Saturday, May 16, 2015

Ai thắng trận chiến giá dầu lửa? (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Thursday, May 14, 2015 7:58:51 PM 

Trong thời gian vừa qua, những người lái xe rõ ràng là kẻ thắng khi xăng xuống giá. Nhưng tình trạng này không kéo dài và theo dự đoán của các chuyên gia, giá dầu thô hồi phục  trở lại sẽ có thể lên tới mức gần $100 một thùng vào giữa tháng Sáu. Người dân California hiện nay đang phải trả giá trên dưới $3.50 một gallon xăng, sẽ không hy vọng có giá dưới $3 ít nhất là trong tương lai gần.

Một giới chức cao cấp Saudi Arabia nói rằng chiến lược duy trì giá dầu thấp, bằng cách giữ nguyên sản lượng của vương quốc này đã thành công. Công cuộc khai thác đắt tiền các mỏ dầu đá phiến ở Hoa Kỳ, mỏ dầu ở vùng biển nước sâu  hay dầu nặng lọc từ cát dầu đã không thể tiếp tục phát triển với mức độ như từ mấy năm gần đây vì không đủ hiệu quả kinh tế, và các công ty buộc phải điều chỉnh lại đường lối của họ.

Giới chức Saudi Arabia ở Riyadh nói với tờ Financial Times hôm Thứ Tư: “Không có nghi ngở nào là dầu lửa rớt giá trong nhiều tháng qua đã làm nản lòng các nhà đầu tư và họ phải xét lại chính sách”.

Trong tháng 4 sản lượng dầu thô của Saudi Arabia lên tới mức cao kỷ lục, 10.3 triệu thùng mỗi ngày, và không có dấu hiệu chiều hướng ấy sẽ thay đổi trong kỳ họp sắp tới vào tháng 6 tại Vienna, Áo, của các quốc gia hội viên OPEC (Tổ chức các nước xuất cảng dầu lửa).

Những dữ liệu do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố xác nhận lập luận của Saudi Arabia. Theo IEA con số các giàn khoan dầu ở Hoa Kỳ giảm 60% do tình hình dầu mất giá và sản xuất dầu đá phiến ở Hoa Kỳ coi như đã hết động năng từ tháng Tư.

Tuy nhiên theo IEA, hãy còn quá sớm để cho rắng “Saudi Arabia thắng trận chiến dầu lửa” vì thị phần của họ sút giảm. Sản lượng dầu thô trên thế giới tăng đều, ngay cả ở những khu vực khai thác tốn kém tại Brazil cũng như những nước thành viên OPEC như Iran và Iraq.

Các giới chức dầu lửa Saudi Arabia nói rằng họ tin tưởng duy trì được vị trí khống chế trong lãnh vực năng lượng toàn cầu trước sự cạnh tranh của các nước khác kể cả các nước thành viên OPEC. Họ cũng cho rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng chính của thế giới trong tương lai dài dù có sự phát triển của những loại năng lượng mới.

Sáu tháng trước, OPEC do Saudi Arabia dẫn đạo, quyết định giữ nguyên sản lượng dù cho giá dầu thấp. Chiến lược này đả làm các công ty dầu lửa phải giảm chi tiêu, ngưng khoan dò khai thác và sa thải nhiều công nhân. Đồng thời ngân sách của các nước xuất cảng dầu lửa cũng bị tổn hại nậng, từ những nước nghèo như Venezuela, Iran, Nigeria cho đến Nga – nước xuất cảng dầu lửa nhiều nhất thế giới và không nằm trong OPEC.  Saudi Arabia với ngân khoản tích lũy lớn của mình có thể dễ dàng chịu đựng sự thua thiệt ấy với mục tiêu vẫn giữ vững thị phần trên thị trường dầu  lửa thế giới.

IEA cho rằng tình trạng dầu lửa rót giá năm ngoái có hy vọng hồi phục dần dần vào giữa năm 2015. Tháng 6 năm 2014, một thùng dầu $115, tới tháng 1 năm nay chỉ còn $45. Saudi Arabia Họ tin rằng các mỏ dầu đá phiến Hoa Kỳ và các giàn khoan nước sâu ngoài khơi Brazil sẽ không thể nào tồn tại với giá  thấp như vậy. Saudi Arabia tin rằng giá dầu đã xuống tới đáy và sẽ lên trở lại, hiện nay đang ở mức khoảng $68 một thùng.

Nhưng mặt khác, các chuyên gia không cho rằng Saudi Arabia với chiến lược ấy, đạt kết quả trong việc giữ vững hay gia tăng thị phần. Những dữ liệu từ 2011 đến 2014 cho thấy thị phần trong nhập cảng vào Ấn Độ và Nhật tăng lên nhưng lại giảm ở Trung Quốc.

Giới khai thác dầu đá phiến Hoa Kỳ cũng không đồng ý là Saudi Arabia thành công trong chiến lược ép giá, vì họ chỉ tạm dừng chứ không phải là bỏ cuộc. EOG Resources, công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất ở Hoa Kỳ, dự tính sẽ tái gia tăng sản lượng nếu giá dầu định chuẩn Mỹ, West Texas Intermediate, lên cao trên $65 một thùng, giá hiện nay vào khoảng $61.

Thị trường dầu lửa thế giới là một cơ chế hoạt động rất phức tạp, không chỉ quyết định bởi sản xuất và tiêu thụ mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Có một sự kiện chắc chắn là trong vòng nửa thế kỷ vưa qua, OPEC trong đó Saudi Arabia dẫn đầu, nắm vai trò định đoạt, vai trò đó bây giờ không còn là độc quyền của OPEC nữa. 






No comments: