Ngô Nhân Dụng
Friday,
May 15, 2015 6:21:50 PM
Một
số người sắc tộc H'Mong ở xóm Khuổi Vin, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng,
cho biết họ bị công an tấn công trong Tháng Hai vừa qua khiến 7 người bị thương
trong đó có ba người bị trầm trọng. Ba ngày trước, các blogger Huỳnh Thục Vy và
Huỳnh Trọng Hiếu đã lên tiếng kêu cứu, ký giả Mặc Lâm đài Á Châu Tự Do (RFA) mới
trực tiếp phỏng vấn các nạn nhân.
Theo đồng
bào kể lại, hơn 100 người đã tới đốt cháy nhà bảo quản đồ tang lễ của xóm vào
lúc 5 giờ sáng ngày 6 Tháng Hai, trong đó 20 người mặc sắc phục công an, mươi
người mặc đồ quân đội. Họ đập phá mái nhà, đổ xăng dầu đốt hết cột gỗ và các vật
dụng trong nhà tang lễ. Hơn 50 người trong xóm chạy đến dập lửa nhưng bị công
an đánh đập.
Trả lời
đài RFA, anh Hầu Văn Quân 23 tuổi,
là con trai bà Lý Thị Thào, một người bị thương rất nặng, kể: “Mẹ tôi bị sáu tên đấm vào ngực mẹ tôi,
trong đó có một người mặc quần áo công an. Họ đánh, giật tóc mẹ tôi và dùng roi
điện nữa dí lên người mẹ tôi và đá vào bụng mẹ tôi làm mẹ tôi ngất đi. Còn em
trai tôi là Hầu A Múa, 15 tuổi thấy, rút điện thoại ra chụp hình ảnh mẹ tôi bị
đánh thì một người mặc thường phục chạy tới đá vào ngực khiến em tôi ngất đi.
Sau đó một người mặc quần áo công an kéo áo em trai tôi lên và dí điện lên người
nó...”
Ðây
không phải là lần đầu tiên đồng bào H'Mong bị đàn áp vì lý do tôn giáo. Hầu Văn Quân cho biết: “Ðây là lần thứ năm chính quyền dùng lực lượng
đánh phá nơi bảo quản đồ tang lễ. Ðặc biệt khác với những lần trước họ đánh vào
lúc trời chưa sáng, hai là họ chặn ngay trước cửa nhà, bao vây cả làng xóm
không cho bà con chúng tôi tới gần.”
Nguyên
nhân khiến đồng bào bị đàn áp là họ đã theo một phong trào cải cách tang lễ có
tính cách tôn giáo, với một “đạo mới” được gọi là “Ðạo Dương Văn Mình.”
Phong
trào này bắt đầu hoạt động vào năm 1989, phát triển trong số người H'Mong, trước
đây thường gọi là người Mèo, ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên
Quang; do ông Dương Văn Mình chủ xướng.
Ông có ảnh hưởng sâu rộng trên nếp sống tinh thần của đồng bào Hmong vùng Tây Bắc
sát biên giới Trung Quốc. Một điểm đặc biệt của lối sống mới dưới ảnh hưởng của
ông Dương Văn Mình là thay đổi tang lễ.
Anh Hầu Văn Quân giải thích: “Ngày xưa người H'mong chết thì treo trong
nhà 7 ngày 7 đêm và sau đó mới đem chôn. Bác Mình bảo là chỉ để 24 tiếng để người
thân về thấy người qua đời rồi lấy đi chôn, nhưng chính quyền bảo cái này là tà
đạo chính quyền không cho phép bà con H'mong chúng tôi đổi mới như thế.”
Ngôi
nhà tang lễ có giá trị tinh thần quan trọng đối với người H'Mong. Ðó là nơi lưu
giữ một số biểu tượng dùng trong đám tang: Thánh giá, con ve sầu và con cóc.”
Anh Hầu Văn Quân cho biết thêm: “Theo sự chỉ dẫn của ông Dương Văn Mình thì
thánh giá tượng trưng cho thượng đế, con ve sầu và con cóc tượng trưng cho tiếng
trống và tiếng đàn khóc thương người chết. Ba biểu tượng đơn giản nhưng nhiều ý
nghĩa này được bà con H'mong gìn giữ (trong nhà tang lễ chung) mặc dù vài năm
qua ít nhất 5 địa điểm dành cất giữ đồ tang lễ theo lối mới đã bị chính quyển đập
phá, hay san bằng.”
Vẫn
theo lời người địa phương, vụ đốt phá nhà tang lễ và đánh đập dân H'Mong này
không hề cho các cán bộ địa phương biết; Bí thư Chi bộ xóm là Lý Kim Cương, trưởng
xóm Hầu A Nhánh và ông Ngô A Bình, công an viên xã đều tỏ ra ngạc nhiên khi bị
đồng bào chất vấn! Vì vậy, có thể nghi rằng cấp trên của họ đã chủ trương cuộc
đàn áp, các cán bộ cấp xã vì cũng thuộc sắc tộc H'Mong cho nên không được báo
trước.
Vụ đàn
áp đồng bào H'Mong được lên báo chí từ Tháng Mười năm 2013, khi hàng trăm người
H'Mông kéo về Hà Nội biểu tình tố cáo chính quyền bốn tỉnh Cao Bằng, Thái
Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Cạn phá bỏ nhà tang của họ, tức là “cấm dân theo đời
sống văn minh.”
Ông Vũ Quốc Dụng, nhà tranh đấu cho
nhân quyền, ở Frankfurt, nước Ðức thuật rằng: “Họ bị công an giải tán, một số bị bắt và một số bị đánh mang thương
tích nặng, một số bị đưa đi mất tích. Cô Hoàng Thị Vàng bị đánh đến nỗi 10 ngày
sau vẫn không đi nổi một mình.”
Ông Vũ Quốc Dụng cho biết: “Theo những
thông tin mà tôi tổng hợp được thì đây là một đạo tin vào Thiên Chúa và Thiên Sứ
của người H'Mông ở các tỉnh cực Bắc Việt Nam. Chính quyền không cho người dân
H'Mông chôn cất theo kiểu đạo Dương Văn Mình dạy họ... Ban đầu chính quyền tịch
thu đồ đạc để trong nhà tang, đưa quân đến các buổi lễ tang ở đó để giải tán,
đánh đập và bắt giữ người tham dự. Sau này chính quyền đem quân đến san thành
bình địa các nhà tang được xây dựng trong vùng rừng núi hoặc giữa ruộng nương,
đánh đập và bắt giữ.”
Năm
2014, vào Tháng Bẩy và Tháng Mười, ba
người H'Mong là các ông Hoàng Văn Sự, Hoàng Văn Sinh và Dương Văn Thành bị
đưa ra tòa án tỉnh Bắc Kạn, bị tuyên án tù vì đã vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình
Sự Việt Nam, một điều luật vẫn được sử dụng để đàn áp những blogger có ý kiến
trái với đảng Cộng Sản. Ðồng bào các tỉnh kéo về dự phiên tòa nhưng không được
phép vào trong, kể cả các thân nhân của các người bị tù.
Theo ông Vũ Quốc Dụng, những vụ đàn áp này
là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng: “Theo
một báo cáo của Tỉnh Ủy đảng Cộng Sản ở tỉnh Cao Bằng vào ngày 8 tháng 10,
2012, chỉ trong vòng 4 tháng thực hiện chỉ thị của tỉnh ủy thì đã có 17 trong số
32 xóm ở Cao Bằng chịu 'ký cam kết không theo Dương Văn Mình.' Ai không ký thì
'chính quyền có biện pháp gọi hỏi, răn đe và xử lý nghiêm'. Ðây là sự xâm phạm
đến quyền tự do có tôn giáo. Ðó là một trong những nhân quyền tuyệt đối. Công ước
Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị không cho phép chính quyền được giới hạn
quyền này trong bất cứ hoàn cảnh nào...”
Song
song với các vụ đàn áp trên, đảng Cộng Sản đã sử dụng bộ máy tuyên truyền để
bêu xấu phong trào cải cách tôn giáo, đặc biệt là thay đổi tang lễ của đồng bào
H'Mong. Báo chí của đảng Cộng Sản viết: “Tín
ngưỡng Dương Văn Mình thực chất là một tà đạo, hoạt động không theo một tôn
giáo chính thống nào, thực chất là một thứ hổ lốn...”
Lối
tuyên truyền bôi nhọ này có thể thuận tai những người nhẹ dạ. Nhưng các lý luận
sử dụng đều hoàn toàn sai. Thứ nhất, một guồng máy nhà nước không có quyền phê
phán tôn giáo nào là “tà đạo.” Chính hay tà là do người dân quyết định và lựa
chọn. Trách nhiệm của nhà nước chỉ là bảo vệ pháp luật, không có một luật nào định
nghĩa thế nào là tà đạo. Nếu có một hành động nhân danh tôn giáo mà làm thiệt hại
đến người khác và đến đời sống chung, thì chính quyền phải ngăn cản, những điều
cấm đó được ghi trong hình luật và luật dân sự.
Lời phê
phán còn phạm sai lầm nặng nề nhất, khi nói Tín ngưỡng Dương Văn Mình “hoạt động
không theo một tôn giáo chính thống nào, thực chất là một thứ hổ lốn...” Tín
ngưỡng là quyền thiêng liêng của các cá nhân, tin hay không tin là lựa chọn cá
nhân. Không một quốc gia nào được phép ấn định tôn giáo nào mới được gọi là
“tôn giáo chính thống.” Ngay ở những nước chọn một “quốc giáo” như Iran,
Israel, Saudi Arabia, vân vân, người ta vẫn phải tôn trọng những tôn giáo thiểu
số, dù có rất ít người theo.
Phê
bình một tín ngưỡng là “một thứ hổ lốn” cũng là một sai lầm; không những vì sử
dụng thứ ngôn ngữ bất kính, mà còn sai vì thiếu hiểu biết. Các tôn giáo đều thường
chỉ bắt đầu như những tổng hợp từ các niềm tin có trước, nhiều niềm tin xuất
phát từ các địa phương hay thời đại khác nhau. Trên thế giới không có một tôn
giáo nào là hoàn toàn mới, hoàn toàn độc đáo.
Tại sao đảng Cộng Sản Việt Nam cấm đoán
một phong trào cải cách có tính cách tôn giáo của một sắc tộc thiểu số sống
trong miền rừng núi Việt Nam như vậy?
Lý do chính là họ sợ. Họ sợ dân, tất cả mọi
người dân. Họ sợ nhất là khi người dân có những lý do tập họp lại. Họ sợ nhất
là khi lý do đó có tính cách tôn giáo.
Cho nên
trong việc đàn áp đồng bào H'Mong, họ chú trọng đến việc phá các nhà tang lễ. Tờ báo Công An Thủ Ðô đã lộ ra nỗi sợ
hãi đó, viết rằng: “Có những hoạt động
xây dựng ‘nhà đòn’, ‘nhà nguyện’ trái phép, tuyên truyền những quan điểm trái với
đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo và chính sách
đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đối với người Mông nói riêng.
‘Nhà đòn’ do tay chân của Dương Văn Mình lập ra, bản chất là một nhà nguyện để
tập trung các tín đồ.” Nếu các người theo đạo Dương Văn Mình không lập ra những
địa điểm tụ họp thì chắc họ được an thân hơn, dù vẫn bị nhòm ngó và đe dọa.
Cộng Sản
là một chế độ toàn trị, muốn kiểm soát kinh tế, chính trị và cả văn hóa, tín
ngưỡng. Trước đây, họ tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lê Nin như một thứ tín ngưỡng,
coi Liên Xô là thiên đường, Mỹ là địa ngục. Sau khi chủ nghĩa Cộng Sản đã hoàn
toàn phá sản, trên thế giới và tại nước ta, chính các đảng viên Cộng Sản cũng
không còn tin vào chủ nghĩa của họ nữa. Ðảng cộng sản đang sống với cái đầu và
trái tim hoàn toàn trống rỗng.
Trong
khi đó, người Việt chúng ta vẫn còn giữ được hai sức mạnh tâm lý tập thể mạnh
nhất là tín ngưỡng và lòng yêu nước. Ðảng Cộng Sản đang tìm cách cấm đoán cả
hai. Những cuộc biểu tình tưởng niệm các chiến sĩ bị quân Trung Cộng sát hại ở
Hoàng Sa, ở Gạc Ma đều bị công an và lũ côn đồ đến phá.
Năm
ngoái, ông Vũ Quốc Dụng cho biết: “Chỉ trong khoảng 18 tháng đã có 70 tín đồ của
các đạo như Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Phật Giáo Khmer Krom, Hội đồng Công
luật Công án Bia Sơn và Phật Giáo Hòa Hảo bị xử tổng cộng một án tù chung thân,
532 năm tù và 200 năm quản chế.”
Khi Cộng
Sản đàn áp một nhóm tín đổ, thuộc bất cứ tôn giáo nào, thì đó là tiếng chuông
báo động cho tín đồ của tất cả các tôn giáo khác. Dù một cuộc hành lễ nhỏ với
dăm bẩy người trong một tư gia, hay một ngôi nhà lưu giữ đồ tang lễ của một
nhóm đồng bào thiểu số, ở bất cứ đâu, quyền tự do hành đạo của họ phải được tôn
trọng tuyệt đối. Mọi người Việt Nam phải góp sức bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng
của đồng bào H'Mong ở các tỉnh miền Tây Bắc.
----------------------------
NHÀ CẦM QUYỀN
CSVN ĐÀN ÁP NGƯỜI H’MÔNG
.
Huỳnh Trọng Hiếu
- Dân Luận 15/05/2015
.
vietinfo.eu 21-03-2014
http://vietinfo.cz/tin-viet-nam/cong-an-dan-ap-khoc-liet-cuoc-bieu-tinh-cua-nguoi-hmong-o-tuyen-quang.html
http://vietinfo.cz/tin-viet-nam/cong-an-dan-ap-khoc-liet-cuoc-bieu-tinh-cua-nguoi-hmong-o-tuyen-quang.html
.
VienDongDaily - 20/03/2014
.
.
tiengnoidautranh Published
on Oct 3, 2013
.
.
No comments:
Post a Comment