Saturday, May 16, 2015

Tiểu ban Nhân Quyền Hạ Viện Mỹ thông qua Dự luật Nhân Quyền VN (Người Việt)





Người Việt
Friday, May 15, 2015 4:05:43 PM

Người Việt ở Hoa Kỳ và Canada biểu tình trước Tòa Bạch Ốc chống chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang ngày 25/7/2013 khi ông này đến đây. (Hình: KAREN BLEIER/AFP/Getty Images)

Chiều hôm Thứ Năm 14/5/2015, tất cả các thành viên thuộc Tiểu ban Nhân Quyền đã chấp thuận thông qua Dự luật Nhân Quyền Việt Nam (Vietnam Human Right Act, HR 2140), chuẩn bị chuyển đến Ủy Ban Ngoại Giao và hy vọng sẽ được Ủy ban biểu quyết trong tháng tới.

“Tuy chúng ta thấy nhà cầm quyền Việt Nam thả một số tù nhân chính trị, nhưng đừng để bị đánh lừa là thả một vài tù nhân bất đồng chính kiến thì đủ tượng trưng cho sự tiến bộ nhân quyền tại Việt Nam.” Dân biểu Chris Smith, chủ tịch Tiểu ban Nhân Quyền phát biểu trong cuộc họp của tiểu ban.

“Cái thực tế chính yếu của đàn áp nhân quyền tại Việt Nam không hề thay đổi. Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục cầm tù các tù nhân lương tâm mà tội của họ thật ra chỉ là những nỗ lực thể hiện các quyền tự do căn bản của người dân.”

Dự luật Nhân Quyền tại Việt Nam từng được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua đã 5 lần trong những năm qua với tỉ số chấp thuận áp đảo nhưng khi chuyển lên Thượng Viện thì bị giữ lại, nên chưa bao giờ trở thành luật.

Dự luật không ngăn cản các chương trình viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, viện trợ thực phẩm, các nỗ lực tẩy rửa chất độc Da Cam và dò tìm, tiêu hủy các loại bom đạn sót lại trong chiến tranh còn trong lòng đất, các chương trình viện trợ chống bệnh HIV/AIDS, cũng như chống buôn người và lao động trẻ em.

Ngoài dân biểu trưởng tiểu ban Nhân quyền Hạ Viện Chris Smith là tác giả, còn có 8 dân biểu khác đồng bảo trợ cho Dự luật Nhân Quyền Việt Nam thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa như các dân biểu Ed Royce (CA-39) Chủ tịch Ủy ban Ngoại Giao, dân biểu Ileana Ros-Lehtinen (FL-27), dân biểu Zoe Lofgren (CA-19), dân biểu Dana Rohrabacher (CA-48), dân biểu Loretta Sanchez (CA-46), dân biểu Alan Lowenthal, (CA-47), dân biểu Tom Emmer (MN-06) và dân biểu Gerald Connolly (VA-11).

“Dự luật Nhân Quyền Việt Nam năm nay đòi hỏi không tăng phần viện trợ nhân đạo lên quá 16 triệu đô la, tức không vượt qua mức viện trợ của năm 2012 trừ phi nhà cầm quyền Việt Nam có tiến bộ nhân quyền đáng kể khi thiết lập dân chủ và cổ võ nhân quyền”, dân biểu Smith nói.

Dân biểu Smith xác định tiến bộ nhân quyền tại Việt Nam phải gồm những thứ như tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người  dân và trả tự do cho tất cả các tù nhân tôn giáo, tôn trọng quyền tự do phát biểu, hội họp, lập hội và trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, các nhà báo độc lập cũng như những người vận động công đoàn độc lập.

Đồng thời ông Smith cũng đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải hủy bỏ và sửa lại luật lệ hình sự đã hình sự hóa các hành vi diễn đạt ý kiến ôn hòa, thông tin độc lập, các hoạt động tôn giáo không do nhà cầm quyền tổ chức, các cuộc biểu tình ôn hòa, cho tương ứng với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Họ cũng phải tôn trọng nhân quyền của các sắc tộc thiểu số và phải có các biện pháp thích hợp trừng phạt viên chức chính quyền không tôn trọng quyền của người dân, chấm dứt những mập mờ của nhà cầm quyền về vấn đề buôn người.

Dù có cách bằng chứng hiển nhiên, chế độ Hà Nội vẫn luôn luôn chối là không có tù nhân lương tâm hay tù nhân tôn gíao tại Việt Nam.

Một ngày trước khi Tiểu ban Nhân Quyền quyết định thông qua Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam, dân biểu Chris Smith và dân biểu Zoe Lofgren phổ biến một bài viết trên trang báo điện tử của Hạ Viện Hoa Kỳ lập luận rằng nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền không khoan nhượng là lý do không thể chấp nhận cho Việt Nam gia nhập Tổ Chức Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Nếu mình vận động đủ mạnh, tôi tin Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam hy vọng có thể được thông qua tại Thượng Viện.” Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (SOS Boat People) một người tích cực vận động cho dự luật nói trên nói với nhật báo Người Việt qua điện thoại.

Theo ông Thắng trong kỳ bầu cử Thượng Viện vừa qua, một số nghị sĩ đã đắc cử với số phiếu trong đó có nhiều phiếu của cử tri gốc Việt tại một số tiểu bang. Nhờ đó, khối cử tri gốc Việt có thể vận động với nghị sĩ của mình để hậu thuẫn cho dự luật thông qua một cách thuận lợi. (TN)





No comments: