Sunday, July 25, 2010

VIỆT NAM KHÔNG CÓ TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ và TÔN GIÁO ?

Việt Nam không có tù nhân tôn giáo và chính trị?

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

2010-07-25

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Do-political-and-religious-prisoners-exist-in-viet-nam-where-are-the-reality-and-truth-dhieu-07252010110702.html

Lên tiếng khi đến Hà Nội tham gia hội nghị an ninh cấp vùng ASEAN, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton yêu cầu Việt Nam cải thiện quyền làm người, trong đó có việc trả tự do cho tù nhân chính trị và tôn giáo, không can thiệp vào hoạt động tôn giáo và cho phép người dân được tự do truy cập Internet.

Phía Hà Nội, lâu nay vẫn khẳng định ở Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có phạm nhân hình sự, và cũng không có chuyện đàn áp tôn giáo. Sự thật ra sao? Xin mời quý vị nghe phát biểu của ông Võ Văn Diêm, em của tu sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Võ Văn Thanh Liêm, và bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Nguyễn Văn Đài. Cả hai nhà dân chủ này còn đang ngồi tù về tội chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chế độ. Xin nhường lời cho anh Đỗ Hiếu.

.

Người tù Võ Văn Thanh Liêm

Từ Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, ông Võ Văn Diêm xác nhận Việt Nam còn giam cầm nhiều tù nhân tôn giáo trong đó có người anh của ông được các đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo gọi là “Ông Năm”:

“Về chính trị thì tôi không có tham gia và tôi không biết, nhưng mà có tù tôn giáo là do nơi nhà nước - chế độ của cộng sản bây giờ vẫn còn tiếp tục đàn áp ngành tôn giáo.”

Ông kể lại những khó khăn mà tôn giáo của ông phải đối mặt, khi cử hành các sinh hoạt tâm linh và tín ngưỡng thời gian trước đây:

“Mấy ổng ra cũng như một đợt tổng tấn công là lúc anh Năm tui đang sửa cầu đường, ra cách khỏi chùa 300 mét, năm bảy người dùng roi điện chích rồi đánh anh Năm tui, rồi đem lên xe chở đi mất tích khoảng 40 ngày.

Rồi tới lúc đó mấy ổng tấn công vào chùa, gặp mấy đứa cháu nó đi ra mần tiếp thì họ cũng còng, đè xuống, đứa nào la thì nhét khăn vô họng, còng hết. Họ vô chùa, phá hàng rào, vô chùa khoảng trăm mấy hai trăm người, có đủ các đoàn thể hết là công an và các ban tổ chức này kia hết. Chánh quyền lớn, chức phận lớn thì lấy đồ lớn, còn những người mà nhỏ nhỏ thì lấy theo nhỏ, là lấy cũng như radio, ống quẹt, đèn chá, đủ thứ hết, lấy hết trơn. Rồi lấy trong khoảng 3 giờ chiều mấy ổng mới rút đi.

Về chính trị thì tôi không có tham gia và tôi không biết, nhưng mà có tù tôn giáo là do nơi nhà nước - chế độ của cộng sản bây giờ vẫn còn tiếp tục đàn áp ngành tôn giáo.

Ông Võ Văn Diêm :

Tui cũng không biết là nói sao bây giờ. Nếu mà mình nói ra thì nó cũng phải càng khổ thêm cho cái thân của mình. Mà hồi lúc tui còn đang đi làm, chánh quyền hay ngăn trở tui, không cho tui đi làm. Làm cái chuyện gì thì hay bị ngăn trở, kiếm chuyện bắt bớ, hoặc giả trong gia đình. Rồi bây giờ lại cắt cái nguồn điện của tui và của bà già, với của chị tui. Cái nguồn điện của tui là trong chùa Quang Minh Tự tới bây giờ mấy ổng cũng không giải quyết thành ra một thời gian sau này tui mới tạm xin nguồn điện của người ta để xài ké đến bây giờ.”

Ông nói thêm, trong trại giam tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm được yêu cầu phải nhận tội nhưng ông này đã từ chối và đã bị áp dụng hình phạt:

“Tui cũng có gặp anh em tù nhân của mình cũng như Vương Minh Trí, và những anh em khác thì nói đúng ra tui cũng không nhớ tên nhiều nhưng mà cũng thấy có. Nhưng mà số phần anh Năm tui thì tui rõ biết những anh em ở tù đó.

Lúc đó thời gian ra và chánh quyền ở trong địa phương này, trong khoảng anh Năm tui ở tù gần 3 năm, thì chánh quyền ở địa phương và ở tỉnh ra khuyên anh Năm tui phải nhận tội thì nhà nước sẽ khoan hồng, thì anh Năm tui mới nói "Tui đâu có tội. Mấy ông bắt đưa tui đi gửi đây. Còn cái vụ mấy ông lấy đồ của tui thì chừng nào tui về thì mấy ông trả tui mới biết mà nhận chớ giờ tui đâu có biết đồ gì mà nhận. Còn điều thứ ba nữa tui đâu có được ân huệ mà mấy ông cho tiền tui, bị vì tui không có cầm tiền. Thứ hai nữa là tiền con cháu tui cho xài hổng hết mà tui đâu có xài tiền đâu. Mấy ông cũng thông cảm cho qua về cái việc đó."

Rồi ở bên tỉnh An Giang biết vụ anh Năm tui hổng buộc được nên trong thời gian năm mười ngày thì mấy ổng mới chở về bắt buộc anh Năm tui phải đi lao động. Tuổi sáu mươi rồi, gần bảy mươi rồi, thì lúc đó anh Năm tui mới tuyệt thực, mất nước là ảnh chết, nhưng mà anh Năm tui chết thì không đáng tiếc mà tui đáng tiếc cho người dân Việt Nam mình, và anh Năm tui là người tôn giáo mà lại để đi, cưỡng ép chế cho anh Năm tui chết như vậy là mấy ông cũng tổn thất lớn với quốc tế.”

Là người thường đi thăm nuôi người anh của ông còn ngồi tù ở Xuân Lộc, Đồng Nai, ông Võ Văn Diêm nói lên cảnh tượng đau lòng từng chứng kiến nơi ngục thất:

“Tui có đi thăm tù thì tui thấy do nơi cô Nguyễn Thị Dung, vợ của Võ Văn Bửu, bịnh nhiều lắm. Đôi khi anh em đi thăm thì không có ai thăm được, chỉ có một đứa cháu gái vô thăm được thôi. Mà mỗi lần đi thăm thì phải hai người kè (cô Dung) ra. Và đôi khi thuốc gởi vô thì đôi khi mấy ổng nhận, có khi mấy ổng hổng nhận. Không biết có được uống thuốc đầy đủ hông. Tui thấy bây giờ cái phần cô Dung thì thấy bịnh nặng nề, còn mấy anh em kia thì cũng có bịnh vậy nhưng mà nó cũng đỡ hơn.”

Dịp này ông kêu gọi công luận thế giới để xin được sự quan tâm đối với những chính trị phạm còn nằm trong vòng lao lý:

“Tui cũng có một yêu cầu nho nhỏ. Nhà nước Việt Nam phải lắng tai nghe người dân Việt Nam, kêu gọi giới quốc tế và những anh em hải ngoại nghe lời nói chơn thật của tui, mà phải cứu xét về chân lý của người đạo, mà để bắt anh Năm tui đi tù đày cùng những anh em khác, và những anh em tù về tôn giáo. Còn nói về chánh trị thì tui không có nắm rõ, mà tui cũng khuyên nhà nước cũng phải nên cứu xét lại mà tha cho những người tù bị hàm oan. Nhà nước phải nhớ lại những lời nói của tui thật là chơn thật. Và xin cảm ơn quý Đài và các anh em ở ngoài nước.”

.

Tuyên truyền chống phá nhà nước?

Kế đó, qua câu chuyện với chị Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Nguyễn Văn Đài còn đang ngồi tù về tội tuyên truyền chống phá nhà nước, người phụ nữ kém may mắn này giải bày nổi oan ức của chồng:

“Thời gian trôi qua thì đúng là em rất là buồn và không nói nên lời nữa (khóc) vì điều mà gia đình gặp phải. Thực lòng từ trước đến nay em chỉ biết có một điều rằng thấy chồng mình toàn làm những điều tốt, chưa bao giờ đe dọa một người nào, cũng chưa bao giờ cầm dao hay làm bất cứ điều gì nói về vấn đề gây bạo động, hoặc là ăn trộm ăn cắp của ai cả, mà chỉ toàn đi giúp đỡ con người.

Nhưng mà em cũng thấy rằng khi mà chồng mình bị bắt như vậy thì thật lòng là người vợ, em rất bàng hoàng và kết luận của tòa án như vậy thì em thấy rất là nhiều điều oan ức. Em cũng viết rất nhiều văn thư, thậm chí qua từng cấp bậc nhà nước Việt Nam, từ cấp đầu tiên là an ninh điều tra, sau đó là ra đến tòa án sơ thẩm, sau đó phúc thẩm, và sau đó lên tòa án tối cao và tất cả các nơi, và em lên cả Mặt Trận Tổ Quốc, cũng như đến rất nhiều văn phòng Quốc Hội, và em đã còn gửi thư và còn có những điều luật, những sự tham khảo của các luật sư và mình cũng viết ra được những lý luận về chồng mình.

Nhưng mà rất đáng buồn là không ai đoái hoài đến cả. Chồng em thì vẫn luôn luôn bị họ nói rằng là kết án tù hình sự thì điều đó em cũng không tránh khỏi cảm tưởng rất là buồn.”

Dịp này, bà Khánh cũng mong mỏi luật sư Đài sớm về sum họp gia đình, đồng thời bà cám ơn sự vận động của quốc tế cho trường hợp của ông:

“Và cũng rất cảm ơn sự quan tâm của bà ngoại trưởng cũng như tất cả những anh chị em ở bên ngoài vẫn có tinh thần yêu thương, ủng hộ cũng như giúp đỡ gia đình, là nguồn an ủi, giúp đỡ, động viên rất là lớn trong những ngày tháng vừa qua, thì cho em được gửi lời chân thành cảm ơn mọi người rất là nhiều.

Dạ, chồng em đến thời điểm này là 3 năm 5 tháng, còn 7 tháng nữa mới mãn án, anh ạ. Vâng ạ, vâng, em cảm ơn anh ạ.”

Hầu hết báo đài do nhà nước Việt Nam kiểm soát đều không nói đến việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thúc đẩy nhân quyền khi bà đến họp ở Hà Nội mà chỉ trích lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm của bà Clinton với lãnh đạo Việt Nam nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa đôi bên về ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, giáo dục, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì hai nước còn nhiều tiềm năng để triển khai quan hệ đối tác vì lợi ích chung.

Dư luận mong rằng báo chí Việt Nam cần làm tốt hơn nữa bằng cách đưa tin cả hai chiều giống như báo chí ngoại quốc. Chỉ có như thế thì mới hy vọng nền dân chủ, nhân quyền mà lãnh đạo Hà Nội thường nhắc nhở mới có cơ hội phát triển và trở thành hiện thực.

.

Theo dòng thời sự:

Tín đồ PGHH bị đàn áp nặng tại vùng ĐBSCL

Tín đồ Phật giáo Hoà hảo Thuần tuý lại bị sách nhiễu

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lại bị cản trở hành đạo

Tín hữu Tin Lành ở Việt Nam có được tự do hành đạo?

Nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề

Bà Hillary Clinton thúc đẩy nhân quyền tại VN, dư luận nghĩ gì?

Dân biểu Hoa Kỳ họp báo về nhân quyền Việt Nam

Stephanus Foundation vinh danh Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân

RSF vận động trả tự do cho các LS Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài

Tù chính trị bị đối xử tệ trong khi thọ án

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: