ thế nào bà ta cũng tái ứng cử, vì thế không ai ngạc nhiên khi thấy bà cựu ngoại trưởng xuất hiện ở cuộc đua lần này,” một nhân vật quen thuộc trong giới lãnh đạo Dân Chủ ở thủ đô Washington D.C. nói. “Tôi còn nhớ ngay sau ngày Tổng Thống Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì, mọi người đều nói ngay đến bà Clinton, tới giờ bà Clinton vẫn đứng đầu bảng xếp hạng những ứng cử viên có cơ hội chiến thắng. Chính vì thế nên những người khác tự dưng bị đẩy vào thế khó khăn, tự hiểu họ khó có thể đánh bại một người đã nổi bật sẵn trong chính trường như bà Clinton.” Ðiều đó có nghĩa là nếu bà Clinton không ra tranh cử, “bên Dân Chủ sẽ có những ứng cử viên trẻ tuổi, chẳng khác gì những ứng cử viên của đảng Cộng Hòa.”
Ít nhiều, nhận xét này không sai. Ðồn đãi nghe được ở hành lang Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ cho thấy nếu bà Clinton không tái tranh cử, sẽ có nhiều chính trị gia trẻ tuổi hơn ghi tên tham dự cuộc đua 2016. Trong danh sách được nói đến có bà Kristen Gillibrand mới 49 tuổi, bà Amy Klobuchar mới 54 tuổi, hoặc bà Elizabeth Warren ở tuổi 65. Một chính trị gia khác cũng được nhắc tới là ông Thống Ðốc Andrew Cuomo của tiểu bang New York, cuối năm nay sẽ mừng sinh nhật thứ 58.

Ông Robert Blake, một nhà quan sát độc lập, nghĩ rằng dù bà Clinton là nhân vật nổi bật, nhưng “điều đó chưa hẳn đã lợi thế chính trị cho phía Dân Chủ.” Ông nhắc lại 2 sự kiện chính trị mới xảy ra hồi gần đây: thứ nhất, hồi 2008 bên đảng Dân Chủ đưa một ứng cử viên mới 47 tuổi ra tranh cử tổng thống (Obama), đối chọi với ứng cử viên 72 tuổi của đảng Cộng Hòa (John McCain), kết quả “đảng Dân Chủ thành công nhờ nắm gần hết phiếu của lực lượng cử tri trẻ, tuổi từ 18 cho đến 35.” Ðiều thứ nhì: “những cuộc thăm dò được thực hiện trong những năm vừa qua cho thấy hơn 60% cử tri Dân Chủ nói rằng họ muốn đại diện của đảng là người trẻ, khó có thể ủng hộ những người ở tuổi chừng 70.” Những bằng chứng đó cho thấy “có thể lần này đảng Dân Chủ chấp nhận bà Clinton, nhưng điều quan trọng nhất là liệu đầu Tháng Mười Một năm tới họ có đi bầu, có dồn phiếu cho bà Clinton hay không?.”

Chuyện đó chưa vội phải lo, một nhà báo chuyên viết tin chính trị ở Washington D.C. cho biết nhận xét cá nhân về chuyện tuổi tác ở cuộc tranh cử năm nay. Ông nhà báo này - xin giấu tên - nghĩ rằng số cử tri Dân Chủ muốn bảo vệ “di sản chính trị” do ông Obama để lại vẫn còn đông, họ sẵn sàng ủng hộ bất cứ ai đai diện cho đảng, “kể cả trường hợp người đó là bà Clinton.” Ông nói thêm trong trường hợp bên Cộng Hòa chọn ông Jeb Bush, “chuyện tuổi tác sẽ không là đề tài cử tri toàn quốc bàn tán,” chỉ khi nào bên Cộng Hòa chọn một người trẻ như ông Marco Rubio và bên Dân Chủ lựa bà Clinton “lúc đó dân chúng Mỹ mới đặt vấn đề giả trẻ, xem đó là một trong những quyết định họ phải cân nhắc trước khi bỏ phiếu chọn ai.”







No comments: