Sunday, July 25, 2010

ÔNG VÕ VĂN ÁI XIN VIỆT NAM ĐẶC XÁ TỬ HÌNH CHO SINH VIEN PHAN MINH MẪN

Ông Võ Văn Ái viết thư gửi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết xin đặc xá tử hình cho sinh viên Phan Minh Mẫn

Võ Văn Ái

2010-07-24 QUE ME

http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=1340

.

PARIS, ngày 24.7.2010 (QUÊ MẸ) - Từ Paris, ngày hôm qua 23.7.2010, ông Võ Văn Ái nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam viết thư gửi ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch CHXHCN Việt Nam, xin đặc xá từ hình cho sinh viên Phan Minh Mẫn, 20 tuổi, vừa bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án tử hình hôm 17.7 vì tội giết người cha nghiện rượu đã thường xuyên đánh đập vợ con.

Ông Võ Văn Ái kêu gọi sự khoan hồng cho người sinh viên học giỏi, con một gia đình nghèo. Ông Ái nhìn sự việc này “nẩy sinh từ tấn bi kịch xã hội hơn là vì tình trạng phạm tội thuần túy” đồng thời minh họa những tệ nạn kinh tế và xã hội trầm trọng tại Việt Nam ngày nay. Do sự kiện thân phụ của Phan Minh Mẫn mất việc trong nghề tài xế chở hàng thuê, lại không được Nhà nước tương trợ, ông rơi vào tuyệt vọng, rồi nghiện rượu, nên “đổ hết sự oán hận của đời mình lên đầu gia đình, đánh đập vợ con sống dở chết dở”.

Đồng thời và chắc chắn rằng, mặc bao diễn văn tự mãn của nhà cầm quyền Việt Nam về sự bảo vệ quyền phụ nữ, hoàn cảnh bi đát của người phụ nữ tại Việt Nam vẫn không được giải quyết. Chỉ nói riêng nạn bạo hành, chồng đánh vợ, mà sinh viên Phan Minh Mẫn đã không thể làm gì khác hơn để bảo vệ mẹ mình. Trong thư gửi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, ông Võ Văn Ái cho biết rằng mỗi ba ngày có một phụ nữ Việt Nam chết thảm vì nạn chồng đánh vợ.

.

Việc hành hình sinh viên Phan Minh Mẫn, sau án lệnh tử hình mà tòa án chẳng để tâm đến tình trạng bao quanh vụ án, theo ông Ái có nghĩa rằng, CHXHCN Việt Nam đã nhắm mắt trước sự khổ đau của nhân dân nước Việt khi hành xử bằng đàn áp thay vì phòng ngừa để xử lý các tệ nạn xã hội và kinh tế.

.

Ông Võ Văn Ài kết thúc bức thư xin đặc xá tử hình cho sinh viên Phan Minh Mẫn, bằng lời kêu gọi CHXHCN Việt Nam “tháp tùng với các nước văn minh trong thế giới đã từ lâu hủy bỏ án tử hình”. Về án tử hình tại Việt Nam, xin xem trên Trang nhà Quê Mẹ hồ sơ bằng Anh ngữ của chúng tôi công bố tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 Chống án tử hình tháng 2.2010 « The Death Penalty in the Socialist Republic of Vietnam : http://www.queme.net/eng/doc/The_Death_Penalty_in_Vietnam.pdf

.

Sau đây là toàn văn thư gửi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết :

Kính gửi Ông Nguyễn Minh Triết

Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam

1, Bách Thảo

Hà Nội

Fax : +84 4 3823 1872

Paris, ngày 23.7.2010

.

Thưa Ông Chủ tịch,

Tôi viết thư hôm nay mong cầu ông xuống lệnh đặc xá tử hình cho người sinh viên 20 tuổi có tên Phan Minh Mẫn vừa bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án tử hình hôm 17.7 vừa qua vì tội giết cha.

Tội mà đương sự đã thú nhận và ăn năn trước tòa là một trọng tội khủng khiếp. Thế nhưng CHXHCN Việt Nam chẳng thu đạt được gì khi kết án khắc khe với sự việc nẩy sinh từ tấn bi kịch xã hội hơn là vì tình trạng phạm tội thuần túy. Gia cảnh Phan Minh Mẫn rất nghèo. Người mẹ thắt lưng buộc bụng cho con ăn học tại Trường Cao đẳng Kinh tế Nghiệp vụ ở Phú Lâm, cậu sinh viên này được tiếng hiền lành, ngoan ngoãn và là học sinh giỏi có tương lai của trường. Cha của Mẫn là tài xế chở hàng thuê nhưng ngày càng mất việc, ông trở nên nghiện rượu và đổ hết sự oán hận của đời mình lên đầu gia đình, đánh đập vợ con sống dở chết dở.

Sau một trong những trận đòn tàn nhẫn như thế, thấy mẹ quá khổ đau, Phan Minh Mẫn đã phạm một điều chẳng sao hàn gắn. Tiếc thay Tòa án Nhân dân đã không chú tâm tới tình trạng khiến án mạng gây ra để hiểu rõ động cơ của Mẫn nên đã tuyên án tử hình cho y.

Việc hành hình Phan Minh Mẫn có thể ngăn cản được những tội phạm cùng mô thức khác tại Việt Nam chăng ? Chúng tôi không tin điều ấy. Trước hết việc hành hình này sẽ làm đổ nát một gia đình mà cột trụ chống đỡ vừa mới qua đời, cuộc hành hình còn làm tắt nghẽn niềm hy vọng được nhìn thấy đứa con nuôi sống gia đình sau khi học hành thành đạt.

Mặt khác, án tử hình Phan Minh Mẫn đang gọi kêu lương tri người dân Việt, lương tri ông Chủ tịch, rằng CHXHCN Việt Nam đang chịu đựng những vấn nạn kinh khiếp trên phạm vi kinh tế và xã hội, đẩy toàn dân vào sự bấp bênh và tuyệt vọng, làm nẩy sinh ra biết bao tấn bi kịch não lòng. Tôi dám nghĩ rằng, phải đoan quyết như một mệnh lệnh cách, nhằm khai trừ các tệ nạn xã hội không bằng sự đàn áp khốc liệt mà bằng biện pháp phòng ngừa, tức bảo vệ quyền người lao động cũng như cứu tế người thất nghiệp và giới công nhân có đời sống bấp bênh.

Hơn nữa, dù rằng CHXHCN Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ quyền người phụ nữ, thế nhưng mỗi ba ngày là có một phụ nữ chết vì nạn chồng đánh vợ. Thực tế này được phản ảnh trên báo chí Việt Nam hẳn đã gây ấn tượng vào đầu óc sinh viên Phan Minh Mẫn khi y thấy người mẹ thân yêu bị đánh đập thường xuyên và y chẳng nghĩ gì khác hơn là phải bảo vệ mẹ mình.

Thưa Ông Chủ tịch,

Việc hành hình sinh viên Phan Minh Mẫn sẽ là một tín hiệu xấu vào lúc Việt Nam đang ngồi ghế Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Đông Nam Á và Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ thuộc Hiệp hội Đông Nam Á. Cuộc hành hình sẽ là bức thông điệp của sự đàn áp đối với những trọng tội dù khắt khe đến đâu, nhưng lại nhắm mắt trước những tình trạng giảm khinh, nhắm mắt trước những bạo hành phụ nữ và ấu nhi, nhắm mắt trước cảnh khốn quẫn của người công nhân đang sống với đồng lương lao dịch. Sau hết, cuộc hành hình mà hậu quả là chấm dứt một tương lai xán lạn mà sinh viên Phan Minh Mẫn mang trong người y trước khi tai nạn xẩy ra.

Vì vậy, thưa Ông Chủ tịch, tôi xin kêu gọi từ tâm và lòng độ lượng của ông Chủ tịch đặc xá tử hình cho sinh viên Phan Minh Mẫn. Đây sẽ là một hành xử đáng ghi, mà chúng tôi hy vọng rằng qua đó, Việt Nam trong một ngày gần đây sẽ tháp tùng với các nước văn minh trong thế giới đã từ lâu hủy bỏ án tử hình.

Xin ông Chủ tịch CHXHCN Việt Nam nhận nơi đây lời chào trân trọng của tôi.

(ký tên)
Võ Văn Ái
Chủ tịch
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam

98 32 61 - E-mail : queme@free.fr - Web : http://www.queme.net

.

.

.

Bản án vô tình & Trách nhiệm của Xã Hội

Tuổi Trẻ

Thứ Hai, 26/07/2010, 05:38 (GMT+7)

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/391580/Tham-canh-gia-dinh.html

Chồng bị con giết chết, người vợ khốn khổ (do thường xuyên bị chồng hành hạ) và là người mẹ đáng thương này (không bảo vệ được con) đang phải tiếp tục đối mặt với một thảm cảnh khác: con của chị vừa bị tòa kết án tử hình.

Theo cáo trạng, ông Phan Thế T. nhiều lần nhậu say về chửi mắng và đập phá đồ đạc trong gia đình nên Phan Minh Mẫn (20 tuổi, sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm) – con ruột ông T. – đem lòng oán hận. Chiều 9-11-2009, Mẫn đi học về thấy cha say rượu đang nằm ngủ dưới sàn phòng khách. Nhớ lại cảnh cha say rượu, đánh mẹ dã man hai ngày trước, Mẫn nảy sinh ý định mua dây điện về chích cha.

Sau khi mua mấy thứ cần dùng, Mẫn lấy ổ cắm điện dẫn điện từ phòng mình ra chỗ cha ngủ, rồi cắm phích vào ổ điện, gí dây điện vô người cha cho đến khi ông nằm bất động.

Tại phiên tòa ngày 16-7-2010, chưa đến giờ khai mạc nhưng người thân của bị cáo và cũng là gia đình của bị hại đã có mặt trong phòng xử từ rất sớm. Dù trước đó tòa còn xử một vụ án khác nhưng họ nhất định không chịu rời phòng xử, ánh mắt đầy lo lắng. Bà nội và mẹ của Mẫn ngồi ngay dãy ghế trên cùng, sát nơi lưu phạm, cả hai cứ nhấp nha nhấp nhổm nhìn vào trong. Họ mong lắm được nhìn thấy con, cháu mình.

Tội “trời không dung, đất không tha”

Gần 10g sáng, Mẫn được dẫn đến trước vành móng ngựa, thân hình bị cáo lọt thỏm trong chiếc áo sơmi sọc nhăn nhúm. Không ai có thể nhìn thấy nét mặt bị cáo bởi Mẫn luôn cúi gằm mặt, hai tay xoắn lấy nhau. Mẫn luôn giữ thái độ lễ phép khi đối đáp với hội đồng xét xử.

Khi được hỏi về quan hệ với nạn nhân và nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, giọng Mẫn nặng trĩu: “Bị cáo là con ruột của ông T.”. Được hỏi vì sao giết cha, Mẫn nói: “Cha bị cáo là tài xế nhưng thường xuyên say rượu nên ít mối kêu chở hàng. Mỗi lần say là ông đập phá đồ đạc, đánh đập mẹ và anh em bị cáo. Hôm đó đi học về thấy cha nằm ngủ, nhớ cảnh cha đánh mẹ hai hôm trước rất tàn bạo mà bị cáo can không được, bức xúc quá nên bị cáo mới mua dây điện về…”.

“Là sinh viên, bị cáo nhận thức rất rõ việc dùng dây điện chích vào người là hậu quả thế nào. Cha bị cáo đã chết. Về đạo lý xã hội, đạo đức gia đình, bị cáo thấy hành vi của mình thế nào?” – chủ tọa lớn tiếng bức xúc. “Bị cáo có tội với gia đình, có tội với pháp luật” – Mẫn lúng túng, run rẩy trả lời.

Được tòa hỏi, bà nội Mẫn rưng rưng nước mắt xác nhận chuyện cha Mẫn đánh đập vợ con: “Một phần cũng do con trai tôi quá tệ. Đã 20 năm nay con dâu tôi phải đi làm thuê nuôi con nhưng luôn bị nó đánh mỗi khi say rượu. Nhà có thứ gì nó cũng đập tan tành. Nhiều lần vì quá thương dâu, thương cháu, tôi khuyên nó thôi chồng đi chứ sống như vậy khổ quá… Còn cháu nội tôi vốn rất ngoan hiền, đến hàng xóm cũng phải thương yêu nhưng lại bồng bột, thiếu suy nghĩ quá. Xin tòa tha tội cho nó…”. Giọng bà lão như xé lòng người dự khán.

Phát biểu quan điểm về vụ án, vị công tố cho rằng Mẫn đã phạm vào cái tội mà “trời không dung, đất không tha” nên đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt Mẫn mức cao nhất là tử hình.

Lời vị công tố vừa dứt, nhiều tiếng thảng thốt vang lên từ phía gia đình Mẫn cùng những vẻ mặt bàng hoàng, những ánh mắt lo lắng cực độ. Em gái của Mẫn bật khóc nức nở cuống quýt quay sang mẹ định nói điều gì nhưng chị đang chắp tay nguyện cầu, nước mắt lã chã. Ngồi cạnh bên, mái đầu bạc phơ của bà nội Mẫn đã gục hẳn xuống ghế.

Tòa nghị án khá lâu, vẫn không người nào trong gia đình Mẫn rời khỏi chỗ, không một tiếng trao đổi. Tất cả dường như đang nguyện cầu, hi vọng…

Tiếng chuông báo tuyên án xé toang không gian ngột ngạt, căng thẳng. Với những lời nhận định nghiêm khắc, hội đồng xét xử đã tuyên bố: “Phạt bị cáo Phan Minh Mẫn mức án tử hình…”.

Bản án chưa tuyên xong, nhiều tiếng than đau đớn, tiếng nức nở vang lên. Bà nội Mẫn ngã quỵ xuống ghế, ôm ngực. Còn mẹ Mẫn bất chấp hàng chục cảnh sát tư pháp bao quanh vẫn lao đến vành móng ngựa để ôm con nhưng đã bị ngăn lại. Chiếc còng lạnh lẽo bập chặt hai tay Mẫn ra phía sau, bóng Mẫn mất hút qua làn nước mắt của mẹ.

Hậu quả của bạo lực gia đình

Ngày 22-7, đã phần nào trấn tĩnh sau phiên tòa, bà Nguyễn Thị Kim Ánh, mẹ của bị cáo Mẫn, tâm sự rằng: cha Mẫn thường uống rượu, mỗi lần say như trở thành một người khác, hung hăng, dữ tợn, thường kiếm cớ chửi mắng vợ con. Bà là người hay bị chồng chửi, đánh nhiều nhất. Nhà có gì đập được là ông dùng để đánh bà, đánh trước mặt con cái.

Gia đình nghèo, bà làm tạp vụ cho một công ty, lương tháng 1,5 triệu đồng, cộng với thu nhập ít ỏi của chồng nên việc chi tiêu trong gia đình chẳng dễ dàng. Có lần thấy nhà khó quá, Mẫn đã xin nghỉ học để tìm việc phụ gia đình. Được gần một năm, Mẫn lại náo nức muốn đi học và tự tìm trường xin học.

Bà kể thêm do thương con đi học xa, vợ chồng bà dành tiền mua được chiếc xe máy cho Mẫn đi học. Thế nhưng, cũng vì chiếc xe này mà hai cha con bất hòa. Hễ cứ thấy Mẫn đi học về trễ chút là cha lại chửi, nói Mẫn dùng xe để đi chơi, đòi lấy lại xe. Đã có lần tự ái nên Mẫn trả lại xe máy, đến nhà bà nội ở và đi học bằng xe buýt. Thế nhưng khi nghe mẹ khuyên lơn, Mẫn về lại nhà.

Hỏi vì sao không tìm cách giải quyết bạo lực gia đình, để con cái chứng kiến mãi cảnh đó ắt sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, bà giãi bày: “Dù chồng thường xuyên đánh đập, chửi bới vợ con nhưng không hiểu sao tôi không dứt tình được. Có lẽ tôi còn mắc nợ ổng. Mà thật ra, lúc không say xỉn ổng cũng không đến nỗi”.

Bà kể: lần gần nhất mà chồng bà gây gổ với vợ con là hai ngày trước khi xảy ra vụ án. Chồng bà lại say rượu, cầm luôn cây quạt đứng phang thẳng vào người bà. Mẫn đã chạy tới đỡ cho mẹ nhưng không kịp, đành chụp lấy cây quạt để bà thoát ra ngoài.

Cũng vì bức xúc cho mẹ mà Mẫn đã hành động rồ dại. Theo bà Ánh, bình thường Mẫn thương yêu gia đình lắm, rất hay nghe lời nội và các cô chú. Bà còn kể khi đem quà thăm nuôi, Mẫn nói rằng trong trại giam Mẫn chung phòng với một người bạn tù bị mồ côi, không có người thăm nuôi nên dặn bà nếu có mua quà thì mua thêm để Mẫn chia cho bạn. Kể đến đó, giọng bà chùng xuống.

Bà Ánh cho biết vừa làm xong tờ xin xác nhận, có chữ ký của hơn chục người hàng xóm láng giềng rằng Mẫn là người có nhân thân tốt, chưa từng có vi phạm, tiền án tiền sự gì tại địa phương để gửi lên tòa phúc thẩm. Người mẹ ấy đang nuôi hi vọng về một phán quyết có hậu hơn cho người con trai tội lỗi của mình.

------------------------------

Luật sư: bị cáo chưa đến nỗi không còn cải tạo được

Luật sư Lê Thị Ngọc Nhã, người bào chữa cho Phan Minh Mẫn, cho biết đã trăn trở rất nhiều từ sau phiên tòa. Bà nói: “Đã nhiều lần tiếp xúc với bị cáo ở trại giam, tôi thấy Mẫn rất buồn và tỏ ra ân hận nhiều về tội lỗi của mình. Giết người, nhất là giết cha ruột của mình, dù có vì bất cứ lý do nào chăng nữa cũng là một tội ác khó tha thứ.

Tuy nhiên, khi xét xử một con người không chỉ căn cứ vào hành vi mà còn phải cân nhắc đến nhiều điều khác nữa. Trước khi phạm tội, Mẫn là sinh viên, từng được mọi người xung quanh đánh giá có đạo đức tốt. Cá nhân tôi cho rằng bị cáo không phải là người không còn khả năng cải tạo đến nỗi phải cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội”.

Hội đồng xét xử: hành vi giết cha của bị cáo rất dã man, không còn đạo lý

Trong phần tuyên án phiên sơ thẩm TAND TP.HCM ngày 16-7-2010, hội đồng xét xử nhận định: Tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo là con, có trình độ học vấn, lẽ ra phải khuyên can cha nhưng đằng này lại giết cha. Dù nạn nhân từng có những hành vi sai trái nhưng lúc đó ông đang ngủ, không có bất cứ hành động nào gây hại.

Mẫn là con trai duy nhất, gia đình có tha thiết xin giảm án nhưng hành vi giết cha của bị cáo rất dã man, không còn đạo lý, vì vậy cần phải tuyên phạt bị cáo mức án cao nhất.

Trao đổi với chúng tôi sau phiên tòa, một thành viên hội đồng xét xử cho biết khi quyết định một bản án, nhất là bản án tử hình, hội đồng đã cân nhắc, đắn đo kỹ lưỡng. Bản án tử hình đối với Mẫn được các thành viên hội đồng nhất trí cao, căn cứ trên tính chất hành vi phạm tội của bị cáo. Hình phạt với Mẫn không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà còn để giáo dục chung.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là quan điểm của hội đồng sơ thẩm, nếu bị cáo và gia đình có kháng cáo hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ quyết định bản án chung thẩm cuối cùng.

NGUYỄN ĐÍNH – CHI MAI

.

.

.

No comments: